TỘI PHẠM (Hãn Phỉ)

Luật hình sự Điều 294


trước sau

Chuyển ngữ: Andrew Pastel

Chủ nhật đầu tiên hàng tháng là một ngày quan trọng của các tù nhân, chỉ có hôm đó người nhà mới có thể đến thăm tù, hơn nữa thăm tù còn phải sắp xếp lên lịch trước, không phải muốn đến là đến. 

3709, La Cường ngồi đó, nhìn từ phía xa. La lão đại La Dũng, anh cả trong gia đình, vẫn mặc bộ com-lê cũ bạc màu, mang trên vai một chiếc chăn bông to và dày, trên tay xách một chiếc túi dệt lớn, còn kéo từ ngoài vào một cái sọt, trán lấm tấm mồ hôi.

Hai anh em nhìn nhau qua tấm kính, sững sờ hồi lâu, không nói gì, cũng không biết phải nói gì.

Đã nhiều năm không còn chung sống dưới một mái nhà, đường ai nấy đi từ rất lâu. Đến khi gặp lại, thì một người bên trong, một bên ngoài, vĩnh viễn vẫn như hai người xa xạ.

La lão đại mấy ngày nay cũng rất vất vả, gia đình ly tán, hai người em tù tội, chỉ còn lại một mình anh gồng gánh, phía trên thì hầu hạ người bố già bệnh tật, phía dưới thì nuôi tù hai đứa em. Hai anh em nhà họ La bị bắt giữ, khối tài sản khổng lồ tích lũy nhiều năm kinh doanh bị kết án thu lợi bất chính, tịch thu sung công, còn vì thưa kiện bỏ tù, cũng tiêu tốn rất nhiều tiền, nợ nần chồng chất.

La Dũng tay xách nách mang, nói: “Lão nhị, anh mang đồ cho chú dùng.”

La Cường: “Không cần.”

“Trời vào thu rồi, sẽ lạnh đó, đắp thêm chăn bông dày. Táo là của nhà mình trồng, không tốn tiền. Chú có thể đặt dưới giường ăn dần. Một giỏ có thể ăn cả mùa đông.”

La Cường nói: “… Sau này đừng mang những thứ này, em không cần đâu.”

Im lặng một lúc, La Cường không nhịn được hỏi tiếp: “Tiểu Tam Nhi ở đâu?”

La Dũng: “Ở Diên Khánh, anh mới vừa đi thăm… cũng khá tốt.”

“Tốt sao?”

“Rất lạc quan, rất cầu tiến, nói rất nhiều với anh, nói đội trưởng quản giáo rất tốt với nó, còn hỏi thăm tình tình chú thế nào …”

“Có ai bắt nạt nó không? Có ai đánh nó không? Ai từng động vào nó họ tên là gì, nói cho em biết, rồi viết vào giấy nhớ kỹ.”

“… Tiểu Tam Nhi nói nó không sao, nó có thể tự lo cho mình, nên chú yên tâm.”

La Cường im lặng một lúc rồi nói: “Đưa đồ cho Tam Nhi đi. Em không ăn táo, đem cho nó ăn. Tam Nhi thích ăn trái cây.”

Năm đó bố La cầm gậy đánh mạnh vào một bên mặt của La Cường, máu chảy xối xả, khóe mắt cũng nứt ra.

Bố La run lên vì tức giận, chỉ thẳng vào La Cường, quát: “Thằng con trời đánh, đồ tạo nghiệt, sao nhà tao lại có thằng con như mày! Mày đang làm gì thế này?! Tương lai của mày chỉ có bị xử bắn thôi!”

“Mày đã không đi đường ngay thẳng, lại còn kéo theo em của mày! Đó là con tao! Đó là em trai của mày! … Mày trả lại con trai cho tao!!!

La Chiến học đến cấp ba thì bỏ học, đi theo La Cường lăn lộn trên đường, từ phòng hát karaoke, phòng chơi bida, quán cà phê Internet, sau này mở khu giải trí, câu lạc bộ cao cấp, sòng bạc ngầm, kinh doanh ngày càng tốt.

Hơn mười năm, hai anh em gần như chưa từng tách ra, mỗi người một mã tấu trên lưng, hai anh em cùng nhau chiến đấu, vai kề vai, mồ hôi trộn lẫn, máu hòa cùng nhau, …

Cùng nhau kiếm tiền, cùng nhau tiêu xài, rượu thịt và hoan lạc, tràn đầy khí phách cuộc sống.

Lần này hai anh em cùng thụ án, nhưng lại không bị giam chung một chỗ, sau bao nhiêu năm, lần đầu tiên xa cách, phải rất nhiều năm mới có thể gặp lại nhau.

La Cường không quan tâm. Hắn không quan tâm số phòng giam của mình là số mấy, có ai cho hắn ăn màn thầu hay không, bạn tù có thích hắn hay không, có ai muốn tính kế, ‘cọ rửa’ hắn hay không, thậm chí hắn còn không quan tâm người ta gọi hắn là La Cường hay Chu Kiến Minh. Hắn là ai cơ chứ? Hắn sợ những chuyện cỏn con này sao?

Gọi tao bằng tên gì cũng được, tao vẫn sẽ xử đẹp chúng mày.

Nhưng đây là lần đầu tiên Tiểu Tam Nhi vào tù, bản án kéo dài 8 năm, nó đã quen với cuộc sống bừa bãi tự do, quen được anh trai cưng chiều bảo bọc, liệu nó có thể sống được một mình không? Nó có chịu khổ cực được không?

Liệu có ai cho em trai hắn một cái màn thầu khi nó đói không?

Nếu mấy tên trong tù ức hiếp nó ‘cọ rửa’, bắt nó đi ‘phi cơ’, ôm bồn cầu, nó có chịu được không? Có ai giúp đỡ nó không?

Trong đầu La Cường xẹt qua vài hình ảnh xấu nhất, nếu ai đó dám động vào một cọng lông nào La Tam Nhi, bắt nạt em trai quý báu của hắn, hắn sẽ chém chết tên đó, lột da khoét mắt cho hả giận.

La Cường hỏi La Dũng: “Bố thế nào rồi?”

La Dũng nói: “Vẫn vậy … Đến bệnh viện khám nhưng bác sĩ không nhận. Họ nói rằng bố lớn tuổi quá rồi không dám làm phẫu thuật, chỉ uống thuốc cầm cự, ở nhà nghỉ ngơi …”

La Cường suy nghĩ một chút, nói: “Có đủ tiền không? Em còn mấy anh em có thể tin tưởng.”

La Dũng lắc đầu, mở miệng muốn nói gì đó nhưng lại thôi.

Bố La đã từng nói, không muốn sử dụng một xu nào của nghiệt tử này, không ở trong biệt thự của nghiệt tử, không đi xe hơi của hắn, không gặp mặt hắn, già rồi có chết xác ném ở ven đường cũng không được để cho hắn chôn.

La Dũng không thể nói thẳng ra như thế, vì sợ La Cường sẽ lật bàn lên mất.

La Dũng ít nhiều cũng có chút sợ cậu hai nhà anh. Đừng nghĩ là anh cả, anh không thể quản lý được hai đứa em này, chỉ có thể tự quản lý bản thân, bán mặt cho đất bán lưng cho trời hơn nửa đời, đến tuổi trung niên còn phải tung tăng đi nuôi tù hai đứa em trai.

La Cường cũng rất hiếm khi gọi anh là “anh cả”, thậm chí không gọi cả tên. Hắn luôn sống cô độc, buông thả, trong mắt người ngoài là loại người vô tâm, người thân không nhìn mặt. Hắn chỉ nhận mặt công việc kinh doanh, nhà cửa, xe hơi và tiền bạc của hắn, với khẩu súng và cây mã tấu trên tay, với vết sẹo sâu trên vai và ngực, và cả người nhớp nháp máu tanh …

Hắn chỉ biết đến con đường đen tối đó, và cứ đi mãi, cho đến khi va vào ngõ cụt.

La Cường vác chăn bông, kéo một sọt táo, như người bắt xe lửa về quê ăn tết đi ngang qua sân chơi.

Hắn không nhịn được đưa mắt nhìn một nhóm người trên sân, ánh mắt phảng phất như bản năng ngắm đến người thanh niên với chiếc mũ cảnh sát trên tay, thả chân trần trên sàn bê tông chạy qua chạy lại

Trong thời gian thông khí, một số phạm nhân không có người nhà đến thăm được tự do đi lại, nhàn quá nên tổ chức chơi đá cầu.

Hoạt động thể thao nặng trong nhà tù cũng hạn chế, nên đám tù nhân đành chơi đỡ trò đàn bà này.

Thiệu Quân cũng tham gia, móc chiếc mũ cảnh sát bằng một ngón tay, giày bốt da được cởi ra, để chân trần đá cầu.

Đa số tù nhân đều thích Thiệu Quân, một phần vì Thiệu Quân vui vẻ, Thiệu Quân thích chơi đùa. Ngày thường đội mũ cảnh sát, mang thắt lưng, thằng nhóc này là một cảnh sát thực thụ, khi huấn luyện người thì nghiêm túc, khi lên lớp giáo dục tư tưởng thì cũng la lối, quát tháo trên bục giảng. Nhưng khi đã bắt đầu chơi thì lại rất điên khùng, như chạy sang thôn nhỏ bên cạnh leo cây hái trộm đào, hoặc đi phát thuốc lá cho các buồng giam rồi chui vào một tụ tù nhân náo nhiệt nào đó cùng chơi đánh bài, là chuyện thường ngày. 

Năm sáu người xếp thành một vòng tròn, Thiệu Quân đá quả cầu bay cao đến ba mét, khi nó rơi xuống, anh đột nhiên lắc cổ chân, phóng khoáng đá hất nó sang một bên, đắc ý cười ngớ ngẩn nhìn người khác nhặt cầu lên…

Thiệu Quân gầy, vòng eo linh hoạt chân tay phản ứng rất nhanh. Trước đây anh đá cầu chỉ nhằm mục đích xây dựng tình cảm với phạm nhân, dễ nói chuyện với họ, sau lại đâm nghiện đá cầu, chơi giỏi, lại còn thích thể hiện.

Chiếc áo sơ mi bị kéo ra khỏi cạp quần do động tác, lỏng lẻo bay bay.

Quần đồng phục ôm lấy mông, ống quần kéo thẳng xuống mắt cá, chạm đến đôi bàn chân trần trắng nõn.

Ánh nắng sáng ngời phủ lên khuôn mặt và cánh tay của Thiệu Quân một vòng màu vàng mờ ảo, bóng cây đan xen bóng người, trẻ trung và xinh đẹp.

Đến khi La Cường nhận ra rằng hắn đang nhìn chằm chằm Cảnh sát Thiệu, thì hắn đã nhìn anh được một lúc lâu rồi. Nhìn thắt lưng quần tây và hai bàn chân trắng nõn của Thiệu Tam Màn thầu, hành lý nặng nề trên vai cũng quên đi mất …

“Coi nè coi nè!” Thiệu Quân vừa nghiêm túc vừa hào hứng.

Thiệu Quân chơi đá cầu trông rất đẹp trai, đá thi với một tù nhân khác. Anh lấy cẳng chân quét ngang quét trước quét sau, tất cả các kỹ năng đều được sử dụng. Quả cầu tách một cái bay lên đỉnh đầu, Thiệu Quân nghiêng nửa người đá ngang, nhưng đầu gối của anh lại gập lại, đùi và mắt cá chân tạo thành một một góc khó tin, đá quả cầu lại bằng gót chân.

“Đẹp quá!”

Một vài người vây xem ồn ào, trầm trồ nịnh nọt Thiệu Tam gia.

Thiệu Quân đắc ý, cười toe toét lộ cả hàm răng trắng, khuôn mặt thành thục mọi ngày hiếm khi bộc lộ niềm vui đơn thuần nào đó, cười thật sự vui, thậm chí có một chút ngây thơ.

Trưởng nhà giam từ bên ngoài bước vào, nhìn một
cái rồi chỉ tay về phía Thiệu Quân từ xa: Này, tự nhìn lại cậu đi!

Thiệu Quân bị tưởng nhà giam chỉ tay cảnh cáo, luống cuống chân đá quả cầu đá vào tường. Cậu cảnh sát vũ trang nhỏ trên trạm gác xem trận cầu qua ống ngắm súng trường cũng không nhịn được phải bật cười.

Thiệu Quân liếc cảnh sát vũ trang kia một cái.

Trưởng nhà giam vừa răn đe vừa pha trò: Thiếu gia, nhìn cái cà vạt xộc xệch của cậu này, quần áo thì nhăn nhúm, trông lôi thôi lếch thếch như mèo hoang vậy… Ủa giày cậu đâu?!

Thiệu Quân quay mặt đi tìm giày, bất thình lình có hai thứ gì đó bay ra từ hành lang, lao tới trước ngực anh!

Anh không nhìn rõ, theo bản năng nâng chân lên đá.

Trưởng nhà giam trừng mắt: Tôi phê bình cậu nãy giờ, cậu còn cố đá à!

Tên khốn nào muốn ám sát Tam gia gia thế hả! Thiệu Quân luống cuống tay chân vội vàng ôm thứ đó vào lòng ngực.

Đó là một gói mề vịt ướp vị và một gói bò xé sợi cay.

Thiệu Quân quay lại, người đã ném đồ về phía anh trên hành lang, lại cầm giỏ táo lên, hờ hững liếc nhìn anh một cái rồi lại chậm rãi bước đi.

Thiệu Quân cảm thấy rất buồn cười, không ngờ là hắn. Anh nhìn chăm chú vào bóng lưng La Cường, cũng nhìn thật lâu….

La Cường không có hứng thú với cảnh sát. Trên con đường lăn lộn của mình, hắn ghét nhất là bọn cớm. Hắn ném hai gói thức ăn, chỉ để thuận tay trả cho Thiệu tam gia một cái ân tình.

Lúc mới vào trại giam này, hắn đói hơn một ngày không có lấy một hạt cơm vào bụng, khi đó Thiệu Quân đã cho hắn hai cái màn thầu, một chén canh bí.

Không có gì nhiều nhặn, chỉ có hai cái màn thầu, một chén canh, nhưng cũng đủ giúp hắn lúc đang thật đói! …

Đêm đó, buồng giam ban 7 rất xôm tụ.

La Cường từ từ lấy ra mọi thứ trong chiếc túi dệt lớn, xung quanh là những người háo hức trông mong, thèm muốn chết. La Cường cũng hào phóng và rộng rãi, hắn chia bao thức ăn cho mọi người, ai muốn ăn gì thì ăn.

Hồ Nham cắp vài bao thức ăn lên giường, miệng nhai liên tục như một loài gặm nhấm nhỏ nào đó …

Nhím tuy rằng ăn hai cú đạp của La Cường mà còn chưa báo thù được, nhưng thằng nhóc này nghĩ rất thoáng, thù cái gì thì thù, tuyệt đối không có thù với đồ ăn. Ngày ngày húp canh củ cải canh bí đao, cơ thể suy nhược tỳ hư thận yếu, cũng phải tự bồi bổ cho mình chứ…

Thuận Tử đặc biệt rất ghét tù nhân mới đến này, không muốn chung chạ gì với tội phạm ấu dâm, nhưng nhìn ai trong phòng cũng ăn, hắn lại không nhịn được.

La Cường cầm một túi lạp xưởng lớn, đưa cho Thuận Tử, thản nhiên hỏi: “Từ Tứ Xuyên đến?”

Hắn có thể phân biệt được giọng của các tỉnh khác nhau.

Thuận Tử liếc nhìn La Cường, có vẻ như cảm kích, nên cũng bắt đầu ăn. Lạp xưởng vị Tứ Xuyên, hương vị của quê nhà, làm hắn chợt bùi ngùi.

Với người Trung Quốc, ăn uống là một loại hoạt động giải trí có thể xóa bỏ rào cản và gắn kết tình cảm một cách tốt nhất.

La lão đại cho hắn một túi lớn thức ăn, làm không khí trong phòng giam ban 7 hòa hoãn đi rất nhiều. Mà cũng vì mọi người ai cũng ghét Vương Báo ban 3, nên các tù nhân ban 7 cũng thấy Chu Kiến Minh cũng được lắm, lấy lại mặt mũi cho ban 7 trước bọn ban 3.

Trò chuyện một lúc, mọi người bắt đầu nói về chuyện mình vào đây vì phạm tội gì.

Nhím nói: “Tôi là 234, lúc trước đại ca bị mười mấy người bao vây, tôi đập đầu một thằng để cứu đại ca, thằng đó bị thành người thực vật luôn. Mà tôi không hối hận, vì tôi đã cứu sống đại ca mà. “

Nhím nhìn Thuận Tử, Thuận Tử: “Tôi cũng 234. Hiệu trưởng trường mẫu giáo ở thôn của tôi là một tên côn đồ già biến thái. Hắn giở trò với nhiều trẻ nhỏ. Chúng tôi đi báo cảnh sát, nhưng hắn có quan hệ với trưởng thôn. Rồi một ngày, tôi ức quá, tôi đâm vào bụng hắn ta mấy cái, móc ra vài cái nội tạng. Sau đó tôi chạy đến Bắc Kinh, tôi bị bắt ở đây, không quay về nữa. “

Hồ Ngôn không tự nói về mình, y nhìn chằm chằm La Cường, hỏi: “Còn anh? Tại sao anh vào đây? Tôi không tin những gì quản giáo nói.”

La Cường cũng không muốn nói.

Nhưng bị một đám người hỏi ép đến sốt ruột, La Cường đành tựa lưng vào chăn bông, một chân duỗi ra, hờ hững nhìn mọi người, “… Tôi là 294.”

294 là gì vậy? Rất nhiều người không biết đây là tội gì, vì cũng chưa phạm qua.

Các loại tội phổ biến nhất trong nhà giam là 232: Cố ý giết người;  234: cố ý gây thương tích; 236: Hiếp dâm và 347: tội sản xuất, buôn bán và tàng trữ ma túy. Bộ luật Hình sự hàng trăm hàng nghìn điều, bản án của tòa ghi rất rõ ràng, nên ai cũng biết mấy điều tội thông dụng. Do đó, mấy tù nhân trong đây nói chuyện với nhau chỉ cần vắn tắt: 234 hay gì đó. Còn 294? Cả đại đội hình như chưa ai có tội này.

Thiệu Tam gia lén lút dựa vào cửa buồng giam, nhìn nhóm người đang trò chuyện bên trong.

La Cường tinh mắt, liếc một cái đã phát hiện Thiệu Quân nghe trộm.

La Cường trêu chọc: “Cảnh sát Thiệu chưa ăn no, còn muốn thêm à?”

Thiệu Quân đáp: “Có cổ vịt không?”

La Cường lục lọi trong túi dệt.

“Phải cay đó nha, không cay tôi không ăn đâu!” Thiệu Quân liếc một cái, bày ra cái điệu bộ như muốn nói, muốn nịnh nọt vỗ mông ngựa cho Tam gia gia đây thì phải vỗ cho chuẩn, vỗ không to không vang thì cỡ nào ông đây cũng không thèm chiếu cố cho đâu.

La Cười không nhịn được khẽ cong khóe môi.

La Cường ném túi cổ vịt ra, ném rất chuẩn, xuyên qua cửa sổ nhỏ đập vào ngực Thiệu Quân.

Thiệu Quân vẫn chưa xong: “Còn táo nữa, đưa tôi hai bịch! Cả đêm mấy người ngủ ngáy o o như lợn nhà. Còn tôi thì phải thức cả đêm trừng mắt nhìn mấy người ngủ, tôi mệt lắm đó! “

Thiệu tam gia thường hay chọc ghẹo nói đùa với các từ nhân như thế, để đỡ nhàm. Thanh niên này trong giờ làm và lúc vui chơi cứ như hai người hoàn toàn khác nhau vậy.

Nhím và Thuận Tử cũng ồn ào vui vẻ: “Tam gia phải chú ý giữ gìn sức khỏe đó nha, nhỡ mai mốt đổ bệnh không ai chăm sóc bọn cặn bã chúng tôi!”

Đêm đó, buồng giam ban 7 rất vui …

Chỉ có Lão Thịnh ngồi một mình ở góc trong cùng của căn phòng, trên chiếc giường lớn, mặt mày xanh mét, âm trầm nhìn thẳng vào La Cường.

Cùng ngày, lão Thịnh cũng có người đến thăm tù, là một thanh niên đầu trọc, xăm trổ đầy người, thoạt nhìn cũng biết là dân giang hồ, nhét bao thuốc lá đắt tiền cho viên cảnh sát trực phòng thăm, rồi nói chuyện với lão Thịnh cả tiếng đồng hồ. Người đàn ông đưa năm ngón tay về phía lão Thịnh, lão Thịnh tỏ vẻ ngạc nhiên, cân nhắc một lúc rồi gật đầu.

Năm ngón tay là năm tấn, từ lóng giới giang hồ, nghĩa là năm nghìn nhân dân tệ. Sau khi lão Thịnh trở về từ phòng thăm, biểu cảm trên gương mặt gã thay đổi, lập lòe những luồng sát khí âm trầm. 

La Cường và lão Thịnh nhìn nhau, ánh mắt đều lạnh lùng, giống như không cần phải nói, ai cũng biết được đối phương đang nghĩ gì.

Tối hôm đó, Thiệu Quân trực trong phòng giám sát, cũng không nhàn rỗi, bê cuốn Luật Hình sự dày cộm từ thư viện về xem.

Anh lật nhanh đến trang cần tìm.

Nhấm nháp cổ vịt ướp vị, ớt cay đến tê tê cánh môi, Thiệu Quân thì thầm: “Mẹ kiếp, gì thế này …”

“Luật Hình sự” ghi rõ, Điều 294, tội tổ chức, cầm đầu xã hội đen.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện