Trời của Đại Tần trải qua mười bảy năm, Tần Đế tiếp thu chủ trương tước bỏ thuộc địa của khanh tướng Tống Lan Đình. Đầu tiên lấy việc Thành vương trái với quy định để tang của Tần làm lý do tước đi một quận ngoài Nam hải, lại vì Ngô vương lén bán quan tước tước bỏ sáu huyện, dẫn tới đám phiên vương người người cảm thấy bất an.
Lương vương cấu kết đám phiên vương, lấy lý do "Giết Lan Đình, thanh quân trắc" (giết Lan Đình để thanh lọc những kẻ bên cạnh vua) phát động phản loạn. Chư vương phía nam liên hợp khởi binh, tấn công vào kinh thành làm cho cả nước chấn động.
Trên đại điện, Tần Đế vẫn không hề hoang mang, cười hỏi chàng trai áo xanh đứng nghiêm bên cạnh.
"Ái khanh, chờ lát nữa bọn họ muốn trẫm giao ngươi ra, ngươi nói trẫm giao hay không giao đây?"
Tống Lan Đình thi lễ một cái: "Nguyện vì hoàng thượng nhận lấy cái chết."
Tần Đế nhẹ vỗ lên tay vị của ghế, giọng nói thản nhiên: "Không cần ngươi chết, những loạn thần tặc tử này dám cả gan bước vào hoàng cung thì không thể sống sót mà đi ra ngoài."
Lương vương bước vào cửa điện, trừng Tống Lan Đình giống như hận không thể xẻ thịt lột da hắn. Kẻ nào không dưng muốn khởi binh phản loạn, còn không phải là do bị tên khanh tướng một bụng xấu xa này bức ép hay sao.
Người đời đều biết, Tống Lan Đình còn trẻ đã đăng khoa, lòng có đại tài, được quốc quân thưởng thức tấn phong làm khanh tướng, vốn có cái danh "Hồ ly lắm mưu nhiều kế". Từ khi hắn xưng tướng, quốc khố tràn đầy quân quyền tập trung, hoàng thượng coi hắn là như bảo bối. Hắn làm người khiêm tốn, thanh liêm, không ai có thể nói hắn được sủng mà kiêu. Nếu như là võ tướng, quân vương đại khái còn có thể lo lắng công cao che trời. Nhưng hắn lại là một văn thần, vì vậy rất được sủng ái.
Cả nước trên dưới, nếu nói có ai không để hắn vào mắt, đại khái chỉ có người đó thôi!
Nghĩ đến người đó, Lương vương rùng mình một cái. Hắn không dám trì hoãn nữa, lập tức sai người bắt lấy Tống Lan Đình, Tần Đế cười khanh khách xem cảnh tượng này, không hề có cảm giác đang bị bức phải thoái vị.
Tống Lan Đình bị Lương vương tóm ở trong tay, nghiêng đầu nhìn đao lạnh kề cổ cũng không sợ, chỉ hỏi hắn: "Vương gia, người có biết phản quốc là tội lớn bậc nào không?"
Lương vương nghiến răng nghiến lợi: "Nếu không phải tên tiểu nhân hèn hạ ngươi gây xích mích, sao hoàng huynh lại hạ lệnh tước phiên!"
Hắn buông tay, vẻ mặt vô tội: "Ta chỉ là làm hết chức trách phận sự. Lẽ nào Vương gia không hy vọng dân giàu nước mạnh sao. Hay là Vương gia trời sinh dòng máu phản nghịch, không thể nhìn Đại Tần ngày càng hưng thịnh?"
Lương vương tức giận quơ đao chém tới, cửa cung đột nhiên truyền đến tiếng huyên náo lớn. Hắn nghe trong tiếng huyên náo có tiếng vó ngựa vang lên, giống như giẫm trên mặt trống, mỗi một lần đạp xuống đều gây chấn động lòng người.
Một cây trường thương làm từ huyền thiết theo đêm đen phá gió mà đến, xuyên thủng ngực hắn. Hắn đột ngột quỳ rạp xuống đất, trợn mắt không thể tin chính mình cứ như vậy bị giết.
Ngựa lớn bờm đen phi vọt vào điện, có người tung mình xuống, áo giáp toàn thân màu đen làm lòng người run sợ. Nàng rút trường thương ra, máu tươi bắn tung tóe lên khuôn mặt nổi bật khiến người như yêu ma. Phản tặc xung quanh bị nàng dùng trường thương xuyên vào tim như chuỗi hồ lô đường.
Bốn phía yên tĩnh không tiếng động.
Nàng từ biên cương trở về, trên người còn có hoa tuyết hương lạnh, nói chung là quanh năm không thấy ánh mặt trời, cả khuôn mặt trắng như tuyết, trắng đến mức như trong suốt. Tuy trời sinh mặt mày vô cùng lạnh nhạt nhưng cặp mắt kia lại lộ ra vẻ sát phạt lẫm liệt khiến người khác không thể coi thường.
Nàng hành lễ với Tần Đế, giọng nói trầm thấp khàn khàn: "Thần tới hộ giá chậm, xin hoàng thượng thứ tội."
Tần Đế cười to, đưa tay đỡ trên không: "Ái khanh từ quan ải trở về không thể coi là chậm. Ái khanh lần này hồi kinh tru diệt phản tặc, mang về bao nhiêu nhân mã?"
Nàng đứng dậy, tóc đen như lụa lướt qua khóe môi: "Ba nghìn thiết kỵ."
Tần Đế cảm thán: "Chỉ dùng ba nghìn thiết kỵ đã chém được ba vạn đại quân phản tặc dưới vó ngựa, ái khanh không hổ là đệ nhất võ tướng của Đại Tần ta."
Những phiên vương này quỷ kế đa đoan, chiến đấu chính diện rất khó bắt giữ. Tần Đế liền nghĩ ra cách này, gậy ông đập lưng ông một lưới bắt hết.
Binh lực của phiên vương kềm chế đại quân của vương quốc, chỉ có tính sót một mình người trấn thủ Nhạn Môn quan là nàng. Ai có thể ngờ nàng vậy mà lại chỉ suất lĩnh ba nghìn binh mã đã có thể đánh tan phản tặc.
Tống Lan Đình bị Lương vương đâm bị thương, máu chảy đầy đất. Nàng nhìn sang, nói với thân binh: "Xem hắn chết hay chưa."
Tống Lan Đình đằng hắng một tiếng, ôm vết thương ngồi dậy: "Diệp tướng quân xưa nay anh dũng, nhưng Lương vương là hoàng thân quốc thích, trước khi cô muốn giết phải chăng đã trưng cầu ý tứ của hoàng thượng?"
Nàng từ trên cao nhìn xuống quan sát hắn, ngữ khí khinh thường: "Trong trăm người thì vô dụng nhất là thư sinh. Miệng toàn lời thừa, phản tặc chẳng lẽ không nên chết?"
Tống Lan Đình cười khẩy một tiếng, âm thanh cũng lạnh đi: "Hắn có nên chết hay không là do hoàng thượng quyết định, chứ không phải cô."
Nàng đang lau chùi vết máu trên trường thương, nghe thấy lời nói này hai mắt bắn ra lạnh lùng tức giận, xoay người đạp luôn một cước. Tống Lan Đình bị đâm một kiếm vẫn không sao nhưng lại bị nàng đá ngất đi.
Tần Đế mau chóng lên tiếng ngăn cản, sợ nàng đánh chết Tống Lan Đình. Hai người này, một văn một võ vốn là rường cột triều đình, nhưng từ nhỏ đã thấy nhau ngứa mắt. Tuổi tác càng tăng mâu thuẫn cũng càng lúc càng lớn. Mỗi khi gặp mặt đều đánh Tống Lan Đình ngất xỉu mới chịu thôi, làm người ta vô cùng thông cảm.
Diệp gia nhiều đời đóng ở Nhạn Môn quan nên ở kinh thành không có phủ đệ, lúc Diệp Kiêu còn bé sinh bệnh nặng, được đưa về kinh thành để ngự y hội chẩn. Sau đó liền ở Tống gia tĩnh
dưỡng một năm, từ đó kết thù với Tống Lan Đình. Ngày hôm đó nghe nói nàng rời khỏi Tống gia, Tống Lan Đình đốt pháo ở cửa vui vẻ tiễn nàng.
Mấy năm sau đó, hai trăm ngàn đại quân Địch (dân tộc thời cổ ở Bắc TQ) ở phía bắc đột ngột tấn công quan Sơn Hải, quân đội Đại Tần tập kết nghênh chiến. Ai ngờ sau một tháng người Nhung (người phương Tây cách gọi thời xưa) ở phía Tây liên hợp với binh mã còn lại của Bắc Địch lại tấn công Nhạn Môn quan. Cả nhà Diệp gia chiến đấu đẫm máu, viện quân đợi mãi không tới. Diệp Kiêu mười lăm tuổi suất một nghìn thiết kỵ đột phá trùng vây đi dẫn viện binh, phát hiện viện binh bị núi đá phủ kín đường, trì trệ không vào. Diệp Kiêu nổi giận chém tướng thống lĩnh, dẫn dắt viện quân chạy đường vòng trở về. Nhưng Tây Nhung đã công phá quan ải, cả nhà Diệp gia chết trận, Diệp Kiêu một mình diễn chính, lại chỉnh đốn quân đội đạp máu Tây Nhung, đoạt lại quan ải.
Diệp gia không có kẻ yếu, ý chí kiên cường của nàng làm người ta kinh sợ. Bắc Địch Tây Nhung bị nàng đánh cho chạy trối chết, không dám tái phạm.
Nàng là cú vọ trong miệng người đời, không coi mạng của mình ra gì, lại càng không coi mạng của người khác ra gì. Tướng sĩ Nhạn Môn quan huấn luyện dưới bàn tay sắt của nàng là nhánh quân đội dũng mãnh nhất Đại Tần.
Bảy năm trước, chuyện khanh tướng Bùi Trọng thông đồng với địch bán nước bại lộ, bị người ta vạch trần lúc Tây Nhung đánh Nhạn Môn quan. Viên tướng thống lĩnh viện quân là do hắn sai khiến cố ý đi trước bày mai phục trên đường, khiến Diệp gia diệt môn. Diệp Kiêu suốt đêm lao tới kinh thành, chính tay đâm Bùi Trọng.
Con gái duy nhất của Bùi Trọng là Bùi Yên lúc đó đã cùng Tống Lan Đình định hôn ước, Tống Lan Đình vì đó cầu xin, Tần Đế miễn tội chết đổi thành lưu đày, Diệp Kiêu kháng chỉ đuổi theo đoàn người lưu đày chém Bùi Yên, từ đó cùng Tống Lan Đình thế như nước với lửa. Tần Đế phạt nàng ba năm bổng lộc, chịu một trăm trượng.
Từ đó về sau, Diệp Kiêu chưa hồi kinh.
Lần này hồi kinh dẹp loạn, Tần Đế đặc biệt cho phép Diệp Kiêu ở lại một tháng. Triều thần đều muốn mời nàng đến phủ đệ nhà mình, nhưng lại sợ đón tiếp không chu toàn bị nàng một chưởng đánh chết. Tống Lan Đình lộ ra nụ cười hồ ly, đôi mắt hẹp dài hơi hơi cong lên, liếc mắt đã biết có ý đồ xấu.
Hắn tiến lên một bước, chắp tay cất giọng: "Hoàng thượng, thần cho rằng, không ngại giữ Diệp tướng quân thêm dăm bữa, kiếm một thiên điện ở trong cung cho cô ấy."
Mọi người đưa mắt nhìn nhau, rất đỗi kinh ngạc. Hắn và Diệp Kiêu có thâm cừu đại hận, hắn ước gì Diệp Kiêu cả đời đừng hồi kinh, lần này sao lại đi ngược đường cũ?
Chuyện sinh dị thường tất có yêu. Diệp Kiêu đang bực dọc vì phải mặc triều phục rườm rà không quen, nghe lời nói này hai mắt như đao bắn xuyên qua. Hắn đón nhận ánh mắt của nàng, thần quang nơi đáy mắt khó lý giải.
"Vài ngày trước hoàng thượng tìm cho tứ Hoàng tử một thầy dạy võ không được, lần này Diệp tướng quân hồi kinh, chính là người tốt nhất."
Nét mặt Diệp Kiêu giận dữ: "Một kẻ võ phu sao dám dạy dỗ Hoàng tử, huống hồ Nhạn Môn quan không thể không có tướng, một tháng đã quá lắm rồi, sao có thể ở lại nữa."
Hắn mỉm cười vui vẻ, triều phục xanh thẫm tôn lên dáng người cao lớn đẹp đẽ. Nhưng nụ cười kia thế nào cũng thấy có vẻ trong nụ cười lại giấu dao găm.
"Diệp tướng quân một lòng lo việc biên cương thực làm người ta kính phục. Nhưng Nhạn Môn quan không chỉ có một mình cô là tướng lĩnh, cũng không phải chỉ có Diệp Kiêu cô mới trấn thủ được Nhạn Môn quan."
Hắn vẫn mang vẻ cười, nhưng tiếng nói đã lạnh đi. Trong mắt Diệp Kiêu bốc lên lửa giận.
"Diệp gia nhiều đời trấn thủ Nhạn Môn quan, anh linh vong hồn ở lại nơi đó, nguồn gốc Diệp gia cũng từ đó."
Đại điện lặng ngắt như tờ,.Tống Lan Đình khẽ cười một tiếng, rõ ràng là ngữ điệu thong thả, lại giống như lưỡi dao sắc bén bức người ta đến đường cùng.
"Diệp tướng quân, ta hy vọng cô có thể hiểu rõ, Nhạn Môn quan thuộc về Đại Tần, chứ không phải của Diệp gia cô. Cô phải tuân thủ không phải Nhạn Môn quan, mà là quân vương."
Đây mới là hắn! Nàng dừng tay lúc Tống Lan Đình đã bị đánh ngất đi, dùng ống tay áo lau máu tươi trên nắm tay, tiếng nói nhàn nhạt: "Thần nhất thời không nhịn được, mong hoàng thượng thứ tội."
Môi hở răng lạnh, Tần Đế còn có thể sai người đánh nàng một trận sao? Chỉ đành thở dài phất tay, lúc bãi triều lại nói với nàng: "Diệp khanh võ thuật xuất chúng, tứ Hoàng tử cũng nhiều lần biểu lộ sự kính phục đối với ngươi, cứ theo như lời Tống khanh nói đi, ở lại thêm vài ngày."
Lông mày nàng nhíu chặt, giọng nói nặng nề: "Thần tuân chỉ."