Thụy Du Thiên Miên

Chương 47: Tiếng Đồn


trước sau

Vào đến biên giới Thổ quốc, Thuỵ Miên bất ngờ cảm thán, không phải vì vẻ đẹp sông nước hữu tình như ở Mãn quốc, cũng chẳng phải cảnh sắc thanh bình giống như ở Dược Trang thành trấn mà là vì cảnh vật nơi đây nhuốm một màu xơ xác hoang tàn, mang lại cảm giác bi thống cùng khổ. Không những vậy, thời tiết nắng nóng, không khí oi bức, làm cả đoàn người nhanh chóng mệt lả.

Cát Uy ca thán: “Trời đã về chiều mà mặt trời nóng gay gắt như đổ lửa. Thổ Quốc quanh năm khắc nghiệt, quả là không sai.”

Đắc Di nhìn Thuỵ Miên và mọi người đã rũ rượi dưới nắng gắt bí bức, liền phân phó với Lý Tư và Lê Ba: “Hai người để ý tìm một tửu lâu hay quán trọ, chúng ta dừng chân nghe tin tức, nghỉ ngơi qua đêm rồi tính tiếp.”

Xe ngựa đi hồi lâu thì bắt gặp bên ven đường đầy cát bụi một tửu quán trông khang trang nhất vùng. Tửu quán chỉ được vẻ ngoài to lớn, bên trong vô cùng sơ sài. 

Trong quán bày trí bàn ghế xộc xệch cũ nát, sàn nhà ọp ẹp tạo thành những tiếng rên rỉ theo gót chân của lãng khách. Ngoài vài khách du thực từ nơi khác đến có thể dễ dàng được nhận ra bởi cách ăn mặc khác lạ, lại tươm tất gọn gàng, thì dân chúng Thổ quốc đều mặc y phục cũ kỹ xờm vải. Người lớn đen đúa gầy gò, trẻ con nhem nhuốc đói khát thê lương.

Tiểu nhị của quán mặc một bộ quần áo đã ố xỉn, cầm bình trà nhanh nhẹn chạy lại tiếp khách. Thuỵ Miên liền gọi: “Nơi đây ngươi có gì ăn ngon, mang hết lên cho ta.” Đi lại đã lâu ngày, chịu nhiều vất vả, nàng mong muốn tự thưởng cho mình và mọi người một bữa thịnh soạn.

Nhưng khi tiểu nhị bê lên những món xào, lại chỉ có lơ thơ vài miếng thịt tong teo trộn lẫn, từ tâm trạng chờ đợi háo hức, Thuỵ Miên nhanh chóng trở nên thất vọng. Đồ ăn tuy chế biến không tồi, nhưng không phải đầy đặn thịt thà cá tôm, nên dù ăn hết, trong lòng Thuỵ Miên vẫn hậm hực, liền gọi tửu nhị ra hỏi chuyện: “Này tiểu nhị, ngoài những món này ra, quán của ngươi chẳng nhẽ không có gì phong phú hơn sao?”

Tiểu nhị chắp tay thưa: “Tiểu thư, đây đã là những món ăn ngon nhất trong quán của chúng ta rồi. Mỗi món ăn người gọi, đều là đã dùng gần hết thịt thà trong ngày hôm nay của quán ta rồi đấy. Quý vị có gì không vừa ý sao?”

Thuỵ Miên trả lời: “Không phải, chỉ là ta đi đường mệt mỏi, muốn được ăn nhiều đạm để tẩm bổ, cũng không ngờ thịt thà ở đây lại khan hiếm đến vậy.”

“Thổ quốc đâu đâu cũng chỉ toàn độc, cây độc, vật độc, ở đây chúng ta sống kham khổ, quả thật là khó có thể tìm được nơi nào đất đai màu mỡ mà chăn nuôi cải thiện đời sống.” Tiểu nhị thật thà nói.

“Các vị là từ nơi khác đến?” Một lữ khách ngồi bàn bên cạnh nghe chuyện quay sang hỏi bọn họ.

Lý Tư trả lời: “Bọn ta trên đường có việc, đi qua Thổ quốc để thăm bằng hữu, cũng không ngờ dân chúng nơi đây lại sống cơ cực thế này.”

Lữ khách tiến lại gần bàn họ, phong thái thương nhân phóng khoáng, không ngại ngần ngồi xuống rồi nói: “Đúng vậy, ta đây là thương lái từ nơi khác đến làm ăn, hàng năm đều qua Thổ Quốc hai lần để vận chuyển lương thực. Để vào thành trấn, đều phải đi qua đường này. Trên đường đi đã quen cảnh người dân Thổ Quốc đói khổ, ta lại càng thấy mình may mắn, không phải sống ở nơi thổ dữ như vậy.”

Lê Ba liền nói: “Ồ, ngài là thương nhân từ đâu đến?”

“Ta là từ một thị trấn nhỏ của Mãn quốc đến.” thương nhân trả lời, “tên ta là Lã Phú.”

“Lã Phú tiên sinh, chúng ta là lần đầu đến Thổ Quốc, còn lạ nước lạ cái, không ngờ lại gặp được tiên sinh đã đi lại nơi này nhiều năm, quả là may mắn.” Lê Ba nói rồi giới thiệu mọi người trong đoàn với Lã Phú.

“Đúng vậy, ta đã làm ăn ở Thổ Quốc bao năm nay. Nói cho các người biết, ở trong kinh thành, dân chúng phần đông cũng chả khá hơn nơi này là bao. Trộm cướp tội phạm xảy ra nhan nhản, cảnh tình thật phức tạp hỗn loạn. Chính vì thế mà ta mới có cơ hội phát triển giao thương cả những mặt hàng cơ bản nhất như lương thực.” Lã Phú kể chuyện.

“Vậy sao không ai làm gì để thay đổi?” Thuỵ Miên tò mò hỏi: “Chẳng nhẽ chính quyền không có quy định, không có chấp pháp sao?”

Lã Phú thở dài: “Dân khổ thì nước suy, nước suy ắt do tham quan. Chính vì quan lại nhận hối lộ đút lót, cướp của giết người, nên mới dẫn đến tình trạng này. Quan là người ra luật, vậy thì chúng làm luật cho chính mình, làm gì vì dân đen mà bảo vệ chứ. Ta nghe nói, ngay cả Thổ vương cũng không khấm khá hơn là bao. Hoàng đế Thổ quốc vô cùng độc ác lại say mê dùng độc, nên nào có ai dám đứng lên chống trả.”

Thuỵ Miên suy nghĩ miên man: “Đúng như lời Bửu Toại đã kể cho ta, với một chế độ như thế này, khó khăn đã đủ bề, chính quyền lại bàng quan không chấn chỉnh đất nước, Thổ Quốc không sớm thì muộn sẽ đến bờ tiêu vong.”

Cát Uy liền hỏi: “Lã Phú, nếu ngài đã quen thuộc Thổ Quốc, có thể nói cho chúng ta biết đường lên núi Nam Cư?”

Cát Uy vừa dứt lời, Lã Phú đã đánh rơi ngay ly rượu trên tay, lắp bắp ngã ngửa ra đằng sau, chỉ tay vào bọn họ mà nói: “Các người, các người lên núi Nam Cư làm gì? Các người có liên hệ gì với sơn tặc trấn núi Nam Cư?

Nghe Lã Phú nói, toàn bộ quan khách lúc này người đứng người ngồi, cốc chén rơi loảng xoảng, im lặng cùng nhìn về phía Hội Tam Bảo.

Cát Uy nhanh chóng nhẹ giọng xoa dịu: “Lã Phú, ngài đã hiểu lầm rồi. Chúng ta đi thăm bằng hữu, nào có liên quan gì đến đám sơn tặc núi Nam Cư. Bằng hữu của ta viết thư có nói đang ở tại nơi đó, nên bọn ta đến đây chỉ vì tìm người.”

Lã Phú lúc này cảnh giác, ánh mắt nghi hoặc hỏi: “Các người từ nãy vẫn chưa nói mình từ đâu đến?” 

Cát Uy bình tĩnh trả lời: “Cha ta là quản gia của cửa hiệu Dược Tinh tại thành Dược Trang núi Tử Lâm, thuộc quyền sở hữu của Bửu Diệp đại lão gia, không biết người có nghe tiếng? Chúng ta đều từ Dược Trang thành đi du ngoạn mà đến.”

Lã Phú ngạc nhiên, nhưng không buông ngờ vực, tiếp tục hỏi: “Ồ, các người là từ Dược Trang thành, là người trong phủ của Bửu đại lão gia Bửu Diệp? Ta có quen biết với Bửu Diệp lão gia, lại nghe nói mấy tháng trước, Bửu đại công tử gặp chuyện bị thương, giờ này không hiểu công tử đã thế nào rồi?” 

“Bửu đại công tử của Bửu gia là Bửu Toại đã được chữa khỏi, đã hết bệnh từ hơn ba tháng nay.” Thuỵ Miên trả lời, đoán biết đây là Lã Phú muốn kiểm tra xem bọn họ có đúng là từ Dược Trang thành đến hay không.

Lã Phú nghe vậy vẻ mặt mới giãn ra, vui mừng gật đầu: “Các người đúng là người của Bửu gia. Thật là làm người khác sợ hết hồn.” Các khách điếm trong tửu lâu cũng yên tâm quay lại việc ăn uống bàn chuyện của mình.

Cát Uy liền hỏi: “Sao Lã Phú tiên sinh lại có vẻ kinh hãi khi nghe đến núi Nam Cư như vậy? Có chuyện gì xảy ra ở đó sao?”

Lã Phú rùng mình kể chuyện: “Núi Nam Cư là ngọn núi dữ. Ta khuyên các người nếu tránh được, đừng nên mạo hiểm mà tìm tới. Ta có thể chỉ cho các người đường tới gần đó, nhưng ta cũng không biết thêm gì hơn. Ở trên núi này có một đám sơn tặc nổi danh hoành hành khắp vùng. Mười năm trước, chúng đã ra tay tàn sát hết cả một làng mạc dưới chân núi, không chừa một ai, kể cả là người già và trẻ nhỏ. Nghe đồn là do nữ chủ soái của đám sơn tặc ra lệnh. Chính vì thế, mà từ đó thương lái chúng ta không ai dám đi con đường gần khu vực này, sợ tai bay vạ gió.”

“Nữ tướng cướp ư?” Thuỵ Miên liền hỏi.

“Đúng vậy” tiểu nhị hóng hớt nghe chuyện nãy giờ liền tham gia: “Nữ tướng cướp này trấn ở núi Nam Cư đã mười mấy năm nay. Dân trong vùng này đồn rằng võ công của ả cao cường, lại chuyên rình rập các đoàn thương lái. Tốt nhất là các người nên từ bỏ hy vọng đi tìm bằng hữu của mình đi. Chỉ sợ không cứu được người, còn chịu chung số phận hẩm hiu.”

Lê Ba nói với Lã Phú: “Cảm tạ tiên sinh đã chỉ giáo, bằng hữu của chúng ta đang đợi, không thể không đi. Mong tiên sinh toại nguyện chỉ đường cho chúng ta lên núi.”

Lã Phú lắc đầu ngao ngán, nhưng vẫn vẽ ra đường đi trên bản đồ, trao cho bọn họ, nói: “Ta cũng hết cách. Vậy chỉ còn biết chúc các ngươi thượng lộ bình an, mau chóng tái ngộ bằng hữu.”

Hội Tam Bảo thuê tạm mấy phòng trọ tồi tàn để qua đêm trong trấn nhỏ. Ban đêm trong trấn, thỉnh
thoảng lại có tiếng khóc và tiếng rên rỉ ai oán vang lên, làm Thuỵ Miên có một giấc ngủ chập chờn không yên. Sáng dậy, bọng mắt của nàng thâm quầng đen xì trông vô cùng thê thảm. Đắc Di lo lắng hỏi thăm nàng mãi không thôi, trong khi Mặc Cảnh ân cần đưa cho nàng một bịch lá trà xanh đã được làm ấm để đặt lên hai mắt. Thuỵ Miên dù mệt mỏi, cố ngủ thêm trên xe ngựa những cũng không được yên giấc. Đường đi lên núi càng lúc càng xóc nẩy gập ghềnh.

Với sự chỉ dẫn của Lã Phú, đoàn người Hội Tam Bảo mãi cũng tìm được đến chân núi Nam Cư. Thời tiết của Thổ quốc khắc nghiệt, lúc mới đến thành nhỏ nơi biên giới, Thuỵ Miên còn bị không khí oi bức nóng nực làm cho khó thở, thì khi đến chân núi Nam Cư, thời tiết đã nhanh chóng chuyển lạnh, không phải cái lạnh mát thông thường mà là hàn khí với gió thổi căm căm như muốn cắt da cắt thịt.

Xe ngựa không thể dùng để đi lại trên đường núi gập ghềnh nhiều sỏi đá, nên đoàn người quyết hy sinh cắt dây cương thả ngựa đi. Xe kéo đã sử dụng khoảng hai tháng nay cũng được để lại trơ trọi dưới chân núi. Thuỵ Miên cùng mọi người đành phải di chuyển bằng chân, liên tiếp trượt ngã trên núi đá lởm chởm. Thuỵ Miên chân tay vụng về, không quen leo trèo, tránh không khỏi trầy xước, lại gặp thời tiết lạnh, chỗ tay chân bị thương liền sưng tấy mẩn đỏ. Nàng từ chối không muốn nhờ ai giúp đỡ, tránh làm mọi người bị chùn chân vì mình.

Càng lên cao, không khí càng se lạnh. Điều này vừa làm cho việc đi lại thêm phần khó khăn, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy đoàn người đang đi đúng hướng. Đắc Di nói: “Thanh Huyền Bích Kiếm được lưu giữ trong tảng đá băng, thời tiết ngày càng rét buốt này rất hợp với miêu tả về nơi cất giấu của nó.”

Thuỵ Miên cùng Thuý Như đi giữa đoàn người. Thuý Như vừa leo trèo vừa giữ Bạch Hồ trên tay, nhanh nhẹn thoăn thoắt. Bạch Hồ tuy có bộ lông dày dặn nhưng lại run rẩy sợ rét, co ro trong vòng ôm ấp của Thuý Như, nhắm mắt lim dim chống trả với khí hậu khắc nghiệt. 

Trời đổ về sắc chiều tà, hoàng hôn cũng lặn sau ngọn núi màu đất khô cằn, tất cả sắc màu nâu đỏ cùng gió lạnh gào thét tạo ra bức tranh phong cảnh thê lương. 

Thuỵ Miên đang mải dừng lại hổn hển thở trước cảnh hoàng hôn tắt nắng, thì chợt nàng nghe thấy tiếng loạt xoạt từ những tảng đá gai góc xung quanh, ngay sau đó là nhiều tiếng bước chân đang lại gần chỗ họ. Chỉ mấy giây sau, tiếng binh khí va chạm hỗn loạn, Thuỵ Miên chỉ kịp nghe thấy tiếng Cát Uy hô lên báo hiệu: “Sơn tặc”, tiếp đó là tiếng gào thét tấn công của đám người lạ. Cùng lúc đó là tiếng Đắc Di cảnh báo: “Mọi người cẩn thận”.  Mặc Cảnh hướng về phía Thuỵ Miên dặn dò: “Trốn phía sau”.

Thuỵ Miên ngoái sang nhìn thấy Thuý Như đang chân tay bủn rủn. Đám sơn tặc kéo đến đông như kiến, nàng nhanh chóng nắm tay Thuý Như đang ôm Bạch Hồ chạy ra sau hai tảng đá lớn, mỗi tảng đá vừa đủ che chắn cho một người. Hai nàng ngồi xụp xuống cố giữ bình tĩnh.

Tiếng binh khí leng keng không ngừng. Thuỵ Miên lấy làm ngạc nhiên, nếu đám người này chỉ là sơn tặc bình thường, sao họ có thể đấu lại với Hội Tam Bảo có dũng tướng Mộc Hải và mấy người võ thuật siêu đẳng như Đắc Di và Mặc Cảnh. Nàng tò mò kìm không nổi, nhổm lên ngó nhìn từ sau tảng đá mình đang trốn. 

Thuỵ Miên vừa trồi đầu lên, đập vào mắt nàng là một tên tiểu tử nhỏ thó. Hắn toe toét mỉm cười, nói to với những người đứng đằng sau: “Mỹ nhân đây rồi. Chủ soái cuối cùng cũng có thể lập thêm tiểu thiếp.” 

Không mất phút nào, một nam nhân cao to đằng sau tiểu tử nhỏ thó tay cầm gươm lăm le tiến lại gần chỗ Thuỵ Miên đang nấp. Nàng liếc thật nhanh sang Thuý Như đang lóng ngóng sau tảng đá bên kia, không biết tình thế đã trở nên nguy hiểm. Trong đầu nàng nhanh chóng xác định: “Mình phải chạy ra chỗ khác, nếu không sẽ liên luỵ đến Thuý Như.”

Trước khi nam nhân to con đến gần Thuỵ Miên thì nàng đã vùng dậy, chạy ra xa tảng đá nơi Thuý Như và Bạch Hồ đang trốn. Vừa chạy, nàng vừa quay lại nhìn về phía đám người Hội Tam Bảo, thấy họ đang bị vây lấy bởi một nhóm đông đúc những sơn tặc kẻ nào kẻ nấy lăm le vũ khí. Những người này thân thủ nhanh nhẹn, lại quen thuộc địa hình, quần áo trên người họ hoà cùng màu với đất đá nâu xỉn xung quanh. Họ sử dụng thành thạo thuật ẩn thân, lúc ẩn lúc hiện lẫn vào những tảng đá to nhỏ, khó để có thể phân biệt. 

Thuỵ Miên cắm cổ chạy nhanh hết sức có thể. Khi đã đi xa được một đoạn, nàng liền trốn sau một gốc cây to, cành lá đã héo khô trụi sạch. Trái tim của nàng đang đánh trống từng hồi căng thẳng bên trong lồng ngực, nhưng nấp mãi mà Thuỵ Miên cũng không nghe thấy tiếng ai đuổi theo, nàng liền chậm chạp ngó đầu ra. Xung quanh không có bóng người, nàng thở phào vui mừng tin rằng mình đã thoát nạn. 

Lúc này Thuỵ Miên mới quan sát để ý, trái tim vừa được một dịp tưng bừng giờ lại rung lên đầy cảnh báo. Vì mải chạy trốn mà nàng đã không chú ý phương hướng, giờ bị lạc đường, thân cô thế cô (1).

(1)     Thân cô thế cô: tình cảnh đơn độc yếu thế

Nàng đành lần mò dò đường đi ngược lại để tìm Hội Tam Bảo, vừa leo trèo vừa lo lắng bất an trong lòng, không biết trong đoàn người có ai gặp gì bất trắc. Đường đi quanh co, nơi nơi cùng một màu đất làm nàng nhiều lần ngập ngừng dừng lại xác định phương hướng. Bất chợt phía trước xuất hiện một vệt vàng uyển chuyển di động. Thuỵ Miên giật mình, cả người cứng đơ bất động, căng mắt nhìn về nơi vừa phát ra tiếng gầm gừ phía trước. Nàng phát hiện ra mình đang đối mặt với một đôi mắt vàng rực lấp loé ánh sáng.

Mãnh thú từ từ di chuyển ra khỏi tảng đá lớn, dưới bầu trời rọi sáng bởi sao đêm, Thuỵ Miên thấy dáng mình nó săn chắc dũng mãnh, bắp chân trước của nó vàng rậm chắc khỏe, mỗi bước đi lại để lại dấu chân với móng vuốt sắc nhọn in trên mặt đất. Chúa sơn lâm chỉ cách nàng khoảng mười bước. Thuỵ Miên giữ mình bất động nhất có thể, hai hàng mồ hôi nhỏ giọt hai bên thái dương, thẩm cầu khẩn cho con hổ đui mù điếc mũi không để ý đến mình mà nhanh chóng bỏ đi. 

Nàng vừa cảm khái số mình thật may mắn khi mãnh hổ chậm rãi chuyển hướng quay mình di chuyển về hướng khác, thì nó chợt dừng chân giữa đường, từ từ ngoảng mặt nhìn về phía nàng. Thuỵ Miên lúc này bủn rủn chân tay, cả người đã bị cơn sợ hãi lấn chiếm. Nàng muốn bỏ chạy nhưng cơ thể không nghe theo ý muốn của bản thân. 

Mãnh hổ không bỏ phí giây nào, nhìn con mồi trước mắt, lấy đà rồi lao về phía Thuỵ Miên, hai chiếc răng nanh sắc bén nhe ra trắng ởn. Thuỵ Miên kinh hãi cả người ngã ra đằng sau, chỉ kịp giơ hai tay lên chống đỡ. 

Đúng lúc nàng nhắm mắt hét lên cũng là lúc nàng nghe thấy tiếng con hổ gầm lên đau đớn. Thuỵ Miên nhanh chóng mở mắt ra nhìn: mãnh thú đang nằm im lìm trên mặt đất, bộ lông màu vàng của nó đang bê bết lẫn với máu tươi. 

Trên thân thể nó cắm một cây đao sáng quắc. Cầm chuôi đao là một nam tử cả người đang tắm trong ánh trăng đêm. Bóng dáng cao lớn của hắn phủ xuống người Thuỵ Miên đang ngồi trên mặt đất. Trên vai hắn là một con diều hâu, ánh mắt nó vàng choé lên trong màn đêm đen.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện