Edit: Dờ
Thượng Hải và Tứ Cửu Thành là hai nơi hoàn toàn khác nhau, sự phồn hoa náo nhiệt ở đây vượt xa tưởng tượng của Lâm Nguyễn, chỉ nói riêng kiến trúc đã khác xa tứ hợp viện của Tứ Cửu Thành, kiến trúc ở Thượng Hải đa dạng hơn nhiều. Kiểu Anh, kiểu Hy Lạp, kiểu Gothic, rất nhiều loại hình kiến trúc khác biệt lại được xếp cạnh nhau ở hai bên đường, hình thành nên một phong cách kỳ thú.
Mà ở ngoài nơi ấy, trong những con hẻm nhỏ thì tràn đầy hơi thở của cuộc sống dân thường, những người dân ngồi bên đường hóng gió, trẻ con chạy đuổi nô đùa, hơi nước bay lên từ ấm nước giữa mùa đông, tiếng chuông leng keng của xe đạp, họ tạo thành một bộ phận không thể thiếu của thành phố này.
Đây là tháng thứ sáu kể từ khi Lâm Nguyễn đến Thượng Hải.
Thượng Hải dường như không có mùa thu, mùa đông đến trong nháy mắt, lá cây rụng đầy đất, giẫm lên không nghe thấy tiếng vì chúng đều bị ướt. Mỗi lần như thế, Lâm Nguyễn luôn nhớ về mùa đông ở Tứ Cửu Thành, lá cây ở đó rất khô ráo, lúc giẫm lên sẽ có tiếng kêu xào xạc.
Lâm Nguyễn rất vất vả để thích ứng với mùa đông ở đây, cái giá buốt chui hẳn vào tận xương, vừa ẩm ướt lại vừa rét cóng.
Lâm Nguyễn kéo chặt áo rồi rẽ vào trong hẻm, cậu thuê một căn phòng ở hẻm Bình An, đó là một căn phòng trên tầng hai của nhà dân, cửa sổ đón ánh mặt trời, dưới bệ cửa sổ thì đầy dây leo trinh đằng ba chẽ.
Lâm Nguyễn đẩy cửa ra, chủ cho thuê là một đôi vợ chồng đã kết hôn nhiều năm, họ Triệu. Con trai họ trạc tuổi Lâm Nguyễn, mấy tháng trước được chiêu binh để lên tiền tuyến.
Trong sân có mấy bồn hoa đặt ở góc tường, trước cửa thì bày một cái đèn vàng nhỏ. Cô Triệu nghe thấy tiếng thì khoác áo đi ra, "A Nguyễn đấy à."
Giọng người miền Nam rất độc đáo, trước đây người ta hay tả là mềm mại uyển chuyển, nghe vào rất êm ái.
"Là cháu đây." Lâm Nguyễn vào cửa, nói chuyện với cô Triệu. Cô Triệu đã đến tuổi trung niên nhưng chỉ có một đứa con trai duy nhất, sau khi bị chiêu binh thì mất liên lạc hoàn toàn, chỉ trong một thời gian ngắn mà tóc bạc đi rất nhiều.
"Con vẫn hỏi thăm tin tức phía Bắc đấy à?" Cô Triệu hỏi.
Lâm Nguyễn gật đầu, tháng Sáu năm trước cậu xuôi nam xuống Thượng Hải, tốn ba tháng để ổn định cuộc sống, vốn tưởng tất cả đã đi vào quỹ đạo, kết quả là chiến tranh nổ ra một cách rất bất ngờ.
Thượng Hải không phải tiền tuyến, lúc đầu cũng không ảnh hưởng nhiều, nhưng sau đó Nam Bắc đã cắt đứt liên lạc, xe lửa bị quân đội trưng dụng, Lâm Nguyễn cũng bị kẹt lại ở Thượng Hải.
"Hay là con ra bến tàu coi thử." Cô Triệu nói: "Sáng nay nghe phong thanh ông Lưu đầu hẻm bảo, dạo này hình như có thuyền đi qua."
Lâm Nguyễn nhớ kỹ, cậu nói với cô Triệu: "Trời lạnh lắm, cô về nghỉ đi, cháu lên tầng đây."
Cô Triệu gật đầu, lại nói: "Dạo này không yên ổn, cứ đến đêm là lại nghe tiếng súng nổ, lần sau con nhớ về sớm chút, đừng chờ đến tối mịt mới về."
"Cháu biết rồi." Lâm Nguyễn đáp rồi đi lên tầng.
Cậu mở cửa ra rồi bật đèn trong phòng, phòng không rộng, chỉ bày một chiếc giường, một tủ quần áo, dưới cửa sổ đặt bàn học, trên đó có vài quyển sách và một chiếc đèn bàn.
Lâm Nguyễn buông đồ đạc trong tay xuống, kéo ghế ra ngồi vào bàn bắt đầu viết thư.
Bức thư này của cậu sẽ không được gửi đi, thư từ giữa Nam và Bắc đã bị cắt đứt gần nửa năm rồi, mà cậu đã mất liên lạc với Trạm Hi từ trước đó.
Sau khi Lâm Nguyễn xuôi Nam, Trạm Hi đã ra nước ngoài. Hắn đi một mình, Thế Ninh ở lại chăm sóc bác Đông và trông coi Lan công quán, còn Trạm Hi thì một mình đi khắp các nước. Hắn vẫn là thương nhân nổi danh quốc tế, nổi tiếng đến nỗi Lâm Nguyễn ở Thượng Hải mà vẫn nghe được tên của hắn.
Trừ lần đó, Lâm Nguyễn không có nhiều tin tức về Trạm Hi. Hắn đi khắp các nước mà không có chỗ dừng chân cố định, hôm nay làm ăn ở Mỹ, mai lại chạy sang Nga. Sau đó chiến tranh bùng nổ, Lâm Nguyễn cũng mất luôn liên lạc với Lan công quán.
Chiến tranh đã đến giai đoạn ngã ngũ, nghe nói tiền tuyến liên tiếp bại trận, ít ngày nữa, quân phiệt phía Nam sẽ rút khỏi Thượng Hải.
Mà hiển nhiên Thượng Hải đã rối loạn rồi.
Lâm Nguyễn còn chưa viết thư xong, đèn chớp hai cái rồi tắt hẳn. Gần đây luôn cắt điện cắt nước, dường như tài nguyên của Thượng Hải sắp không đủ dùng. Lâm Nguyễn bó tay, bèn cất phong thư rồi đi ngủ.
Tờ mờ sáng hôm sau, Lâm Nguyễn bị tiếng súng làm cho bừng tỉnh, cậu xuống giường mở cửa sổ ra nhìn, không khí lạnh và tiếng súng cùng xộc vào trong nhà. Lâm Nguyễn thở dài, cậu cảm thấy mình sắp quen với chuyện này rồi.
Lâm Nguyễn rửa mặt đánh răng xong, chào cô Triệu một tiếng rồi lại ra ngoài.
Cậu đã hẹn gặp người ta ở quán trà, lúc Lâm Nguyễn tới thì đã có người ngồi ở gần cửa sổ, là một người đàn ông trung niên hơi mập mạp, mặc tây trang và khoác áo bành tô, ông ta đang bưng một chén trà nóng.
Lâm Nguyễn đi qua đó, cậu mặc áo bông rất dày, quàng chiếc khăn màu xám quanh cổ. Nếu đây là Tứ Cửu Thành thì Lâm Nguyễn sẽ mặc áo khoác len dạ để ăn diện trong tiết thu đông, nhưng đây lại là Thượng Hải, Lâm Nguyễn thấy mình không chịu nổi cái kiểu rét buốt này.
Lâm Nguyễn ngồi xuống phía đối diện, người nọ thấy Lâm Nguyễn thì chào một tiếng "ông chủ nhỏ". Đó là một người môi giới, quê ở phía Bắc, xem như đồng hương với Lâm Nguyễn, cũng đã làm ăn mấy lần, là một người đáng tin tưởng.
Lâm Nguyễn hỏi: "Tôi nghe nói gần đây có thuyền đi ngang qua Thượng Hải, ông tìm cách mua vé cho tôi được không?"
Môi giới nói: "Đúng là có thuyền đi qua Thượng Hải, nhưng ông chủ nhỏ này, cậu cũng biết đấy, bây giờ loạn lạc hết cả, bao nhiêu người muốn chạy khỏi đây, vé tàu khó mua lắm."
Lâm Nguyễn cúi đầu uống trà, "Tiền không phải là vấn đề."
"Hầy," Môi giới nói: "Bây giờ tiền rơi đầy đường như giấy lộn, ai còn cần nó nữa!"
Môi giới nói xong thì nhìn Lâm Nguyễn, cậu còn rất trẻ nhưng lại mang khí chất trầm lặng vững vàng.
"Muốn vàng thì tôi cũng có." Lâm Nguyễn chậm rãi nói: "Quan trọng là vé tàu."
Môi giới hớn hở nói: "Cậu yên tâm, chỉ cần có thù lao thì tôi nhất định sẽ làm xong chuyện cho cậu! Chẳng qua là..."
Môi giới xoa tay, Lâm Nguyễn lấy từ trong túi ra một điếu thuốc lá cuộn đưa cho môi giới, môi giới sờ vào biết ngay bên trong có vàng. Dạo gần đây một thỏi vàng bé xíu cũng đáng giá hơn cả túi tiền giấy, môi giới vội vàng nhét vào trong túi áo, "Cậu yên tâm, cứ giao hết cho tôi!"
Lâm Nguyễn gật đầu, đứng dậy ra về. Lúc cậu xuôi Nam, Trạm Hi chuẩn bị rất nhiều thứ cho cậu, nhiều nhất là tiền. Có điều sau khi Lâm Nguyễn đến Thượng Hải thì tự tìm một công việc bán thời gian, lương không cao nhưng đủ nuôi sống bản thân, cậu không muốn dùng tiền của Trạm Hi. Có lẽ Trạm Hi đã dự tính được nên hắn đưa cho Lâm Nguyễn rất nhiều vàng thỏi và bạc, chỉ có một ít là tiền giấy.
Sau đó Lâm Nguyễn lại đi tìm một người môi giới khác, tình thế đặc thù, cậu không yên tâm giao tất cả cho một người.
Chờ xử lý xong việc thì đã tới giữa trưa, Lâm
Thầy giáo của cậu cũng chính là sư phụ của Phương Trình Tắc, là bậc thầy về ngành kiến trúc, ông ấy họ Hoa. Ông ấy bảo Lâm Nguyễn đến Thượng Hải học, sau đó cũng rất quan tâm chăm sóc cậu, coi Lâm Nguyễn như người nhà.
Hoa tiên sinh đã cao tuổi, ông ấy và Hoa thái thái đều là người Tứ Xuyên, sau đó đến Thượng Hải rồi định cư ở đây. Hai vợ chồng thu đồ đệ khắp thiên hạ, lại chỉ có một cô con gái, lại còn là con muộn lúc tuổi đã già, cô gái còn nhỏ tuổi hơn Lâm Nguyễn.
Quyết định rời khỏi Thượng Hải là do Lâm Nguyễn và hai người bọn họ thương lượng với nhau, chủ yếu vẫn là do Lâm Nguyễn quyết định, hết cách rồi, hai vợ chồng đã cao tuổi, Hoa Anh thì được chiều chuộng mà lớn lên, không thể cáng đáng việc trong nhà.
Lâm Nguyễn gõ cửa nhà Hoa tiên sinh, Hoa Anh - con gái của Hoa tiên sinh ra mở cửa.
Hoa Anh còn rất trẻ, cô mặc váy nhung dài màu xanh ngọc, tóc hơi uốn cong, kẹp chiếc kẹp tóc đính ngọc trai, thấy Lâm Nguyễn đến, cô cười tươi: "Anh Lâm Nguyễn, mau vào đi."
Hoa tiên sinh là ở trong một căn nhà kiểu Tây đã hơi cũ, hai tầng, gạch tường màu đỏ, trên mái thường có bồ câu đậu lại.
Lâm Nguyễn đi vào nhà, vừa lúc Hoa thái thái làm cơm xong, Hoa tiên sinh đang dọn bàn cơm thì nhìn thấy Lâm Nguyễn, cười ha ha ra mời cậu vào ăn cùng.
Dưới hoàn cảnh quen thuộc, Lâm Nguyễn hơi thả lỏng, cậu ngồi vào bàn ăn, Hoa Anh múc canh cho cậu. Lâm Nguyễn cảm ơn Hoa Anh, cô cười nói: "Anh Lâm Nguyễn khách sáo quá."
Lâm Nguyễn cười, quay ra nói với Hoa tiên sinh: "Em hỏi rồi, ngày kia sẽ có một chiếc thuyền dừng ở bến Thượng Hải, em đã nhờ người ta đi mua vé, nếu không có gì bất ngờ thì có thể rời khỏi đây."
Hoa tiên sinh gật đầu, "Vậy là tốt rồi, tốt rồi."
Hoa Anh nghe vậy thì chu môi, "Sao cứ phải rời khỏi Thượng Hải, bến Thượng Hải có gì không tốt chứ?"
Khác với Lâm Nguyễn và vợ chồng Hoa tiên sinh, Hoa Anh từ khi sinh ra đã ở Thượng Hải, Tứ Xuyên là quê nhà của Hoa tiên sinh, Tứ Cửu Thành là quê nhà của Lâm Nguyễn, mà bến Thượng Hải lại chính là quê nhà của Hoa Anh.
Hoa thái thái dí trán Hoa Anh, "Đừng lắm miệng."
Hoa Anh hừ một tiếng, hơi cụt hứng, cô là một cô gái trẻ tuổi xinh đẹp, lúc không vui vẫn rất là xinh xắn.
Lâm Nguyễn ngẫm nghĩ, giải thích cho cô: "Em thích bến Thượng Hải bao nhiêu thì anh nhớ Tứ Cửu Thành bấy nhiêu, cho nên anh nhất định phải về. Chờ tương lai tình hình ổn định lại, em cũng có thể trở về bến Thượng Hải."
Hoa Anh lầm bầm mấy câu, không nói gì nữa, lại hỏi Lâm Nguyễn: "Anh Lâm Nguyễn, rốt cuộc Tứ Cửu Thành ở nơi nào? Sao anh luôn nhớ nhung nơi đó vậy?"
"Đương nhiên rồi," Lâm Nguyễn cúi đầu cười, trong tòa thành ấy có nửa kia của cậu.
---
Mặt biển rộng mênh mông vô bờ, màu xanh của nước biển hòa cùng sắc da trời, đường chân trời gần như biến mất. Trên mặt biển, một chiếc thuyền hàng chậm rãi rẽ sóng, boong tàu toàn người ngoại quốc tóc vàng mắt xanh, họ đang hoàn thành công việc của mình.
"Hai ngày nữa là tới bến cảng Thượng Hải rồi." Một người nước ngoài nói tiếng Anh với người ngồi trên ghế tựa.
Người nọ mặc tây trang rất sang trọng, ngồi trên chiếc ghế tựa bọc nhung màu lam, hắn bắt chéo hai chân, ngón tay khẽ động đậy.
"Tìm được người tôi muốn tìm chưa?" Trạm Hi cũng trả lời lại bằng tiếng Anh lưu loát.
"Rất xin lỗi, thưa ngài." Người nước ngoài kia đáp: "Bây giờ Thượng Hải quá loạn, hoàn toàn không còn trật tự gì nữa, ngài muốn tìm một người giữa thành phố lớn như vậy thì thật là khó khăn."
Con ngươi của Trạm Hi hơi tối lại: "Tăng số nhân thủ lên, đi tìm lại."
"Vâng." Người nước ngoài hỏi: "Lúc dừng lại ở bến cảng, ngài có cho phép dân thường lên thuyền không, rất nhiều người đều muốn rời khỏi Thượng Hải."
Trạm Hi thờ ơ gật đầu, thực ra trên con thuyền này không có nhiều hàng hóa, chỉ vì quốc nội không thể thông hành cho nên hắn mới phải tự tìm cách để vào từ đường biển.