(59)
Đã nói muốn đổi việc nên hai người cùng nhau xem thử. Phục Thành rất khắt khe, thời gian làm việc dài không được, công việc quá nhiều không được, quan hệ phức tạp cũng không được luôn. Cả hai cứ chọn đi chọn lại làm Trần Thiên Dương cảm thấy Phục Thành coi mình là một tinh anh trụ cột nước nhà chứ không phải là phế phẩm vừa câm vừa điếc.
Buổi chiều ba ngày sau, Trần Thiên Dương xin nghỉ, cùng Phục Thành đến một bảo tàng tư nhân.
Đó là một tòa nhà cổ tường trắng ngói xám, xây theo kiểu “tam tiến tam xuất”[1] ở vùng ngoại ô, mùi hương xưa cũ thoang thoảng nơi khoang mũi khiến người ta đi sâu vào trong mà cảm thấy như trở lại những tháng năm quá khứ.
[1] Tam tiến tam xuất là một kiểu nhà cổ gồm ba lớp sân. Từ cổng vào là sân, qua sân có cổng nối với sân thứ hai, từ đây lại có cổng thông vào một sân nữa, mỗi sân đều có nhà chính, nhà phụ và nhà ngang. Vương phủ và nhà giàu ngày xưa thường xây nhà theo kiểu này.]
Phục Thành và Trần Thiên Dương đi đến một gian phòng ở sân trong, đằng sau tấm bình phong hoa điểu là hai người đang cúi đầu làm việc, một già một trẻ. Đó là người Trần Thiên Dương tới gặp hôm nay.
Nghề nghiệp của Thạch Xuyên và học trò Từ Ấu Lâm của ông là nghệ nhân phục chế sách cổ. Hiện tại hai người đang giúp chủ nhân tòa nhà này tu sửa sách cổ bị mối mọt.
Bởi vì Tỉnh Đồ phát thông báo tuyển dụng, Trần Thiên Dương nói một câu, Phục Thành bèn dẫn cậu đến xem.
Trước kia Thạch Xuyên giúp Viện Bảo tàng quốc gia phục chế tranh chữ, sau đó đến Tỉnh Đồ hỗ trợ tu sửa sách cổ. Bây giờ tuổi tác đã cao, ông chỉ nhận một ít việc nhỏ tư nhân và giao phần lớn công việc cho học trò mình.
Từ Ấu Lâm là học trò cuối cùng của ông, Phục Thành phải nhờ đủ mối quan hệ, ông mới đồng ý gặp Trần Thiên Dương một lần.
Trần Thiên Dương không hề biết chuyện này. Phục Thành chỉ nói cho cậu là Thạch Xuyên đang thu nhận học trò thôi.
Khi bị gọi vào một mình, Trần Thiên Dương chẳng ôm chút hi vọng nào cả.
Thạch Xuyên bảo Trần Thiên Dương vẽ một số thứ còn mình thì đứng bên cạnh xem.
Trần Thiên Dương đã hai năm không cầm bút vẽ, hơi sững ra. Thạch Xuyên biết cậu nghe không rõ bèn hét to một câu: “Vẽ tranh, viết chữ! Phục Thành bảo cậu học từ tiểu học cơ mà? Không có tài cán gì thì tôi không nhận đâu!”
Ông đã cao tuổi, không có thời gian hướng dẫn học trò lại từ đầu.
Thạch Xuyên hét lên y hệt ông nội hét với Trần Thiên Dương ngày xưa. Trong nhà nuôi một cậu nhóc bị điếc, ông cụ nói gì cũng phải hét ầm lên, không sợ nhóc tì giả vờ nghe không thấy.
Trần Thiên Dương đột nhiên không còn căng thẳng như trước nữa, cảm giác khi cầm bút cũng từ từ quay về.
(60)
Phục Thành và Từ Ấu Lâm ngồi ở bên ngoài, trước mặt bày một bộ dụng cụ uống trà, Bạch Hào Ngân Châm(2) ngâm trong nước nóng xoay tròn, hương trà ngòn ngọt thoang thoảng lan ra từ miệng chén.
(2) bạch hào ngân châm (白毫银针): loại trà nổi tiếng nhất của loại trà trắng hay Bạch Trà, là một trong những “Thập Đại Danh Trà” của Trung Quốc
Tiếng hét của Thạch Xuyên thi thoảng lại vang lên, Từ Ấu Lâm vừa phẩm trà vừa nói: “Thầy còn sung sức ghê.”
Anh thấy Phục Thành nhíu mày bèn bảo: “Cũng nhờ có cậu không tiếc của, vừa tặng trà vừa tặng tranh. Yên tâm đi, nếu thầy đã muốn gặp người thì xem như đã đồng ý một nửa rồi.”
Ngón tay trỏ Phục Thành gõ đều đều trên bàn.
Từ Ấu Lâm nở nụ cười, nói: “Cậu nghĩ kĩ chưa? Công việc này chẳng nhẹ nhàng gì đâu, cậu cam lòng cho bạn nhỏ nhà cậu đến đây chịu khổ thật đấy à?”
Phục Thành liếc mắt nhìn vào trong phòng: “Bà nội em ấy làm công việc này.”
“Ể, thật à?”
Phục Thành gật đầu. Hắn cũng mới biết, trước đây để tiện chăm sóc cho Trần Thiên Dương, bà Trần đã bỏ công việc ở thư viện, thi thoảng mới dẫn cậu qua xem một chút.
Khi Trần Thiên Dương kể về chuyện đó, trong đôi mắt như có ánh sao rơi.
Phục Thành nói: “Em ấy thích việc này.”
Từ Ấu Lâm: “Thích là tốt rồi, nhìn tính cách cậu bé có vẻ cũng nhẫn nại lắm.”
Chẳng bao lâu sau Thạch Xuyên đã đi ra. Trần Thiên Dương theo sau ông, nhìn Phục Thành bằng đôi mắt sáng long lanh và cười rất vui vẻ, đoạn chỉ cái gói trong tay, ý bảo Thạch Xuyên đưa em nè.
Thạch Xuyên quát: “Đừng tưởng cầm đồ rồi thì đã là học trò của tôi luôn nhé, phải làm đã rồi mới quyết định được.”
Trần Thiên Dương ngoan ngoãn gật đầu, dâng trà cho Thạch Xuyên, để Từ Ấu Lâm dẫn bọn họ đi nhìn đồ vật đang tu bổ vừa nãy, nhân tiện làm quen với việc cần làm sau này.
Khi hai người đi ra từ trong nhà thì hoàng hôn đã buông xuống trung tâm Thành phố Yên. Trần Thiên Dương ôm cái bao chứa các loại bàn chải kẹp nhíp như gấu con ôm hũ mật, lúm đồng tròn xinh xắn ngọt ngào.
Phục Thành để ý thấy cậu viết rồi lại xóa hồi lâu trên điện thoại di động, gõ ra rất nhiều, cuối cùng lại xóa hết. Lúc đèn đỏ, Trần Thiên Dương mới đưa di động cho Phục Thành: “Thấy cứ như không thật vậy.”
Phục Thành nhìn đôi mắt trong suốt mừng rỡ của cậu mà thấy tim mình mềm nhũn.
Thư pháp quốc họa của Trần Thiên Dương được ông bà nội cậu cầm tay chỉ dạy, nhưng sau khi hai cụ qua đời thì chẳng còn ai biết rằng cậu cũng từng được nuôi nấng trong một gia đình dòng dõi thư hương.
Làm việc chung với Thạch Xuyên chắc chắn sẽ rất vất vả, thế nhưng đây mới là thứ Trần Thiên Dương nên có, chứ không phải bị một tờ giấy chứng nhận tàn tật tùy tiện sắp đặt cuộc đời.
(61)
Hôm ấy sau khi bỏ việc, Trần Thiên Dương trở về nhà.
Hay tin cậu đổi việc, Trần Vân Học và Lưu Hạm đều rất giật mình, nhưng khi biết công việc mới đã được quyết định và tương tự như công việc của bà nội cậu năm xưa thì cả hai không nói thêm gì nữa.
Trước giờ bọn họ vẫn không biết phải làm sao với Trần Thiên Dương. Trần Thiên Dương luôn nghe theo sắp đặt của bọn họ, bây giờ tự nhiên lại trật đường ray, khiến họ chẳng biết đối mặt thế nào, chỉ có thể gật đầu đồng ý mà thôi.
Trần Khoa Vũ tự nhiên hơn Trần Thiên Dương một chút thì đang hờn dỗi trong phòng, bởi vì Trần Thiên Dương nói với ba mẹ chuyện cậu ta hút thuốc uống rượu, thế là mấy ngày gần đây hôm nào cậu ta cũng bị bố mẹ thay phiên đưa đi đón về.
Trần Thiên Dương ở lại ăn cơm trưa. Trần Khoa Vũ vác bản mặt đen như đít nồi đi ra, nghe thấy Trần Vân Học hỏi Trần Thiên Dương chuyện công việc mới và thầy mới thì nhìn cậu thêm vài cái.
Trần Thiên Dương ăn cơm trưa xong thì phải đi, Trần Khoa Vũ ra cửa với cậu, nói: “Gần đây có ai tới tìm anh không?”
Trần Thiên Dương mang rác theo, lắc đầu.
Trần Khoa Vũ nhấn nút thang máy, hỏi: “Người tên Phục Thành là ai? Bạn anh à?”
Trần Thiên Dương gật đầu rồi nhìn Trần Khoa Vũ với ánh mắt đầy nghi hoặc, cậu ta hỏi tiếp: “Công việc mới của anh là anh ta tìm giúp hả?”
Coi như thế đi. Không có Phục Thành thì một người không có bằng cấp như cậu thậm chí còn chẳng vào được Tỉnh Đồ chứ nói gì đến tiếp xúc với Thạch Xuyên.
Lúm đồng tiền bên má trái của Trần Thiên Dương lộ ra, cậu gật đầu.
Trần Khoa Vũ như con rồng bị chọc cho khè lửa, cố nén cơn tức, nói: “Anh ta là ai? Các anh quen nhau hồi nào? Sao ai anh cũng tin thế?”
Thang máy đến nơi kêu “ting” một