Tọa Hoài Bất Loạn

Chương 313


trước sau

Người làm trong nhà mất một ngày một đêm để thu xếp hành lý, kỳ thực cũng chẳng có gì để mà thu xếp. Sang tháng Tám, các công chức quan trọng đến từ Nam Kinh tới vận động toàn dân di dời vào nội địa, còn thành lập cả ủy ban nội di nhà máy Thượng Hải. Vốn Phó Ngọc Hoa hẵng còn lưỡng lự, song chiến tranh nổ ra, máy bay Nhật rải bom oanh tạc khắp nơi, tình hình khốc liệt hơn hẳn mấy năm trước nên sau khi cân nhắc, Phó Ngọc Hoa thấy tình hình bất ổn, thế là đến cuối tháng Chín, anh đã hạ quyết tâm.

Phó Ngọc Thanh chỉ sở hữu công ty mậu dịch, vẫn còn ít cổ phần ở công ty, Phó Ngọc Hoa muốn chuyển vào nội địa nhưng anh thì không muốn. Anh nghĩ Nhật sẽ không đánh nhanh đến vậy đâu, cùng lắm thì anh đưa Mạnh Thanh đến Hoài Nam trốn là được chứ gì.

Song những lời ấy có nói ra bây giờ cũng chẳng còn nghĩa lí gì nữa rồi.

Mạnh Thanh cử hẳn mấy người đến canh cổng cho anh, anh vờ như không biết. Lúc đi anh không nói một tiếng nào với Mạnh Thanh, cũng không dám tạm biệt bạn bè bằng hữu. Trong tay anh sở hữu vài mỏ than ở Hoài Nam nên sợ bị quân Nhật sờ gáy. Tuy anh không ở biệt thự Phó, nhưng lũ Nhật đâu có chừa chỗ nào, chúng dai y như đỉa đói, muốn tránh cũng chẳng tránh nổi. Có người tìm đến Hà Ưng Mẫn định mời bố vợ hắn ta đứng ra, Hà Ưng Mẫn không dám từ chối. Tuy đã đồng ý nhưng sau đó lại vịn vớ cụ nhà ngã bệnh nặng, miền Bắc lại đang chiến tranh nên quả tình không đến Thượng Hải được, tạm thời tránh được một vố.

Song dẫu vậy, Hà Ưng Mẫn vẫn không định đi, Phó Ngọc Thanh quả hiểu hắn nên cũng chẳng nói gì được với hắn.

Có điều, bản thân Hà Ưng Mẫn không đi, nhưng hắn lại đề nghị anh đi, hắn biết nhiều người trong giới ngân hàng, biết lũ Nhật hoạt động gay gắt thế nào. Hắn bảo Phó Ngọc Thanh rằng, “Cái tính của cậu ấy, nếu mà ở lại thật thì khả năng cao sẽ sống khổ sống sở ra mà xem, tốt nhất là đi đi.”

Phó Ngọc Thanh vốn không nghĩ mình lại đi sớm như thế, nhưng cuối cùng anh vẫn đi.

Rời Thượng Hải anh lại không đi Hồng Kông, cũng không đi Trùng Khánh, mà cuối cùng vẫn đến Hoài Nam. Chiếc hộp gỗ đựng hàng xấp thư ấy anh đã khóa thật kỹ, đến lúc sắp đi giao cho Hàn Cửu, nhưng chìa khóa thì mang bên mình.

Hàn Cửu tiễn anh đến bến tàu, cũng chẳng biết anh sẽ đi đâu, chắc là hắn nghĩ anh định qua Quảng Châu rồi đến Hồng Kông, anh cũng không phủ nhận.

Anh không hề thiếu tiền, muốn đi Hồng Kông thật cũng chẳng có gì
khó, chỉ là anh không chịu mà thôi.

Đi Hoài Nam, việc trước tiên anh làm là cho người đi đón Dương Thu Tâm. Dù gì Nam Kinh cũng không như Thượng Hải có tô giới để mà trốn, nếu mà đánh nhau thật thì chẳng biết được sẽ ra nông nỗi gì đâu. Anh nghe nói bên Nam Kinh phát lệnh đánh, song rất nghi ngờ. Nam Kinh trước giờ luôn là nơi đánh dễ mà thủ thì khó, quân Nhật thì lại mạnh, làm sao mà thủ được bây giờ? Dương Thu Tâm chẳng có chỗ nào đi được ở Nam Kinh, cũng không muốn quay về Thượng Hải, suy đi tính lại cuối cùng chọn Hoài Nam. Anh còn dặn người làm là nếu mà phải tranh mua thì khỏi cần phải giữ gì hết, cứ để bọn họ tranh.

Tháng Mười Hai Nam Kinh thất thủ, bọn họ ở Hoài Nam nên tin tức không thông, đã vậy quân Nhật còn ra sức chặn tin. Phải đến tận khi một người làm tên Vương Phú Niên trong nhà ăn mày dọc đường đến được Hoài Nam, anh mới biết chuyện gì đã xảy ra ở Nam Kinh.

Sau khi Nam Kinh bị đánh chiếm, nghe nói vì có quá ít thuyền để qua sông, lính và dân bỏ chạy thì lại quá đông nên trong sông thi thể trôi dạt vô vàn.

Sau khi quân Nhật vào thành phố, binh lính bị bắt làm tù binh bị chém đầu một loạt, dân tị nạn ở độ tuổi thanh niên trai tráng bị vây bắt rồi xua đến một chỗ xử bắn, Vương Phú Niên lớn tuổi hơn thì bị bắt đi làm tạp dịch. Ông bỏ trốn trót lọt nhân lúc hỗn loạn, đi đường hơn một tháng mới đến được Hoài Nam. Tuổi đã cao, lúc tới Hoài Nam chưa yên lòng được mấy lâu đã ngã bệnh.

Rồi đến khi lấy được báo tiếng Anh, anh đọc thấy trong báo cách quân Nhật tàn sát giết hại dân tị nạn, không chỉ binh lính, mà thậm chí cả phụ nữ và trẻ em tay không tấc sắt cũng không trốn thoát. Xác người chất đầy bên vỉa hè cao ngang nửa người, thực sự là cảnh tượng chỉ xuất hiện trong ác mộng.

Đó là chuyện từ tháng Hai, ngày hôm ấy anh đi đi lại lại trong phòng làm việc hết gần một buổi chiều, có một bài báo mà đọc mãi mới hết, cả người lạnh ngắt.

Ổ lật thì nào còn trứng lành?

Đằng sau cánh cửa khép kín, anh chợt lặng lẽ bật khóc.

Hoài Nam ngày hôm ấy mưa rả rích. Vương Phú Niên đào rau dại trên núi quay về, ngửa mặt lên nhìn trời, bỗng nói, kiếp người có nhiều đau khổ quá, đến ông trời cũng chẳng nỡ nhìn.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện