Đàm Y đeo khăn che mặt đứng bên tháp đá ở lầu Ngâm Xuân. Ánh trăng đêm hè vỡ vụn ánh sáng trên mép váy của nàng, đèn hoa ngũ sắc trước cửa không thể che giấu nỗi buồn bên trong lầu.
Công tử áo lam say rượu loạng choạng bước tới, chân bước hụt ngã xuống từ thềm đá. Nàng khẽ hô một tiếng rồi chạy tới đỡ hắn, giọng nói nhỏ nhẹ mang theo vẻ sợ hãi: “Tiết công tử, chàng, chàng có sao không?”
Hắn híp mắt nhìn nàng, mùi rượu nồng nặc phả lên mặt, dùng bàn tay kéo khăn che mặt của nàng ra. Suy nghĩ hồi lâu, hắn say lúy túy, cười: “Tôi nhận ra cô, Hứa Đàm Y. Muộn như vậy rồi mà cô còn đến đây làm gì? Lầu Ngâm Xuân không phải là nơi mà các tiểu thư như cô nên đến.”
Nàng cúi đầu, hai má nháy mắt đỏ ửng, giọng nói nhẹ nhàng đến mức khó có thể nghe thấy: “Tiết công tử, để tôi đưa chàng về.”
Hắn loạng choạng đứng dậy, thân hình cao lớn áp vào bờ vai gầy của nàng. Nàng cố hết sức đỡ hắn, lắng nghe giọng nói vừa vui vừa buồn của hắn: “Tự Thủy chết rồi, vai đào cũng mất, không còn nghe được nữa…”
Vài giọt lệ chảy ra từ khóe mắt nàng, cúi đầu, đó là nỗi buồn mà hắn không thể nhìn thấy.
Tiết Dạ nhà họ Tiết thích nghe hí kịch, thích vai đào nhất. Người diễn vai đào hàng đầu của thành Đồng là Tự Thủy đã chết vì bệnh nặng cách đây vài ngày, Tiết Dạ ngày ngày hát hí khúc ở lầu lầu Ngâm Xuân với Tự Thủy nay trở nên buồn bã ủ rũ, hay mua rượu uống.
Nhưng không ai hay biết, mỗi đêm nàng đều ở đây nhìn hắn, lòng đau như cắt khi nhìn người đàn ông mình yêu đau lòng vì cô gái khác. Cuối cùng đêm nay nàng cũng dám bước tới, song vẫn nghe được lời nhớ nhung của hắn dành cho người đã khuất.
Nàng đưa hắn đến Tiết phủ, vừa gõ cửa xong đã vội vã đi mất như mọi đêm.
Đêm nay nàng không đợi được Tiết Dạ ở lầu Ngâm Xuân, lấy hết can đảm tiến lên hỏi thăm mới biết hắn đã đến mộ của Tự Thủy. Nàng đã từng gặp cô gái đó, dịu dàng như nước hệt như cái tên của nàng, là vai đào hạng nhất mà ngay cả đương kim thánh thượng cũng khen không dứt miệng.
Trong cơn mưa lạnh về đêm, nàng cầm ô đi giữa nghĩa trang lạnh lẽo, nhìn thấy hắn đang dựa vào bia mộ giống như một bức tượng hộ mệnh. Nàng bước tới định dìu hắn nhưng hắn đã nắm lấy tay nàng, kéo nàng ngồi xuống bên cạnh, lắc lắc rượu trong tay.
“Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ gặp được một cô gái dịu dàng và xinh đẹp như nàng ấy nữa.” Hắn nhìn nàng, lại giống như nhìn thấy một kẻ khác thông qua nàng mà nở nụ cười khổ.
Tiết Dạ xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ thuật, cha mẹ đều là võ tướng nổi danh, từ nhỏ đã bị ép luyện võ. Song hắn lại chỉ muốn trở thành một công tử ngâm thơ thưởng tranh. Để thay đổi suy nghĩ của hắn, mẹ treo hắn ở trong viện suốt ba ngày ba đêm. Cuối cùng hắn cũng chấp nhận số phận của mình.
Năm mười lăm tuổi, hắn được một người bạn kéo đến lầu Ngâm Xuân để nghe một vở kịch. Đó là lần đầu tiên hắn nhìn thấy Tự Thủy. Giọng nói nhỏ nhẹ tao nhã, dáng người mềm mại nhẹ nhàng, khi bắt gặp ánh mắt của hắn, nàng sẽ lộ ra nụ cười dịu dàng như nước.
Từ đó về sau cùng lui tới với Tự Thủy, hắn mới biết hóa ra trên đời này cũng có
cô gái dịu dàng từ tận xương cốt như thế chứ không giống cọp cái như mẹ và cô.
Tiết Dạ thầm thề rằng sau này hắn nhất định phải cưới một cô gái phụ nữ, không thể để các con của hắn trải qua tuổi thơ đầy ác mộng như mình. Tiếc thay Tự Thủy chỉ yêu ca hát, chưa từng đáp lại tình yêu thầm kín của hắn, cuối cùng người con gái cho hắn nếm trải sự dịu dàng lần đầu tiên trên đời vẫn rời bỏ hắn.
Hắn vịn vào Đàm Y lảo đảo đứng lên, uống ực một ngụm rượu: “Không còn được gặp cô gái dịu dàng như vậy nữa.”
Nàng im lặng suốt chặng đường, cắn răng đưa hắn về nhà. Quần áo đã ướt sũng, nàng liếc nhìn cánh cửa đóng chặt của Tiết phủ rồi quay người rời đi.
Nguyệt Ninh xách đèn chờ nàng ở cửa sau, ánh đèn chiếu vào khuôn mặt giống nàng như đúc: “Không ai phát hiện ra chứ?”
Nàng lắc đầu vào nhà.
“Đêm nào chị cũng lẻn đi tìm Tiết Dạ thế này, nếu bị cha phát hiện thì lại bị đánh một trận đấy.”
Một đóa ngọc lan tím khoan thai thò vào qua khung cửa sổ hé mở, lộ ra ánh sáng màu tím tĩnh mịch giữa đêm khuya. Nàng nắm lấy tay Nguyệt Ninh, đôi mắt hoa đào rưng rưng: “Cha vẫn không cho chị học hát hí khúc sao?”
Nguyệt Ninh cuống quýt che miệng nàng lại: “Chị ơi, chị chớ nhắc đến từ học hát hí này nữa, lần trước bị cha đánh vẫn chưa thảm sao? Con hát là thân phận thấp hèn cỡ nào chứ? Người đời để chẳng màng chẳng ngó, nói ra miệng cũng đã là chuyện làm nhục gia tộc. Tiết Dạ thực sự đáng để chị làm thế ư?”
Một giọt nước mắt chảy ra từ khóe mắt nhỏ hẹp, nàng lại nhớ đến công tử mặc áo lam đã cứu nàng khỏi sơn tặc nhiều năm trước. Hoa hạnh dại nở như khói ráng trên núi, nàng ngửi thấy hương thơm lành lạnh trong gió núi. Lồng ngực hắn thật rộng và ấm áp, giọng nói như suối chảy: “Cô nương có ổn không?”
Nàng lau khô nước mắt rồi trịnh trọng gật đầu: “Đáng.”
Nửa đêm sương mù mịt mờ, ánh đèn chiếu vào sáu bức bình phong sông núi xanh biếc. Nàng nằm ngủ trên bàn, chợt nhìn thấy một cô gái áo trắng đi ra từ trong sương mù, trang sức duy nhất trên áo váy trắng là cánh hoa đỏ đậm điểm xuyết trên làn váy.
Lời nói nhẹ nhàng và rõ ràng của nàng vang lên bên tai: “Tôi có thể giúp cô thực hiện ước nguyện của mình. Giữ lấy nó, hát cho tốt nhé.”
Đàm Y tỉnh lại từ trong cơn mơ, ngoài cửa sổ vẫn là màn đêm đen kịt, ánh sao xán lạn. Qua ánh trăng chiếu rọi, nàng nhìn thấy một chiếc gương đồng nằm trên mặt đất, phản chiếu sắc huyền ảo trong ánh sáng bạc.
“Đây là vật của ai, sao nó lại ở trong phòng mình?”
Nàng mờ mịt nhặt chiếc gương đồng lên, mặt gương nhẵn bóng phản chiếu gương mặt trong trẻo và xinh đẹp của nàng, trong chốc lát xuất hiện những đợt gợn sóng.