Sáng rạng của cái hôm mồng một năm ấy, người làng đã thấy mợ Hai Dương áo vân Nghi Tàm thường* nhiễu Thụy Chương vô cùng trang trọng ngồi trên võng điều ra khỏi nhà Nguyễn Hoài, phía sau còn có một hàng kẻ vác người mang nào bánh nào rượu để đi biếu tết. Mái tóc thường ngày quấn cao để dễ bề làm lụng nay cũng được xõa dài và chải sáp thơm óng mượt, phía trên còn phủ một tấm nhiễu màu lục lam có thêu viền vân thủy, nom thật chẳng khác những quan nữ chốn kinh kỳ, vô cùng trang quý và đẹp mắt.
(*thường: là cái váy ngắn quây bên ngoài lớp váy trong)
Động đến cái đẹp cái lạ thì mợ Hai nhà Cả Trị cứ là nhất ở cái làng này rồi, mợ đứng nhì thì đố có ai mà dám lên ngồi nhất. Từ cái răng, cái tóc cho đến mảnh áo, miếng khăn... mợ đều trau chuốt đâu ra đấy, sợ là đến ông vua bà chúa cũng chẳng moi được ra nửa điểm quê mùa. Người đâu mà sành mặc đến thế cơ chứ...!
Cơ mà vào đầu của cậu Hai nhà này, chỉ có ba từ thôi: chúa, điệu, đà!
Chẳng vì thế mà cả buổi sáng Dương cứ chau mày nhìn vợ mãi sao? Số là Vũ ngày thường tuy có ăn diện, song đến cùng cũng là kiểu dáng quần thâm áo vải rập khuôn với đàn bà xứ này, dù là ở tiệc thọ ông huyện mợ cũng ngại bị chú ý nên chỉ dám khoác thêm cái áo gấm. Nay về đến nhà không còn kiêng kỵ nên cứ mặc sức mà bung nở, mà nở lại quá rực rỡ mới chết.
Dương biết rất rõ vợ mình vì ám ảnh kiếp trước nên đối với nhan sắc kiếp này đặc biệt chăm chút, thường ngày cũng không quan tâm mấy chuyện quần thoa trâm giắt của nàng, nhưng điểm trang đẹp đến dường này ra đường lại cho trai làng chúng ngó, tự nhiên cậu thấy vô cùng khó ở trong người.
Còn nhớ cái thằng Huy con quan xã làng Sêu không? Mặc thêm có cái áo gấm, đeo thêm đôi thoa vàng thôi đấy, ấy vậy mà đã tha nó về đến tận nhà, đã thế còn gieo vào lòng nó ý nghĩ cậu chẳng xứng với nàng, từ đó sinh ra tà tâm muốn chiếm luôn vợ người, cậu Dương đây chẳng khó ở cũng uổng!
Bởi thế trong buổi sáng làm lễ cúng gia tiên, người ta lại thấy một cậu Hai Dương thường ngày y phục trắng nhẵn xuề xòa, nay lại khoác lên người áo viên lĩnh lục lam thêu quần ngư vọng nguyệt, quần nhiễu đen thẫm bóng loáng phất phơ, cả người ngời ngời quý khí bước vào từ đường cùng vợ.
Ông Cả nhìn đến cặp trai gái quần áo tám phần tương tự nhau trước mặt, đột nhiên cảm thấy váng đầu muốn ngất.
Cái gì thế này? Đang đóng tuồng ông Táo bà Táo dắt nhau lên giời chầu chúa hay sao? Hai đứa này đứa múa đầu sông đứa lội cuối sông người ta cũng nhìn ra được là vợ chồng đấy!
Bà Cả ho nhẹ không nói gì, chú thím Hai đôn hậu cười hiền, bà cụ Tý thì híp mắt không biết đang nhìn hay ngủ, cô Năm cô Sáu cùng cậu Bảy bịt miệng khúc khích, cậu Tư Quang chẳng có vẻ gì là quan tâm, cậu Cả Phát nheo mày quay đi, mợ Ly nhìn theo cử chỉ của chồng đầy thâm ý rồi lặng lẽ siết tay lại.
Duy chỉ có bà Út Hằng là ngoa ngoắt bĩu môi. "Gớm, cô cậu cứ như là sợ người ta nhìn không ra là vợ chồng ấy! Lớn ngồng rồi ăn mặc cứ như cái đám trẻ mới cưới, chẳng ý tứ gì cả."
Vũ cũng chỉ còn biết cười trừ, biết làm sao được, áo quần của chồng nàng toàn trắng là trắng, được có mỗi cái áo the để mặc khi lễ lộc thì sáng nay cậu chàng lại vô ý làm bẩn mất, đành phải lôi quà lễ của ông giám Lương ra vận. Mà cái ông giám này cũng thật hâm dở, tặng gì cũng có một cặp mới chịu cơ!
Vũ xấu hổ chết được, cơ mà vẫn phải cố giữ vẻ ngoài điềm đạm trầm tĩnh, chả bù với cậu chồng dở hơi của mình, mặt mày cứ nói là tươi roi rói như lợn lòi mới xả thịt ấy, đã thế còn cười cười quay sang cô Út đâm ngoáy vài câu trả đũa, khiến cho mụ này tức đến bầm gan tím mật, mãi đến lúc bà Cả ho khan cảnh cáo, cậu mới chịu thôi.
Sau đó cả nhà theo thứ tự quỳ trước bàn thờ tổ tiên thành tâm cúng bái, ấy rồi cũng chẳng hiểu tại sao bài văn khấn của ông Cả vừa dứt thì cậu Hai nhà nàng đã ngã ngồi ra sàn, mồ hôi đầm đìa trông như phát sốt. Cả nhà dĩ nhiên tụm lại đưa cậu về phòng, nghĩ rằng cậu vừa dứt bệnh nên còn yếu, không chịu nổi quỳ bái quá lâu.
Duy có vợ cậu là chun mũi bĩu môi ra chiều khó tin, đêm qua còn có sức vật nàng ra xằng bậy một hồi cơ mà, quỳ có một khắc có hề hấn gì? Lại sờ đến da thịt của cậu, nàng có thấy nóng đâu? Thế cớ gì cậu trông lại như đang phải trải qua đau đớn quằn quại dữ lắm?
Chừng ra khỏi từ đường Dương đã đỡ hơn khá nhiều, chờ thầy Biền xách quần chạy đến cậu cũng đã thôi không còn run rẩy. Nhớ lại tình trạng cuồng loạn của cậu đêm qua, Vũ thình lình cảm thấy cũng giống ghê lắm. Nếu chẳng phải là bệnh trên thân, lẽ nào lại là bệnh từ tâm mà thành?
Nhìn xuống người chồng đang khép hờ mắt dưỡng thần, nàng đột nhiên muốn lột sạch da cậu xuống, rồi lộn trái cả ruột gan ra ngoài, xem cậu giếm nàng điều chi mà giếm kỹ thế? Nay cũng đã ăn nằm cùng nhau, cứ giấu giấu giếm giếm thế này làm nàng rất bực bội.
Đấy là chưa kể đến phản ứng của cậu khi nàng đề cập đến việc hủy thi diệt tích đêm qua...
Thẫn ra, rồi nhìn nàng như nhìn người nhà giời giáng thế, đoạn tỉnh bơ bảo tôi quên mất địa điểm rồi.
Riết rồi đến lời nói dối ra hồn cậu cũng chẳng buồn cho nàng luôn, dường như nàng chiều cậu quá thành hư rồi thì phải...
Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng Vũ cũng quyết định tạm thời bỏ qua. Năm tháng còn dài, sớm muộn cậu cũng nói hết cho nàng biết thôi, ép cậu quá cậu lại bịa ra hàng tá lý do khéo hơn thật hơn để che mắt nàng, ấy lại càng tệ. Vũ thà cậu cứ dối ẩu dối bừa thế này, tựa như một hình thức thật thà với nàng vậy, cậu tin nàng sẽ không ép cậu nên mới làm thế.
Cuối cùng, Vũ đành phải một mình ra ngõ đi biếu Tết thay ông Cả. Vốn dĩ Dương phải đi cùng nàng, song cậu đã ra nỗi này, còn đi đứng gì nữa?
Thế mới thành cảnh tượng tấp nập như hiện giờ, nhà nhà người người túa ra ngõ trầm trồ ngắm mỹ nhân xứ Đoài.
Mợ Hai Dương nghe những lời khen ngợi xuýt xoa mà sướng rơn trong bụng. Đối với nàng kiếp này, sự hâm mộ tán thưởng của người xung quanh trước nhan sắc bản thân sở hữu cứ như kẹo ngọt đưa đến trước mặt trẻ nhỏ vậy, nàng thích loại cảm giác phù phiếm này vô cùng.
"Đến có ngày bị cái thói ham hư vinh này hại chết mất!" Vũ vừa cười tự nhạo vừa thở dài lẩm bẩm, đoạn quay sang con hầu hỏi lớn. "Mấy thứ mợ bảo con chuẩn bị thêm đã ổn thỏa hết chưa hở Lượm?"
"Dạ rồi ạ! Ngoài những món lễ cơ bản thì cụ trùm Tất còn có thêm hai bình rượu hải mã, cụ hương Phó thêm một bộ Lan Trúc bút làm bằng lông sói, cụ xã Hồ một chậu lan Huyết Nhung Trung, cụ hương Đạo ba xấp gấm Nghi Tàm..."
Vũ nhắm mắt vừa nghe vừa gật, trong lòng âm thầm sắp xếp lại những điều nên nói với những vị này, với bậc âm trầm thì dùng lời kín đáo, với người cẩn trọng thì xa gần bâng quơ, với kẻ ngu khờ thì mê hoặc bởi nhân bởi nghĩa... bằng mọi cách, phải khéo léo tuyên bố ngầm với họ: Nguyễn Hoài Phát đã không còn là người kế thừa duy nhất của dòng họ Nguyễn Hoài, rằng bên cạnh gã vẫn còn đó một người em sinh đôi.
Căn cơ của Phát trong dòng tộc quá sâu, Vũ biết việc khiến các vị trưởng tộc ngã chiều là điều vô cùng khó, nên cũng chẳng định tốn công sức mua chuộc lòng họ. Gióng trống khua chiêng đi tặng quà lễ thế này, chẳng qua cũng chỉ muốn bẻ lái sự đề phòng của bà Cả sang đám hương thân phụ lão.
"Mợ Hai à, vậy chúng ta vẫn đến nhà cụ Thường trước ạ?"
Phe phẩy quạt, Vũ nhàn nhã gật đầu.
"Ơ, nhưng mà..." cái Lượm nhỏ giọng để mình mợ nó nghe "... cụ Thường dẫu gì cũng chỉ là một người thợ cả, làm sao có thể sánh với cụ xã Hồ được ạ? Mợ đến đó trước liệu có khiến cụ giận không ạ...?"
Vũ phẩy tay cho qua chuyện, vẫn tiếp tục chỉ về bên trái, Lượm đành thôi không khuyên nữa, lập tức bảo hai thằng phu võng rẽ vào con đường nhỏ hẹp.
Vào đến nhà cụ Thường rồi, Vũ đoan chính vái chào hai cụ, nói vài câu chúc Tết rồi ngồi xuống dùng chè. Cụ Thường gái mừng lắm, lăng xăng chạy lên chạy xuống dọn nào bánh nào giò để quý khách ăn lấy thảo, cụ Thường giai thì chân tay không tiện nên chỉ biết ngồi yên trên cái sập đối diện lom mắt nhìn người, lâu lâu lại hừ nhẹ không rõ ý tứ.
Bẵng đi một lúc, cụ bỗng nói. "Mợ Hai này, tôi nói chứ mợ ngu nó vừa thôi. Mợ có biết việc mợ đến đây đầu tiên là một chuyến làm ăn lỗ vốn hay không?"
Vũ sặc.
Ho vài cái lấy lại phong thái, nàng cong môi than vãn. "Giời ạ, cụ Thường! Đầu năm đầu tháng cháu đến xông đất cho cụ mà cụ nỡ mắng cháu ngu ạ? Có ai đời ... gàn dở như cụ không cơ chứ...?!"
Cụ mặc kệ nàng làm trò, hất đầu về phía đám người bu đông trước ngõ, nhăn mày nói tiếp. "Cụ xã Hồ thể nào cũng biết mợ đến đây trước mà phật lòng, nghĩ mợ không thành tâm với cụ nên sẽ không ra tay nâng đỡ chồng mợ đâu. Bản thân tôi lại là một món hàng tồn mất giá, mợ có mua được tôi cũng chẳng thể dùng vào việc gì. Cân đo lợi hại thì mợ lỗ to, còn không phải ngu là gì?"
"Ơ cái ông cụ này...!" Vũ bật cười, mắt lúng liếng đầy trào phúng. "Ai bảo với cụ là cụ mất giá thế ạ?"
Cụ Thường nhếch môi, giơ một bên tay cụt của mình, tay còn lại chỉ xuống đôi chân bị bỏng teo quắt lại như hai khúc gỗ sồi. "Thế mợ không thấy gì đây à?"
"Giò khô ạ?"
"..."
"Với bảo cụ mất giá là sai rồi ạ, chính xác là không có giá trị."
"..."
Cơ mặt của cụ Thường giật giật, cánh môi sứt sẹo run