.video-player__player { width: 480px; height: 270px; display: inline-block; } .video-player { width: 100%; height: 100%; text-align: center; }
Type: Bạch_Ngọc_Tuyết
Anh đã quên em rồi sao, quên một phần tử khủng bố đã quấy rối anh suốt bốn năm qua sao?
Tại nhà nghỉ Nông Gia Lạc ờ Sơn Lý ngoại ô thành phố B, ngoài trời tiếng
sấm nổ liên hồi, đêm đen như bị vây bủa bởi trận mưa xối xả.
Đây
là đêm thứ hai chúng tôi nghỉ tại Sơn Lý, ngoài khách nghỉ tại nhà nghỉ
còn có cả gia đình ông chủ, tổng cộng là mười sáu người, mất điện, điện
thoại mất tín hiệu, lại thêm tất cả đồ ăn dự trữ trong nhà đã hết. Ông
chủ trọ trước đó đảm bảo chắc chắn không để xảy ra chuyện gì thì giờ
cũng không thể lạc quan được nữa, một không khí nặng nề bao trùm khắp
không gian.
Tôi là Đường Quả, hiện đang học tại một viện nghiên
cứu của học viện y học Trung Quốc, vừa được nghỉ hè mấy đứa chúng tôi
liền bàn nhau ra khu ngoại ô chơi một chuyến cho khuây khoả. Dự báo thời tiết ba ngày tới trời quang mây tạnh, kết quả là ngay ngày xuất hành đã lất phất mưa, chúng tôi nghỉ tại nhà nghỉ Nông Gia Lạc chưa lâu nhưng
xem chừng trận mưa này ngày càng to.
Bây giờ việc chúng tôi có
thể làm được chỉ có thể là thầm cầu đến tổ tiên của các chuyên gia khí
tượng và ngồi đợi đến khi trời tạnh.
Trong hoàn cảnh mất điện thế này, bữa tối của chúng tôi chỉ là nồi cháo loãng đến mức có thể soi
gương được, chín người chúng tôi tụ tập trong một căn phòng nhỏ. Đương
nhiên là không thể nào chơi bài được, nàng mãnh nữ Đào Băng tinh nghịch
đề nghị mọi người kể chuyện ma, đề nghị này nhận được nhận được sự hưởng ứng đồng loạt của cánh con trai. Trong bốn đứa con gái ở đó, trừ tôi là chẳng thèm phản đối Đào Băng còn hai đứa khác xúm vào mắng cho Đào Băng một trận té tát.
Tôi đang ngồi dựa vào tường thì Vu Nhã Chí chạy lại nắm tay tôi nói: "Có sợ không?". "Không" Tôi nói.
Vu Nhã Chí là bạn trai của tôi đã nửa năm rồi, anh là sinh viên ưu tú của
thầy Phùng nhưng tôi lại là người được thầy quý nhất. Vợ chồng thầy
Phùng có một đứa con gái sang Mỹ học ngành kĩ thuật, chắc là mấy năm sau về nước góp sức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thế là tình mẫu tử không nơi trao gửi của vợ thầy đành gửi vào tôi vậy, mỗi cuối tuần cô ấy đều làm
cho tôi đồ ăn thức uống ngon lành, nhưng vì tôi với Vu Nhã Chí là khách
thường xuyên của gia đình cô, lại nhờ sự vun vén, thêm nếm lời hay ý đẹp của cô nên chúng tôi đã trở thành đôi tình nhân thân thiết lúc nào
không hay.
Nhưng lần học vẽ mô hình này Vu Nhã Chí vốn đã không
đến, tuần trước lúc làm bánh chẻo cùng cô, tôi có nghe cô nói về chuyện
dân tình ở những vùng rừng thiên nước độc, chuyện cướp bóc ở khu non cao rừng thâm, nói chung là những chuyện ở những làng thổ phỉ trước ngày
giải phóng. Bọn chúng chẳng bao giờ đoái hoài đến những lời giáo huấn
đầy đạo đức của thầy như là "Ai đó cướp của họ, nhưng họ lại không bao
giờ cướp của người khác, đó chính là cái đức mà tổ tiên tích lại...".
Thế là cứ như vậy chúng tôi cùng nhau nghỉ lại nơi non xanh nước biếc
này, đây đúng là một chuyện không may ngoài dự tính nhưng cũng là câu
chuyện tình yêu cảm động.
Tôi bắt đầu ngồi suy nghĩ linh tinh,
bọn bạn đã kể đến chuyện ma thứ ba, chuyện kể về một cung nữ tay cầm đèn lồng cứ đi đi lại lại hàng đêm trong khu Cố Cung, Bắc Kinh. Long Hiệp,
cậu bạn dưới tôi một khoá, mặt gầy như khỉ đang ngồi bên cạnh bỗng huých khuỷu tay sang tôi hỏi: "Chị à, liệu chúng ta có chết ở nơi này không?"
Trong đêm đen, âm thanh này như tiếng thì thầm đâu đó, nhưng ai cũng nghe
thấy rất rõ. Mọi người chắc ai cũng đang nghĩ đến một chuyện gì đó nhưng không ai dám nói. Tiếng sấm sét và tiếng mưa bão mãi không dứt khiến
người nào người nấy đều lo lắng, trong phút chốc cả căn phòng im thin
thít không một tiếng động.
"Tớ chưa muốn chết", tiếng một bạn nữ khóc, "Bố mẹ tớ vẫn đợi tớ về."
Đó là bạn gái của Lưu Hằng - sinh viên lớp tôi, cô ấy học thiết kế nội
thất, hiện mới đang học năm thứ hai và là thành viên trong đợt hoạt động lần này. Lưu Hằng thấy bạn gái mình nói vậy tỏ vẻ khó chịu nói: "Em à, ở đây có ai muốn chết đâu, chỉ là một trận mưa bão làm sao chết được..."
Lúc trời gần sáng, bên ngoài có tiếng ồn ào, có một nhóm người đang vào nhà nghỉ. Khoảng tầm sáu, bảy người, có vẻ họ đều bị thương, một phụ nữ
chân sưng phồng như củ cải tím, cô nằm bất tỉnh nhân sự trên lưng chồng. Trận mưa liên tục trong hai ngày qua đã gây ra sạt lở núi, đến nửa đêm
thì nó chôn vùi hoàn toàn cả nhà nghỉ đó, họ nhanh chân chạy thoát mới
may mắn sống sót qua cơn hoạn nạn. Người đàn ông hơn ba mươi tuổi ấy kêu khóc thảm thiết: "Thật thảm quá, trận sạt núi vừa tới tôi còn nghe thấy đứa con nhỏ gào khóc, vậy mà chỉ ngay sau đó đã không còn nghe thấy gì
nữa."
Ông chủ trọ đi tìm ít thuốc giảm đau đưa cho người phụ nữ
đó bôi, nhưng ai cũng hiểu cô cần cấp cứu ngay không thì hậu quả sẽ khó
lường.
Sau hàng loạt sự cố, nào là đói khát, bị cô lập, sợ hãi thì tiếp sau đó chính là cái chết đang rình rập cận kề.
Vu Nhã Chí kéo tôi vào trong phòng, như một trò ảo thuật, anh rút ra một
thỏi socola, bóc giấy và nhét vào mồm tôi. Đây là lần đầu tiên tôi cảm
nhận được sự tuyệt vời trong con người anh y như nàng tiên Tinker Bell
với dáng vẻ hoàn toàn khác, anh đưa nốt cho tôi mấy thỏi socola còn lại
và nói: "Anh vừa bàn với bọn Lưu Hằng, thấy ông chủ bảo gần một hồ nước
cách đây vài ki lô mét có một khu nông trang, đường đi vào đó bị tắc,
không biết người dân ở đó như thế nào, chúng ta không thể ngồi đây chờ
chết được."
Tôi gật đầu, "Khi nào cúng ta đi?"
"Không được, các em con gái
phải ở lại đây!" Vu Nhã Chí nói, "Anh đảm bảo sẽ về sớm!"
"Anh làm sao có thể đảm bảo được điều gì, em nhất định phải đi, thay vì cứ
ngồi đây chờ đợi trong lòng lo lắng bất an thì thà liều chết đi tìm
đường sống còn hơn." Tôi bóc một thỏi socola nhét vào mồm anh, vỗ vào
đầu giục "Đi thôi, socola đã chia rồi, chúng ta đều cần năng lượng mà."
Chân trái tôi còn chưa bước ra cửa đã bị Vu Nhã Chí kéo lại, anh đẩy tôi vào tường và ôm chặt lấy, tim anh đập nhanh như nhịp trống dồn. Vu Nhã Chí
nho nhã tinh tế y như cái tên của anh vậy, chúng tôi yêu nhau nửa năm
rồi nhưng anh vẫn tỏ ra rất bình thường, không vui không buồn, không
giận không hờn, cảm giác yêu thương của tôi cũng phai nhạt dần. Bình
thường chúng tôi chỉ hẹn hò ở thư viện, chủ yếu là cùng nhau ăn cơm ở
căngtin, tiến bộ hơn chút thì cùng nhau đến nhà thầy, cử chỉ ngọt ngào
nhất là khi anh đưa tôi về nhà và hôn nhẹ lên trán tôi dưới ánh đèn mờ
ảo.
Cái ôm nồng nàn ấy khiến tôi khó chịu, "Nhã Chí, anh bị điên à?"
Anh cười, "Là do em đáng yêu quá thôi." Thật không biết từ bao giờ mà anh
đã học lỏm các đôi tình nhân khác những lời tán tỉnh nông cạn như thế,
điều này không giống với phong cách thường ngày của anh. Nhưng bây giờ
là thời khắc quyết định giữa sự sống và cái chết nên chóng tôi không có
thời gian ôm nhau mà bàn luận về vấn đề phong cách. Anh nói tiếp: "Em
còn có một nhiệm vụ quan trọng khác là ở lại chăm sóc những bạn nữ khác, nếu không thì anh không yên tâm mà đi." Tôi đành phải đồng ý, anh nói,
"Đợi anh trở về nhé."
May mà ông trời đã dần hé mắt, mưa to đã
ngớt dần, tầm nhìn trên đường cũng tốt hơn. Những chàng thanh niên tràn
trề nhiệt huyết đều đã chuẩn bị sẵn sàng xuất phát, những bạn nữ người
thì động viên người thì dặn dò mọi người nhất định phải chú ý an toàn.
Chúng tôi đều hiểu đây là một việc vô cùng nguy hiểm, đương nhiên cho dù thế thì chúng tôi cũng không bao giờ chịu ngồi chờ chết.
Tuy nhiên đời người cũng giống như một canh bạc, đem chuyện này ra cá cược tất sẽ có bên thắng bên thua.
Lúc gần trưa mưa đã ngớt đi ít nhiều.
Nhưng chỉ được một lúc tầm nửa tiếng thì nước đang từ mắt cá chân đã dâng lên ngang ngực. Ông chủ hét lên trong sợ hãi: "Có khả năng hồ nước ngay
trên kia sẽ vỡ đập mất." Chúng tôi leo ngay lên mái nhà, nước dâng lên
quá nhanh, chúng tôi đứng trên mái ngói tầng hai nhìn dòng nước hung dữ
chảy xiết, mấy đứa con gái tuyệt vọng chỉ biết ngồi khóc với nhau.
Đúng vậy, tuyệt vọng.
Nước đục ngầu toàn bùn cát, bọt nước bắn tung toé trắng xoá như tuyết, tôi
chợt nghĩ về một câu nói trong sách: Nếu có một ngày bạn phải đối mặt
với thời khắc của ranh giới giữa sống và chết, người mà bạn nghĩ đến
nhất định là người mà bạn yêu nhất. Tôi đang nghĩ đến ai nhỉ? Ngoài
những người thân cốt nhục của mình ra còn có một người đàn ông ở nơi
chân trời xa xôi kia.
Đó chính là người đàn ông mà tôi yêu nhất.
Công việc của chúng tôi lúc này là lúc nào cũng phải đối mặt với muôn ngàn
nguy hiểm, nhưng tại thời khắc này, chúng tôi lại ở hai khoảng trời khác nhau làm những việc khác nhau, tôi có một cảm nhận mà trước kia chưa
từng có, cảm nhận về sự hiện diện của anh dường như gần ngay trước mắt.
Bây giờ, tôi đang đứng ở vị trí mà anh đã đi qua, đứng trước tử thần.
Anh thoát được nhưng tôi thì rất có thể sẽ bị tử thần bắt làm vợ hai của hắn.
Tôi vừa lạnh vừa đói, vừa mệt vừa buồn ngủ. Thế là cứ thuận theo lòng mình tôi nhắm mắt lại.
Không biết có ai đó hét bên tai tôi: "Đường Quả, em không được ngủ, em sẽ mất nhiệt đó, mau tỉnh lại đi!"
Tôi định cố mở mắt ra nhưng mí mắt tôi chùng xuống nặng như chì, người lâng lâng như đang cưỡi trên mây bay trong màn sương dày đặc. Âm thanh bên
tai càng ngày càng nhỏ, lại càng ngày càng xa, nhưng âm thanh trong đầu
tôi lại càng ngày càng lớn, càng ngày càng rõ ràng.
Diệp Bổng.
Anh không cần phải ghét em nữa đâu, em sắp đi đây.
Hay là anh đã không ghét em nữa rồi, anh đã quên em rồi, quên phần tử khủng bố đã quấy rầy anh suốt bốn năm qua.
Em yêu anh chân thành, anh không cần phí công nhớ em đâu.
Nhưng xin anh hãy khắc ghi những tháng ngày bên em, từ năm em mười sáu tuổi
đến năm hai mươi tuổi, đó là quãng thời gian quá ngắn và cũng chưa đủ
ngọt ngào, đó là một đời mà những gánh nặng thậm chí là tai hoạ của anh
lại đổ sang em.
Đó là tấm bia kỉ niệm trắng phau đứng giữa đất
trời, cuối cùng cũng có một ngày em chết đi nhưng tấm bia ấy vẫn sẽ sống mãi vỡi thời gian.