Thường thì Chúa Nhật Phạm Thành Nhân sẽ cùng gia đình đi Lễ, nhưng kể từ lúc tạm trú trong đây, vào ngày này cậu sẽ thức dậy thật sớm để đọc kinh một mình.
Biết cậu là Giáo Dân như mình, một viên giám thị đã tặng cậu một sợi dây chuyền có mặt là cây Thánh giá.
Ba mẹ và anh chị Phạm Thành Nhân đã vào thăm cậu ta sáng nay, mang theo rất nhiều quà bánh, trái cây và đồ dùng cá nhân cho cậu.
Dì cậu hẹn sáng mai sẽ đưa chồng con tới thăm cậu, tuy rằng không thấy mặt, nhưng giọng nói của dì đã lột tả hết nỗi niềm lo lắng cho đứa cháu trai của dì.
Hồi còn được tự do, cậu không biết quý trọng gia đình, suốt ngày chỉ biết dán mắt vào mạng xã hội xem mấy cái clip dàn dựng và hóng coi thiên hạ cãi nhau, còn không thì la cà quán xá quên cả lối về, tụm năm tụm ba với đám bạn nhiều chuyện bất hảo.
Đã bao lâu rồi cậu đã quên khuấy đi gia đình và người thân vậy?
- Ê, trái này kêu là Kiwi hả? Chua hông?
- Hông.
Ngọt, ngon lắm.
Anh Hai muốn ăn thì cứ lột vỏ ra mà ăn.
Nó chín hết trơn hết trọi rồi.
Đó, anh bóp trái nào mềm mụp là trái đó ăn được hà.
Vừa nói dứt tiếng, Phạm Thành Nhân đưa cho anh Hai năm trái kiwi mềm ngọt.
Anh Cả đang ngồi ăn gà chiên Popeyes của cậu.
Còn Lương Hảo thì ngồi đọc cuốn "Muôn kiếp nhân sinh".
- Anh Hai.
- Gì?
- Anh Hai có đức tin không?
- Có cũng như không.
Tao sống ở xóm Chùa từ bé đến lớn nhưng chưa từng đảnh lễ ông sư nào.
Phạm Thành Nhân mân mê cây Thánh giá, sau lưng có ghi dòng chữ "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".
Có đám mây nhỏ bay ngang qua buồng giam, vương lại vài vụn xốp nơi ô cửa sổ nhỏ xíu chạm trần, sắc trắng của mây xen lẫn màu xanh ngăn ngắt của nền trời ngày Hạ trông thật bình yên xiết bao.
- Nếu như mày đến với Chúa, Phật vì mong cầu những điều bản thân đang muốn thành hiện thực thì đó không phải đức tin, mà phải gọi là lợi dụng.
Phạm Thành Nhân thoáng ngạc nhiên.
Một con người thô tục nói ra câu ấy đã khiến cậu ngạc nhiên tột độ.
- Tao vẫn đang đợi ngày ấy.
Cái ngày mà tao biết đức tin của mình là gì và tao sẽ theo ai.
Có thể sau này tao sẽ trở thành Đan sĩ mặc áo dòng.
Hoặc cũng có thể sau này tao sẽ trở thành Tỳ-kheo đắp lên người chiếc áo cà-sa.
- Anh Hai?
- Gì?
- Anh tên chi?
Anh Hai không đáp, cúi mặt lột vỏ kiwi.
Móng tay của anh ta trông rất sạch sẽ, không hề có dính tí cáu ghét nào.
Cái mũi lai Tây làm cho khuôn mặt anh ta trở nên khôi ngô bội phần.
- Nhìn chú giám thị mà em nhớ tới bà giám thị dạy cấp Ba.
Mèn đét ơi bà dữ không có bút mực nào tả nỗi cái sự dữ của bả.
- Giám thị nhà nào cũng dữ ngang ngửa nhau.
Nhưng một đằng còn giữ thái độ lịch sự với mày, còn một đằng thì coi mày như kẻ đào mồ cuốc mả tổ tiên nhà nó lên vậy.
Ăn kiwi xong, Phạm Thành Nhân nằm vắt chân ngũ mà nghe bài "Ru con tình cũ" do Ngọc Lan trình bày.
Nhạc phẩm này là một trong hai ca khúc viết về cô Hồ Thị Thu.
Ngoài nhạc sĩ Đynh Trầm Ca ra, còn có "Thu, hát cho người" của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Không rõ nàng Thu trong hai ca khúc trên có thật là thiếu phụ vì chồng không may chết trận, hay đây chỉ là cách ví von của hai nhạc sĩ về sự có chồng như không của nàng.
Đời tư của nàng cũng còn nhiều khúc mắc và bí ẩn chưa được giải đáp rõ ràng...!
Bên ngoài trời đang đổ mưa to nên đám tù nhân được nghỉ lao động một buổi.
Buồng giam của bọn họ nằm ở khu vực đã lâu không ai ở, bốn bề toàn là buồng giam trống huơ trống hoác nên về đêm trông vô cùng rợn người và u ám.
Phạm Thành Nhân tánh sẵn nhát gan, hễ nửa khuya là lại chuồn qua ngủ dưới giường của Lương Hảo cho đỡ sợ, vì giường của anh ta kê sát vách tường và cạnh cửa sổ, nhờ thế mà cậu có thể thấy rõ động tĩnh ở cái giường giữa; còn nếu ngủ ở cái giường giữa thì mắt cậu sẽ chỉ thấy mỗi bóng tối ở cái giường số Ba, do đó nỗi sợ hãi càng tăng lên cực điểm.
Biết cậu sợ ma, ba người kia không đả động gì tới chủ đề kinh dị, cũng không ai lên tiếng trêu chọc cậu.
- Hảo Hảo.
- Tôi tên Hảo, không phải tên gói mỳ.
- Lương Hảo cười gằn.
- Mày ăn kiwi không?
- Có dao bổ đôi sẽ nhanh hơn.
- Anh Cả xen vào.
Trên miệng anh ta dính vài vệt sốt tương cà, "chứng tích" của việc ăn xong một bữa no nê, ngon lành.
- Mày làm như ở nhà vậy.
- Anh Hai trề môi.
Rồi càm ràm.
- Mà công nhận trái này khó lột thiệt, ý là tao có móng tay mà lột ra còn khó.
Nè, ăn đi mậy.
- Cảm ơn anh.
Chiều nay trong trại sẽ tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ nho nhỏ.
Trại giam này không một ai vướng phải các tội đại hình như giết người, cưỡng hiếp hay đâm chém, nên thái độ của nhân viên công tác nơi đây khá thoải mái và "nhẹ nhàng".
Sắp tới ngày bầu cử tổng thống nên cấp trên giao cho viên giám thị trung niên nhiệm vụ khảo sát lòng dân.
Chú chưa kịp phát phiếu khảo sát cho tên tù nhân ngồi ở bàn đầu, đã nghe hắn la ong ỏng:
- Tao bận ở tù rồi.
Hổng có quởn bầu cho thằng nào con nào đâu nghen.
Bớt làm phiền.
- Đ*má ở tù mà cũng bị bắt tham gia bầu cử.
- Các anh vẫn còn tư cách công dân hợp pháp...!- Chú ráng dịu giọng xuống.
- Ê, quỷ mắc dịch, nay mày bị trúng gió hay sao mà nói giọng ngọt xớt vậy?
Viên giám thị đập bàn một cái "Rầm":
- Giờ tụi bây muốn tao dữ như mọi hôm phải hôn?
- Ờ, chớ nhìn cái bản mặt giả tạo này bọn tao chịu hổng thấu đa.
- Khi nào có thanh tra xuống mày diễn cũng không muộn mà.
- Đứa nào lẽo lự thêm một câu nữa, tối nay đứa đó nghỉ ăn cơm.
Điền cho tao nhanh lên!
Đợi cho viên giám thị rời khỏi phòng, đám tù nhân bắt đầu nhao nhao như ong vỡ tổ.
Lớp thì hò hét gọi tên đứa kia, lớp thì tụm năm tụm ba lại thảo luận.
- Lập bàn cầu cơ đi mấy đứa ơi.
- Chi?
- Chớ tao nhìn bản mặt thằng ứng viên tranh cử nào cũng khó ưa thì làm sao chọn đây?
- Thì mày bỏ phiếu trắng.
- Bỏ phiếu trắng thì tao có lỗi với tiền thuế của đồng bào, có lỗi với đội ngũ đánh máy và thằng chó giám thị quá.
- Nếu cô Thiền ra tranh cử tao bầu liền...!Cổ dễ thương quá trời quá đất.
Ai như hai thằng Nhạc Bất Quần với Doãn Chí Bình này.
Phạm Thành Nhân đã điền xong phiếu khảo sát, rảnh rang quá nên ngồi vẽ nguệch ngoạc trên mặt bàn xước xác.
Bà cậu dặn tuyệt đối không được ký tên trên những trang giấy trắng để phòng hờ việc bị ngụy tạo chứng cứ phạm tội hoặc ép cung.
Anh Cả đang trò chuyện với một tù nhân xăm trổ đầy mình.
Hai người có vẻ quen biết nhau từ trước khi vào tù, cậu đoán thế chứ không chắc mấy.
- Đảng là đảng, Đất Nước là Đất Nước.
Đừng có ngu dốt mà xem hai thứ này là một.
Mất đảng này thì có đảng khác thay thế, nhưng mất Tổ Quốc là mất hết tất cả.
- Việt Long là đảng bù nhìn từ trước tới giờ mà.
So với Cộng Hòa và Dân Chủ, Thái Bình Thạnh Trị thì lép vế hẳn.
Anh tin ai? - Người thanh niên gãi cằm hỏi.
- Tôi không tin đảng nào hết.
Không ai biết diều sẽ đứt dây vào thời khắc nào nên hãy chú tâm tìm người có tài trước đã.
- Anh tính làm chính trị à?
Ông bác ở bàn bên quay sang nói:
- Ai dốt nát lắm mới dùng nhóm chữ "làm chính trị".
Ngay cả quyền công dân của mình còn không biết thì làm sao hiểu được tự do ngôn luận? Anh có quyền bác bỏ, phê bình, đánh giá, chỉ trích, đóng góp ý kiến bất cứ chính sách và chính khách nào của Quốc gia này mà không sợ bị nguy hiểm đến tính mạng.
Một Quốc gia mà cứ chực rình rập ai bất đồng ý kiến với chính phủ là kêu cảnh sát tới bắt và hốt vào tù thì Quốc gia đó đâu còn tính nhân quyền.
Anh Cả bật cười:
- Gặp các cụ chí sĩ yêu Nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học,...!mà sống ở thời này chắc cũng bị hốt vào tù vì tội phản động quá.
Thêm một đám trẻ chụp mũ các cụ ấy "tự nhục" và "không thích thì cút sang nước ngoài sống" nữa.
Hai người kia nghe xong chỉ biết lắc đầu cười ngao ngán.
Ở một góc khác, hai tên tù nhân đang bàn luận sôi nổi về vấn đề tôn sùng và hâm mộ chính khách thái quá.
- Bây giờ tao hỏi mày nè? Dựng một tình huống thế này: Mày bị ngã gãy tay và được một ông thầy thuốc tận tình cứu chữa, phục hồi lại, sau khi hết bệnh mày sẽ đối xử với ông ta ra sao? - Người nói câu ấy là người vừa xin Phạm Thành Nhân cho mình chai dầu gội đầu chiều nay.
- Thì tao phải biết ơn ổng chớ sao, chưa kể đến còn phải trả công hậu hĩ nữa, vì người ta giúp tao chữa thương mà.
- Mày có để hình ổng trên bàn thờ hông?
- Hông.
Trời, dầu ổng có tốt cách mấy thì công sức và ơn nghĩa đó cũng chưa đủ đô để được tao đội lên đầu thờ đâu.
Vả lại ổng là bác sĩ thì đương nhiên ổng phải cứu người rồi.
- Khi mày ra ứng cử tổng thống thì mày phải để Tổ Quốc trên hết, đó là lẽ dĩ nhiên tới mức không thể dĩ nhiên hơn.
Nếu mày làm tốt chức vụ của mày thì đồng bào sẽ hoan hỷ giữ mày làm tiếp, còn nếu không thì nên tự giác đi xuống trước khi đồng bào tổng biểu tình.
Tao từng biết ơn một vài người chính khách trong quá khứ, nhưng tao chưa từng suy tôn hay cuồng si ông nào hết.
Đầu tao thờ cha thờ mẹ, thờ Cửu Huyền Thất Tổ nhà tao, chớ hổng phải là nơi cho thằng người dưng nước lã nào ngồi trên trển hết.
- Ý mày nói Hác Đăng Khánh à?
- Ừ.
Một vài chính sách của ổng tao rất tán thành, còn về đời tư của ổng thì không.
Người này tự nhiên làm cho tao thấy vừa đáng thương vừa đáng ghét.
Phạm Thành Nhân chợt nhớ đến anh Ba và chú Út, hai người thầy dạy guitar hết lòng hết dạ với cậu, họ không muốn bỏ phiếu bầu cho tổng thống đương nhiệm.
Còn ngoại thì sao? Mẹ thì sao? Và ba thì sao?
- Điền cho tao chưa hả bây? - Viên giám thị bất thình lình "hiện hồn".
- Dạ con điền cho ông nội rồi ạ...!
- Đứa nào xong rồi thì theo tao vào hội trường dự buổi văn nghệ.
Còn chưa thì ngồi im đó mà điền.
- Sao mày hổng nói sớm? Đ* má làm tao ngồi như ông Từ giữ đình từ hồi nãy tới giờ...!
- Ai biểu mày làm biếng.
Viên giám thị vừa nói dứt tiếng, liền đi thu phiếu khảo sát.
Nhiều tay tù nhân viết chữ xấu không thể tả, không biết đám kiểm phiếu sau mùa này có bị loạn thị hết không ta?
Chú thấy sắc mặt giận lẫy của đám chưa điền xong, lòng thấy ray rứt quá nên nán lại đợi bọn nó viết xong rồi đi chung một lượt cho vui.
- Nay có nấu hủ tíu Mỹ Tho...!
- Tao hổng muốn ăn hủ tíu Mỹ Tho, tao muốn ăn hủ tíu Mỹ Lồng cơ...!
- Vậy con nhịn luôn đi con.
- Chú nhéo lỗ tai của hắn một cái cho bõ ghét.
Đoạn quay qua hỏi.
- Ai biết chơi nhạc cụ thì mau lên đây tôi biểu.
Phạm Thành Nhân dụ dự một hồi, mới giơ tay thông báo.
- Cậu Nhân biết chơi nhạc cụ gì?
- Dạ, em biết chơi guitar và piano.
- Được, lát tôi giao cho cậu cây guitar thùng.
Nhưng đừng hăng máu quá mà "Đập vỡ cây đàn" như nhạc sĩ Lê Mộng Bảo nghen?
- Dạ.
Mất thêm nửa tiếng nữa thì đám tù nhân ấy mới điền xong, chú lầm bầm mắng vài câu, rồi giục cả bọn mau chóng lên đường.
Té ra hội trường là một bãi đất trống có căng lều bạt, trang hoàng nhìn cũng tươm tất và tiện nghi lắm.
Trại giam của Phạm Thành Nhân nhập với hai trại khác, cậu đếm sơ thì thấy có gần trăm người; hiện hai nhóm trại kia đã ăn hủ tíu gần xong, chỉ còn mỗi trại của cậu mà thôi.
Lương Hảo nắm tay dẫn Phạm Thành Nhân đi xếp hàng lấy hủ tíu.
Hai người kia ngồi tại bàn đợi họ bưng hủ tíu về.
Tô hủ tíu vừa ngon vừa nhiều.
Ai ăn hết thì được phép lấy thêm nữa, nên đám tù nhân thi xem ai ăn nhiều nhứt.
- Ê ăn vừa vừa thôi nghen tụi bây.
Ăn quá bể bụng chết bọn tao hổng có chịu trách nhiệm đâu đó.
- Giám thị trại số C cất giọng cảnh báo.
Phạm Thành Nhân đang ngồi che miệng xỉa răng, nghe chú giám thị kêu tên mình thì giật mình đứng dậy thưa.
- Xuống cơm chưa? Xuống rồi thì lên đây biểu diễn văn nghệ góp vui cho mọi người.
- Dạ, chú đợi con xíu.
Sân khấu nâng cao hơn mặt đất chừng nửa thước.
Trên đó có để sẵn ba cái micro cây, một bộ trống, một cây đàn piano và hai cây đàn guitar thùng.
Ngoài ra còn có một dàn loa có kiểu dáng giống với loại thường thấy trong tiệc cưới.
Phạm Thành Nhân chẳng trông mong gì phẩm chất âm thanh sẽ hay và rõ.
- Dạ, mấy anh muốn nghe bài gì?
- "Ngày về", khúc bi hùng ca chiêu hồi của Hoàng Giác.
- Viên giám thị trại C xen vào.
Phạm Thành Nhân khảy đàn, rồi him mắt hát.
Một bài hát đã bị lãng quên mấy mươi năm nay, nhưng vẫn sống âm ỉ trong tim người hiểu rõ nguồn gốc của nó.
Đám tù nhân không thuộc lời, nhưng vẫn muốn hòa giọng cùng cậu nên ê a hát bè theo.
Ánh mắt của từng người chứa chan giấc mộng lành của nhạc sĩ Hoàng Giác trong thời kỳ binh đao khói lửa.
- Mày chọn bài nào mà có thể khích lệ tâm trạng bọn tao đi.
- Dạ, vậy em hát liên khúc "Anh - Hàng hàng lớp lớp" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nghen?
- Bài "Anh" thì Anh Khoa - Giao Linh song ca, còn bài "Hàng hàng lớp lớp" phải để Hùng Cường hoặc Hà Thanh hát mới hay.
Nhưng bữa ni đừng hát bài nì, mi đổi qua bài chi mà nghe sôi động ấy.
- Một bài hát do huyền thoại Elvis Presley biểu diễn, mang tên là "Jailhouse Rock", tạm dịch là "Rock Nhà tù".
Cả hội trường cười ồ.
- Tôi lãnh phần đánh trống.
- Một gã tù nhân chợt đứng lên phát biểu.
Hội đồng bỗng chốc bừng sáng bởi những giai điệu rộn rã của bản nhạc đến từ thập niên Năm mươi.
Một số người có khiếu nhảy bắt đầu thực hiện những điệu vũ của riêng mình.
Số không biết nhảy thì vỗ tay theo nhịp.
Phạm Thành Nhân chợt chuyển tông, rồi ôm đàn mà gảy bài "Bad" của huyền thoại Michael Jackson.
Tiếng của cậu cất lên cao vút, như muốn trút hết nỗi oan khuất vào trong ca từ:
"...!Ừ thì tao tệ đấy, mày biết thừa mà
Và rồi cả thế giới này sẽ biết ai mới thực sự là kẻ xấu xa..."
Đột nhiên, Phạm Thành Nhân đổi nhạc, cậu hát bản "Smooth Criminal" cũng do Michael Jackson trình diễn.
Giọng của cậu bắt đầu khàn đặc, nghe như sắp bể tiếng.
Ai nấy đều cảm nhận được dây thanh quản của cậu ta rung lên dữ dội.
Viên giám thị vội chạy lên kêu cậu ta ngừng lại, trước khi tự làm đứt dây thanh quản của mình.
- Khụ...!Em...!em còn hát nổi mà.
- Một bài nữa thôi nghen.
Phạm Thành Nhân chọn bản "Mặt trời đen" của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang để kết thúc phần trình diễn của mình.
Nãy giờ toàn "rốc" với "rống" nên giờ tông giọng của cậu không còn trong trẻo và rõ ràng nữa.
Một gã tù nhân thuộc bài này bèn đứng lên hát bè phụ cậu.
Phạm Thành Nhân bước xuống sân khấu trong tràng pháo tay nồng nhiệt xen lẫn tiếng huýt sáo tán thưởng.
Nếu ông thầy dạy nhạc và anh, chú cậu có mặt tại đây vào giờ phút này, hẳn họ sẽ tặng cậu một tràng ký đầu nhiệt liệt mất vì tội biểu diễn không ra giống ôn gì.
- Ê, sao bài này tiết tấu với lời nhạc nghe ngộ vậy?
- Dạ, tại vì ông Nguyễn Trung Cang sáng tác ca khúc trong lúc đang bị mắc căn bệnh trầm uất, nên khả năng soạn nhạc và viết lời của ổng đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Ít lâu sau khi bài hát này được phát hành, ông đã vì đau buồn quá đỗi mà sinh bệnh chết.
Ca từ trong bản "Mặt trời đen" chính là tâm trạng vào những ngày tháng cuối đời của cố nhạc sĩ.
- Cũng là tâm trạng của mày...!
- Dạ.
- Thôi hát "xả stress" được thì cứ hát.
- Người tù nhân đáng tuổi cha chú ấy vỗ vai cậu an ủi.
Nhờ có dịp này mà Phạm Thành Nhân mới biết trong tù có những người hát rất hay và chơi nhạc cụ rất giỏi.
Cậu không hiểu nổi rằng tại sao họ lại chôn vùi tài năng mình có để đổi lấy cuộc đời tù tội...!
Để kết thúc chương trình, mỗi giám thị mời tù nhân trại mình lên phát biểu cảm nghĩ và dự định tương lai sau khi ra tù.
Ban đầu còn ngần ngại, thằng này đùn đẩy thằng kia, thằng kia xúi thằng nọ, nhưng sau rốt cũng lần lần dạn dĩ hẳn.
Đến lượt người tù nhân cuối cùng của trại C, một số thằng buồn ngủ đến nỗi hai con mắt híp hịp, ngồi mà cứ ngáp ngắn ngáp dài liên tục.
Bác ta độ khoảng sáu mươi lăm, vào tù vì tội quỵt nợ thay gia đình con gái.
Bác ôn tồn kể lại chuyện "Đời cô Lựu" của mình bằng giọng nói đã nhuộm khan sầu đời.
- ...!Bọn tao là lũ cô hồn sống mà.
Không cha, không mẹ, không người thân, không họ hàng.
Sống nương dựa nhau như đám cỏ hoang mọc bờ mọc bụi.
Đói rách tự lo, muốn sáng trí phải tự mò mẫm học.
Khôn sống, dại chết.
Thế thôi.
Bây giờ con cháu tao nó ngu như tao, thì phận làm cha làm mẹ phải gỡ rối giùm.
Thế thôi.
Một vị sĩ quan Lục Quân cải trang thành nhân viên cảnh sát bỗng bước lên bục, rồi nhỏ nhẹ mời bác nhường micro cho mình phát biểu chút xíu.
Anh ta ra hiệu cho mọi người giữ im lặng, đoạn nói:
- Thay mặt cho những người hành pháp và bên an sinh xã hội, bọn tôi cúi đầu xin lỗi mọi người vì đã không lo tròn cho đời sống của các anh thuở bé, để đến nỗi các anh phải trở thành phường du thủ du thực sống đời khốn khó như bây giờ.
Anh ta vừa nói dứt câu, toàn bộ nhân viên hành pháp và an sinh xã hội đồng loạt đứng nghiêm trang mà cúi gập người xuống.
Chừng vài phút sau, họ mới thôi.
Cái cúi đầu tạ tội với đồng bào hay là cái cúi đầu tạ tội với hồn thiêng sông núi nước Nam vì đã không làm tròn trách nhiệm mà đồng bào phó thác.
Bao nhiêu tiền thuế của nhân dân đã đổ đi đâu trong suốt mấy mươi năm qua.
Suốt ngày cứ vịn hết cớ này rồi lại đến cớ kia hòng trốn tránh trách nhiệm về tội thất thoát của công và lãng phí ngân khố Quốc gia.
Hễ ai nêu lên những mặt chưa tốt và trì trệ của Nước mình là lại có một đám đông xúm vào chửi rủa người đó.
Trong khi đáng lẽ nên dành thì giờ để sửa đổi những vấn nạn Quốc gia, thì một số kẻ lại thích ngụy biện và nói tục hơn là chung tay khắc phục chúng.
- Bây giờ bọn mình cùng hòa ca một bài nghen? - Viên sĩ quan mỉm miệng cười, hỏi.
Đám tù nhân reo hò kêu "Đồng ý", "Đồng ý".
Ấy là bài "Phải lên tiếng" của nhạc sĩ Anh Bằng:
"Trường Sa là máu của ta
Hoàng Sa là thịt của ta
Đất Nước ta là xương là máu Ông, Cha để lại..."
Ánh mắt người sĩ quan trẻ ngấn lệ.
Khi bài hát chấm dứt, anh ta gào lên:
- Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!
- Đúng, phải đánh, phải đánh!!!
Bầu không khí của một thời "Hịch xuất quân" và "Hội nghị Diên Hồng" bỗng chốc bao trùm lấy hội trường "dã chiến".
Phạm Thành Nhân cảm thấy mình nhỏ bé đến lạ.
Cậu đã bàng quan với tình hình Đất Nước hằng bao năm trời.
Biển Đông đã trở thành biển lửa đối với những ngư dân mang dòng máu Lạc Hồng như cậu.
Hình như cậu chưa một lần khóc cho Quê Hương, khóc cho Dân Tộc, nhưng sẵn sàng rơi lệ cho những thứ Trời ơi Đất hỡi...!
Sau buổi văn nghệ, ai về trại nấy.
Nhóm của Phạm Thành Nhân tuy ở trại A, nhưng bị biệt giam ở khu khác, cách tập thể trại A một khoảnh sân con con lát gạch thẳng thớm.
Lương Hảo chắc bị trúng gió nên cảm thấy sật sừ, bải hoải, rêm mình.
Anh thôi không ngồi đọc như mọi hôm, mà xuống giường dưới ngồi dựa lưng vào tường nghe nhạc.
Hành trang của anh có radio và MP4.
"...!Và trong bóng đêm tôi tìm thấy tôi thương hại chính tôi bao ngày đã qua...!Ngây dại quá!"
Đợi cho Hồ Quỳnh Hương ca xong bản "Tôi tìm thấy tôi", anh Hai mới cất giọng hỏi Lương Hảo:
- Cạo gió hông mày?
- Ở đâu có sẵn đồng xu vậy?
- Tao có ai lo đâu, nên phải tự sắm đồ nghề cạo gió cho mình.
Cứ hễ bị trật cổ hay nhức đầu là lại lôi ra cạo.
Anh Hai cạo gió rất lành nghề.
Chưa được mười phút mà Lương Hảo cảm thấy bớt rêm mình rất nhiều, đầu cũng không còn choáng váng nữa.
- Ra tù anh định làm gì?
- Làm bảo kê, nhưng tuyệt đối không đâm thuê chém mướn.
- Muốn làm bảo vệ không? Tôi giúp anh và anh Bắc ghi danh.
- Ừ, được thì tốt.
Tao đang muốn rửa tay gác kiếm.
Lương Hảo chợt cất tiếng gọi cai ngục.
Hai đằng xầm xì vài câu, rồi viên cảnh sát rời đi.
Một lúc lâu sau, anh ta quay trở lại với cái túi nylon nặng trĩu.
"Lạch cạch..."
- Làm phiền anh quá...!Cảm ơn nghen.
- Không có chi.
- Vừa khóa cửa lại, anh cảnh sát trẻ vừa đáp.
Cử chỉ vô cùng thân tình.
- Gì đây? - Anh Cả ngóc đầu dậy hỏi.
- Sữa chua uống.
Sao cậu không uống đi mà ngồi đó cười hoài vậy?
- Tại em nhớ tới bài "Hôm nay không sữa" do chú Duy Quang hát.
- Bài tên gì ngộ vậy?
- Dạ, bài gốc là "No milk today" do ban nhạc Hermans Hermits biểu diễn.
- Hát thử một đoạn xem.
- Anh Bắc vừa lột lớp giấy bạc trên miệng chai vừa nói.
Phạm Thành Nhân bèn hát một đoạn:
"Hôm nay không sữa, chắc em đã đi thật xa
Chiếc chai lăn trong góc nhà, dấu tích đêm chưa xóa nhòa
Hôm nay không sữa, có khác chi hơn bao ngày qua
Khách quen đi ngang thấy lạ, thắc mắc em không có nhà..."
Bốn người tụ lại đánh Domino.
Ngoài hành lang heo hắt đèn trần, các phòng giam xung quanh họ rỗng không.
Ánh sáng trong phòng họ bỗng chốc nổi bật giữa không gian quạnh vắng, tăm tối ấy.
Viên cảnh sát trẻ thấy đã hơn mười giờ mà họ chưa dẹp sòng thì đằng hắng vài tiếng nhắc nhở.
- Ngủ thôi mọi người.
- Lương Hảo nói xong, bèn đứng dậy đi tắt đèn.
Phạm Thành Nhân chắp tay đọc kinh một đỗi, mới ngả lưng xuống chiếu.
- Anh Hảo.
- Chi cậu?
- Anh là "cớm" phải không?
Lương Hảo không đáp.
Anh ta chơi "tình quờ" bằng cách đánh trống lảng sang chuyện khác:
- Sao cậu vào tù?
- Dạ, em bị vu oan giá họa.
Họ tạo hiện trường giả để vu khống em giết người.
- Tôi cũng y chang cậu.
Anh Hai chợt leo xuống giường, rồi đi gọi viên cảnh sát trẻ mở cửa cho mình đi tiểu.
Viên cảnh sát thoáng cau mày, nhưng rồi cũng mở cửa cho anh ta ra.
Một người bạn đồng nghiệp của viên cảnh sát dẫn anh ta đi.
Dáng hình hai người nhanh chóng chìm khuất trong lớp bóng tối đậm đặc.
- Này, cậu có biết chưởng môn Quyền Đạo Võ Công Hạ Quốc Huy không?
- Có, em đã từng đọc tin ông ấy cầm ly thủy tinh đập vỡ khối xi-măng.
Buổi biểu diễn ấy tổ chức ở Los Angeles.
- Tôi rất ngưỡng mộ ông ấy.
Văn võ song toàn.
Cầm, kỳ, thi, họa cũng giỏi nốt.
Đã thế lại còn khôi ngô, tuấn tú nữa...!Và là một tay súng thiện xạ.
- Tiếc rằng giới trẻ cỡ tuổi em không ai biết đến ông ấy, phần đông bạn của em toàn ngưỡng mộ mấy kẻ tào lao âm binh, ăn nói thô tục khiếm nhã.
Lương Hảo bỗng đọc cho cậu nhỏ đáng tuổi em mình nghe một bài thơ đã khiến Hội nhà văn đô thành dậy sóng:
"Trả người chí sĩ năm xưa
Một bầu rượu quý, một lời minh oan
Vùi chôn bao kẻ anh tài
Vào vòng lao lý chỉ vì nhỏ nhen
Đau không hỡi Quốc gia ơi
Ngày ngày lại vắng thêm người trung can
Sâu mọt gặm nát Quê hương
Đồng bào tôi vẫn ơ hờ cười vui
Tôi đi trên Đất Nước mình
Mà lòng lại ngỡ lạc vào rừng sâu..."
- Người viết ra bài thơ đó bây giờ ra sao hả anh?
- Anh ta vẫn đi giữa nhân gian, lòng không thể bàng quang với thế tục, và lấy chân thật, can gián và sẻ chia làm tôn chỉ viết lách của mình.
- Viết thế không sợ "đụng chạm" rồi bị tẩy chay sao anh?
- "Nếu trên tay anh cầm cây viết.
Xin hạ xuống muôn ngàn lời chân thật."
Ánh trăng hắt qua ô cửa nhỏ không đủ soi sáng căn phòng.
- Anh ta đã nếm gần đủ hết rượu đời, trải qua những tình huống rất khó tin là có thực, nên thích lồng ghép yếu tố huyền bí vào tác phẩm của mình.
"Két."
"Cạch."
- Ủa, chưa ngủ nữa?
- Đợi anh vào ngủ chung cho vui.
- Thằng khỉ gió.
- Anh Hai bật cười, mắng yêu.
- Ê, bật vài bản nhạc êm êm cho dễ ngủ coi.
Anh Hai chuyển mền gối xuống giường dưới, nên Phạm Thành Nhân đi sang giường số Ba nằm.
Lương Hảo ngồi dưới chân giường cho rộng chỗ cậu nhỏ nằm.
- Người hoạt động trong ngành Văn hóa - Nghệ thuật đi hai hàng thì nhiều không sao kể xiết, người đi một hàng thì còn ít hơn tỷ lệ bị thiên thạch rơi trúng đầu, chính vì lẽ đó mà tao ít coi trọng người trong ngành này lắm.
Sau một hồi cân nhắc, Lương Hảo bật bản nhạc "Đêm dài chiến tuyến" do Anh Khoa trình bày, người sáng tác là nhạc sĩ Lam Phương.
Bài này Tuấn Vũ ca cũng rất hay.
- Thời nay kiếm một bài nhạc lính hay khó như mò kim đáy biển.
Không thực sự yêu lính và xem trọng đời lính thì đừng có gắng sáng tác.
Sáng tác gì đâu mà nghe bốp chát kinh khủng.
- Như nhạc sĩ Trường Sa đó, ổng tuy là Hải Quân nhưng không có cảm hứng viết về lính biển và thủy thủ như nhạc sĩ Anh Thy, Nguyễn Vũ, nên chỉ toàn viết nhạc trữ tình lãng mạn.
Rạch ròi như vậy mới hay chớ.
Thích gì thì viết nấy, chớ không buộc mình "vắt ra" một bài nhạc con cóc sáo rỗng về lính.
Ngược lại với Trường Sa, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không thể sáng tác hay nếu không lồng ghép hình ảnh người lính vào trong lời bài hát; đa số những tác phẩm được ưa chuộng nhứt của ổng đều có chủ đề về tình yêu và cuộc đời người lính.
Lương Hảo ngồi nghe mà ngủ hồi nào không hay, tới chừng anh Hai lên tiếng mới giựt mình tỉnh dậy:
- Khuya rồi.
Mày lựa bài nào nói về ban đêm đi.
Sao trăng cũng được.
- Nhạc sĩ Huỳnh Anh đặt lời Việt cho ca khúc "Johnny Guitar" và lấy tên là "Đàn trong đêm vắng".
Có khi tôi nghe Sĩ Phú hát, khi khác thì nghe Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Ngọc Lan,...!
- Biết vậy tao mua vài băng nhạc Vàng đem vô đây nghe rồi.
Nghe ké mày hoài cũng phiền.
Rủi tao bấm lộn nó hư còn mích lòng nữa.
- Tánh anh giống võ tướng Trương Tấn Bửu quá.
Thẳng đuột.
Chẳng màu mè gì sất.
- Ổng sao?
- Tôi từng đọc trong một cuốn Dã sử thế này: Có lần vua Gia Long đánh thua quân Tây Sơn, ngài cùng một vị tướng quân đã tắp đại vào một nhà dân lánh nạn.
Trương Tấn Bửu đi mần ruộng về, nghe cha nói trong nhà có Minh Chúa tới thì vội xăm xăm bước xuống nhà sau xem mặt.
Vua đang ngồi bàn bạc với hộ giá Nguyễn Đức Xuyên, bỗng thấy một người thanh niên mặt mày bặm trợn tiến tới chỗ mình thì tưởng thích khách bên quân Tây Sơn phái đến nên trong lòng đâm ra lo lắng, song vẫn giả chước bình tĩnh.
Người thanh niên ấy cất giọng sang sảng hỏi rằng ai là Minh Chúa.
Vua Gia Long im re.
Sau một hồi tra hỏi, rốt cuộc vua cũng chịu xưng tên họ.
Ông bèn quỳ xuống hành lễ với vua, và hỏi vua có chịu cho mình theo phò tá hay không thì dứt khoát nói cho ông nghe rõ một tiếng, chớ xin đừng có ậm ờ.
Cảm phục tấm lòng khẳng khái của ông, về sau vua đặt cho ông cái tên thân mật là Long, tức Trương Tấn Long.
- Tao đách thích màu mè.
Gọi "Dạ", thưa "Vâng", rặt một phường ngụy quân tử.
- Làm sao anh biết họ ngụy quân tử hay không chỉ qua một lời nói? - Lương Hảo hơi chồm người về phía anh Hai và vỗ nhẹ lưng an ủi anh ta.
- Bị gạt nhiều riết hổng tin được thằng nào, con nào.
Hồi xưa tao còn bị dụ làm đ* đực nữa, may phước hổng bị dính chưởng, chớ hông giờ này diễn tuồng "Nửa đời hương phấn" rồi.
- Người đó nói sao mà anh bị gạt vậy?
- Nó biểu cần tuyển phục vụ phòng.
Cần cao ráo, đẹp mã chút.
Tao tự biết mình hổng có đẹp trai, nhưng cũng hổng tới nổi xấu quá...!- Nói tới đó anh Hai cười rộ lên, khoe hai chiếc răng thỏ rất duyên.
-...!nên cũng mạnh dạn ghi danh ứng tuyển.
Tưởng rớt từ ngoài vòng gửi xe, dè đâu nó tuyển tao cái rụp.
- Rồi sao?
- Mẹ, lo ngủ đi thằng mỏ hô nhiều chuyện.
- Tao chả ngủ, tao muốn nghe mày kể chuyện cơ.
- Tao gặp con heo nái mẹ.
Trời ơi, mẻ điệu chảy nước...!
- Nước gì?
- Tao vả vô mỏ mày à.
- Anh Hai giơ tay lên dọa, rồi húng hắng giọng kể tiếp.
- Bả đáng leo lên bàn thờ tao ngồi luôn mà dám tự tin kêu tao bằng "Anh", xưng "Em" ngọt xớt.
Bả nói tới đâu tao rởn da gà tới đó.
- Rồi sao mày "hô biến" được?
- Tao nói bả đợi tao đi lấy bao cao su, tao gấp quá nên bỏ quên trong xe.
Rồi tao "hô biến" luôn...!
Ba cười kia nghe xong ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Họ cười đến nỗi đau cả bụng.
Nước mắt thi nhau chảy giàn giụa.
- Mẹ, tao mà ngủ với bả chắc tao nghỉ ăn thịt kho tàu tới chết.
Phạm Thành Nhân quẹt nước mắt.
Hôm nay là ngày gì mà vừa bị đau cổ họng, vừa bị đau bụng thế nhỉ?
- Còn chú em thì sao? Đã từng ngủ với ai chưa?
- Dạ, chưa kịp thì bị tống vô đây rồi.
- Anh nói cho chú nghe...!Bình còn đầy thì gắng mà dùng, tới chừng bình cạn khóc thầm trong đêm.
- Một bài thơ đâm bang ngoài sức tưởng tượng của tao.
- Này, khuya rồi đấy.
- Rồi, rồi ngủ đây.
- Anh Cả và anh Hai đồng thanh kêu lên.
Phạm Thành Nhân mượn Lương Hảo cái MP4.
Cậu để nhạc phát theo trình tự mà chủ nhân đã sắp xếp, rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
oOo
Lạc Tương Giang thơ thẩn dạo bước trong nghĩa trang phía sau khuôn viên chùa Khánh Hỷ.
Mối tình đầu của cụ yên nghỉ ở dưới bóng cây bồ đề tươi tốt; khung ảnh trên tấm bia chạm trổ hoa hồng theo kiểu đắp nổi rất đẹp và lãng mạn, người phụ nữ trong hình chắc chỉ chừng bốn mươi đổ lại.
"Click."
Lạc Tương Giang lắng tai nghe tình khúc "From Sarah with love" do nữ ca sĩ Sarah Connor trình bày.
Mối tình đầu của cụ đã trao cho cụ cái máy ghi âm này kèm theo một phong thơ dày cộm trước khi quyết định rời xa cụ mãi mãi.
Cụ chọn Tổ Quốc, cụ không chọn khối tình riêng, và giờ thì cụ phải sống lủi thủi một mình.
- Thầy ơi...!
Hác Đăng Khánh đưa cho người thầy đất Thần Kinh một lon bia Sài Gòn.
Phần chú, chú cũng làm một lon.
- Uống cho cố cha vào rồi lát về quậy dinh Đại Việt hả?
- Thưa, con không dám.
- Mi thì cái chi mà nỏ dám.
Tao noái hoài noái mãi mà mi có chịu tiếp thu mô.
Cứ cái đà nì thì sớm muộn gì mi cũng khiến tao bị tức chết thôi.
- Họ thương thì nói "Trai tài gái sắc", còn ghét thì dè bỉu "Trâu già gặm cỏ non".
Chỉ có một cái miệng mà xoay chuyển được Càn - Khôn trong Vũ trụ.
- Mi biết rứa mà vẫn ráng "chạy theo con tim"?
- Răng mà con nỏ dám.
Ai biết được mình bị ám sát ngày nào mà cố sống giữ kẽ...!Ui da.
- Tao bả vô cái mỏ mi.
Miệng mồm toàn ăn mắm ăn muối.
- Chứ người nước mình ăn cái gì hằng ngày hả sư phụ?
- Uổng công tao với anh Đông cho mày đi du học, về toàn cãi thầy cãi cha nhem nhẻm.
Hác Đăng Khánh bật cười khúc khích.
Rồi mời thầy uống thêm lon bia.
- Mi là tổng thống mà tao cứ tưởng Tôn Ngộ Không, đi năm non bảy núi nỏ biết đường mô mà lần.
Hai thầy trò chạm mặt thủ tướng Mateo Nhã trong nhà hàng, anh ta đi cùng với bộ trưởng Ngoại Giao Lăng Phụng Quốc.
- Nếu không phiền thì tôi có thể mời tổng thống và cụ đây dùng bữa với chúng tôi được không?
- Được thôi.
Lạc Tương Giang chợt cất giọng cáo lỗi, rồi đi một hơi vào nhà vệ sinh.
Điện thoại của bộ trưởng cũng đột nhiên đổ chuông, anh ta bèn xin phép ra ngoài nghe máy.
Trong phòng giờ chỉ còn lại hai người.
- Tôi đã gặp người yêu của chú.
Hác Đăng Khánh nhếch miệng cười.
Rồi cúi mặt xem thực đơn tiếp.
Ngón trỏ của chú di trên những con chữ kiểu cách như thể đang thận trọng di quân cờ.
- Người tình năm cũ, động lực đẩy chú vào con đường chính trường, đứa con vô thừa nhận...!
Hác Đăng Khánh mỉm miệng cười.
Một nụ cười giả tạo thấy rõ.
- Tôi không thích bươi móc đời tư của chú để giành lấy lá phiếu của nhân dân.
Tôi thừa khả năng...!
Hác Đăng Khánh đặt ngón trỏ trên cánh môi ngài thủ tướng, rồi khẽ "Suỵt" một tiếng, đoạn ghé sát tai hắn mà thủ thỉ:
- Nói trước thường bước không qua.
"Xạch."
- Ở đây không phải kho đạn Long Bình mà sao tôi lại ngửi thấy mùi thuốc súng nồng nặc nhỉ? - Vừa bước vào phòng, Lăng Phụng Quốc đã lên tiếng hỏi.
- Con ếch chết tại cái miệng.
- Lạc Tương Giang liếc mắt nhìn hai khuôn mặt giống Nhạc Bất Quần như tạc, rồi thay đổi tông giọng nhanh như kép cải lương diễn tuồng trên sân khấu.
- Các cậu ưng món gì? Tôi thì ăn món Huế rồi đó nha.
- Dạ, thưa thầy, con muốn ăn món bò tùng xẻo.
- Còn con, con muốn dùng gỏi gà xé phay.
- Một đứa "tùng xẻo", một đứa thì đòi "xé phay".
Đứa nào cũng "hiền" ghê há?
Hai người bèn nhờ Lạc Tương Giang "tư vấn", cụ không do dự chọn ngay ẩm thực xứ Huế.
- Thưa cụ, con ăn cay không giỏi.
- Mấy món ni chả phải Huế rặt mô mà cậu sợ khó ăn.
Ra khỏi đất Thần Kinh là bị lai tạp hết rồi.
Như món bún bò ấy, dân Huế nỏ có bỏ giò heo hay rau muống vào trong tô như ở đây đâu...!Mi làm gì nhại tao hỉ thằng ba bớp? Tao noái làm mi mỏi miệng lắm răng?
Hai người kia nhìn Hác Đăng Khánh mà cười ngặt nghẽo.
- Dạ, vậy con yên tâm ăn rồi.
Bao tử con vốn không mạnh nên dễ bị kích thích nếu ăn cay hoặc các món có bỏ nhiều gia vị.
- Hình như cậu chưa đi thăm tướng Kỳ?
- Dạ.
- Thế sẵn có bộ trưởng Quốc ở đây, sau giờ cơm chúng ta cùng đi nhé?
- Dạ.
Nguyễn Giai Kỳ không biết được ai độ mạng mà vẫn chưa chết, hiện gã đang nằm thảnh thơi trong Tổng Y Viện Tả Quân - Lê Văn Duyệt, có kẻ hầu người hạ, thêm một đám biên bài khóc mướn và kể lể "công đức" của gã nữa, nên không bao giờ buồn.
oOo
Quả đúng như hai người đã đoán, Trần Cảnh Chiêu từ chối không đi chung, anh ta viện rằng hôm ấy mắc tăng ca.
Chiếc xe Mazda đã được chủ nhân chăm chút kỹ lưỡng trước khi "lên đường hành quân".
Xăng, nhớt đều đã được châm đầy nhóc.
Bốn bánh xe được bơm thêm hơi.
- Lát về kiếm quán hủ tíu nào ăn trưa nghen?
Đặng Xương Tuyết gật đầu thật nhẹ.
Một người thanh niên mặc áo lụa trắng, quần lãnh trắng, chân đi guốc mộc đứng tựa lưng vào cây cột inox của bến xe buýt.
Thấy anh ta ăn bận như bước ra từ trong trang sách của cụ Hồ Biểu Chánh, tự dưng hai người sinh lòng cảm mến, bèn tắp xe vào lề để hỏi xem anh ta có muốn đi quá giang không.
Chàng ta không do dự chi sất, nghe lời mời liền gật đầu cái rụp rồi leo lên xe ngồi.
Hỏi ra mới biết chàng ta cũng tới chùa Mẹ Đông Hải như họ.
- Các anh cho tôi quá giang xe, vậy tôi khao các anh một chầu cà-phê trả lễ nghen?
Hai người đáp "Được."
Vì không rành chỗ bán cà-phê ngon, nên ba người nhất trí mua trà sữa ở một tiệm nằm sát cây xăng cho đỡ mất công tìm kiếm và lựa chọn.
Trong lúc đợi barista pha chế đồ uống, hai người ra ngồi trên băng ghế đá trong khuôn viên cây xăng chờ đợi, còn người khách quá giang xe thì vào nhà vệ sinh của cây xăng đi giải.
- Bọn phản động đời đầu chắc là các cụ trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm quá...!Nhất là cụ Trần Dần, cụ tức tới nỗi lấy dao lam cứa cổ để chứng tỏ lòng trung thành với lý tưởng đã chọn, mà vẫn bị vu là trùm phản động...!Cho nên mỗi bận nghe ai nói mình là thằng phản động, tôi lại cảm thấy mắc cười, tại vì nó làm tôi nhớ tới vẻ mặt của cụ Trần Dần lúc "được" sắc phong danh hiệu ấy...!Nhiều kẻ tin yêu lý tưởng ấy lắm, mà chỉ biết nói suông thôi, chứ chẳng ai dám cứa cổ tự sát để chứng tỏ lòng trung như cụ Trần Dần cả.
- Đặng Xương Tuyết châm thuốc hút.
- Giờ có thêm Nguyên Ngọc "Rừng xà nu" nữa.
Cho nên chắc sau này học sinh không còn thi cái đề liên quan tới ổng nữa đâu.
- Và Đỗ Trung Quân "Quê hương".
- Còn nhiều lắm những nhà văn nhà thơ "sáng mắt sáng lòng".
Đâu thể nào ép buộc người ta sống đời ca ngợi hay phải viết những đề tài theo khuôn khổ nhàm chán mãi được.
- Cụ Phùng Quán cũng trung dữ lắm, bị bắt đi học tập cải tạo, đày ải trăm chiều nhưng vẫn sáng tác thơ ca ngợi lý tưởng đã chọn.
Rồi đến tận lúc mất đi không được cái gì hết, ngoài hai tiếng "Phản động" và hàng trăm xấp bản thảo không biết lúc nào mới được phép xuất bản.
- Và cũng giống thế, bên phía đối lập, phần đông những ca-nhạc sĩ thuộc dòng nhạc Vàng vẫn tận trung với lý tưởng của mình tới chết, điển hình như Anh Bằng, Lê Dinh, Hùng Cường, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh, Thái Thanh,...!
- Tôi vốn dĩ thường hay cảm mến những ai dám sống dám chết với lý tưởng và đức tin của mình, nên dù họ nghĩ khác tôi, tôi vẫn luôn dành cho họ sự tôn trọng.
- Mỗi bận đọc lại mấy dòng nhận xét về "vũ trụ quái thai thơ" của cụ Trần Dần và cụ Phan Khôi là tôi lại được một trận cười no bụng.
Đặng Xương Tuyết nghỉ nói để hút thuốc.
Mỗi bận viết lách anh thường làm vài điếu cho tỉnh táo đầu óc, còn hằng ngày thì ráng không hút để tiết kiệm tiền.
- Trà sữa có rồi nè mấy anh.
Trần Bảo Sơn có hẹn với người bạn đồng đạo vào lúc chín giờ rưỡi, bây giờ mới có tám giờ, chắc là đi vẫn kịp.
Thấy anh ta ngó đồng hồ hoài, hai người liền hiểu ra anh ta có việc gấp, nên kêu anh ta theo họ lên xe đi.
- Khẩu chiến Nam - Trung - Bắc trên văn đàn thì đã có từ rất, rất lâu rồi.
Tiêu biểu có Vương Hồng Sển, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Hồ Biểu Chánh,...!Ai đúng, ai sai, ai ngạo mạn vong ơn thì tự đi mà tìm hiểu, ắt sẽ nhìn thấy nhiều "góc khuất" thú vị lắm.
- Phải, muốn biết cái gì thì phải tự đi mà tìm hiểu.
Thấy người ta nói không đúng ý mình thì cào mặt ăn vạ, tru tréo chửi bới thay vì ngồi xuống phản biện lịch sự và tranh luận có văn hóa, cái thứ đó tôi thấy nhiều quá rồi.
- Phan Hoài Việt gật gù.
Trần Bảo Sơn chợt hỏi:
- Nếu họ biểu anh phản Quốc thì sao?
- Tôi phản Quốc ở chỗ nào? Tôi có dâng đất cho ngoại bang không? Tôi có tham ô, ăn hối lộ không? Tôi có hà hiếp, bức bách đồng bào không? Tôi có buôn bán hàng cấm, buôn người hay buôn lậu vũ khí không? Tôi có ỷ chức cậy quyền không? Tôi có thiên vị người nhà không? Tôi có biến đất công thành đất của mình không? Tôi có bạo hành lính mới đi nhập ngũ không?
Vị trà sữa mát ngọt trong miệng Phan Hoài Việt chợt biến mất.
Anh ta nhớ đến những sinh viên năm cũ, những sinh viên không dám chỉ trích tham quan, mà lại rất "sung mãn" chụp mũ cho những người dám nói lên Sự Thật.
Hạng người như vậy mà bước chân vào con đường Chính trị chỉ tổ khiến cho Quê Hương tan nát.
- Làm sao anh biết bia đá không đau? - Đặng Xương Tuyết chợt phỏng theo câu hát trong bài "Diễm xưa" của Trịnh Công Sơn.
Tiếng hát của Anh Khoa vẫn nức nở vang lên bên tai anh.
Phan Hoài Việt vừa nhai trân châu, vừa tâm sự:
- Rất nhiều bản hùng ca của các nhạc sĩ nhạc Vàng đã khuyến khích chúng ta phải tự lực tự cường, chẳng nên dựa dẫm vào bên nào hết.
Nhất là đi nhận viện trợ quá nhiều sẽ rất dễ bị vướng phải tình trạng "há miệng mắc quai" trong tương lai.
Nhiều bạn trẻ bây giờ còn chẳng biết nước chúng ta nhận viện trợ hay vay nợ từ ai và đã bao lâu, trong khi có sẵn công cụ tìm kiếm miễn phí, chỉ cần tra cứu là ra ngay.
- Nhiều người ngộ lắm, mắt họ tự động đui mù mỗi khi nhìn thấy Sự Thật, và bỗng dưng sáng quắc trở lại mỗi khi thấy sự Dối Trá có thể mang tới lợi lộc và bình yên cho mình.
Bản nhạc "Ba lần mẹ khóc" do Khánh Ly trình bày vẳng đến tai ba người.
Nhạc sĩ Hoài Linh đã vắt kiệt tâm tư và nỗi lòng trăn trở về thời cuộc Đất Nước vào trong lời bài hát.
Một nhạc sĩ duy mỹ như ông lại viết ra những câu ca oán than và khổ ải đến nhường ấy, thật khiến người yêu mến dòng nhạc của ông cảm thấy vừa lạ lẫm vừa đau lòng.
"...!Đời ông con kháng chiến nát thây
Đời cha con cách mạng tù đày
Còn con, sao con hèn vậy
Nhà ta giờ đang cháy, đứng ngoài nhìn khói bay..."
- Đức Phật từng nói rằng, "Với người không có duyên, dù con có nói cho họ nghe bao nhiêu cũng bằng thừa.
Ngược lại, còn như hữu duyên, chỉ cần con xuất hiện, con cũng có thể đánh thức mọi giác quan của họ."
Nghe anh chàng khách lạ nói thế, hai người bạn thiết bèn thay phiên nhau hối thúc anh ta nói tiếp.
- Tôi thấy rất nhiều kẻ ghét Chúa và Phật, cứ hễ mở miệng ra là văng tục mắng mỏ hết sức bẩn thỉu.
Nhưng khi đối diện với kẻ mà mình ghét hay đã từng làm hại mình, lại cun cút rụt vai đi mất hút.
Tôi không bao giờ ghét những người vô thần, tôi ghét những kẻ báng bổ và phỉ nhổ đức tin của người khác.
- Anh có thể giải thích rõ hơn về quan điểm trên không? - Phan Hoài Việt thử tài hùng biện của chàng ta.
- Nếu như anh nói đức tin chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của con người tạo thành, thì anh lại càng không có cớ để báng bổ nó, bởi như tôi đã nói ban nãy, anh chẳng có bằng chứng gì chứng minh Đức Chúa hay Đức Phật gây phương hại đến anh tới nỗi anh phải thốt lên những lời cay đắng nghiệt ngã.
Còn nếu như anh bảo anh bài xích đức tin vì một số tăng-ni và tu sĩ đã làm ra những chuyện không tốt đẹp và gây ảnh hưởng đến xã hội, thì suy nghĩ của anh vô cùng sai lầm; không lẽ học trò giết người thì thầy giáo phải lãnh án à? Ai làm thì người ấy chịu chứ.
Đức Chúa và Đức Phật để lại "nhà" cho những người kế tục quản lý, họ làm sai giáo lý trong kinh sách mà Đức Chúa và Đức Phật để lại thì anh phải trách và lên án cái người làm sai, cớ sao lại đi đổ thừa Đức Chúa và Đức Phật?
Xe sắp tới chùa Mẹ Đông Hải nên Phan Hoài Việt giảm tốc độ xuống để tiện bề tìm kiếm.
Từ xa đã trông thấy bức tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đứng uy nghiêm trên tòa sen trắng.
- Nếu Đấng Thế Tôn để tâm đến những lời trái tai thì Ngài ấy đã không trở thành Phật.
Anh có biết vị tôn giả nào vướng mắc trong chuyện này không?
Hai người biết nhưng đều chọn chước giả vờ không biết.
- Là Ananda - Khánh Hỷ.
Tôn giả là người đa cảm, dễ xúc động, luôn sợ mọi người không vui nên hay để tâm đến mọi tiểu tiết nhỏ nhặt nhất.
Mãi đến năm Đấng Thế Tôn nhập diệt, tôn giả Đại Ca-Diếp phải bày kế răn rằng nếu ông không chứng đắc quả A-La-Hán thì không được phép đặt chân vào Tăng đoàn.
Tôn giả nghe xong khóc một chập, đêm đó nhờ một cơ duyên mà ông đã chứng đắc thành công quả vị A-La-Hán.
Nội trong đêm hôm đó, ông đã tới phòng của huynh trưởng bạch lại sự việc; nhưng tôn giả Đại Ca-Diếp không ra mở cửa, ông ở trong phòng nói vọng ra rằng ông Khánh Hỷ phải hóa phép mà vào.
Và tôn giả Ananda đã hóa thành con muỗi bay qua khe cửa để vào phòng...!
Người bạn đồng đạo của Trần Bảo Sơn ngồi trong xe hơi đợi anh ta, nên vừa thấy mặt liền vội bước xuống xe ra đón.
Thấy Trần Bảo Sơn đã gặp bạn, hai người bèn vào viếng chùa.
Hồi nãy trên xe vị tín hữu Hòa Hảo ấy có đánh tiếng nhờ họ chở về giùm, hai người liền vui vẻ nhận lời.
Gần đúng Chính Ngọ, hai người y theo lời hẹn mà đứng dưới gốc cây bồ đề trong sân chùa đợi Trần Bảo Sơn.
Chừng năm phút sau, anh bạn Hòa Hảo tới điểm hẹn.
Nhìn nụ cười héo hắt trên môi Trần Bảo Sơn, hai người nhận thấy anh ta đang buồn, rất buồn.
- Hì, cái mặt tôi "dễ thương" lắm đúng không?
- Anh bị cảm nắng nên mệt hả? - Phan Hoài Việt vừa chỉnh kính hiệu hậu vừa hỏi.
- Tôi thấy một số người tự xưng là Phật Tử, mà không thể nào nhận định được lời nào là của ma tăng xúi giục, lời nào là của Đấng Thế Tôn khuyên dạy.
Đức Phật không biểu phá rừng xây chùa, Đức Phật không biểu cung phụng tăng sĩ như vua chúa, Đức Phật không biểu đốt vàng mã hay lập đàn cúng tế màu mè giải nghiệp, giải vong, và Đức Phật không biểu nhiều thứ lắm.
Một số thứ thời nay trong Phật Giáo là do bọn ma tăng dựng nên hòng moi tiền của những kẻ mộ đạo mù quáng.
Nhiều người ngoại đạo nghe lời giảng pháp sai trái của bọn ma tăng rồi giở giọng chê bôi Phật Giáo, tôi tự dưng lấy làm thương hại cho sự nông cạn và thiếu hiểu biết của họ quá.
Trời hè nóng như đổ lửa.
Máy lạnh trong xe đã vặn hết nấc mà vẫn không đủ xua tan cái oi nồng của xứ nhiệt đới cận xích đạo.
Ven đường, bà con buôn bán tấp nập, trên những gánh hàng rong bày biện đủ món ăn chơi, khách trả tiền, khách vào mua chen chân nhau không ngớt.
- Nếu họ muốn tìm một người sống đúng theo chánh pháp mà Đức Phật đề ra, hãy về Bến Tre, ghé vào ngôi chùa Phước Duyên để nghe lại chuyện đời của một vị sư thầy đức độ sống vào trước thời điểm 75.
Thuở còn sinh thời, ông luôn chọn giờ Chính Ngọ làm giờ khởi hành để tránh giẫm phải côn trùng nhỏ bé, ăn trộm vào chùa khuân hết thứ này khiêng hết thứ kia mà