Lục Văn đi rồi, Thẩm gia cũng không ở lại trên đường để mọi người hóng hớt nữa.
Thẩm Huyền Thanh vừa đi vừa nói: "Nương, a tẩu, hai người không cần tức giận vì hắn, loại người này không cưới về mới là tốt nhất."
Vệ Lan Hương nghe vậy liền niệm Phật: "A Di Đà Phật, còn không phải vậy sao, may mà không cưới về."
Lục Cốc đi phía sau không dám nói gì, Thẩm Nhạn ở bên cạnh y, vừa rồi lúc gặp Lục Văn nàng cũng không cười, còn học theo a tẩu mà trừng mắt nhìn Lục Văn, người này bộ dạng thì đẹp đấy nhưng tâm địa xấu xa.
Kỷ Thu Nguyệt mới vừa rồi tức giận không để tâm nhiều, giờ mới nhớ lại mấy lời Lục Văn nói, dù sao nàng vẫn là một phụ nhân nông thôn nên hơi lo lắng hỏi: "Nương à, sẽ không có vấn đề gì chứ?"
Vệ Lan Hương còn đang suy nghĩ, Thẩm Huyền Thanh đã mở miệng nói trước: "Không sao đâu, cứ giao cho đệ, mọi người đừng quan tâm, cứ sống như trước là được.
Mấy ngày nữa đệ lên trấn thu xếp một chút."
Lời hắn nói khá đáng tin, không chút sợ hãi nào, khiến Kỷ Thu Nguyệt lập tức an tâm hơn không ít, gật đầu đáp ứng.
Trên đường rời trấn trở về, có sự đùa giỡn của Thẩm Nghiêu Thanh nên trên mặt cả nhà dần có nụ cười.
Vệ Lan Hương còn cười nói, nếu thật sự làm lớn chuyện, bọn họ cũng đâu có gì để mất, cùng lắm thì liều mạng xương già một phen.
Thẩm Nghiêu Thanh phụ họa cho bà, cũng khiến bà vui hơn ít nhiều.
Lại nói, Thẩm gia quả thật còn có hôn thư trong tay, là tư mối, nghĩa là tự làm mai làm mối theo lệ dân, chứ không phải quan mối, là mai mối theo kiểu cách quan lại trong triều.
Dựa vào quy củ của thôn Thanh Khê, tư mối chỉ cần mời bà mối và một vị trưởng lão có uy vọng biết chữ là viết được hôn thư.
Người nông thôn cưới gả cũng đâu dễ dàng gì, vậy nên một khi đã viết xong hôn thư rồi thành thân sẽ cùng nhau sống qua ngày.
Đây là ước định lâu ngày trở thành tục lệ, hôn thư tư mối vẫn được nha môn chấp nhận.
Hồi Vệ Lan Hương thành thân dùng hôn thư tư mối, Kỷ Thu Nguyệt cũng vậy, có thể nói mọi nhà trong thôn Thanh Khê đều như vậy, thôn khác cũng thế.
Hơn nữa lúc trước Lục gia còn chưa lộ đuôi hồ ly, ai mà ngờ bọn họ không gả, nên dù Thẩm Huyền Thanh đã từng đọc sách, bởi vì tục ước này, lúc đính hôn căn bản không quan tâm đến quan phủ gì.
Lúc trước không làm lớn chuyện lên quan phủ là do Thẩm Huyền Thanh biết được một nhà Lý gia kia có giao tình với tri huyện.
Người nông thôn bọn họ rất ít khi giao thiệp với người trong quan phủ, mà nha môn lại ở tận phủ thành Ngọc Thanh, xa hơn cả trấn Phong Cốc.
Hắn không quá quen thuộc với người nơi đó, nếu tri huyện là người biết phân rõ trái phải đúng sai thì tốt, nhưng nếu có người can thiệp khiến tri huyện thiên vị Lý gia, hắn chỉ là một người nông dân chân lấm tay bùn sao có thể đấu lại, có khi còn liên lụy người trong nhà.
Lúc trước sau khi hắn thấy rõ bộ mặt của người Lục gia, hắn càng không muốn có dây dưa dính líu gì với một nhà này.
Về phần Lục Cốc, Thẩm Huyền Thanh lúc mua người là làm rõ trắng đen, gọi Bao Chí Nho và mấy người trong thôn An gia làm chứng, viết khế ước bán thân để Đỗ Hà Hoa và Lục Đại Tường ấn dấu tay, kể cả Lục Cốc dù đang hôn mê cũng phải ấn, đề phòng nếu có ngày người Lục gia gây sự, khế ước bán thân của Lục Cốc còn trong tay sẽ không phải sợ.
Khế ước bán thân ghi tiền bạc, dấu tay rõ ràng, có thêm người làm chứng hai bên tự nguyện, mà không phải cưỡng mua ép bán.
Có khế ước này, giấy trắng chữ đen không thể chối cãi, Lục Cốc đã bị bán đi rồi sẽ không liên quan đến Lục gia nữa, vả lại y là người cha không thương nương không yêu, đâu có ai nguyện ý bôn ba chạy vạy cho y.
Sau khi mang Lục Cốc về, Thẩm Huyền Thanh chỉ nhờ người hỏi chuyện Lý Minh Sơn chứ không làm gì khác.
Một mình hắn không thể đối phó với người trấn trên, mời người uống rượu ăn cơm đều phải tiêu tiền, khi đó hắn không có tiền, còn phải trả nợ, nên đã gác lại việc này.
Ở lâu với Lục Cốc, hắn thấy rất tốt, một nhà đóng cửa kiếm tiền sống qua ngày.
Lục Văn tính là cái thá gì, thỉnh thoảng hắn còn không nhớ ra tên này, cuộc sống bận rộn mà ổn định, tất nhiên sẽ không để tâm tới chuyện xấu người ác.
Nhưng nếu Lục Văn uy hiếp bọn họ trước, vậy hắn cũng sẽ không khách khí.
***
Lúa phải phơi nắng hai ngày rồi mới xát gạo, nhân lúc còn chưa bận rộn, ngày hôm sau khi ăn quán, Thẩm Huyền Thanh lại lên trấn một chuyến.
Thanh lâu ở phố Tây, ban đêm đèn đuốc rực rỡ, ban ngày vẫn có người ra vào, nhưng không náo nhiệt như buổi tối.
Thẩm Huyền Thanh không vào thanh lâu, rẽ vào trong hẻm nhỏ phía sau thanh lâu.
Con hẻm này hơi hẹp một chút, cửa nẻo trông cũ kĩ tan hoang hơn những chỗ khác.
Hắn dừng ở trước một cánh cửa sơn đen, đối diện chính là cửa sau của thanh lâu.
Gõ cửa vài cái, nghe thấy bên trong vang lên giọng nói thô kệch của hán tử, hỏi ngoài cửa là ai.
Thẩm Huyền Thanh báo tên, rất nhanh cửa đã mở ra, một hán tử ăn vận lôi thôi đi ra, nhìn qua là biết vừa mới ngủ dậy, xiêm y không chỉnh tề, tóc tai luộm thuộm.
"Ta đang nghĩ xem là ai, hóa ra là huynh à, mau vào đi." La Tiêu mở miệng chào hỏi, hai tay tiếp lấy bình rượu Thẩm Huyền Thanh ném về phía gã, mở ra ngửi liền nở nụ cười, nói: "Rượu ngon đấy."
Thẩm Huyền Thanh còn mang theo một cái túi giấy dầu, bên trong là gà quay.
La Tiêu cuốn chăn gối lại, đặt bàn vào giữa, hai người ngồi trên giường ăn uống.
Rượu mạnh cay nồng, La Tiêu uống một ngụm lớn rồi đặt vò rượu xuống, lắc đầu khà một tiếng: "Quả là rượu ngon!"
Hắn lại hỏi Thẩm Huyền Thanh chuyện nhà, chuyện làm ăn, vừa uống vừa nói vài câu chuyện phiếm.
Sau khi uống bốn năm chén rượu, rượu thịt đều đã ăn tới là sảng khoái, La Tiêu mới cao hứng nói: "Thẩm nhị ca, huynh có chuyện gì cứ việc nói, ta tuyệt không chối từ."
Hai năm trước nhà La Tiêu gặp biến cố, rơi vào cảnh nghèo túng, cơm không có mà ăn, mẹ già bệnh nặng hấp hối, cha chết không mua nổi một cái quan tài, chỉ có thể quấn chiếu rồi đào hố chôn.
Gã dẫn theo mẹ già, quỳ gối bán thân cứu mẹ bên đường, nhưng chữa bệnh tốn rất nhiều tiền, trừ những người giàu có lương thiện, làm gì có ai nguyện ý mua một một tên đầy tớ còn mang theo người bệnh về nhà.
Lúc Thẩm Huyền Thanh lên trấn làm khổ sai đi qua, thấy mẹ gã hấp hối còn đang kêu đói, dừng bước hơi do dự nhưng vẫn đưa cho La Tiêu hai chiếc bánh bao đã lạnh.
Đây là đồ ăn Vệ Lan Hương chuẩn bị cho hắn ăn cả một ngày.
Hắn cho rồi muốn đi luôn, La Tiêu lại ngăn hắn lại hỏi tên tuổi, xong cũng không nói thêm gì, quay người liền bẻ một miếng bánh bao lạnh đút cho mẹ gã.
Mẹ gã còn chưa nuốt xuống miếng bánh trong miệng đã nhắm mắt xuôi tay.
Về việc gã cõng mẹ đi an táng như thế nào, Thẩm Huyền Thanh không biết, đi làm khiêng vác, lao động khổ sai đều phải theo kịp giờ của thương nhân, đi trễ đủ người thì không có việc mà làm.
Nghe vậy, Thẩm Huyền Thanh không khách khí với gã nữa, nói: "Ngươi còn nhớ Lý Minh Sơn ta từng nhờ ngươi hỏi thăm không?"
La Tiêu nghĩ lại một lát mới nói: "Là tên đó sao? Mấy hôm trước ta còn thấy hắn ở trong lầu.
Huynh nhìn bộ dáng hắn vậy thôi chứ cứ thấy cô nương hay song nhi nào là hai mắt sáng rỡ liền.
Nhưng mẹ hắn quản nghiêm, hắn dù thèm thuồng cũng chỉ có thể lén lút, không dám tới đây thường xuyên.
Huynh chưa nhìn thấy bộ dạng đáng khinh của hắn thôi, vừa mới vào phòng đã cởi quần khom lưng, vội vàng tới nỗi tay chân run rẩy, mấy kỹ nữ phía sau hắn thấy vậy còn che miệng cười chê."
Làm bảo kê ở thanh lâu, những gì nhìn thấy nghe thấy đều là những chuyện ghê tởm xấu xa, La Tiêu lại chưa từng đọc sách, tất nhiên khi nói sẽ không biết giữ ý tứ gì.
Thẩm Huyền Thanh nghe vậy cũng không thấy có gì lạ, vẻ mặt nhàn nhạt như thường, chỉ nói: "Hôm nay ta đến chính là muốn nhờ ngươi chuyện này.
Hắn thích dạo chơi như vậy, ngươi tìm người dẫn hắn đi thường xuyên, nếu có thể thì để hắn ngủ nghỉ trong lầu luôn, tầm mười ngày nửa tháng không về nhà là tốt nhất."
Nói xong, Thẩm Huyền Thanh đẩy túi vải đỏ trên bàn qua, bên trong là mười lượng bạc, không ít đâu.
"Thẩm nhị ca, huynh đây là..." La Tiêu Bản định nói không cần, lại bị cắt ngang.
"Ngươi nhờ người ta làm việc sao có thể không mời rượu chứ? Các cô nương