Editor: SQ
_____________________
Chi Chi lập nghiệp mới nửa đường đã chi mấy triệu tệ
Trên đời này có bao nhiêu Chi Chi? Nhưng ký ức như được lưu giữ bằng phương thức nhập, anh chỉ nhớ duy nhất một Chi Chi, bất cứ khi nào hai con chữ giống nhau này xuất hiện, mọi thông tin sẽ nhanh chóng được khớp với nhau.
Niềm tha thiết trong mắt anh lặng lẽ núp mình trong hỗn loạn.
Còn bên ngoài cửa xe, trước cửa hàng tiện lợi.
Cô mặc chiếc đầm hoa dáng dài, cổ vuông tay bồng, màu xanh và hồng, sự rực rỡ được tạo ra bởi sự dung hòa giữa hai tông màu có độ bão hòa cực cao đó được thắt chặt lại bằng chiếc thắt lưng bản rộng màu đen, vòng eo vô cùng thon thả.
Nghe có người gọi tên mình, cô ngẩng đầu, mái tóc dài xoăn gợn sóng trượt ra sau vai.
Trông như không nghe rõ người đàn ông vừa nói gì, cô nhíu hàng mày xinh xắn, gương mặt trang điểm nhẹ, là một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành.
Anh gần như không thể rời mắt.
Qua lớp kính, anh dõi theo tất cả những biểu cảm nhỏ nhất trên khuôn mặt cô, nhìn môi cô cử động theo câu trả lời.
Nếu bình tĩnh lại, anh có thể dễ dàng đoán ra được cô nói gì qua khẩu hình, nhưng vào lúc này, anh không thể nào bình tĩnh, cũng chẳng quan tâm đ ến những gì cô đang nói.
Chỉ là trong suốt quá trình, thấy cô cư xử tự nhiên và gần gũi với người đàn ông kia, khiến anh căng thẳng từng phút từng giây.
Sau khi truyền đạt xong, người đàn ông đó đi về phía cô, tự nhiên lấy một chai sữa chua từ tay cô, hai người sóng vai đi về phía trước, vừa đi vừa nói chuyện.
Thư Bân có được câu trả lời, bấm cửa kính xe lên, mệt mỏi than một tiếng lắm chuyện.
Tài xế đang quay đầu xe, đi một hướng khác hoàn toàn.
Thư Bân không khỏi than phiền: “Tiểu Trạc, lúc con còn học ở trường số 14 cũng phải phiền phức thế này đúng không? Xe đến đón không vào được mà hả?”
Hỏi xong, Thư Bân mới nhận ra rằng phải nói ít đi để không làm mòn sự kiên nhẫn của người cháu ngoại quý báu này, nhưng lời đã thốt ra, không kịp im lặng nữa, ông cẩn thận nhìn phía sau qua kính.
Không hề khó chịu.
Trông anh như không nghe thấy, hoặc nghe thấy điều gì khác, vẻ mặt ngỡ ngàng, gương mặt lạnh lùng đó trông như vừa bừng tỉnh sau cơn ác mộng, chưa thể bình tĩnh lại.
Giọng điệu của Thư Bân thận trọng hơn nữa, ngập ngừng hỏi: “Tiểu Trạc?”
“Không sao, lái xe đi.”
Anh ngước mắt lên, ánh nắng chiếu vào, như ánh sáng mạnh đột ngột rọi xuống mặt hồ lạnh lẽo, quá mức sáng trong, không thấy được dấu vết của bất kỳ dòng chảy ngầm nào.
Mặc dù Thư Bân không tin hai chữ “không sao” đó, nhưng cũng không biết nguyên nhân, cũng không dám hỏi nhiều, chỉ nghĩ tâm tư của đứa cháu trai này càng ngày càng khó đoán.
Xe chạy theo sự hướng dẫn lúc nãy.
Cuối cùng cũng đi được.
.
“Mấy căn nhà cũ ở đây có bị phá dỡ không?”
Mạnh Thính Chi vặn nắp chai sữa chua, nhìn khu nhà mà Hứa Minh Trạch chỉ.
“Chắc không đâu ạ, khu đó có người ở, trung tâm dạy thêm hồi trước cũng ở đó, chỉ có khu ở phía tây cầu Đàm Phức gần trường trung học số 14 chắc là sẽ bị dỡ bỏ, nghe nói xây lại thành phố đi bộ.”
Gần đây Hứa Minh Trạch và vài người bạn đang làm phim tài liệu ấn tượng về thành cổ, dùng phong cách tranh thủy mặc, cộng thêm quay phim từ trên cao.
Khi đến cầu Đàm Phức lấy cảnh, anh không rành đường, thế là cố ý đến phòng tranh của Mạnh Thính Chi rủ cô đi dạo cùng mình.
Mạnh Thính Chi đã nghỉ việc ở phòng tranh của giáo sư Trần vào năm ngoái.
Giáo sư Trần và những đồng nghiệp ở phòng tranh cũng hiểu được, cô là người hướng nội lánh đời, phòng tranh không chỉ có nhịp độ làm việc nhanh, mà còn có nhiều đối tác kỳ lạ.
Một đàn chị ở phòng tranh từng nói, Mạnh Thính Chi quá hiền lành quá sạch sẽ, vừa nhìn là biết ngay rất “nghệ thuật”.
Lời đàn chị nói rất trừu tượng, nhưng cũng không sai.
Cô thật sự rất hút khách, không ít khách hàng nam đến phòng tranh họp để triển khai dự án, rồi chỉ đích danh Mạnh Thính Chi chịu trách nhiệm phần liên lạc.
Chuyện này mà rơi vào tay người khác là mọi người có thể thu về được hàng đống kinh nghiệm xã hội, lõi đời hơn từng trải hơn các kiểu, ngành nghề nào cũng thế.
Nhưng đổi thành Mạnh Thính Chi, thì mọi người đồng loạt ăn ý nghĩ rằng cô thì khác.
Cô là dân bản địa, gia đình khá giả, lái xe hơn trăm nghìn tệ đi làm, trang phục và túi xách đơn giản nhưng không hề rẻ, không phải một phần tiền lương là có thể xoay sở được.
Không cần thiết phải chịu sự “ấm ức” đó.
Bản thân Mạnh Thính Chi cũng lười, rất ghét chuyện cứ hễ đến giờ ăn là sẽ có khách hàng lấy lý do cần trao đổi thêm để hẹn cô đi ăn uống nói chuyện, cô cũng hiểu được có những khách hàng là người ngoài ngành, việc theo đuổi cái họ gọi là “nghệ thuật” chỉ đơn thuần là vì túi tiền của những người thích ra vẻ [1] này đầy quá mà thôi.
[1] chỗ này bản tiếng Trung dùng thành ngữ “Diệp Công thích rồng” (叶公好龙), thành ngữ này ẩn dụ chỉ kiểu người tỏ vẻ thích một thứ gì đó nhưng thật ra là không hề thích, sau này còn được dùng để chỉ người nghĩ một đằng nói một nẻo, trong ngoài bất nhất (theo nghĩa tiêu cực).
Không cần quá niềm nở, ứng phó qua loa là được.
Nhưng sau này cô thậm chí không buồn ứng phó nữa.
Van Gogh và Monet cũng không phân biệt được mà dám mở miệng nói tôi và cô Mạnh có sở thích rất giống nhau, Mạnh Thính Chi thầm nghĩ, tôi với anh mà có cùng sở thích, vậy thì bốn năm ở khoa Mỹ thuật của tôi xem như công cốc.
Nhưng ngoài mặt vẫn phải nở nụ cười nhàn nhạt dịu dàng, dứt khoát kéo lại đề tài không biết đã bị lệch đến nơi nào, hỏi đối phương cảm thấy phong cách trong kế hoạch thế nào.
Nguyễn Mỹ Vân thấy đợt đó con gái ốm đi nhiều, cũng không biết là do chia tay hay do công việc.
Cô vốn dĩ đã gầy, gương mặt to bằng bàn tay chỉ còn chút thịt, mùa đông mặc áo khoác nhung trắng, quấn một chiếc khăn quàng cổ dày, đôi mắt trong veo như hồ băng, dưới mắt có màu xanh nhạt, chiếc cằm nhọn trắng trẻo.
Ai thấy cũng xót.
Nguyễn Mỹ Vân chẳng quan tâm nhiều, lúc đó nói luôn: “Công việc quỷ quái gì mà ngày nào cũng tăng ca, mệt chết con người ta, nghỉ cho rồi, lương mấy ngàn tệ đó của con nhét đủ kẽ răng ai chứ, vào tay thối của bố con thì hai ba bàn mạt chược là thua sạch.”
So sánh như thế quá sinh động, Mạnh Thính Chi bưng chén canh, suýt cười ra tiếng, nói: “Vậy con nghỉ làm, không cho bố đi chơi mạt chược nữa?”
Đúng lúc đó Mạnh Huy về nhà, nghe thấy tin dữ, người vẫn còn ngoài sân đã nói vọng vào: “Chi Chi à, hay con tự mở tiệm của con coi sao?
Đúng là Mạnh Thính Chi có ý định mở phòng tranh.
Hồi đại học đã nhận kha khá bản thảo, cô cũng có kinh nghiệm về mặt này.
Cô nói ra ý tưởng của mình, cả nhà cũng ủng hộ.
Nguyễn Mỹ Vân hỏi thẳng Mạnh Huy, “Hình như ở đường Trân Nam có một cửa hàng sắp hết hợp đồng đúng không, hết hạn thì không cho thuê nữa, để lại cho Chi Chi mở phòng tranh.”
Mạnh Huy xới cơm, đồng ý ngay tắp lự: “Được chớ, cho Chi Chi luôn.”
Mạnh Thính Chi: “……”
Mạnh Thính Chi cảm thấy hình như bố mẹ mình có hơi hiểu sai về phòng tranh, khóe môi mấp máy, đầu đũa chọc vào đáy bát, thấp giọng từ chối khéo:
“Thôi đừng, trần đời chưa thấy phòng tranh nào nằm giữa cửa hàng bán linh kiện với quán lẩu hết.”
Mạnh Huy: “…….”
Nguyễn Mỹ Vân: “……”
Sau đó địa điểm phòng tranh do cô tự tìm.
Trong khu Ngô Đồng ở rìa phố cổ, có nhà cũ của một người nổi tiếng mà nói tên ra thì tận 9 trên 10 người không biết người đó là ai, nói nơi đó là địa điểm tham quan thì ngay cả vé vào cổng cũng không có, thật sự vắng vẻ đìu hiu.
Có hơi hẻo lánh, không tấp nập như bên cầu Đàm Phức, ít phương tiện giao thông, nhưng Mạnh Thính Chi có xe nên đi lại cũng tiện.
Quan trọng là môi trường tốt, có hàng cây ngô đồng che khuất bầu trời, ngõ hẻm yên tĩnh và sạch sẽ, nhà hai tầng, giá thuê cũng rất thích hợp.
Về đến nhà, cô bắt đầu lên mạng tìm kiếm.
“Cần lưu ý gì khi thuê nhà?”
“Có nên thuê cả căn?”
“Cọc một trả một và cọc một trả ba là gì?”
“Cách tránh bị lừa khi thuê nhà?”
Vân vân và mây mây.
Nguyễn Mỹ Vân nói: “Con hỏi người ta, căn đó 4 triệu tệ [2] bán luôn không, không chịu thì bàn lại.”
[2] 4 triệu tệ ~ 13 tỷ 7 đồng.
Mạnh Thính Chi đang in ra những điều cần chú ý khi thuê nhà: “…..”
Không lâu sau đó, cô trở thành chủ nhà của chính mình.
Căn nhà đó rất cũ, nhưng Mạnh Thính Chi đứng ở cửa nhà nhìn lan can ban công rỉ sét trên lầu, ánh nắng tràn vào kẽ lá trông như bụi vàng, cũ kỹ nhưng ấm áp, trang hoàng đâu ra đó thì chắc chắn sẽ rất có phong cách.
Những kiến thức về thiết kế nội thất mà cô dày công tích góp trước đó không bị lãng phí, cô bỏ công sức ra tự thiết kế, phối hợp với thợ xây dựng, tốn hết gần nửa năm để sửa sang lại ngôi nhà từ trong ra ngoài.
Tầng dưới là phòng tranh, tầng trên là phòng khách và phòng ngủ, bình thường cũng có thể rủ bạn bè đến ở cùng.
Còn đặt một cái tên nho nhã ướt dầm dề.
Vũ Thủy Tập [3].
[3] Mình không biết có liên quan không nhưng thôi cũng giải thích luôn, tiết Vũ Thủy là tiết thứ 2 trong 24 tiết khí trong năm, bắt đầu từ khoảng ngày 18-19/2 và kết thúc vào khoảng ngày 5-6/3, tiết này sẽ có những cơn mưa xuân nhè nhẹ và gió mát trong lành.
Ngoài ra tựa truyện Trạc Chi cũng là mưa, mưa tháng 6.
Hôm phòng tranh chính thức khai trương, Mạnh Vũ tặng em mình hai lẵng hoa rất to, sau khi quan sát