Toái Ngọc Đầu Châu

Cậu thì hiểu cái quần


trước sau

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Toái ngọc đầu châu

Tác giả: Bắc Nam

Edit: Dú

Chương 15: Cậu thì hiểu cái quần

Kỷ Thận Ngữ nằm trăn trở trên giường suốt đêm, lúc trời sắp sáng mới ngủ được, song vẫn ngủ không yên, cảnh trong mơ quấy rầy không ngừng.

Cậu mơ mình trở về Dương Châu, Đinh Hán Bạch la hét bảo muốn đi xem vườn cây, bèn tóm cậu chạy như bay cả dọc đường. Chạy mãi chạy hoài thì đứng dưới một cái cầu đá, rốt cuộc Đinh Hán Bạch mới buông cậu ra, bước lên cầu đá một mình.

Trên cầu có người bày rạp bán mấy món đồ, hoặc bán đồ ăn, chỉ duy một người là ngoại lệ, đi bán đồ gốm ba màu thời Đường. Đinh Hán Bạch tức thì bước qua, cầm con ngựa ba màu lên nhìn như của báu, hỏi bao nhiêu tiền.

(*Gốm 3 màu thời Đường được phát triển cách đây 1300 năm không chỉ thể hiện được vẻ đẹp dịu dàng và men mịn đầy màu sắc, mà còn thể hiện tính nghệ thuật cao và là báu vật văn hóa Trung Hoa. Người ta gọi là "ba màu" bởi vì gốm ba màu thường dùng ba màu men là vàng, xanh lá cây và trắng. Sau khi được nung trong nhiệt độ cao, men ba màu hòa vào nhau và trở thành nhiều màu sắc, gây cho người xem một thị giác rực rỡ nhiều màu. Tuy nhiên, một số mẫu vật vẫn mang hai màu hoặc bốn màu. Ngoài ra, các sản phẩm gốm còn được phủ một lớp nước men lên trên. Những đồ gốm này nổi tiếng với màu sắc rực rỡ của nó và được giới quý tộc sử dụng như vật trang trí trong nhà và thậm chí được dùng để mai táng người chết.)

Kỷ Thận Ngữ nói ngay: "Sư ca ơi, mình ngồi thuyền nhé?"

Đinh Hán Bạch lờ cậu đi, hưng phấn nghiên cứu con ngựa sặc sỡ nọ: "Tôi muốn mua, gói lại đi."

Kỷ Thận Ngữ xách đối phương dậy, rỉ tai hắn: "Cái thứ làm ẩu tả như này anh mua làm gì? Anh muốn hàng tốt nào, em bảo sư phụ tặng cho anh."

Đinh Hán Bạch nheo mắt nhìn cậu: "Cậu thì biết cái quần, đây là gốm ba màu thời Đường, anh có thể giám định thật hay giả."

Kỷ Thận Ngữ không ngăn cản được, còn bị đẩy sang một bên. Cậu thấy Đinh Hán Bạch sắp bỏ tiền ra, bèn thầm nghĩ coi như mua một bài học là được. Nào ngờ túi quần Đinh Hán Bạch như thể không đáy, hết xấp tiền này đến xấp tiền khác, khiến cậu hoa cả mắt.

"Gượm đã!" Cậu xông lên hỏi người bán hàng rong, "Bao nhiêu tiền vậy ạ?"

Người bán hàng rong trả lời: "Ba vạn."

Kỷ Thận Ngữ tóm lấy cái tay chi tiền của Đinh Hán Bạch: "Anh điên rồi à?!"

Đinh Hán Bạch đẩy cậu ra, sau khi móc đủ ba vạn thì ôm ngựa xuống cầu. Kỷ Thận Ngữ đuổi kịp, chân nhũn mém tí nữa đã ngã vào sông, nhoáng cái lại về nhà, cậu bắt gặp Kỷ Phương Hứa đương viết lên quạt ở vườn hoa.

"Sư phụ..." Cậu gọi.

Kỷ Phương Hứa ngẩng đầu nhìn cậu, ngoắc tay bảo cậu ngồi một bên. Trên mặt quạt là một cây đào, bút đặt vào tay cậu, Kỷ Phương Hứa muốn cậu viết chữ, cậu bèn viết: Hoa đào vẫn đó, cười chào gió xuân*.

(*Đây là một câu thơ trong bài Đế đô thành Nam của Thôi Hộ, bản dịch của Trần Trọng San.

Toàn bộ bài thơ:

Cửa này, năm ngoái, hôm nay,

Hoa đào phản chiếu mặt ai ửng đào.

Mặt người giờ ở nơi nao?

Hoa đào vẫn đó, cười chào gió xuân.)

Kỷ Thận Ngữ hơi ngẩn ngơ: "Sư phụ à, con cảm thấy đã lâu rồi không được gặp người."

Kỷ Phương Hứa vẩy quạt cho khô mực: "Vậy ta cũng không cảm thấy con nhớ ta, chạy đi đâu chơi thế?"

Kỷ Thận Ngữ bỗng nhớ ra: "Con đi dạo với Đinh Hán Bạch, anh ấy tiêu ba vạn chỉ để mua một con ngựa gốm ba màu giả, vậy phải làm sao bây giờ ạ?" Cậu lay Kỷ Phương Hứa, "Bác Đinh có nổi giận, trách con không trông nom anh ấy cho tốt không? Nhưng con không cản được, con không biết anh ấy lại ngốc kinh hồn thế."

Kỷ Phương Hứa dỗ cậu: "Vậy chúng ta lấy ngựa gốm ba màu thật để tráo với cậu ta nhé?"

Kỷ Thận Ngữ tức thì đồng ý, đỡ Kỷ Phương Hứa về phòng nghỉ, đi được một đoạn thì nhận ra quên lấy cái quạt, vì vậy cậu bèn vòng về lấy. Lúc quay lại, Kỷ Phương Hứa đã biến mất tăm, đã không còn tìm thấy giọng nói hay dáng hình nữa.

"Sư phụ..." Cậu gọi.

Khi gặp gọi, lúc chia tay cũng gọi, không nhận ra lúc gặp là thật, hay lúc này mới là thật.

Lúc Kỷ Thận Ngữ tỉnh giấc thì người túa đầy mồ hôi, gió lùa vào từ cửa sổ, lạnh đến nỗi cậu run cầm cập mãi không thôi. Giấc mơ này vừa hài hước vừa khắc khoải, cậu không kịp nhớ đến chuyện Đinh Hán Bạch mua ngựa, mà chỉ nhớ đến câu nói nọ của Kỷ Phương Hứa – Vậy ta cũng không cảm thấy con nhớ ta.

Phải chăng Kỷ Phương Hứa đang trách cậu?

Nghĩ rồi nghĩ, trời đã sáng tỏ. Kỷ Thận Ngữ vừa suy nghĩ vừa đi xếp chăn quét phòng, tưới hoa, còn lau cả lan can ngoài hành lang. Lau xong thì ngồi ngay đó, cầm khăn ướt nhỏ tí tách thành một vũng nước.

Đinh Hán Bạch thức dậy đi ra ngoài: "... Anh tưởng cậu đi tiểu chứ."

Bao suy nghĩ đã đứt đoạn như vậy, Kỷ Thận Ngữ tạm thời gác chuyện Kỷ Phương Hứa xuống, trong đầu nảy lên việc tên ngốc này đi mua ngựa. Cậu kéo Đinh Hán Bạch đi thẳng đến thư phòng, đến trước bàn thì chỉ vào chiếc bình sứ xanh rồi hỏi: "Người bán cho anh là ai?"

Đinh Hán Bạch dụi mắt: "Một ông già."

Ông già? Kỷ Thận Ngữ thấy nghi nghi, chẳng lẽ gã đàn ông đó đã chuyển nhượng nhanh vậy sao? Đinh Hán Bạch gỡ tay cậu ra, hỏi: "Cậu thích hả? Hôm qua cứ như lên cơn động kinh ấy."

Kỷ Thận Ngữ không giải thích được: "Sư ca, tại sao anh lại tốn mất ba vạn để mua món đồ này, anh chắc chắn cái này không phải hàng nhái à?"

Đinh Hán Bạch đáp: "Nói ra rất dài dòng, lười kể cho cậu nghe." Hắn đi rửa mặt, toan xoay người thì bị đối phương cản. Ánh nhìn Kỷ Thận Ngữ đầy khẩn thiết, giang tay ra ước gì có thể chặn ngang ôm hắn lại, giờ đến phiên hắn thấy khó hiểu.

Hắn lách ra: "Trẻ ngoan không ngáng đường, tránh sang một bên đi."

Kỷ Thận Ngữ ôm hắn lại thật, như khuyên như can: "Sư ca ơi, đừng lười nói với em mà, anh kể cho em nghe được không?"

Đinh Hán Bạch cụp mắt đối diện với mắt Kỷ Thận Ngữ, thấy vô cùng bối rối, bèn cậy mạnh đẩy người ra, bước mấy bước là ra khỏi thư phòng. Hắn rửa mặt xong thì xách bình tưới hoa bằng nhôm ra tưới thì nhận ra hoa Đinh Hương của hắn đã được tưới rồi, vừa nhấc đầu lên thì thấy Kỷ Thận Ngữ đang đứng trên hành lang, nom chẳng được vui tươi bằng Lâm Đại Ngọc.

Hắn đành nhận thua: "Cái bình này giống đống sứ vỡ vớt dưới biển mà anh đã mang về lúc trước, nhưng dự đoán về nguồn gốc không đúng, cho nên anh mua về nhìn cho kỹ. Hiện giờ anh có cảm giác nó là đồ giả cổ*, và còn đưa đi kiểm tra rồi, đang chờ kết quả."

(*Đồ giả cổ nôm na là người ta làm giả các đồ cổ và yêu cầu tay nghề của thợ làm đồ giả cổ phải cao, tỉ mỉ và công phu.)

Kỷ Thận Ngữ hỏi: "Kiểm tra thế nào ạ? Chuyên gia giám định ư?"

Đinh Hán Bạch đáp: "Đương nhiên là không, nghề này như một canh bạc, chưa chắc chuyên gia đã không mắc lỗi. Kiểm tra tức là một dụng cụ đo lường thuộc cơ quan chuyên môn của quốc gia, ví dụ như dựa vào độ chính xác của dải màu để phân biệt khu vực phục chế và làm giả."

Kỷ Thận Ngữ giật mình, cứ như thể mình gian dối bị bắt quả tang, cậu lại tò mò: "Vậy chẳng phải nhân viên nội bộ luôn biết được thật hay giả, nên sẽ phát tài hay sao?"

Đinh Hán Bạch cười nói: "Sao vậy được, kiểu kiểm tra này chỉ cho Cục Di sản văn hóa quốc gia dùng thôi, ví dụ như các viện bảo tàng nhận được đồ mới, không được phê chuẩn thì sẽ không thể tiến hành. Anh đến tìm viện trưởng để nói chuyện, ký giấy cam kết, hứa nếu món đồ là thật thì sẽ giao cho viện bảo tàng để trưng bày cùng đống đồ hiện vật vớt dưới biển, thế mới được."

Kỷ Thận Ngữ gật đầu, cậu đã biết kết quả kiểm tra rồi, bèn kìm lòng không đặng gặng hỏi: "Nếu là giả thì sao ạ?"

"Giả thì cứ chấp nhận thôi." Đinh Hán Bạch chẳng thèm để tâm.

Kỷ Thận Ngữ lại hỏi: "Anh không trách người làm giả ạ?"

Đinh Hán Bạch không đáp, lúc này Khương Thải Vi vào gọi họ ra ăn sáng, đề tài cứ gián đoạn như vậy.

Kỷ Thận Ngữ ăn không vô, bèn khuấy cả bát cháo từ đặc thành loãng, cuối cùng nuốt sống. Ăn xong thì ngồi ở phòng khách chính, không có mặt mũi nào để về đối mặt với Đinh Hán Bạch. Cậu vốn làm cái bình đó vì tiền, tiền là để mua quà đáp lễ Đinh Hán Bạch, kế đó chẳng những quà phải ngâm nước nóng mà Đinh Hán Bạch còn tốn ba vạn vì chuyện này.

Bên tivi là lịch để bàn, cậu nhìn chằm chằm đến thẫn thờ, vừa giật mình thấy nghỉ hè đã trôi qua hơn nửa, vừa bồn chồn vì hình như hôm nay có việc gì đó... Cậu suy nghĩ mãi mới nhớ ra hôm nay Lương Hạc Thừa xuất viện.

Phòng bệnh thường trống mất một giường, Lương Hạc Thừa ôm cái túi cũ đứng ở hành lang, giấu bàn tay phải, sợ người khác thấy ông có thừa một ngón. Lưỡng lự hồi lâu thì có người lao đến từ cuối hành lang, ông tức thì quên khuấy mất, giơ tay phải lên ra sức vẫy vẫy, miệng hô.

Kỷ Thận Ngữ chạy đến: "Ông ơi, tí nữa là cháu quên mất."

Lương Hạc Thừa nói: "Đừng lo, ta đang đợi cháu đây mà."

Kỷ Thận Ngữ hỏi: "Nếu cháu không đến thì chẳng phải ông sẽ mất công đợi ư?"

"Thế thì chứng tỏ không đủ duyên." Ông đáp.

Kỷ Thận Ngữ dìu đối phương đi ra ngoài, đến vườn hoa bệnh viện thì dừng lại nhìn ông cụ: "Ông à, tuy cháu giúp ông, nhưng không có nghĩa là cháu tốt bụng đến thế nào, mà chẳng qua là cháu không phải lo ăn lo uống, nên sức nặng của lòng trắc ẩn mới lớn hơn tiền
bạc mà thôi. Nếu cháu phải gánh trách nhiệm nuôi gia đình, có nỗi khó xử của chính mình thì chưa chắc đã giúp ông."

Lương Hạc Thừa không ngờ cậu sẽ thẳng thắn như vậy, song dù tình huống giả thiết là thế nào thì giúp vẫn là giúp. "Duyên mà ta nói không chỉ là cháu giúp ta." Lương Hạc Thừa hỏi, "Lần trước cháu nói tiền đổi từ bình sứ xanh phải không?"

Không nhắc đến còn được, mặt Kỷ Thận Ngữ lộ vẻ đau khổ, kể hết sạch về câu chuyện hoang đường bình sứ xanh qua tay xong lại được mua về, nói xong thì mặt ủ mày chau, thế mà vẫn làm ông cụ phải bật cười.

Lương Hạc Thừa nói: "Đưa Phật đưa đến Tây Thiên, cháu đưa ta về nhà được không?"

Dù sao cũng đang nhàn, Kỷ Thận Ngữ bèn đưa đối phương về, số 25 ngõ Miểu An, đối phương bảo cậu đứng ngoài cửa đợi một lát. Cậu ngồi trên chiếc xe ba gác đã tàn, mười phút sau, Lương Hạc Thừa ôm một cái hộp ra, không biết bên trong đựng gì.

"Tặng thứ này cho cháu, xem như quà đáp lễ của ta."

Kỷ Thận Ngữ xua tay: "Đang yên đang lành sao cháu lại nhận đồ của ông được chứ, cháu không cần đâu."

Lương Hạc Thừa vẫn cố đưa cho cậu: "Cháu giúp ta, ta cũng giúp cháu, có qua có lại, duyên phận mới kéo dài được." Kỷ Thận Ngữ chưa kịp phản ứng thì ông cụ đã lủi vào cửa, toan đóng lại, "Cháu giữ cũng được, bán ra hoặc tặng người khác cũng chẳng sao, mọi việc đều có số cả, cứ xem duyên phận thôi."

Cửa đóng lại cái "cạch", Kỷ Thận Ngữ ôm chiếc hộp sững người, vừa ra khỏi ngõ đã trúng phải gió, suy nghĩ trong đầu càng rối rắm hơn. Sau khi về nhà thì rón rén vào tiểu viện và về phòng như kẻ trộm, đóng cửa sổ, khóa cửa, mở hộp kiểm hàng.

Trong hộp đã nhét vải lẫn tấm bọt biển, từng tầng lớp báo cũ bọc lấy món đồ, cao hơn ba mươi xen-ti-nét, chắc là một bình hoa. Kỷ Thận Ngữ trở thành tân lang mới cưới, đêm động phòng hoa chúc cởi quần áo tân nương, cẩn thà cẩn thận, không dám xé, lại nóng lòng ngó nghiêng, có mỗi mấy lớp báo mà khiến đầu cậu túa mồ hôi.

Đợi đến khi món đồ đã hoàn toàn lộ ra, cậu ngồi thụp xuống ghế.

Một bình sứ có màu xanh đậu như chiếc bình sứ xanh, xúc cảm nhẵn mịn, một trăm chữ Thọ khác thể chữ nằm trên bề mặt, nhìn xuống lạc khoản – Đồ giả cổ của Oa Ký cư sĩ*. Kỷ Thận Ngữ lau mồ hôi qua loa, cậu tự tin rằng mình giám định sẽ ra được thật hay giả, lại nhớ đến Đinh Hán Bạch, hắn đã tốn mất ba vạn để mua đồ rởm, cũng chẳng tin được.

(*Oa Ký cư sĩ là biệt hiệu của Đường Anh, tên tự là Tuấn Công – một nghệ nhân gốm sứ nổi tiếng thời Thanh.)

Cậu cứ ngồi sốt ruột như vậy trong phòng mấy tiếng, Kỷ Thận ngữ mới nhớ đến câu nói của Lương Hạc Thừa, cháu giúp ta, ta giúp cháu.

Hai vạn ba của cậu đã giúp Lương Hạc Thừa, vậy chắc món đồ này cũng đáng giá chừng ấy tiền.

Nhưng nếu Lương Hạc Thừa có một món đồ quý có giá trị thì tại sao không bán quách đi để mình đi khám bệnh cho rồi?

Hết chuyện này không rõ lại đến chuyện khác, Kỷ Thận Ngữ động não, lúc này tiếng bước chân bên ngoài làm cậu hoàn hồn. Ra ngoài nhìn, là Đinh Hán Bạch đã nhận báo cáo kiểm tra, cậu hồi hộp hỏi: "Sư ca à, báo cáo nói gì thế?"

Đinh Hán Bạch đáp một cách dứt khoát: "Đồ giả cổ."

Hình như cậu thấy Đinh Hán Bạch đang mỉm cười: "Vậy sao anh vui?"

"Mặc dù cái bình đó là đồ giả cổ, nhưng chính phần sứ trên thân lại đúng là hiện vật bị vỡ, cậu không thấy thú vị à?" Đinh Hán Bạch nói xong bèn vào thư phòng, giọng bị ngăn khỏi bên ngoài.

Kỷ Thận Ngữ nghĩ, chuyện này mà thú vị á?

Cậu khảy khung cửa, nhớ đến cảnh mơ lúc sáng, Kỷ Phương Hứa trong mộng nói là tráo hàng giả thành thật. Cậu bèn sáng tỏ, ôm bình hoa chạy sang thư phòng, chẳng hề xoắn xuýt tí nào, đưa bình hoa nọ cho Đinh Hán Bạch.

Đinh Hán Bạch thấy cậu vào, ánh nhìn dừng trên cái bình rồi ngớ người. "Sư ca, em có món đồ này tặng anh." Kỷ Thận Ngữ bước qua, chỉ kể là giúp một ông cụ nên nhận báo đáp, "Em không có tài giám định, nhưng có thể nhìn ra cái bình hoa này có chất lượng thượng thừa hơn bình sứ xanh kia, đồ giả cổ cũng chia cấp bậc, dù là đồ giả thì giá trị cũng tương đương, tặng cho anh."

Đinh Hán Bạch hỏi: "Người ta cảm ơn cậu, cậu tặng cho anh làm gì?"

Kỷ Thận Ngữ cầm bình sứ xanh: "Em đổi cái này với anh được không? Vì anh đã tặng em mặt dây chuyền đá Hổ Phách nên em muốn tặng quà đáp lễ cho anh thôi."

Ngoài miệng Đinh Hán Bạch thì nói thế, chứ mắt vẫn dính lên bình hoa. Hắn rút một quyển sách ảnh trong giá sách ra, bỗng hỏi: "Cậu có muốn biết thứ này là thật hay giả không?"

Tấm ảnh nằm trong trang sách ảnh nọ giống chiếc bình hoa, ghi chú: Bình hoa sứ xanh với họa tiết một trăm chữ thọ viết bằng mực đen, thời nhà Thanh. Đinh Hán Bạch kéo Kỷ Thận Ngữ lại để xác nhận: "Tặng anh rồi thì mặc anh xử trí, không hối hận chứ?"

Kỷ Thận Ngữ gật đầu, xử trí làm sao chả được, không giữ thì bán đi thôi, Lương Hạc Thừa đã nói không sao hết, cậu cũng chẳng thấy lấn cấn gì.

Được cho phép, Đinh Hán Bạch bèn lấy báo bọc cái bình rồi đi, vẫn là chợ đồ cổ Đồi Mồi, vẫn là ở con ngõ chật hẹp nọ. Hắn ngồi đến khi trời đen nhẻm, trong thời gian ấy có rất nhiều người đến hỏi, hắn đáp qua loa không thèm đếm xỉa gì, cũng không bán, những người bán bên cạnh đều không hiểu hắn muốn làm gì hết.

Vì vậy hắn lại xin nghỉ làm, ngồi trong ngõ bày quầy suốt ba ngày liền. Buổi trưa ba ngày sau, một đôi giày vải cũ xuất hiện trước mặt, hắn ngẩng đầu nhoẻn cười: "Đúng là có duyên."

Vị trí đã đảo ngược, Trương Tư Niên ngồi xổm xuống: "Cậu không giống người buôn đồ cổ."

Đinh Hán Bạch đáp: "Ông cũng không giống kẻ gom phế phẩm."

Trương Tư Niên tháo kính xuống, con mắt mù bại lộ dưới ánh mặt trời. Ông cầm cái bình lên xem, nhìn đủ từ miệng đến cổ bình, lấy tay làm thước để đo kích cỡ của món đồ, nhìn một lúc lâu: "Đây là tên hiệu của Đường Anh, bắt đầu sử dụng vào năm Ung Chính."

Đinh Hán Bạch gật đầu: "Hàng tốt, bán bớt một cắc tiền tôi cũng không đồng ý."

Trương Tư Niên hỏi: "Dùng đồ đổi đồ thì sao?"

Giới này đương thịnh hành làm như vậy, rất nhiều người sưu tầm thành nghiện, nhưng của cải có hạn, vì vậy bèn lấy đồ có giá trị khá tốt ra, hai bên bàn bạc rồi trao đổi hàng hóa để mua bán.

Đinh Hán Bạch vuốt cổ tay: "Tôi chỉ đòi tiền thôi, để mua đồng hồ Thụy Sĩ ấy mà."

Hắn nói một là một hai là hai, không hề mềm lòng. Hai ngày tiếp đó, Trương Tư Niên gom đủ tiền đến mua, một xấp một vạn, có hẳn mười xấp tiền. Hai người ra ngoài ngõ, cảnh tượng chồng chéo lên ngày hôm đó, lúc chia tay nhìn đối phương, hắn bỗng nhoẻn miệng cười.

Không phải vui mừng vì kiếm được tiền, mà là cầm lòng không đặng.

Con mắt mù của Trương Tư Niên nửa mở: "Bình sứ xanh đã giữ lại hay đã bán đi rồi."

Đinh Hán Bạch đáp: "Làm giả không tệ, giữ làm cảnh."

Kiểm lậu dựa vào bản lĩnh, dù có nói thẳng mặt cũng không thể nổi giận, chỉ biết ngạc nhiên. Trương Tư Niên nghe vậy thì bật cười, túm cái áo cộc phẩy gió: "Thế mà gọi là không tệ ư? Liếc mắt một cái là nhìn ra hàng rởm rồi, chỉ có thể nói là cậu không đủ tài mà thôi."

Đinh Hán Bạch kề sát: "Cái này thì khác, là hàng thật giá thật."

Hắn và đối phương mỗi người đi mỗi ngả, không thèm gửi tiền mà xách cả túi tiền mặt về nhà. Tiểu viện yên ắng, khi đi ngang cửa sổ ngoài thư phòng thì dừng lại, hắn thấy Kỷ Thận Ngữ đang cúi người làm bài tập.

Lấy tờ tiền mệnh giá một trăm tệ lớn nhất gấp máy bay rồi ném vào, vừa khéo rơi xuống sách.

Kỷ Thận Ngữ chạy tới, nắm khung cửa hỏi: "Sư ca ơi, anh bán bình hoa kia rồi à?"

"Ừ." Đinh Hán Bạch đáp, "Bán mười vạn."

Rắc - Kỷ Thận Ngữ làm gãy một miếng khung cửa, tròn mắt kinh hoàng, miệng hết khép rồi mở, không thốt nổi thành lời. Mười vạn... Bình hoa đó có giá mười vạn?! Lương Hạc Thừa tặng cho cậu thứ đắt tiền vậy, sao cậu nhận cho nổi?!

*Chú thích:

1. Ngựa gốm ba màu thời Đường:



2. Bình hoa một trăm chữ Thọ thời Thanh:


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện