Tình Sử Võ Tắc Thiên

Chương 24


trước sau


Võ Hậu lâm bịnh miên suốt tháng chạp năm 704, ngay khi vụ án họ Trương còn đang tiếp diễn.
Những ngày năm cùng tháng tận trước khi bước sang tuổi tám mươi, tình trạng bà càng trở nên bi đát. Trừ anh em họ Trương luôn luôn túc trực bên giường, không ai được phép vào gặp bà kể cả con ruột và các Đại thần .
Giản Chi quyết định hành động. Tiêu diệt anh em họ Trương là chính nghĩa của ông và là mục đích chung của mọi người. Ông đã đưa bạn thân của ông, Dương Viễn Yến, từ địa vị một đội trưởng thị vệ lên hàng Tướng quân chỉ huy một số cấm vệ đông đảo trong Hoàng cung .
Tại Kinh đô có tất cả hai đạo thị vệ gồm kỵ binh và bộ chiến do sáu vị Tướng quân điều khiển. Một đạo mệnh danh là Nam quân giữ an ninh tổng quát tại Kinh đô, và một đạo mệnh danh là Bắc quân - giữ an ninh khu vực Cấm Thành , tức là nơi tập trung các cơ quan đầu não của chính phủ, không kể hoàng cung .
Viên Tướng chỉ huy thị vệ tên là Ôn Kỷ Tâm . Giản Chi biết muốn thành công phải lôi kéo bằng được viên quan này. Giản Chi rất thận trọng dò la Kỷ Tâm và nhắc nhở ông về món nợ tình cảm với nhà Đường.
Vốn là người thẳng thắn trung hậu, Kỷ Tâm nghe theo ngay và hai người bí mật thề nguyền có trời đất chứng kiến, rằng họ sẽ đồng tâm xử sự.
Sau đó Giản Chi vận động để đưa ba người khác trong nhóm ông lên nắm binh quyền. Diêu Sủng, một nhân vật đầu não trong nhóm cũng được ông gọi về Kinh đô .
Cuộc đảo chính được trù định vào ngày hai mươi tháng giêng năm 705, tức là một tháng sau khi Võ Hậu trắng trợn gạt bỏ luật pháp để cứu Xương Tôn .
Mọi chi tiết được xếp đặt cẩn thận. Nam quân và Bắc quân sẽ đồng thời nỗi dậy khắp Kinh đô . Trong khi các toán thị vệ thuộc Nam quân chia nhau triệt hạ những vây cánh của Xương Tôn tại kinh đô, Bắc quân sẽ cử một ngàn kỵ binh và năm trăm bộ thuộc vây Hoàng cung buộc Võ Hậu phải thoái vị .
Sáng ngày hai mươi hai , cấm vệ tập trung tại Bắc môn Hoàng cung . Trương Giản Chi, Quang Ngạn Phạm, Ôn Kỷ Tâm và các thủ lãnh khác đều có mặt. Đặc biệt có sự hiện diện của một người con rể của Thái tử .
Ôn Kỷ Tâm và người con rể của Triết . Hắn vào cung để tìm gặp Triết. Sự có mặt của Triết rất cần thiết vì hắn mượn danh nghĩa của ông để nỗi dậy, họ sẽ dành lại ngôi báu cho ông và dựng lại nhà Đường.
Có điều đáng nói là Triết chẳng hề hay biết chuyện này. Thấy bọn Ôn Kỷ Tâm vào tìm, Triết rất ngạc nhiên ; và khi biết rõ ý định của họ , ông vừa luống cuống vừa sợ sệt, tỏ vẻ ngần ngại không dám quyết định .

Thấy bộ điệu của Triết, Kỷ Tâm nóng nãy :
- Hôm nay là một ngày lịch sử , Điện Hạ phải biết tuỳ thời ứng biến. Đã đến lúc khôi phục nhà Đường , dựng lại cơ nghiệp của Thái Tôn . Tất cả chúng tôi đã sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đại nghĩa , chỉ còn chờ Điện Hạ ban hiệu lệnh .
Triết vẫn còn do dự, trong bụng run thầm :
- Ta biết anh em họ Trương quả đáng tội nhưng mẫu thân ta đang bịnh. Vả lại việc này bất ngờ quá, ta không biết phải tính sao ?
- Nếu vậy, chỉ cần Điện Hạ ra ngoài kia và nói cho quần thần biết Điện Hạ không cần tới họ. Việc không thành tất cả chúng tôi và gia quyến đành chịu chết .
Thực ra, ý kiến của Triết không thành vấn đề. Nếu ông từ chối, họ sẵn sàng dụng võ lực bắt ông phải lên ngôi.
Con rể của Triết thấy tình thế cấp bách, vội giục :
- Nhạc phụ nên quyết định dứt khoát, không thể chần chờ được nữa. Quân cấm vệ đang đợi tại Bắc môn . Chuyện đã lỡ, nhạc phụ muốn rút lui cũng không tránh khỏi tội.
Hai người đỡ Triết lên ngựa. Ông cử động như cái máy chẳng có chủ ý gì, vẻ lo lắng hiện ra ngoài mặt. Ông không hiểu con đường trước mặt sẽ dẫn ông tới đâu, lên ngai vàng hay xuống địa ngục ?
Khu tư dinh của Triết ăn thông ra Bắc môn bằng một khu vườn. Giản Chi và các người khác thở phào nhẹ nhõm khi thấy Triết xuất hiện.
Lập tức đoàn người chia ra các ngã để tiến vào Hoàng cung như kế hoạch đã trù liệu trước. Riêng Kỷ Tâm dẫn một toán cận vệ tiến thẳng vào tư dinh Võ Hậu .
Nghe động, Xương Tôn và Diệc Chi chạy ra, linh cảm thấy có chuyện bất thường.
Quân cận vệ đang tràn vào từ các ngả, một số đã tiến vào các hành lang .
Xương Tôn vả Diệc Chi lập tức hiểu ngay . Chúng rùng mình thụt lui và hô hoán quân hầu , nhưng không kịp. Các cận vệ nhào tới và trong nháy mắt hai chiếc đầu lâu điểm phấn tô son lăn lông lốc dưới đất .
Kỷ Tâm, Giản Chi và một số Đại thần vội tiến về phía long sàng , nơi Võ Hậu đang nằm, ra lệnh cho thị nữ lui ra ngoài hết.
Nghe tiếng ồn ào Võ Hậu hỏi vọng ra, giọng bà vẫn hách dịch như thường lệ :
- Cái gì mà ồn ào vậy ? Ủa, sao các ngươi dám vào đây ?
Giản Chi rất cung kính trả lời :
- Tâu Lệnh Bà, bọn hạ thần xin Lệnh Bà tha tội. Anh em Xương Tôn có tội nên bọn hạ thần phải đến khuấy động Hoàng cung. Giờ đây chúng đã chết , bọn hạ thần xin Lệnh Bà tha cho tội đã không báo trước.
Võ Hậu đưa mắt nhìn mọi nguỏi một lượt rồi ngừng lại ở Triết :
- Hoàng nhi còn đứng đây làm gì ? Chúng đã bị giết chắc mi hài lòng lắm nhỉ !
Quang Ngạn Phạm vội bước tới đỡ lời :

- Tâu Lệnh Bà, Thái Tử sẽ không rời khỏi đây nữa. Tiên đế đã uỷ thác Thái Tử lại cho Lệnh Bà để làm người nối nghiệp. Nay bọn hạ thần táo gan xin Lệnh Bà hãy trả lại ngôi cho Thái Tử. Xin Lệnh Bà hãy vì thương Thái Tử mà chấp thuận.
Võ Hậu đã nghe rõ nhưng bà vẫn bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra . Bà đưa mắt nhìn quần thần một lần nữa, rồi hướng về phía Lý Cẩn - con trai Lý Nghĩa Phủ - và Thôi Ngươi Huy :
- Lý Cẩn, ta đối với cha con ngươi ra sao ? Còn Ngươi Huy nữa, ta đã cất nhắc ngươi lên địa vị ngày nay, ngươi quên sao ? Thật ta không thể tin được ! Toàn một lũ nuôi ong tay áo !
Thôi Ngươi Huy bình tỉnh trả lời :
- Bọn hạ thần rất đội ơn Lệnh Bà, nhưng chắc Lệnh Bà cũng hiểu cho bọn hạ thần làm việc này chỉ vì xã tắc.
Chưa đầy nửa giờ, cuộc biến động chấm dứt .
Các quan đem theo thủ cấp của anh em họ Trương và rời Hoàng cung chỉ để lại Lý Cẩn để trông chừng Võ Hậu.
Lúc đó các bè cánh của Xương Tôn cũng bị vây bắt hết.
Hai chiếc thủ cấp được đem bêu để

dân chúng coi . Các anh em, họ hàng của Xương Tôn và Diệc Chi cũng bị đem ra pháp trường hành quyết trước sự chứng kiến của một rừng người .
Ngày hôm sau, hăm ba tháng giêng .
Thái Tử Triết tạm thời lên làm Nhiếp Chánh.
Ngày hăm bốn, Võ Hậu chính thức thoái vị, Hoàng Tử Đán được phong làm Quốc Công và tất cả con cháu nhà Đường được ân xá, cho phục lại phẩm tước cũ. Những người bị bọn hung thần đầy đi xa trước kia cũng được phép trở về quê quán - trừ những người có liên hệ họ hàng với bọn hung thần.
Ngày hai mươi sáu. Võ Hậu được đưa đi an trí lại một khu vực phía Tây Kinh đô .
Để tỏ lòng tôn kính đối với bà, cứ mười ngày Triết lại đích thân báo cáo công việc triều chính .
Dù sao Võ Hậu cũng cảm thấy mình là một tội nhân bị giam lỏng. Nhiều lúc bà lấy làm tiếc là sao họ không giết bà ngay để khỏi phải sống những ngày dài buồn khổ.
Lần đầu tiên trong đời, Võ Hậu cảm thấy mình bất lực, một kẻ chiến bại. Lý Cẩn vẫn luôn luôn trông chừng bà , làm như cai ngục trông tù. Lòng tự ái của bà bị tổn thương trầm trọng. Bà sống cô độc. Người yêu đã chết. Cả đứa con gái yêu dấu, Công chúa Thái Bình, cũng không được gặp mặt .
Thực ra Công chúa đã theo phe Triết để chống lại bà. Và tệ hại hơn cả, con trai bà -Triết - thường xuyên đến báo cáo những cải tổ mới khiến bà càng nghe càng choáng váng như vị Đại tướng nghe tin thất trận.
Triều đại nhà Chu do bà tốn bao nhiêu công trình dựng nên , giờ đây hoàn toàn phá sản. Bà ước gì mình trẻ lại và có đủ sức rời khỏi giường bệnh, bà sẽ có cách làm cho bọn vô ơn bạc nghĩa kia phải trả một giá rất đắt.
Ngày mồng một tháng hai, nhà Đường được chính thức tái lập . Quốc kỳ , quốc hiệu và tên các cơ quan chính phủ được lấy lại như dưới đời Cao Tôn. Thánh đô cũng được đổi lại là Đông đô - Lạc Dương -
Nguỵ Viễn Chung, vị quan cứng đầu bị Võ Hậu đổi đi xa vì đụng độ với Xương Tôn trước kia, được triệu hồi về Kinh đô để giữ chức Thị Trung và sau đó Trung Thư Lệnh.
Võ Hậu thở dài khi nhớ tới lời Viễn Chung nói với bà trước khi ra đi : Sau này sẽ có một lúc Bệ Hạ nhớ tới hạ thần và thấy lời của Nguỵ Viễn Chung này là đúng .
Nhưng điều làm Võ Hậu đau đớn nhất là sự phục hồi danh hiệu của Vương hậu và Triệu phi . Họ không còn bị gọi là bọn Hổ lang và Kên Kên nữa . Và sự đau khổ của bà lên đến mức cùng cực khi bà nghe tin Thái miếu họ Võ đã bị dẹp bỏ và tổ tiên của bà bị truất hết tước vị .

Phải chăng đây là ác giả ác báo ! Hỡi đức Phật Vạn Năng ! Sao lại bắt bà sống để chứng kiến ngày hôm nay !
Thảng mười một năm đó , Võ Hậu đã buông tay chịu thua Thần Chết. Trước khi chết bà rất quan tâm đến việc thờ phụng linh hồn bà sau này. Bà di ngôn lại rằng bà rất hài lòng được cúng giỗ như một Hoàng Hậu chứ không phải Hoàng đế, bà muốn trở lại làm một người vợ hiền của ông chồng đáng yêu Cao Tôn - Chắc hẳn Cao Tôn đang run lên với ý tưởng sắp nối lại duyên xưa-
Trong những lời cuối cùng của bản di chúc, bà vui lòng tha tội cho Vô Kỵ, Toại Lương và Lưu Sử - cậu ruột Vương hậu -- để bà có thể thanh thản hơn , đi nốt quảng đường về bên kia thế giới.
Ngoài ra bà còn tha thứ cho Vương hậu và Triệu phi . Nhắc đến Vương hậu và Triệu Phi, bà lại tưởng nhớ tới hồi còn trẻ, hồi bà còn bị hồn ma của hai người đeo theo ám ảnh. Giờ đây hai người lại chợt hiện về trong trí bà , khơi động lương tâm của người đang hấp hối. Bà tự nhủ có lẽ nên làm lành với họ , tha thứ cho họ , để khi gặp lại nhau bên kia thế giới, ba người có thể nhìn nhau cười xoà. Dù sao bà cũng là một Đức Phật , Đại Vân Kinh thường rót vào tai bà như dòng suối ngọt lịm, êm ái như điệu nhạc thiên tiên .
Bà miên man nhớ lại những ngày đầm ấm bên Sư trưởng Hoài Nghĩa. Bà có thể tự mãn rằng bà đã hưởng trọn lạc thú trên trần gian , đắm mình trong hạnh phúc nhiều hơn bất cứ người đàn bà nào khác . Tất cả bọn chúng đều bị bà qua mặt . Bà mĩm cười . Bà dám chắc mình là người đàn bà kỳ lạ và quyền uy nhất dưới gầm trời này và bà sửa soạn làm những việc kinh hồn hơn nữa tại nơi bà sắp tới . Địa Ngục hay Thiên Đường gì đó ...
Điều bà chắc chắn nhất là cái tên Võ Tắc Thiên sẽ tồn tại mãi mãi .
Phút lâm chung của Võ Hậu được sửa soạn kỷ càng .
Triết -con trai bà , hiện đã là Hoàng đế - chắc chắn sẽ đũ bốn mùa nhang khói thờ phụng bà cho trọn tình mẫu tử . Bà chợt cảm thấy lời khuyên của Địch Nhân Kiệt là đúng , bà cần phải dọn đường trước để bước đi của bà sang thế giới bên kia được thanh thản . Ông già đáng thương Cao Tôn chắc đang chờ đợi bà và biết đâu trong đám người tiếp đón bà chẳng có mặt Vương hậu và Triệu phi . Bà đã tha thứ cho hai người rồi còn gì ! Sẽ có cả Toại Lương, Vô Kỵ , bà Công tước và San San nữa , bà chắc như vậy.
Có điều bà không thể chính thức tha tội cho nhà sư điên , nhưng nếu gã chịu ra tiếp đón bà thì bà sẽ vui lòng bỏ qua mọi chuyện, vì tình xưa bà đâu nỡ hẹp lượng.
Sau đó, dĩ nhiên Võ Tắc Thiên sẽ ngự trên xe loan nạm kim cương rực rỡ và bay lên trời, trên đó Như Lai, Lão Tử và Khổng Tử chắc đã biết tiếng bà. Bà sẽ hỏi họ đã đọc Đại Vân Kinh của bà chưa ? Nếu chưa thì thật lạ !
Quên mất, trên trời còn có Võ Đế nữa. Ông là vị vua đầu tiên của nhà Chu trước kia và từng được Võ Hậu tôn làm ông tổ bốn mươi đời nhà bà. Võ Đế hẳn phải hoan hỉ lắm khi gặp bà, người sáng lập ra nhà Chu thứ hai ! Lão Tử cũng là một người bạn đặc biệt của bà. Ông đã được bà đặc biệt tôn kính kể từ sau dịp lễ Phong Sơn, các quan từ Vương công trở xuống phải đọc Đạo Đức Kinh của ông - xem chương 10 - khi lên tới trời, bà sẽ chọn nơi cư ngụ gần Tây Vương Mẫu để hai người làm hàng xóm với nhau.
Võ Hậu sung sướng nhắm mắt với nhưng ý tưởng này, tâm hồn bà hoàn toàn thanh thản...
Có người bảo :
- Đời này chỉ là một sự sửa soạn cho đời sau . Tính tình người ta sẽ thay đổi khi đầu thai kiếp khác.
Có hay không ?
Chắc là không .
Hết - Tình sử Võ Tắc Thiên - Lâm Ngữ Đường



trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện