"Con bé này cũng chỉ làm bộ làm tịch ở bên ngoài vậy thôi, bình thường rất bướng bỉnh, khiến người ta phải lo lắng không ít." Vương Tử Nghĩa cảm thấy Bảo Muội nhà mình chính là tiểu cô nương tốt nhất, thế nhưng lời nói ra lại khiêm tốn, ý tứ hàm xúc mười phần.
"Xem huynh nói kìa, con nít tuổi này làm gì có đứa nào không nghịch ngợm chứ." Nói xong câu này, Bạch Hồng Tín thấy đứng ở bên ngoài đã lâu mà còn chưa mời bọn họ vào bên trong, bèn đổi đề tài bảo: "Vương huynh, có chuyện gì chúng ta đi vào rồi lại trò chuyện tiếp. Đợi lát nữa ta sẽ gọi người làm thủ tục nhập học cho Bảo Quận chúa. Nhân tiện gọi người đưa Bảo Quận chúa đi khắp nơi xem thử, làm quen với học viện."
"Bạch hiền đệ đừng trái một câu Bảo Quận chúa, phải một câu Bảo Quận chúa nữa. Quan hệ giữa chúng ta đâu cần khách khí như vậy. Nó đã gọi đệ là thúc thúc thì chính là con cháu của đệ, đệ gọi nó một tiếng Bảo Muội cũng là chuyện nên làm." Hai người vừa đi vừa tán gẫu với nhau.
Vương Tự Bảo đi ở phía sau, theo sát phụ thân mình. Phía sau cô bé là tiểu tư Tùy Ba của Vương Tử Nghĩa và đại nha hoàn Hương Vu của Vương Tự Bảo.
Bạch Hồng Tín xuất thân từ Uy Viễn Hầu phủ, là đích thứ tử của Uy Viễn Hầu Bạch Vĩnh Chí. Hiện tại Vương Tử Nghĩa là thế tử Hòa Thuận Hầu, về mặt thân phận cao hơn Bạch Hồng Tín không ít. Nhưng cũng cùng xuất thân từ Hầu phủ, hai người vẫn luôn qua lại thường xuyên với nhau.
Học viện Hoàng gia thật sự rất lớn, Vương Tử Nghĩa làm thủ tục nhập học cho Vương Tự Bảo ở khu giáo viên, còn Vương Tự Bảo thì được Bạch Hồng Tín phái tùy tùng hướng dẫn đi làm quen khắp nơi.
Học đường nơi đây căn cứ vào Thiên, Địa, Huyền, Hoàng chia thành bốn khu, tách biệt chiếm cứ bốn góc của Học viện Hoàng gia.
Khu cấp Hoàng nằm ở góc phía Bắc.
Trong mỗi khu còn có các loại phòng học dạy cầm, kỳ, thi, họa, phía sau còn sắp xếp khu vực ký túc xá cho học trò nghỉ ngơi, gọi là lư xá.
Giữa học viện có khu giáo viên dành cho các thầy giáo, Tàng Thư Lâu cho học trò mượn đọc và tra tìm tài liệu, Thiện Đường cung cấp bữa ăn hàng ngày, phòng trà để uống trà nói chuyện phiếm, Trữ Tàng Thất dự trữ vật tư, Tập Tư Đường và Quảng Ích Đường sử dụng cho các hoạt động tập thể, thậm chí còn có khu Dược Học có chức năng như phòng y tế nữa.
Bình thường con cháu thế gia không chỉ phải học văn sử, tinh thông lục nghệ*, ngoài ra còn phải học tập một vài thứ phụ như thiên văn, địa lý, y học, kinh học, thậm chí là Phật học, vân vân. Những thứ này cộng vào với nhau, còn nhiều hơn, hỗn tạp hơn so với các môn học của học sinh thời hiện đại.
(*) Lục nghệ là hệ thống giáo dục cơ bản của văn hoá Trung Quốc cổ đại, các học trò được yêu cầu phải nắm vững sáu môn nghệ thuật bao gồm: lễ (lễ nghĩa), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa), thư (thư pháp) và số (Toán học).
Vì vậy, khu Dược Học không chỉ để chữa trị một vài bệnh đơn giản và xử lý chút ngoại thương thường gặp, mà còn phải gánh trách nhiệm dạy học trò cách chữa các loại bệnh thông thường.
Toàn bộ khu vực phía sau học viện còn xây dựng các loại sân vận động lớn như trường đua ngựa, bãi tập bắn, xúc cúc. Ngoài ra có người nói ở ngọn núi phía Tây còn xây khu cắm trại săn thú lớn.
Học viện sắp xếp mỗi ngày có hai tiết học.
Buổi sáng các lớp cấp Hoàng kiên trì với các giờ học văn sử. Thời gian đi học là giờ Tỵ (9:00 ~ 10:59).
Buổi chiều thì sắp xếp các giờ học lục nghệ, tuần tự thay đổi mỗi ngày. Thời gian đi học là giờ Mùi (13:00 ~ 14:59).
Giờ Ngọ (11:00 ~ 12:59) ở giữa là thời gian ăn cơm trưa và nghỉ ngơi.
Do thời gian gấp gáp, Vương Tự Bảo và Hương Vu chỉ có thể thăm thú sơ qua học viện.
Vì sau này Vương Tự Bảo phải nghỉ trưa trong lư xá, nên hai người bèn bảo tùy tùng do Bạch Hồng Tín phái tới đưa đến lư xá làm quen .
Lư xá của mỗi khu được chia thành hai nơi dành cho nam và nữ.
Cho dù tư tưởng người triều đại này cởi mở, cho phép nam nữ cùng đến trường học tập, thế nhưng số lượng người có thể chấp nhận quan niệm như vậy cũng không nhiều. Vì vậy, chỉ có một bộ phận cực ít nữ sinh có thể tới Học viện Hoàng gia học mà thôi.
Cũng bởi thế, diện tích phân bố lư xá của nam, nữ sinh hết sức không đồng đều. Khu vực lư xá nam sinh vô cùng rộng rãi, số phòng cũng nhiều hơn. Lư xá nữ sinh thì nằm ở trong một tiểu viện lớn, hơn nữa chỉ có ba dãy phòng, mỗi dãy chia làm mười gian phòng.
Một điểm khiến Vương Tự Bảo khá vui mừng đó là: Cũng may mỗi người có thể có một gian phòng độc lập của riêng mình, không cần phải ở chung cùng những người khác.
Nữ sinh Vương Tự Bảo thay thế kia ở lớp Bính cấp Hoàng, lư xá của người nọ ở gian thứ tư dãy thứ hai. Tùy tùng Bạch Hồng Tín phái tới là đàn ông, vì vậy, hắn chỉ có thể ở bên ngoài đợi chủ tớ hai người Vương Tự Bảo. Vương Tự Bảo bảo Hương Vu thưởng cho hắn một cái hà bao, bố trí cho hắn đến phòng trà vừa uống trà vừa chờ các cô bé.
Trước khi Vương Tự Bảo đi vào lư xá, người nọ vô cùng vui vẻ chào hỏi quản sự của nơi này, sau đó hớn hở rời đi.
Quản sự của nơi này họ Lưu, các học trò đều gọi bà là Lưu quản sự, đương nhiên cũng có vài người không khách khí gọi bà là bà tử Lưu. Bà là một bác gái trung niên tướng mạo phúc hậu, lúc nói chuyện giọng nói rất vang, khoảng chừng bốn mươi tuổi.
Vương Tự Bảo nháy mắt ra hiệu cho Hương Vu. Hương Vu lập tức hiểu ý, thò tay vào trong ngực móc ra một cái hà bao đưa cho bà tử Lưu, rồi vừa cười vừa nói: "Lưu quản sự, ta là thiếp thân nha hoàn của Quận chúa nhà chúng ta, tên là Hương Vu, sau này ta sẽ cùng Quận chúa tới nơi này đọc sách. Đây là của Quận chúa nhà ta thưởng cho bà, bà đừng chê ít nhé."
Học viện Hoàng gia cho phép mỗi học trò dẫn theo một người hầu nhập học, chăm lo đồ ăn thức uống, sinh hoạt thường ngày.
Chẳng phải có câu tục ngữ gọi là: "Diêm vương dễ chọc, tiểu quỷ khó chơi" sao. Đừng thấy bà tử Lưu chỉ là một quản sự nho nhỏ ở nơi này, nếu như người ta sử dụng vài ám chiêu, muốn gây chút phiền phức cho ngươi cũng là chuyện rất dễ dàng.
Mặc dù Vương Tự Bảo xuất thân cao quý, thế nhưng cô bé cũng không muốn bởi vì không làm tốt chút việc nhỏ mà bị người khác tính kế.
Bà tử Lưu sờ soạng cái hà bao Hương Vu đưa tới, bên trong có một khối lớn, có lẽ phải có tới ít nhất mười lượng bạc. Vì vậy bà ta cười tít mắt, cúi người cung kính nói: "Tạ ơn Quận chúa ban thưởng. Sau này có chuyện gì có thể dùng đến lão nô, xin Quận chúa cứ dặn dò."
Vương Tự Bảo cười, khiêm nhường nói: "Lưu quản sự khách khí rồi. Sau này không chừng thật sự có không ít việc phải nhờ tới Lưu quản sự, đến lúc đó cũng xin Lưu quản sự tạo thuận lợi cho."
"Quận chúa chê cười lão nô rồi, sau này người cứ gọi lão nô là bà tử Lưu. Đến lúc đó có chuyện gì, người chỉ cần nói là được." Cả Ung Đô này ai mà không biết, Bảo Quận chúa này là tâm can bảo bối của Hòa Thuận Hầu phủ, lại còn là vị tiểu chủ tử được Thái
"Được, Lưu quản sự, chúng ta cũng đừng ở đây khách sáo nữa. Bà đi phía trước dẫn đường, đưa ta và Hương Vu tới lư xá xem xem còn có phải chuẩn bị đồ đạc gì không."
"Vâng, lão nô xin đưa Quận chúa qua đó."
Đi tới lư xá Vương Tự Bảo sẽ ở sau này, bà tử Lưu móc chìa khoá mở khóa trên cửa, rồi đẩy cửa ra gọi chủ tớ Vương Tự Bảo vào.
Cũng may nơi này thường có người quét dọn nên cũng không có bụi.
Bố cục bên trong phòng đơn giản, chia làm hai gian trong ngoài.
Phòng trong là phòng nghỉ, khoảng chừng hai mươi mấy thước vuông, đơn giản bày biện một cái giường lớn, một cái giá sách giản dị, một cái bàn và bốn cái ghế.
Diện tích phòng ngoài cũng không nhỏ. Có một chỗ có thể để bếp lò hâm nóng cơm canh. Ngoài ra ở chỗ này có thể bố trí một vài rương hòm, thứ nhất là dùng làm chỗ cất đồ, thứ hai có thể trải đệm chăn cho nha hoàn nghỉ ngơi ở đây.
Bên hông phòng ngoài còn ngăn ra một phòng tắm đơn giản, có thể ở trong đó rửa mặt, đi vệ sinh.
Hương Vu thấy ở đây điều kiện đơn sơ, lúc đầu còn tưởng Vương Tự Bảo được trên dưới toàn phủ chiều chuộng nuôi lớn sẽ ghét bỏ. Không ngờ trên mặt Vương Tự Bảo lại lộ ra nụ cười, thích thú bàn bạc với nàng chỗ nào cần thứ gì? Chỗ nào bày biện thứ gì? Các nàng còn cần chuẩn bị những gì vân vân. Hoàn toàn coi nơi này như nhà mới của mình vậy.
Trở lại Hầu phủ, Vương Tự Bảo vui vẻ nói một chút những điều mắt thấy tai nghe ở Học viện Hoàng gia cho mọi người nghe, cũng sôi nổi thảo luận chuyện trang trí lư xá của cô bé ra sao cùng tổ mẫu, mẫu thân và các tẩu tẩu nhà mình. Hơn nữa còn cùng già trẻ cả nhà nghiên cứu những thứ cần phải chuẩn bị khi đi học. Như lễ vật bái sư chuẩn bị cho các thầy dạy học, còn có lễ gặp mặt chuẩn bị cho bạn cùng lớp gì gì đó.
Ba ngày sau, dưới ánh mắt lưu luyến không rời của mẫu thân, Vương Tự Bảo mặc bào phục màu xám được phát lúc làm thủ tục nhập học, chải song nha kế* đáng yêu, phất chiếc khăn nhỏ trong tay để tạm biệt.
(*) Một kiểu tóc thời phong kiến của Trung Quốc.
Với sự đồng hành của Hương Vu, cô bé mang theo đủ loại đồ đạc đã sớm chuẩn bị xong, leo lên chiếc xe ngựa cấp bậc Quận chúa do hoàng gia ngự ban.
Ở phía trước có vài vị ca ca Hầu phủ đang học ở Học viện Hoàng gia mở đường, phía sau lại có một đám hộ vệ ào ào đi theo, Vương Tự Bảo chính thức bắt đầu hành trình đến trường.
Đến khi tới khu vực dừng xe quy định của Học viện Hoàng gia, xe ngựa của Vương Tự Bảo dừng lại. Lúc Vương Tự Bảo sửa sang xong dáng vẻ của mình rồi chuẩn bị xuống xe, màn xe đã bị người bên ngoài kéo ra.
Người bên ngoài là Nhị ca Vương Dụ Phổ đang ở nhà chờ việc, đi theo Tam thúc xử lý công việc vặt trong Hầu phủ nhà mình.
"Ơ? Nhị ca, sao huynh lại tới đây?" Vương Tự Bảo giật mình hỏi.
Nhị ca năm nay đã mười chín tuổi, đầu năm mới vừa thành hôn.
Người huynh ấy cưới tất nhiên là Trương Quân Nhan.
Đoạn tình cảm này tu thành chính quả ngoại trừ nhờ tình yêu kiên trung bất khuất ra, thì công lao của Vương Tự Bảo là lớn nhất.
Phải biết rằng nhà Trương Quân Nhan vẫn luôn khăng khăng đòi Trương Quân Nhan tuyển con rể tới nhà ở rể. Hơn nữa còn từng một lần đem việc này trình lên nghị sự. Mẫu thân của Trương Quân Nhan là Tĩnh Mẫn Trưởng Công chúa chọn cho nàng Thám hoa lang năm ngoái là Thẩm Tinh Nam.
Vì thế, Trương Quân Nhan kiên quyết tuyệt thực năm ngày, chống lại mẫu thân, khiến bà hoãn thời gian thực hiện chuyện này lại.
Chẳng qua khi Vương Tự Bảo tới nhà thăm hỏi, cô bé phát hiện Trương Quân Nhan đói bụng năm ngày vậy mà gương mặt vẫn hồng hào, giọng nói lúc nói chuyện vẫn rất bình thường, liền biết trong đó có bao nhiêu phần thật giả.
Sau đó, vì hạnh phúc cả đời của Nhị ca nhà mình, Vương Tự Bảo không thể không để lộ một mặt sớm phát triển của bản thân.
Cô bé bày tỏ muốn được chia sẻ tâm tư cùng Tĩnh Mẫn Trưởng Công chúa, bất ngờ là đối phương lại đồng ý.
Trong con mắt của người ngoài, một đứa nhỏ bốn tuổi bàn điều kiện với một người hơn mình rất nhiều tuổi, thậm chí còn có thể làm tổ mẫu của mình, là một chuyện khó tin biết bao nhiêu. Nhưng chuyện như vậy lại thành sự thật.
Tĩnh Mẫn Trưởng Công chúa cũng vì yêu con gái nên mới chấp nhận lời đề nghị hoang đường như thế. Dù sao bà cũng biết con gái nhà mình từ nhỏ đã nhớ nhung Tam lang nhà họ Vương.
Vương Tự Bảo vừa nói vừa chậm rãi sắp xếp lại ngôn từ của mình. Dù sao ở phương diện này cô bé cũng chẳng có kinh nghiệm gì. Đồng thời cô bé cũng cố khiến lời nói của mình trở nên dễ hiểu, phù hợp với tuổi tác của bản thân hơn.
Bất kể nói thế nào, cô bé làm chuyện này đã là khác người rồi, không thể lại khiến mình càng kỳ lạ hơn nữa.