Buổi trưa chúng tôi ăn cơm ở nhà tôi như dự định trước đó. Trên bàn ăn, mẹ nhắc với tôi về chuyện cổ phần của Quang Tự.
“Lúc sau bố con có đề cập đến chuyện cổ phần Quang Tự với con nữa không?”
“Không ạ.” Tôi lắc đầu.
“Đúng là phong cách làm việc của tổng giám đốc Nhiếp.” Mẹ tôi cười lạnh một tiếng, nói: “Mấy ngày nữa con nói với bố con là mẹ bỏ tiền ra mua cổ phần Quang Tự cho con.”
“Hả?” Tôi bất ngờ.
Trong mắt Lâm Tự Sâm hơi lóe lên.
“Hả cái gì?” Mẹ cầm đũa gắp một miếng cá, nói rất nhẹ nhàng bình đạm: “Mẹ ra ngoài làm việc, dù sao cũng phải tạo danh tiếng, mẹ không muốn sau này có người nói mẹ chiếm hời của ông ta.”
Trong thoáng chốc, tôi cảm thấy khí chất của mẹ không giống trước đây nữa, giống như đã quay về dáng vẻ sát phạt quyết đoán như trước khi ly hôn với bố tôi. Lúc tôi còn nhỏ nhìn thấy mẹ như thế cũng không cảm thấy gì, thậm chí thỉnh thoảng còn cảm thấy hơi có chút xa cách, chỉ là bây giờ, sau mấy năm trời lại thấy bà ấy như thế, trong lòng tôi lại vô cùng kích động.
Bỗng nhiên tôi ý thức được rất rõ ràng rằng tôi sắp được làm việc cùng với mẹ, điều này khiến tôi còn phấn chấn hơn cả việc cùng hợp tác làm việc với Lâm Tự Sâm nữa.
“Nếu vậy thì dùng bao nhiêu tiền ạ?” Tôi xin chỉ thị của bà.
Có lẽ tâm trạng của mẹ tôi đang rất tốt nên sắc mặt trở nên hơi nghịch ngợm: “Vậy phải xem ông ta không biết xấu hổ mà lấy bao nhiêu.”
Tôi hiểu ra ngay, nhịn cười nói: “Con hiểu rồi ạ, sếp Khương.”
Lâm Tự Sâm ở bên cạnh lắc đầu cười, gắp một miếng sườn bỏ vào trong chén tôi.
Mẹ tôi nhìn miếng sườn được đặt vào chén tôi rồi liếc mắt nhìn Lâm Tự Sâm một cái. Ăn một lúc nữa, bà ấy làm như vô tình đặt câu hỏi: “Tiểu Lâm, Hi Quang nói sau này cậu định quay lại ngành Y, là ở Thượng Hải sao? Yêu xa không dễ đâu.”
“Đúng là ở Thượng Hải nhưng không yêu xa ạ.” Lâm Tự Sâm lịch sự trả lời một cách cung kính, “Trung tâm nghiên cứu phẫu thuật thần kinh mà cháu làm việc ở Tùng Giang, đến Tô Châu chẳng qua chỉ mất khoảng một tiếng, hoàn toàn có thể ở Tô Châu ạ.”
Mẹ tôi nhẹ nhàng khuấy chén canh trước mặt mình: “Ngày nào cũng đi đi về về giữa Tô Châu và Thượng Hải, cậu không thấy vất vả à? Không cảm thấy mình phải hi sinh quá nhiều hay sao?”
Lâm Tự Sâm không hề nhân cơ hội này mà kể khổ, chỉ nói một cách rất cầu thị: “Từ Tùng Giang đến Lục Gia Chuỷ nếu gặp phải tan tầm lúc cao điểm, có thể còn tốn thời gian hơn so với đến Tô Châu, hoàn toàn không đáng gì để nói là hi sinh cả.”
Trên mặt mẹ thoáng hiện nét hài lòng và thưởng thức, không nói tiếp chủ đề này nữa. Nhưng vừa cơm nước xong, lúc mọi người đứng dậy khỏi bàn ăn, bà lại nói: “Tối nay ăn cơm ở nhà ông bà nội xong thì đừng vội về Tô Châu, ở bên đây một đêm đi. Đi đi về về trong ngày quá cực. Trong nhà vẫn có sẵn phòng cho khách.”
Câu cuối cùng hiển nhiên là bà nói với Lâm Tự Sâm.
Tôi còn chưa kịp hiểu hết thì Lâm Tự Sâm đằng kia đã vui vẻ nói cảm ơn trước: “Cảm ơn dì.”
Cho nên, Lâm Tự Sâm có thể nhận được thiện cảm của mẹ tôi nhanh như vậy đấy hả?
Những cụ già đơn giản như ông bà nội tôi, không đến nửa tiếng đã bị anh ấy dỗ đến mức mặt cười hớn hở thì về tình cũng có thể tha thứ được nhỉ…
Đến nhà ông bà nội, nói chuyện với ông bà hơn một tiếng, tôi vội vã kéo Lâm Tự Sâm ra ngoài chơi. Nếu để họ tiếp tục nói chuyện tiếp thì những chuyện trẻ trâu hồi còn bé của tôi sắp bị ông nội khai ra hết rồi.
Thôn Kình Kiều nơi ông bà nội ở cũng xem như là một thôn lớn, có một con phố, còn có trường tiểu học và chợ. Khi còn nhỏ, đến thời gian nhất định thì các thôn xóm chung quanh đều sẽ đến đây họp chợ.
Bước ra đến đường, tôi đưa Lâm Tự Sâm đến mua bánh nướng ở cửa tiệm tôi khen ngất trời kia.
Chúng tôi rất may mắn, lúc đến đúng ngay lúc một mẻ bánh nóng hầm hập vừa ra lò. Ông chủ quen biết tôi, thấy tôi về thì vô cùng vui mừng, cứ dúi cho tôi hai miếng, do đó tôi và Lâm Tự Sâm mỗi người cầm một miếng bánh nướng đi nhưng chẳng phải trả đồng nào.
Huơ tay tạm biệt ông chủ, bước đi chưa được mấy bước tôi đã không kìm được phải cắn một miếng, tôi còn không quên gọi cả Lâm Tự Sâm: “Ở đây không cần phải quan tâm đến hình tượng gì đâu, trực tiếp ăn đi.”
Lâm Tự Sâm cắn một miếng khá là lịch sự, tôi mong chờ hỏi: “Sao nào?”
Lâm Tự Sâm hỏi: “Có gói về được không? Chúng ta có nên mang một ít về Tô Châu không?”
Tôi cười haha: “Không được, về làm nóng lại thì ăn không ngon như vậy nữa.”
Chúng tôi vừa ăn bánh nướng vừa đi dạo một vòng trên phố. Trên đường thôn cũng không có mấy người, có vẻ hơi đìu hiu, dù sao thì bây giờ cũng có rất nhiều thanh niên vào thành phố làm việc. Nhưng sẽ thường gặp các cụ già tụm năm tụm ba ngồi trước cửa trò chuyện, điểm thêm chút không khí dịu dàng bình lặng cho thôn làng lúc chiều tà.
Lúc đi ngang qua trường tiểu học, Lâm Tự Sâm hỏi tôi: “Lúc em học tiểu học là học ở Vô Tích nhỉ?”
“Đúng vậy, em không học
ở đây. Lúc tiểu học, mẹ đón em về Vô Tích, nhưng bà nội không yên tâm nên vào thành phố chăm sóc em nhiều năm.”
Do đó trong lòng mẹ tôi vẫn luôn cảm kích ông bà nội, cho dù bây giờ đã ly hôn với bố tôi nhưng bà cũng không cắt đứt quan hệ với ông bà nội. Lần này tôi và Lâm Tự Sâm đến quê thăm ông bà, mẹ tôi cũng chuẩn bị không ít đồ dưỡng da bảo tôi đưa qua.”
Con đường không dài đã nhanh chóng đi hết. Lâm Tự Sâm nói như suy tư: “Thì ra Hi Quang của chúng ta lớn lên ở địa phương nho nhỏ thế này.”
“Lúc đó em cũng còn nhỏ mà, ngược lại cảm thấy ở đây lớn.” Tôi giải quyết hết phần bánh nướng còn lại trong tay rồi phủi phủi: “Đi, em dẫn anh đi ngắm cầu của thôn Kình Kiều.”
Một thôn Kình Kiều nho nhỏ thật ra cũng có thắng cảnh nổi danh của riêng mình, đó là một cây cầu đá có ba lỗ cầu từ đời Minh được bảo tồn hoàn hảo và còn đang được sử dụng.
Cây cầu đá ở bên kia thôn, được gọi là cầu Kình. Không giống với những kiến trúc hiện đại ở trên đường đi, gần khu vực cầu đá vẫn giữ được những sắc thái vốn có. Tôi nắm tay Lâm Tự Sâm bước qua những con đường đá xanh có niên đại nhiều năm, đếm bậc thang, chạy thẳng một đường đến chỗ cao nhất trên cầu đá.
Bình ổn lại nhịp thở, tôi chỉ vào ngọn núi xanh mờ mờ và tường trắng liễu xanh hai bên bờ sông: “Anh nhìn xem, có phải cảnh sắc nơi đây rất đẹp không?”
Lâm Tự Sâm nhìn theo hướng tôi chỉ, cũng bị hình ảnh trước mắt thu hút tức thì: “Đây là Giang Nam dưới ngòi bút của Ngô Quán Trung.” (*)
(*) Ngô Quán Trung (1919 - 2010) là một trong những hoạ sĩ Trung Quốc quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ông được công nhận là họa sĩ đương đại Trung Hoa sáng lập nên nền hội họa hiện đại Trung Quốc.
Tôi gật đầu: “Nói không chừng thì thầy ấy cũng đã đến nơi này đấy chứ.”
Sau đó chúng tôi lặng im một lúc, chỉ cùng nhau chìm đắm trong cảnh sắc nơi đây. Tôi dựa vào lan can của cầu đá, Lâm Tự Sâm đứng bên cạnh tôi. Một cơn gió nhẹ thổi tới mang theo mấy tiếng chim nước hót, tôi nhẹ nhàng ngâm nga một đoạn nhạc không biết tên, Lâm Tự Sâm nghe một lúc rồi nghiêng đầu qua ngắm tôi.
“Đến đây một lần mà tâm trạng tốt vậy sao?”
“Trên đường đến đây cũng rất vui.”
“Vì sao lại vui vẻ thế?”
“Em không biết nữa.” Tôi trả lời anh một cách tuỳ hứng: “Thoạt trông anh cũng rất vui vẻ mà.”
“Anh á?” Lâm Tự Sâm khẽ nhướng đôi mày thanh tú: “Anh không phải đang vui vẻ, mà là mãn nguyện.”
“Mãn nguyện?” Tôi tò mò: “Mãn nguyện vì điều gì?”
“Mãn nguyện vì anh đã tìm được đúng người, cuộc đời cũng được sắp xếp ổn thoả, chẳng mấy chốc anh sẽ lại có được tất cả những gì mình muốn. Cho nên cảm thấy cuộc đời mãn nguyện, hào hứng hăng hái.” Anh nhanh chóng trả lời tôi.
Tôi nhìn anh chăm chú, trong lòng giống như có luồng ấm áp muốn trào ra mạnh mẽ, thoáng chốc tôi lại bật cười: “Người ta thấy cuộc đời mãn nguyện thì uống rượu, còn tổng giám đốc Lâm của chúng ta lại là ăn bánh nướng.”
Nhìn Lâm Tự Sâm lại càng có vẻ hài lòng hơn: “Thế thì anh có dinh dưỡng hơn chứ.”
Tìm được đúng người à…
Tôi nhớ đến vừa nãy bà nội dùng tiếng phổ thông nửa nạc nửa mỡ khen Lâm Tự Sâm - Bà biết cháu gái muốn đưa bạn trai về, nào ngờ rằng lại đưa một người vừa đẹp trai vừa khôn khéo như thế.
Không chỉ đẹp trai và khôn khéo thôi đâu…
Vậy nên tôi cũng tìm được đúng người rồi mà, anh ấy có gì đặc biệt hơn người cơ chứ.
Trong lòng tôi ngập tràn hạnh phúc trào dâng, không biết cảm xúc chạm phải chỗ nào, tôi bỗng hỏi vấn đề mà tôi luôn giấu trong lòng: “Lâm Tự Sâm, vì sao anh chưa bao giờ hỏi chuyện của em khi học đại học, anh không muốn biết sao?”
“Đương nhiên là anh muốn biết.” Anh nhìn tôi, giọng anh bình thản đến mức giống như ngọn gió đang thổi trên cây cầu này, “Nhưng anh mong sẽ có một ngày bỗng nhiên em sẽ hỏi anh có muốn biết không, như vậy mới là thời điểm tốt nhất.”
Tôi nhìn anh không chớp mắt, cảm thấy người đứng trước mặt tôi vô cùng trí tuệ và anh tuấn: “Vậy để em nghĩ xem phải nói từ đâu.”
Vì vậy, trong buổi chiều hôm đó, ở nơi tôi sống khi còn nhỏ, tôi từ từ kể cho anh nghe những chuyện đã xảy ra khi còn học đại học.