TỘI PHẠM (Hãn Phỉ)

Thái Lang mà anh hai yêu nhất


trước sau

Chuyển ngữ: Andrew Pastel

Khi đó, trong mắt hàng xóm, đứa con trai cả nhà họ La là người trung thực, thật thà, dù theo thói quen xã hội xưa, con trai cả, cháu đích tôn nhà ai ra đường cũng được khen ngợi là lanh lợi giỏi giang. La Tiểu tam nhi thì dễ thương và vui vẻ, ai thấy cũng muốn lại véo mặt.

Còn thằng hai thì sao? Thằng hai … không đáng yêu lắm.

Gia đình đông con, đứa lớn nhất được tin cậy, đứa út được cưng chiều, còn đứa ở giữa thường bị coi thường, bị xem nhẹ. Trong mắt người lớn, họ luôn cho rằng đứa thứ hai nhà họ La kia không thích nói nhiều, không khóc, không gây chuyện, không được lòng người lớn, hay ủ rũ đi trong ngõ, thỉnh thoảng ngẩng đầu nhìn mọi người, ánh mắt u ám, chẳng vui vẻ gì.

La Cường từ trường về nhà, đeo cặp sách, kẹp điếu thuốc cũng không biết lấy từ đâu giữa hai ngón tay.

Hắn sẽ đi đường vòng đến công trường để hút thuốc một lúc, trốn trong loại ống bê tông tròn to đặt nằm ngang, nơi trẻ con và mèo thường thích trốn. Khi có người nhìn thấy, hắn giấu nửa điếu thuốc trong lòng bàn tay, rúc vào ống tay áo.

La Cường cũng có một đám anh em thân thiết. Những tên này đều là những tay giang hồ có tiếng xa gần trong mấy con hẻm, học hành không đến nơi đến chốn, chiều nào cũng ngậm thuốc lá, vác gậy gạch đi khắp các ngõ nhỏ gây chuyện khiến người lớn đau đầu.

Nhưng La Chiến đã thích anh hai của mình từ khi anh còn nhỏ. Trẻ em và người lớn có quan điểm khác nhau. Người lớn thì cân nhắc đứa trẻ nào ngoan, đứa nào có tương lai xán lạn; còn trong mắt những đứa trẻ, nó chỉ thích người thú vị và thương nó thật lòng.

Đôi khi sau giờ học, La Cường sẽ đi ngang qua Hồng Tân Lâu, lẻn vào của nhà bếp qua cánh cửa nhỏ.

Đầu bếp và tất cả phục vụ đều biết mặt La lão nhị, đôi khi chào đón hắn bằng một đĩa bánh gạo nếp, một túi Saqima hoặc phần dim sum thừa trong nhà hàng.

Bánh gạo nếp được chiên bằng bột nếp, ngọt vừa miệng. La Cường ăn thấy ngon, cất vào túi chạy về nhà, lấy nó trêu La Tiểu Tam nhi: gọi “anh trai tốt” đi, tao sẽ cho mày một cái bánh gạo.

Gia đình bên cạnh nhà là giảng viên đại học, cũng là nhà có thu nhập khủng những năm đó, một tháng hơn trăm đồng. Họ có tủ lạnh hoa tuyết và loa Vũ Bài. Giảng viên cũng thích La Tiểu Tam nhi khỏe mạnh kháu khỉnh, đen đen béo béo, có lần lấy một bát kem nhỏ trong tủ lạnh đưa cho Tiểu tam nhi.

Những năm ấy, đồ ăn vặt lạnh được chia thành nhiều hạng. Kem que ba xu có hai loại, trái hồng và đậu đỏ; kem que năm xu là sôcôla; một mao hai xu có thể mua một que kem sữa, và hai mao mới mua được một que kem đôi Bắc Băng Dương, là cái loại có gắn hai que gỗ để cầm ăn. (*) 

La Tiểu Tam nhi lau miệng đầy kem, tặc lưỡi, ngượng ngùng đưa que kem qua: “Anh hai ăn đi.”

La Cường hất nhẹ cằm: “Mày ăn đi.”

La Tiểu Tam: “Anh cũng ăn đi.”

La Cường nói: “Tao ăn trên trường rồi.”

La Tiểu Tam nhi ăn, mười ngón tay cũng bị liếm sạch, thật là ngon. Kem đắt quá, bố nó chưa bao giờ mua cho nó thứ này.

Tiểu tam nhi ăn xong kem đôi, La Cường lấy que gỗ đưa lên miệng mút mút lại chút kem còn sót trên đó…

Khi La Chiến được hai, ba tuổi, vừa có thể nói lưu loát, nó nói rất nhiều, giọng nói còn vang nên rất thích nghe người lớn khen ngợi. Các bác gái trong viện mỗi khi rảnh rỗi hay trêu chọc nó: “Tam nhi, tới nói cho bác nghe mấy câu đi!”

La Tiểu Tam nhi chắp tay ra sau đít, trợn mắt: “… tui là trò đùa của mấy người à!”

Đây là một câu thoại nổi tiếng của danh hài Mã Tam Lập, La Chiến học từ TV, bắt chước y chang khiến những người lớn trong viện cười rũ rượi.

Bác gái hỏi: “Tam nhi, con có thích cha của con không?”

La Tiểu Tam nhi gật đầu: “Con thích!”

Bác gái: “Có thích anh trai không?”

La Tiểu Tam nhi vui vẻ: “Thích!!!”

Bác gái: “Con thích ai nhất?”

La Tiểu Tam nhi liếm ngón tay, bĩu môi, hất cằm: “Con thích nhất … Con thích nhất anh trai của con!”

Mọi người đều biết La Chiến đang nói về ai. Cái nét mặt, dáng đứng cà lơ phất phơ và điệu bộ hất cằm đó đều học theo anh hai nó.

La Cường đẩy cửa bước ra, tay cầm kẹp sắt đang gắp một ổ than tổ ong, nhìn Tiểu Tam nhi, hắn thoạt nhìn rất ngầu, nhưng thật ra khóe miệng đã nở nụ cười rồi, hắn cảm thấy tự hào.

Sau đó, La Cường kẹp La Tiểu Tam nhi dưới nách, khiêng vào nhà, ném lên giường lớn, nhào tới ôm …

“Ai là người mày thích nhất? Nói anh nghe xem nào.” La Cường hỏi.

“Em thích anh hai nhất!” La Tiểu Tam lăn lộn làm nũng trên giường.

“Nói lại lần nữa, thích nhất ai!” La Cường cù vào mấy chỗ nhột của Tiểu Tam nhi.

“Anh hai! … Anh hai!…”

La Tiểu Tam nhi cười khanh khách không ngừng, tay chân đạp loạn xà ngầu lên cánh tay La Cường…

Các bé trai thường thích chơi bắn súng, rất mới mẻ và kích thích. La Chiến cũng có khẩu súng lục nhỏ của mình, được anh hai đưa cho.

Đồ chơi trong cửa hàng bách hóa quá đắt để mua. La Tiểu Tam anh luôn ngồi xổm bên quầy, háo hức nhìn vào tấm kính.

La Cường khắc thanh gỗ thành hình một khẩu súng, sau đó buộc vài vòng dây sắt làm cò súng, Tiểu tam nhi rất thích nó.

La Cường nói với đứa nhỏ: “Khi nào giàu, tao sẽ mua cho mày một khẩu súng thật”.

Một ngày nọ, vào một ngày cuối tuần, bố La đạp xe đèo La Tiểu tam nhi đến Công viên Trung Sơn và Cung Văn hóa Nhân dân Lao động để vui chơi và xem triển lãm hoa cúc.

Để tiện chở con nhỏ, bố La đã lắp một chiếc thùng thiếc nhỏ ở bên cạnh giá sau xe đạp của mình. Đây có thể coi là một nét đặc trưng trên đường phố thời đó, nhiều ông bố đưa đón con bằng xe đạp thồ có gắn thêm thùng nhỏ như vậy.

Sau khi xem xong triển lãm hoa, hai bố con ra đường lớn, vô tình đụng phải “đoàn xe chiến đấu” trong đại viện quân đội. Một nhóm thanh niên xuất thân từ đại viện, miệng ngậm thuốc lá, tay cầm hai con dao, tụ tập quanh phố nhìn quanh.

Đường Ngọc Tuyền khu Bách Vạn Trang có rất nhiều doanh trại quân đội và đại viện như thế, mỗi đại viện đều có những đứa choai choai thế này. Những đứa trẻ cấp 2 này đang tuổi dậy thì, nổi loạn, không có nơi nào để trút lửa, chúng thường đi loanh quanh theo nhóm, kiếm chuyện gây sự khắp nơi, không có gì chúng cũng tìm cách gây sự cho bằng được.

Ngày đó, vì La Tiểu Tam nhi không hiểu, tò mò, không biết nhóm thanh niên này là ai, nó ngồi trong chiếc thùng thiếc nhỏ, quay đầu nhìn chằm chằm bọn chúng một lúc.

Thằng cầm đầu là Lục Viêm Đông, được gọi là “Anh Đông”, còn đang học trung học. Gia đình sống trong đại viên quân khu Bách Vạn Trang, thường ngày nó rất ngỗ ngược, không coi ai ra gì, chủ tịch nước cũng không thèm để ý tới.

Trong mắt chúng, La Tiểu Tam nhi nhìn Lục Viêm Đông là một hành động khiêu khích, “mạo phạm’.

Lục Viêm Đông lao lên trên chiếc xe đạp của mình, chặn đầu xe bố La.

“Nhìn cái gì? Nhìn nhìn con mẹ mày!”  Lục Viêm Đông chửi bới.

“Chúng tôi không nhìn cậu.” Bố La nói.

“Tao nói mày nhìn là mày nhìn! Mẹ nó mặt tao để cho chúng mày nhìn đó à!”  Lục Viêm Đông không buông tha.

Nói đến cùng, thật sự chỉ là lúc đó nhàm chán, nên tìm cách bắt bớ gây sự mà thôi.

Những đứa trẻ sống trong đại viện Quân khu ở Bắc Kinh thời đó luôn như vậy. Truyền thống bạo ngược từ mười năm chiến đấu trong Cách mạng Văn hóa đã gieo mầm mống man rợ và sự tự ti trong tâm hồn những người trẻ tuổi, làm biến dạng tâm hồn của cả một thế hệ.

Chiếc xe đạp của bố La bị ném ra xa, bị phá hỏng. La Tiểu Tam nhi  bò ra khỏi xe với khuôn mặt nhỏ trầy xước, tiếng khóc vang vọng khắp con hẻm.

Hôm đó La Cường nghe anh em báo tin, hắn chạy như bay ra khỏi nhà, trên thắt lưng còn treo khóa dây xích, trong tay còn cầm cái kìm sắt kẹp than tổ ong.

Anh cả nhà họ La đang đứng giữa khuyên can: “Chúng tôi không nhìn anh, đừng đánh nhau, đừng đánh…”

Bọn bên kia chỉ là do rảnh quá, ra đường xem có ai hiền lành dễ kiếm chuyện thì lao vào đánh mà thôi.

Lục Viêm Đông đá bố La, La Tiểu Tam nhi ôm đầu khóc ré lên. La Cường từ xa nhìn thấy, ném mạnh cây kìm sắt vào giữa trận.

“Thằng chó, không được đánh bố tao.” La Cường mặt lạnh nói.

“Mẹ nó, mày là thằng nào?” Lục Viêm Đông trừng mắt.

“Đừng đụng vào em tao.” La Cường ôm lấy La Tiểu Tam nhi đang sợ đến khóc thét, xoa đầu sờ nắn tay chân, chắc chắn nó không bị thương mới đưa Tiểu Tam nhi vào trong một hốc cây gần đó.

“Tao cứ đụng đấy, làm gì được nhau?!”

“Chúng mày cút đi nhanh hết cho tao.” La Cường nói.

“*** mẹ mày!” Lục Viêm Đông lao lên đá La Cường.

“Con mẹ nó.” La Cường hai mắt đỏ hoe không có cảm xúc gì, thấp giọng chửi rủa, nhấc cái kìm sắt lên …

Anh Đông trước giờ chưa từng gặp qua người nào dám đứng trước mặt nó, do phe nó đông người, nó không coi La Cường ra gì, nhưng không ngờ lại gặp trúng một kẻ khó nhằn.

La Cường bước lên, vung kìm sắt sượt qua đám người.

Bọn chúng bất ngờ một lúc, rồi lần lượt lấy dao găm ba cạnh trong thắt lưng ra. La Cường vung khóa xích quất một cái, máu tươi đã tóe ra, hắn ra tay thực sự tàn nhẫn …

Những đứa trẻ ở đại viện quân khu đánh nhau theo bầy đàn, chúng ỉ vào cái lý thuyết “chúng tao ở trong khu quân sự” và “chúng tao đông.” để gây sự. Bọn chúng chỉ biết la ó, chửi bới người khác, còn khi đánh thật thì chẳng ra gì. Những đứa trẻ con nhà nghèo và những gia đình thuộc tầng lớp lao động thì quen thuộc với cuộc sống bạo lực này hơn, chúng đánh nhau bầm dập trên những con đường và ngõ nhỏ, không muốn đánh nhau thì thôi, nhưng đã đánh là đánh thẳng tay.

Những đứa trẻ trong khu quân sự hôm đó thua trận, chúng rất xấu hổ. Một nhóm bảy tám đứa lớn đầu trong “đoàn xe chiến đấu” thế mà không đánh lại một thằng côn đồ 14 tuổi đường Tây Tứ. Cả hai bên cùng bị thương, dính đầy máu trở về.

Anh Đông, đứa sống bằng mặt mũi, sao chịu ngồi yên
trước sự nhục nhã này? Đêm đó, nó đi kiếm viện binh, mò đến đại viện khu đạn pháo, cục ô tô, Lực lượng Phòng không, gom lại hơn trăm người, đãi một bữa thịt dê ở nhà hàng Đông Lai, tỉnh Vương Phủ, cơm nước xong thì mang dao, gậy hung hãn đi về phía hẻm nhỏ Tây Tứ, muốn trả thù La Cường.

Bọn chúng vừa bước vào trong hẻm nhỏ, bất ngờ từ trong ngõ chạy ra hơn 30 đứa lưu manh, hai nhóm đứng đối diện trừng mắt nhìn nhau, rồi không nói một lời, ngay lập tức nhào vào đánh nhau…

Đám nhóc quân khu mặc một bộ đồ màu ‘xanh cứt ngựa’, là cái kiểu quân phục xanh từ đầu đến chân như bộ đội hay mặc; còn những đứa trẻ trong hẻm thì cái gì cũng mặc, từ tà lỏn đến áo ba lỗ…

Lão Nhị nhà họ La vẫn mặc quần thể thao màu xanh đậm xộc xệch và giày vải đen. Lúc đó, kiểu giày này gọi là ‘giày phiến’. Hắn cầm một cây gậy thép, tay trái cầm con dao ba cạnh …

Đầu những năm 1980, cả nước bắt đầu làm gắt, xử lý nghiêm những vụ côn đồ ẩu đả chết người. Hai năm đầu thực hiện chủ trương, mấy băng lưu manh lớn nhỏ từ đại viện quân khu hay hang hốc ngõ hẻm cũng phải long đong. 

Trận đánh nhau có vũ khí nguy hiểm này, nghe bảo có vài người bị thương nặng, lòi cả ruột, suýt chết trong bệnh viện, hàng chục người bị thương nhẹ.

Sau đó, sở cảnh sát Hán Kiều được điều động đến bắt giữ các đối tượng liên quan. Nhưng một đám trẻ con dưới tuổi thành niên, luật pháp không trị được, cuối cùng cảnh sát quyết định bắt hai kẻ cầm đầu là Lục Viêm Đông và La Cường.

Năm đó  La Cường mười bốn tuổi, chưa đủ tuổi thụ án nên bị cho vào trại cải tạo lao động vị thành niên.

La Cường bị đâm vào bụng, Lục Viêm Đông bị cây thép đánh mạnh sau ót đến tóe máu. Hai bên đều có thương tích nặng, chưa rõ ai đánh nên tội lỗi dồn hết lên đầu hai đứa trẻ câm đầu.

Lão Nhị bị bắt, cả nhà chết lặng, choáng váng.

La Cường dù gì vẫn là một đứa trẻ, mới mười bốn tuổi, sau này sẽ phải làm sao đây?

Bố La như phát điên, đi khắp nơi cầu cứu, đến đồn công an, đến trại quản giáo thành niên, đến cả khu quân đội nhân dân nhưng không vào được, có quỳ lạy đập đầu cũng vô ích.

Thằng nhóc họ Lục kia lúc đó cũng chưa đến mười tám tuổi, cũng bị cho vào trại cải tạo. Nhưng mà xét cho cùng, những người trong quân khu đều có lai lịch và địa vị, Lục Viêm Đông trong trại cải tạo khoảng ba tháng, thì người nhà đi chạy giấy tờ giả xin thả ra ngoài.

Lục Viêm Đông bị cha mẹ bắt đi nhập ngũ, quân đội là nơi có thế lực nhất Trung Quốc, cho dù sau này có gây ra chuyện gì, cảnh sát cũng không dám tự tiện bắt bớ bộ đội.

Nhà La thì chẳng có cách nào thoát ra, nhà La nghèo quá.

La Cường trải qua bốn năm trong trại cải tạo vị thành niên, khi ra ngoài, hắn đã hoàn toàn trở thành một người khác.

Dân chợ búa giang hồ có một câu nói đùa rằng, nhà tù là viện dưỡng lão, trại tạm giam là Diêm la Điện, và trại cải tạo trẻ vị thành niên là địa ngục.

So với trại tạm giam, trại lao động là nơi tối tăm và không có công lý nhất. Không cần biết lúc vào là trẻ em dạng gì, nhưng một khi đã vào, thì coi như xong rồi. Trước khi vào thì không biết gì, sau khi ra thì học hết tất cả từ cờ bạc, ma túy, chém giết đánh người.

Không biết nhà họ Lục quan hệ đến đâu, và không ai biết thằng nhóc nhà Lục đó khi ra ngoài nói gì với quản giáo trại cải tạo, mà tóm lại, bốn năm đó là khoảng thời gian lạnh lẽo nhất, đen tối nhất và tàn nhẫn nhất trong cuộc đời của La Cường, là địa ngục trần gian.

Bốn năm đó, La Cường vào bệnh viện không biết bao nhiêu lần, xương bị gãy vài lần, đầu bị người ta đánh đến chấn động não, mũi và miệng phun ra máu. Người ta đá vào mặt hắn bằng bàn chân đi giày da, gần như làm hắn mù một mắt.

Khi Thiệu Tam gia gặp Lão Nhị lần đầu, anh nhận ra mắt hắn không ổn lắm.

La Cường luôn hay nghiêng đầu, nheo nheo mắt nhìn mọi người qua khóe mắt.

Những người không biết sẽ nghĩ đây là một dạng kiểu cách của đàn anh xã hội đen, rất ngầu và có tác dụng răn đe hù dọa.

Sau này Thiệu Quân mới biết, La Cường liếc mắt không phải vì giả vờ lạnh lùng, mà là không thể nhìn rõ. Thị lực con mắt đó chưa đến 0.1, gần như là mù một nửa.

La Cường được thả lúc hắn mười tám tuổi.

Hắn chưa tốt nghiệp trung học cơ sở, vì vào trại cải tạo nên nhà trường đã đuổi học, không cấp bằng tốt nghiệp.

Hắn cũng không có cơ hội học cấp 3. Tuổi thiếu niên quý giá nhất của cuộc đời hắn đã vĩnh viễn ra đi như thế.

Thời đó, vào đại học không dễ, không có nhiều trường đại học, cao đẳng từ tư nhân đến nhà nước đủ thể loại như bây giờ. La Cường không có bằng cấp 3 hay đại học, trong hồ sơ lại có một vết đen. Không chỗ nào muốn nhận một đứa trẻ như vậy. Đời này của hắn coi như xong rồi.

Còn tên nhóc nhà họ Lục kia, ngoài hai mươi tuổi được ông già che chở, vẫn tham gia quân đội, suốt ngày gây gổ, gây rối, làm đủ mọi chuyện xấu. Nhưng vì trong quân đội, nên nó không bị kết án nặng.

Nó hay mặc chiếc áo sơ mi quân đội màu xanh lá cây không cài cúc, thắt lưng xộc xệch, lê la trên mấy ngõ đường Tây Tứ. Một lần về thăm nhà, nó nhậu nhẹt với mấy đứa bạn trong đại viện, uống quá chén, mượn rượu giở trò đồi bại, cưỡng hiếp tập thể một cô gái đang đi bộ về nhà trong đêm.

Cô gái tội nghiệp đó đã uống thuốc trừ sâu tự tử.. 

Chuyện bê bối này nổ ra rất lớn. Gia đình của cô gái và hơn một trăm công nhân nhà máy cô đang công tác, ôm thi thể cô đến cổng đại viện quân khu biểu tình.

Nhà họ Lục định đưa nó ra nước ngoài tránh tai tiếng dư luận, nhưng trước hôm nó rời đi, Lục thiếu gia đã bị ai đó tất công ngay trước cửa nhà, ngay trước mũi hơn trăm người trong quân khu đại viện.

Khi phát hiện ra, nó đã máu me bê bết, gân tay gân chân bị cắt, còn bị khoét một con mắt, thủ đoạn vô cùng tàn nhẫn …

Nó được cấp cứu kịp thời trong bệnh viện, nhưng bị tàn tật và phải ngồi xe lăn suốt quãng đời còn lại.

Những người già trong khu biết qua nhiều chuyện cũ luôn nói đây là quả báo, nó làm quá nhiều điều xấu, nên sớm muộn gì cũng bị người ta trả thù, bị giết chết.

Nhưng đứa nhỏ này chỉ mới ngoài hai mươi, sẽ tàn tật cả đời, thật đáng thương!

Mọi người tò mò không biết ai là kẻ độc ác ra tay tàn nhẫn này? ắt phải là một kẻ hận thù ghê gớm mới có thể ra tay đến như thế…

Cơ quan công an đã điều tra rất lâu mà vẫn chưa giải quyết được vụ án, Lục Thiếu gia từ nhỏ đã như vị vua nhỏ trong đại viện quân khu, có quá nhiều kẻ thù, không thể khoanh vùng được kẻ giết người.

La Cường biến mất sau khi ra khỏi trại cải tạo trẻ vị thành niên, không về nhà, không đi gặp cha, cũng không gặp La Tiểu Tam nhi

Lúc ra tay gây án, hắn cũng đã biết mình sẽ không còn con đường nào khác nữa, trước mặt giờ chỉ còn một con đường u tối, con đường đến thế giới ngầm, dẫn thẳng về Tây Thiên.

La Cường chạy về phía nam, ở biên giới Quảng Tây và Vân Nam nhiều năm, hắn cũng đến Myanmar để làm thuê và buôn vũ khí.

Cho đến khi người đàn ông này về lại thủ đô, đã hoàn toàn khác với lúc đầu. La lão nhị lái một chiếc xe hơi sang trọng, mấy túi tiền mặt lớn chất sau xe, bên hông giắt hai khẩu 54 cải tiến, nhanh chóng dẹp yên mấy bè phái khác ở Tây Tứ, trở thành đại ca xã hội đen vang danh cả thủ đô.

Ký ức tuổi thơ của La Tiểu Tam nhi chỉ dừng lại lúc khi hắn ngồi trên ngưỡng cửa mỗi buổi tối, chờ đợi người anh hai mình yêu quý, tự hỏi khi nào anh trai quay về …

Khi biến cố xảy ra, La Chiến còn quá nhỏ, những đứa trẻ ba bốn tuổi thật sự không nhớ gì quá lâu, hắn đã quên hết chúng rồi.

La Cường không bao giờ nhắc lại những chuyện đó với Tiểu Tam nhi, cũng không bao giờ nói những gì hắn đã trải qua trong trại cải tạo bốn năm đó.

La Chiến sẽ không bao giờ nghĩ đến, chỉ là vì một cái liếc mắt kia.

Lúc còn nhỏ hắn ngồi trong giỏ xe của bố, ngốc nghếch quay đầu nhìn lại.

Và chính cái liếc mắt vu vơ của nó, đã hủy hoại cuộc đời anh trai nó yêu quý nhất.



Nhiều lúc thấy chú La như Chí Phèo vậy, ‘Tao muốn làm người lương thiện’, ‘ai cho tao lương thiện?!’. Và nếu Chí Phèo nhờ bát cháo hành của Thị Nở mà quay đầu, thì chú La cũng tìm được ánh sáng từ hai cái màn thầu xD. Nói chung là càng đọc càng thấy chú La rất xứng đáng có được Thiệu Quân trong đời xD

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện