Đối với việc thị Ly bước chân vào nhà họ Nguyễn Hoài, mợ Hai Dương trước mặt cậu Cả thì vờ vịt khó chịu, quay mặt lại liền đổi chiều thân thiết hòa ái với ả chị em bạn dâu. Kẻ trên người dưới trong nhà nhìn mối quan hệ giữa nàng và Ly đều rất thuận mắt. Gia hòa vạn sự hưng, trong ngoài đều tán thưởng.
Song họ nào có ngờ, ẩn dưới lớp vỏ tình cảm gia đình tinh tươm sạch sẽ đó là vô số bùn lầy nhơ nhớp.
Cả Phát đối với em dâu mình nóng lạnh chẳng rõ, lúc thì ân ái với vợ chẳng thèm ngó ngàng, khi lại đột nhiên giở chứng tìm đến khu nặn khuôn nhìn nàng.
Hắn đã từng hỏi, nàng cần gì cần cù như vậy? Cứ học việc qua loa chừng bốn, năm năm, cái vị trí quản sự kia chắc chắn sẽ về tay nàng, ông Cả nói gì đi nữa cũng có ý nâng đỡ gia đình thằng con thứ cơ mà.
Nàng mỉm cười đáp, cần cù bù thông minh. Nàng chẳng phải thiên tài như vợ lẽ của hắn, đành phải cố gắng gấp hai, bấp ba lần người thường mới không cảm thấy bản thân yếu kém hơn thị.
"Em cố chấp trẻ con quá đấy, hơn thua với cái Ly làm gì? Cứ chú tâm làm tốt việc của mình, không thèm so đo với người như cái Ly có phải tốt hơn không?" Phát đã hơi nhếch cười, nhỏ giọng trách móc nàng.
Vũ vờ như tự ái nổi giận, lặng thinh đi làm việc của mình không thèm để ý đến hắn. Hắn lại càng dai dẳng theo sau, nét cười sau mỗi cái thở ra hậm hực của nàng lại càng thêm mấy phần đậm sánh.
Đồ gàn tham lam! - Vũ đã thầm cười khi trông thấy biểu hiện đó. Có một số con người gàn như thế đấy, phải có người giành, người ghen, mới cảm thây bản thân vĩ đại hay sao...? Thật ra, ở thời điểm hiện tại, nàng không hề có lòng đi quyến rũ mồi chài hắn, bởi dù gì hứng thú của đàn ông với của lạ nói cho cùng cũng chỉ tồn tại được một khoảng thời gian. Qua cơn choáng váng hắn lại chẳng quay về với thứ gọi là "tình yêu chân chính" kia? Tình cảm nếu không được vun vén chân tình rất dễ dàng đổ vỡ, còn nàng lại không có dư chân tình để đem cống cho hắn.
Cho nên, đành cứ lờ lờ nước hến thế này mà hay.
Còn việc làm thế nào phá vỡ mối tình sâu đậm giữa hắn và Ly? Đã là đập phá, dĩ nhiên sẽ không chỉ bắt đầu từ một phía.
Biết hắn thường hay tìm đến mình sau khi mọi người trong xưởng đều ra về cả, Vũ đôi lúc dùng chút mưu mẹo dụ Ly đến khu làm khuôn, đến ba lần thì cũng một lần dính trấu, vừa hay cái gã chồng đa tâm của thị cũng mò vào. Những lúc ấy, thị dĩ nhiên sẽ lánh đi nhìn nàng và hắn đối đáp hờn dỗi qua lại, hệt như lúc này vậy.
Chỉ tính việc hắn trước mặt thị gọi nàng là thím, lễ nghĩa đường hoàng, sau lưng lại anh em ngọt xớt, Vũ nghĩ cũng đủ để gieo vào lòng cô ả tốt tánh kia vài cái mầm nghi ngờ, dăm ba hạt ác tâm...
Người ác rất khó cải tà, người hiền lại dễ sa ngã.
Mợ Hai Dương quả thật rất mong chờ, những hạt giống hạt mầm kia, rồi đây sẽ lớn nổi thành cây hay không.
Nàng cứ chờ, rồi chờ, cuối cùng chờ được đến cuối đông năm ấy.
Ông Cả Trị và cậu Phát vì việc thợ thuyền làm loạn trong quặng đồng trên Quy Hóa, đã nhanh chóng khăn gói hành trang cùng lên đấy xử lý, giao lại Tình Nghĩa Đồng Đạo cho bà Cả trông coi. Dẫu gì vào xuân người ta mới rủ nhau đến đúc tượng đúc chuông, hiện lại nguyên cả phường đúc cũng rỗi việc, giao vào tay bà Cả ông Cả cũng an tâm phần nào. Ông và Phát vừa rời khỏi được một ngày, bà Cả lại đột nhiên đổ bệnh, gọi mợ Ly đến quản chuyện trong phường.
Vũ nhắm mắt cũng đoán ra bà ta đang có lòng nâng đỡ con dâu, thừa dịp hiếm có này để khẳng định vị trí của gia đình đứa con trưởng với người làng. Dẫu bề ngoài bà không ưng thị Ly cho lắm, nói cho cùng cũng đứng chung một chiếc thuyền, vị thế của thị Ly trong cái nhà này càng cao, vai trò thừa kế của cậu Cả lại càng vững chãi.
Mà ông giời cũng thật biêt ưu ái người tài, Ly vừa vươn tay quản việc trong phường đúc, số phận đã đẩy đưa một tên gây chuyện đến cửa để thị chứng tỏ tài năng.
Ngẫu nhiên đấy chứ! Đúng là người hiền thì giời nó thương cho nhở?
Nhìn cái bộ dạng ngu ngốc kiêu căng của gã con buôn người Táy Khao hò hét chửi rủa trước cửa xưởng đúc, Vũ thật sự nghi ngờ đây là một trò đùa của số phận. Hắn cho người đẩy đến một bức tượng vàng to như con voi, luôn miệng la hét Tình Nghĩa Đồng Đạo đã lừa gạt cha con hắn hết ba mươi năm!
Sự là ba mươi năm trước, thầy hắn có đặt đúc cho mẹ gã một bức tượng cầu may nhìn hệt người thật, bảo là tượng trưng cho tình yêu bất diệt dành cho bà. Nào ngờ, may đâu chẳng thấy, mẹ hắn lại mất sớm, thầy hắn sau này tục huyền với một người khác. Người này gần đây cũng có dấu hiệu bệnh mãi chẳng lành, đêm nằm mơ mới biết thì ra tai hại là ở bức tượng vàng do làng Bưởi đúc ra bị quỷ ám! Thầy hắn tức quá, lệnh cho hắn đường xa đem tượng đến đây nung hủy lấy lại vàng về, vì theo lời của thầy mo thì vật từ đâu đến phải hủy đi ở đấy. Có thế cái họa mới rời khỏi dòng họ nhà hắn.
Trên đường đến đây, hắn lại được một thầy mo chỉ điểm, nói rằng cái tượng kia không phải bị quỷ ám, mà vì ngày xưa kẻ đúc nên nó đã gian lận bớt mất số cân, thần phật nổi giận liền phạt vạ lên bất cứ ai sở hữu bức tượng. Muốn hóa giải không cần nung chảy tượng, mà chỉ cần giết tên thợ cả phụ trách, lấy xương cốt quăng vào lò nung để làm dịu lòng thần là được.
Người thợ cả đúc nên bức tượng đó, khéo thay, lại là ông cụ quá cố nhà họ Nguyễn Hoài, thầy của ông Cả Trị.
Người cũng đã vắng bóng gần hai mươi năm, nay lại bị người ta đào cốt lên thiêu hủy? Đấy là ông cụ nhà họ Nguyễn Hoài đấy! Không thể được!
Hương thân phụ lão kẻ thì nói lý, người lại nói tình, bảo gã người Táy rằng chuyện quỷ ám có thể tin, nhưng việc ông cụ Nguyễn Hoài gian lận vài cân vàng là chuyện không thể, khuyên hắn nên sớm đưa tượng đến Đồng Đạo nung chảy cho sớm xong chuyện. Hắn nghe xong liền sừng cồ, lớn tiếng chửi bới mọi người, lúc thì tiếng hắn, khi lại tiếng mình, đóng cửa không tiếp thì hắn lăn ra nằm vạ trước thềm, rồi còn đem chuyện lên đình kiện với hương chức và quan xã. Đúng là càng làm càng rộn, càng xử càng to.
Cuối cùng, mợ Ly nhà Cả Trị đành phải đích thân ra mặt ứng phó.
Buổi xử án ngay sân đình hôm đấy diễn ra rất nhộn nhịp, kéo đến cả hàng trăm người rỗi rãi và hơn chục cái võng của bọn nhà giàu vùng bên sang đây xem nhộn, nói không ngoa... còn hơn cả hội đình!
Gã quan xã có phân nửa dòng máu Táy Đăm ngồi trên ghế vuốt râu, miệng bõm bẽm nhai trầu, đảo mắt một lượt quanh dân chúng trong làng rồi dừng lại trên một người đàn bà nhỏ nhắn. Thị mang gương mặt rất ưa nhìn, dáng vẻ đoan trang tú lệ, quần lụa áo là chứng tỏ thân phận là người giàu sang phú quý. Nếu lão đoán không lầm, đây chính là thị Ly, vợ lẽ của cậu Cả nhà Cả Trị, từ lâu nổi tiếng là tài nữ một phương.
Ừ, tài nữ ra tay, phen này lão lại được một câu chuyện hay để lấy mua vui trong những cuộc trà dư tửu hậu.
Thị cúi đầu hành lễ với quan, đoạn lại quay sang gã người Táy đang hung hăng nhìn mình, khoan thai mà rằng.
"Thưa ông, ông bảo cụ nội nhà tôi ăn chặn của ông khi đúc tượng, thật là chuyện nực cười, nói ra người làng này không ai tin nổi. Gia tài của cụ nội tôi ông có biết lớn độ nào? Cả cái làng này đều là của cụ! Cụ tội gì chỉ vì vài chục cân vàng mà làm ra chuyện bôi tro trát trấu thanh danh như thế? Ông không cảm thấy bản thân đang vu vạ quá đáng sao?"
Gã người Táy thấy dân chúng đứng quanh gật gù, cả giận mà thét.
"Láo! Người tham thì đến một cắc cũng tham, nói chi là mấy chục cân vàng ròng?! Bây giờ người chết không có đối chứng, bây nói gì mà chẳng được? Đã biết dân Đại Việt tham lam, thật không ngờ còn không nói lý! Cái tượng ta đem đến rồi đấy, thử cân mà xem ta có nói ngoa?!"
Tấm vải được kéo ra, vàng ròng lấp lóa, ai nấy trầm trồ vì chưa từng được thấy nhiều vàng đến độ này. Tuy nhiên đập vào mắt đám thợ cả phường đúc lại là mây mù giăng phủ. Lớn thế này, cân thế nào đây?
"Chắc phải nung chảy thành khối rồi mới cân được." Lão Tô lắc đầu nói.
Hai Dương ngẩng đầu nhìn bức tượng thiếu phụ trước mặt, âm thầm thở dài rồi ghé tai vợ nói rằng, còn lâu mới nung được.
Quả nhiên, gã người Táy Khao trừng mắt hét to. "Ai dám nung mẹ ta, ta cho người chém chết!"
Vũ ngạc nhiên quay qua nhìn chồng. "Đoán tuồng hay thế? Mà chẳng phải anh thường ngủ đến trưa sao? Mới gà gáy đã ra đây làm gì?"
Dương mỉm cười xòe quạt. "Đi xem hát, tiện ghé báo em một tiếng, chắc đến trưa tôi mới về."
"Ai lại ấm đầu đi hát giờ này thế? Tính ganh đua với gà à?"
Dương không đáp, chỉ xòe quạt ra đưa về hướng nàng.
Vũ tháo vài xâu tiền đặt lên quạt, môi dẫu lên lườm chồng. "Chỉ được cái ăn chơi là hay, cẩn thận bị mấy ả đào nương nuốt luôn mất xác đấy."
Lắc đầu cười xòa, gã chồng nào đó cầm tiền dúi lại vào tay nàng, đoạn ấn thêm cây quạt. "Ý tôi là em cầm quạt mà dùng. Người đông thế này, lò lửa lại đốt thành hàng, em dù gì cũng sợ nóng."
Vũ ngẩn ra nhìn chiếc quạt trên tay mình, đoạn gọi với theo cậu Hai lúc này đã quay đầu rời khỏi cùng thằng hầu.
"Thế... không có tiền thì anh xem hát kiểu nào?"
"Có người bạn xướng không tính phí."
Vũ cau mày, bạn nào thế này? Thật lạ.
Lúc lôi sự chú ý trở lại trên sân đình, nàng mới ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi người đều đang hối hả đi theo đoàn người xử án. Hỏi mới biết thì ra mợ Ly đã cam đoan với gã người Táy mình có thể cân ra trọng lượng bức tượng mà không cần nung chảy tượng, từ đó có thể chứng minh số vàng mà cụ nội cam đoan với nhà gã năm đó không thiếu một phân. Tò mò, nàng cũng xách quần lót tót chạy theo xem, đến bờ sông thì thấy Ly cho người nâng bức tượng đặt lên một chiếc thuyền, sau đó cúi đầu đánh dấu mực nước.
Vũ nheo mày, ký ức bị lôi về những câu chuyện phiếm Ly thường kể nàng nghe lúc nhỏ.
"Trạng Lường?" (*)
Nàng quay sang nhìn kẻ cũng vừa trùng hợp thốt ra hai từ này, vừa lúc người đó cũng nhìn nàng lại.
"Cô cũng là người hiện đại?"
Mắt Vũ chớp chớp. Hiện Đại thì ra là một địa danh có thật đó nha... Xem xem, thị Ly còn có cả đồng hương rồi này. Mà sở thích của người vùng dấy cũng quái thật,