Đến khi Nguyễn Tố bật công tắc đèn lên, bóng đèn vừa được thay mới chiếu sáng cả căn phòng.
Lúc này Nguyễn Tố đã điều chỉnh lại nét mặt, nhưng cô lại quên tắt đèn pin trên di động.
Quý Minh Sùng đang rửa tay ở bồn rửa sau lưng cô quay đầu lại, thấy di động cô nắm trong tay vẫn sáng thì cười nói: “Em quên tắt đèn pin kìa.”
Nguyễn Tố cúi đầu, quả nhiên, lúc này trông cô như đang nắm một con đom đóm vậy.
Cô hít sâu một hơi rồi mở khóa màn hình.
Không biết trong đầu đang suy nghĩ gì, rõ ràng định tắt đèn pin nhưng lại nhấn vào nút bluetooth màu xanh bên cạnh.
Luống cuống tay chân một hồi, cuối cùng cô cũng tắt được đèn pin di động.
Thật ra quá trình này cũng chỉ mấy vài giây nhưng trong lòng cô mấy giây này kéo dài thành vài phút, thậm chí là vài giờ.
Quý Minh Sùng không nhận ra sự khác thường của cô.
Đôi khi sai lầm ngẫu nhiên như vậy đấy.
Anh muốn tặng cho cô một niềm vui bất ngờ, xuất hiện ở bến xe quê cô, che ô cho cô, nhưng trong lòng cô chẳng rung động mấy, bởi không phải chưa có ai làm những chuyện như vậy.
Anh vô tình thay bóng đèn giúp cô, có lẽ đối với anh đây là một điều vô cùng tầm thường, nhỏ bé, nhưng lại giống như một viên đá nhỏ ném vào mặt hồ phẳng lặng khơi dậy từng đợt sóng lăn tăn.
Chắc cũng lâu rồi không có ai thay bóng đèn giúp cô.
Chuyện này cô cũng có thể làm được, nhưng bỗng có một ngày có ai đó làm giúp cô.
Có lẽ trong lòng cô, tình cảm oanh liệt, cảm động đất trời sẽ chỉ khiến cô vô thức lùi dần về sau.
Con người cô không thích sự nhiệt tình như thế, thậm chí còn sợ hãi, nhưng chỉ một chi tiết nhỏ bé trong cuộc sống ấy thôi đã đủ khiến đáy lòng cô rung động.
Trong lòng Nguyễn Tố nghĩ như thế nào, ngày hôm nay ngoại trừ cô ra thì không còn ai khác biết.
Cô lặng lẽ giấu tâm tình của mình đi, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục quét dọn vệ sinh cùng anh.
Nhưng những chi tiết đó, sự thay đổi đó vẫn xảy ra.
Cô tìm báo cũ trong ngăn kéo, gập thành chiếc mũ giống như hồi nhỏ mẹ từng dạy cho mình rồi kiễng chân đội lên đầu anh.
Sàn nhà được anh lau chùi, quét bụi, cuối cùng sáng bóng như gương, phản chiếu khung cảnh của hai mươi năm trước.
Hai mươi năm trước, cô và mẹ cũng làm như thế.
Cô lau bàn giúp mẹ, mẹ vừa chăm chỉ lau sàn vừa ngâm nga một làn điệu dễ nghe.
…..
Như những gì Quý Minh Sùng nói, nam nữ cùng làm, không gì không thể.
Bọn họ nhanh chóng quét dọn phòng xong.
Năm nào Nguyễn Tố cũng về đây, trước đó từng mua chăn mới và cất vào túi chống bụi sau khi đã giặt sạch.
Giờ dọn giường xong xuôi bỗng khiến người ta cảm nhận được hơi thở của gia đình.
Lúc nãy hai người đã ăn ở tiệm mì gần bến xe nhưng giờ đã qua một lúc lâu, Quý Minh Sùng bắt đầu thấy đói.
Nguyễn Tố lấy xoong nồi trong tủ bếp ra rửa, sau đó xuống quán tạp hóa bên dưới nhà mua mì và gia vị.
Giải quyết đơn giản vẫn được, hai người ngồi trên băng ghế nhỏ, nồi nước trên bếp từ đã sôi.
Quý Minh Sùng thấy cô thành thạo thả mì sợi vào.
Tiếp theo, cô đập thêm hai quả trứng gà và cho gia vị vào.
Hai bát mì nhanh chóng nấu xong.
Hơi nóng bốc lên, Quý Minh Sùng và Nguyễn Tố ngồi vào bàn nhỏ.
Nguyễn Tố còn đỡ chứ dáng người Quý Minh Sùng cao, ngồi như thế trông rõ buồn cười.
“Điều kiện có hạn.” Nguyễn Tố mím môi cười, “Ở đây hơi bất tiện, em thấy có nhiều chỗ không nhận ship đồ ăn tới đây.”
Quý Minh Sùng gắp một miếng mì lên nếm thử.
Anh hài lòng nói: “Chính là hương vị này, ngon lắm.”
Nguyễn Tố nghĩ chắc anh khách sáo khen vậy thôi, nhưng dù như thế cô vẫn thấy vui vẻ.
Quý Minh Sùng nói thật.
Trước khi xuyên nhanh, anh là người cực kỳ chú ý đến chuyện ăn uống, chi phí ăn mặc trong cuộc sống luôn là tốt nhất.
Nhưng trong năm năm đó, anh từng dừng chân ở thời mạt thế, được ăn một bát mì nóng hổi đã là lạc thú trần gian rồi.
Khi ấy đồ ăn phổ biến là đồ hộp, lương khô.
Vẫn nhớ một lần, bọn họ tìm được một nơi an toàn, có một thím khoảng 40, 50 tuổi đã nấu cho bọn họ một nồi mì, chỉ là loại mì tầm thường nhất, chỉ bỏ thêm ít muối nhưng vẫn bị bọn họ húp sạch không còn chút canh thừa nào.
Trong ấn tượng của anh, đó là bát mì ngon nhất anh từng ăn.
Đương nhiên bát mì lần đó giờ đã bị xếp xuống hạng hai rồi.
Hạng một thì không cần phải nói, tất nhiên là bát mì trong tay anh lúc này rồi.
Ăn mì rồi rửa bát xong, da mặt Quý Minh Sùng có dày cỡ nào đi nữa cũng biết giờ mình nên đi về.
Nguyễn Tố đưa anh xuống dưới tầng, mọi lần về quê cô không ở khách sạn nên không hiểu rõ nơi này lắm, cô nói: “Anh có thể bắt xe tới phố Nam.
Phố Nam là nơi náo nhiệt nhất chỗ em, chắc ở bên đó sẽ có mấy khách sạn tốt hơn chút.”
Quý Minh Sùng thoáng dừng lại, “Được.”
Nguyễn Tố dõi mắt nhìn anh rời đi, sau đó đứng trên hành lang một lúc.
Cầu thang hơi hẹp, người dân nơi đây đôn hậu chất phác, ít xảy ra trộm cướp.
Hàng xóm ở đây cũng là người quen cũ của cô, cho nên dù nơi này cách trung tâm một khoảng nhưng lần nào về quê cô cũng chọn ở nhà.
Nhà, mới là nơi an toàn nhất.
Quý Minh Sùng không gọi xe mà đi dạo xung quanh một vòng, cuối cùng chọn một khách sạn cách nhà Nguyễn Tố có mấy trăm mét.
Thật ra không hẳn là khách sạn, chỉ là một căn nhà nghỉ do người dân tự xây dựng, ngoài nhà riêng của họ ở bên ngoài thì những phòng khách đều được sửa thành phòng cho khách.
Đương nhiên điều kiện vệ sinh kém hơn khách sạn, giá cả cũng rẻ hơn nhiều, một đêm chỉ mất có 60 tệ.
Anh bình tĩnh lấy chứng minh thư ra đăng ký.
Sau đó được ông chủ dẫn đến phòng trên tầng hai, tất nhiên ở đây không quẹt thẻ để vào phòng, ổ khóa đã có dấu hiệu hư hỏng.
Cách bài trí trong phòng khá đơn giản, chỉ có một cái bàn, trên bàn là chiếc TV kiểu cũ, một chiếc giường mét năm, WC cũng rất đơn sơ.
Quý Minh Sùng tắm rửa bằng tốc độ nhanh nhất có thể rồi lên giường nằm.
Mùi ở đây không dễ ngửi lắm, còn vương mùi cũ kỹ, trước kia anh khá ưa sạch sẽ nhưng giờ thì không.
Nghĩ đến việc người mình thích ở gần mình như thế, thậm chí anh còn bật cười thành tiếng.
Giờ khắc này anh tự biết mình chẳng khác gì thằng ngốc.
Chuyện như vậy, đời này anh sẽ chẳng bao giờ làm vì người nào khác.
Anh lấy di động ra, nhấn vào khung trò chuyện với Nguyễn Tố.
Sau mấy giây đấu tranh tâm lý, anh vẫn nhấn vào mục chia sẻ vị trí.
Sau đó là một hồi lo lắng và hồi hộp vì chờ đợi.
Không biết mất