Chiều lại, những giọt nắng vàng còn đọng trên những tàng cổ thụ hai bên quan đạo, người ngựa của Tần Bảo và Tào Can đã tới một vùng đồi cỏ xanh ngát bao la.
Vùng đồng cỏ bao la này trước kia hàng trăm năm là vùng tiếp nối từ Trung thổ tới ải biên thùy Nhạn Môn quan, một bãi sa trường đẫm máu.
Lúc đó, người Trung thổ và giặc Hung nô đánh nhau từng ngày, giết hại lẫn nhau thây chất chồng như núi, máu chảy thành sông như cổ sử đã ghi chép nhiều đời.
Nơi đây cũng là vùng biên ải vào đời nhà Hán Võ Đế tiễn đưa tuyệt thế mỹ nhân Chiêu Quân sang cống Hồ, bịn rịn chia tay trước phút chia ly.
Giờ đây trong cảnh thái bình, cỏ xanh trải dài hàng dặm hút tới chân trời đẹp như bức tranh tuyệt vời.
Tiết trời vào mùa thu mát mẻ, đồng cỏ xanh rờn, gió dậy từng cơn, cảnh sắc hữu tình bất cứ ai nhìn qua cũng phải bồi hồi ngẩn ngơ trong dạ.
Nhớ lại tích xưa, Tần Bảo chợt cảm khái trong lòng, cất tiếng ngâm nga:
"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu"
Giọng chàng ngâm nga vừa trầm hùng lại vừa buồn rười rượi gợi nhớ tới ngày xưa khiến cho người nghe lòng dậy lên một niềm hoài cổ.
Nghe Tần Bảo ngâm hai câu thơ Tào Can lướt ngựa tới song song bạch mã khen ngợi:
- Tần nhị đệ có giọng ngâm thơ thật hay, chẳng hiểu chiều nay nhị đệ đã cảm khái điều gì lại ngâm hai câu thơ của đại thi hào Đỗ Phủ?
Tần Bảo vẫn còn xúc động, nghe Tào Can hỏi bèn quay qua, mặt buồn rười rượi.
Chàng trỏ tay sang cánh đồng cỏ bao la:
- Tiểu đệ đọc cổ sử thấy năm xưa nơi đây là chốn sa trường, quân Trung Nguyên và giặc Hung nô đánh nhau chết đến nỗi sách có câu "đống xương vô định", nên về sau đại thi hào Đỗ Phủ cảm khái chuyện xưa đã sáng tác hai câu thơ bất hủ đó, đệ nhìn cảnh củ nhớ lại người xưa nên ngâm hai câu thơ đó.
Chàng tiếp:
- Cổ sử còn ghi chép trên cánh đồng cỏ này mãi đến nay vẫn còn vết chân của trang tuyệt thế mỹ nhân Chiêu Quân đi cống Hồ, ngang qua đây có đàn chim nhạn hàng ngàn con đưa tiễn, sau đó nàng đã tuẫn tiết bên xứ Hung nô. Đệ lại đọc tới chuyện Tây Thi thời Đông Châu, Điêu Thuyền thời nhà hậu Hán, Dương Quí Phi đời nhà Đường. Cũng như Chiêu Quân, tất cả đều yểu thọ nên sinh lòng hoài cổ ngâm hai câu thơ bất hủ đó.
Tào Can lại khen:
- A. Thì ra Tần nhị đệ vừa là một trang thiếu hiệp võ công cao cường, lại vừa là một tài tử phong hoa tuyết nguyệt, lão thông thi phú, văn chương kim cổ, thực lòng ngu huynh vô cùng bái phục tài hoa của nhị đệ.
Hắn khen ngợi để chinh phục tình cảm của Tần Bảo.
Tần Bảo khiêm tốn:
- Tào sư huynh dạy quá lời, tiểu đệ không dám nhận. Sự thực thuở còn thơ ấu đệ được mẫu thân dạy văn chương thi phú suốt mấy năm trời nên cũng hiểu chút ít cổ sử, sự tích người xưa đó thôi.
- Tần nhị đệ quá khiêm nhường nên nói vậy, ngu huynh xem qua trên chốn giang hồ hiện nay chưa có một thiếu niên nào sánh nổi với nhị đệ.
Tần Bảo chưa kịp nói thêm, thình lình nghe từ phía sau lưng có tiếng vó ngựa phi tới. Tần Bảo và tất cả cùng ngoảnh lại nhìn xem kỵ mã kia là ai, lại tới vùng đồng cỏ hoang vu trong lúc trời sắp sửa hoàng hôn.
Nháy mắt đã thấy hai thớt ngựa hồng từ xa phi tới, trên lưng chở một nam một nữ.
Nam nhân mặc áo gấm, còn nữ nhân vận xiêm y sặc sỡ. Dĩ nhiên họ thuộc hàng danh gia, vọng tộc.
Tần Bảo nói:
- Lạ thật, Đôi nam nữ này là ai, sao lại tới vùng hoang vu vào lúc này?
Tào Can nhìn đôi nam nữ ngồi trên yên ngựa:
- Đôi nam nữ kia chắc phải là con nhà danh vọng, chúng ta hãy chờ xem họ là ai.
Chẳng mấy chốc hai thớt ngựa hồng chạy tới. Tần Bảo nhìn rõ nam nhân là một gã thiếu niên trạc mười tám, mười chín, mặt mũi khá khôi ngô, mắt sáng tợ ngôi sao. Còn nữ nhân là một thiếu nữ trạc mười sáu, mười bảy tuổi, gương mặt kiêu sa, lạnh lùng không nhìn ai cả.
Tần Bảo không nhìn kỹ người mà nhìn chăm chăm vào hai con ngựa hồng dáng vóc hùng vĩ, đúng