Dưới triều thế nào thì không nói. Nhưng trên triều, có lẽ đây là lần đầu tiên Sầm Duệ thẳng mặt bác bỏ ý kiến của Phó Tránh.
Nhóm quan văn chấn kinh rồi, nhóm quan võ trợn tròn mắt, chỉ có hai người Phó Tránh và Ngụy Trường Yên không đổi sắc mặt, Ngụy Trường Yên là khinh thường không thèm, còn Phó Tránh luôn luôn mang vẻ mặt lạnh nhạt kia.
Phó Tránh ôn giọng hỏi: "Hay là trong lòng bệ hạ có chọn người khác?"
Sầm Duệ phải cố lắm mới vừa nhớ được hết mặt triều thần thì làm gì có người nào để chọn? Sở dĩ phản đối, có một nguyên do là: Nàng và Ngụy Trường Yên ghét nhau ra mặt, để hắn hộ vệ kinh thành, không phải là đặt an nguy của mình vào miệng sói sao?
Phó Tránh này hỏi thì ôn hòa, nhưng cũng là đẩy Sầm Duệ vào góc chết, nếu nàng nói không, thì phải trơ mắt nhìn Phó Tránh và Ngụy Trường Yên cấu kết với nhau làm việc xấu. Sầm Duệ ra vẻ trấn định ngồi trên long ỷ, quét mắt nhìn trong đám quan võ một vòng, ngoại trừ Ngụy Trường Yên thì đúng là không ai quen mắt.
Cái này không trách được Sầm Duệ, trong văn võ bá quan, văn lấy Từ cầm đầu, võ nhìn mặt Ngụy gia. Dù Sầm Duệ có chọn ai, thì người kia cũng không dám tranh giành với Ngụy gia, cây roi mười ba đoạn của Ngụy Trường Yên không phải để trang trí.
Không có cách nào, Sầm Duệ ủ rũ nói: "Vậy, làm y lời Phụ chính đi."
Triều thần chờ xem trò hay mất mát tràn đầy cõi lòng, cánh tay này rốt cuộc vẫn không lay chuyển được bắp đùi a.
Bãi triều, lấy tam sư tam công cầm đầu, các đại thần nối đuôi nhau ra khỏi Lý Chính Điện. Hoàng đế vừa đi, quần thần lập tức xúm lại thành từng đám, líu ríu nghị luận, đề tài thảo luận nhiều nhất là một màn thương nghị ngày hôm nay.
Bên người Ngụy Trường Yên đã có mấy người lục tục rời đi sau khi chúc mừng hắn thăng chức. Quốc công tuy là quan nhất phẩm, địa vị cao, nhưng không có thực quyền, làm sao so được với quyền lực của Đô Thống quân Nam nha? Ngay cả mấy đường huynh đệ Từ gia không vui cũng phải cười ha ha chúc mừng Ngụy Trường Yên.
Khiến người ta kinh ngạc nhất là trên mặt Ngụy tiểu quốc công lãnh đạm không chút vui mừng nào, đáp lời người khác cũng qua loa cho xong. Khi bước trên bậc đá cẩm thạch dưới Lý Chính Điện, một nội quan gọi hắn lại, cười nói: "Ngụy đại nhân, Phụ chính đại nhân cho mời."
Những triều thần mắt sáng tai thính nhanh nhẹn hóng được tin này, tất nhiên là có người vui mừng có người buồn khổ. Vui mừng là may mắn đi theo Ngụy thị, Phụ chính còn đứng phía bên này, về sau toàn ngày lành tháng tốt. Buồn khổ đương nhiên là phe Từ gia, có mấy người bắt đầu dao động, không biết giờ đổi phe còn kịp không.
Trong đủ loại ánh mắt của đồng liêu, Ngụy Trường Yên mắt nhìn thẳng, cất bước đi về phía Dưỡng Tâm Điện.
┉┉ ∞ ∞┉┉┉┉ ∞ ∞┉┉┉
Bên trong Dưỡng Tâm Điện, Sầm Duệ đang giận dỗi với Phó Tránh, Phó Tránh gọi nàng vài tiếng, nàng chưa đáp lại tiếng nào.
Phó Tránh từ tốn nói: "Nếu bệ hạ buồn bực là vì chuyện trên triều hôm nay thì sao không nói ra suy nghĩ của mình? Ý chỉ của bệ hạ, vi thần tất tuân theo."
Lần này, Sầm Duệ bạo phát, cầm quyển sách ném về phía Phó Tránh: "Nói thật dễ nghe! Ngươi cho ta cơ hội để nói sao? Trước mặt bách quan, ngươi!"
Một chút mặt mũi ngươi cũng không cho ta! Đây mới là chỗ khiến Sầm Duệ buồn bực. Nàng tốt xấu gì cũng là vua một nước, không có thực quyền thì thôi đi, lại còn bị Phó Tránh dắt mũi kéo đi, ngay cả cái bậc thang cũng không cho.
Phó Tránh không chút hoang mang né tránh, lạnh nhạt nói: "Chẳng lẽ bệ hạ không biết, mặt mũi là tự mình cho mình sao? Nếu ban nãy bệ hạ đề cử được một người thích hợp, thì cũng không phải chắp tay đưa Thập lục vệ Nam nha cho vi thần."
Nói đến nói đi, vẫn là quy kết bình thường Sầm Duệ không làm nên trò trống gì.
Sầm Duệ tức giận lại muốn lấy sách ném hắn, giơ lên được một nửa, Lai Hỉ bên ngoài khụ khụ hai tiếng, ôm cổ họng nói: "Bệ hạ, Phụ chính đại nhân, Ngụy quốc công đến."
Sầm Duệ sửng sốt, Ngụy Trường Yên hắn tới làm cái gì?
Phó Tránh đang nhặt sách lên lại suy nghĩ, cái thói hư động tý lại ném đồ này phải sửa.
Ngụy Trường Yên tiến điện, cũng coi như còn quy củ hành lễ, Sầm Duệ tức giận nói: "Ngươi tới làm chi?"
Phó Tránh ngồi xuống bên trái nói: "Là vi thần mời Ngụy quốc công đến."
Rắn chuột một ổ! Sầm Duệ trừng hắn, Phó Tránh xem như không thấy, sai người ban toạ cho Ngụy Trường Yên.
Ngụy Trường Yên cũng không khách khí, vén vạt áo ngồi xuống, nói: "Không biết Phụ chính có gì chỉ giáo?" Trong mắt xem như không thấy Sầm Duệ.
Sầm Duệ lạnh lùng cười, mở tấu chương ra đọc, cũng xem hai tên kia là không khí.
Phó Tránh nhấp ngụm trà, nói: "Mấy ngày nữa, Yến vương sẽ vào kinh."
Sầm Duệ đang bàng quang nhất thời hoảng hốt, Yến vương không phải trình tấu nói là gần đây Tấn quốc ở phương bắc không an phận, hắn ở lại đất phong thủ thành sao? Sao tự dưng sinh rảnh rỗi chạy tới kinh thành nhìn ngó nàng?
Ngụy Trường Yên ngoài cười nhưng trong không cười nói: "Đây mới là nguyên nhận Phụ chính tạm thời "uỷ nhiệm" Nam nha cho thần phải không?" Vừa nói vừa cố ý vô tình liếc mắt nhìn Sầm Duệ sầu mi khổ mặt trên án thư, cười nhạo: "Bệ hạ và Phó đại nhân yên tâm, có thần ở đây, dù Yến vương là ai cũng không vào kinh thành được nửa bước."
Ngũ Ca này của Sầm Duệ trong hoàng thất chính là một tinh hoa.
Lúc Sầm Duệ còn đang hành nghề trộm cắp cái bang, hắn đã theo cữu cữu ngao du trời nam đất bắc.
Có một lần, hắn với Tả Thân vương A Đề Lạp của địch quốc không hẹn mà gặp ở Mạc Bắc lúc đi săn. Trước trận, A Đề Lạp thấy hắn còn trẻ, thúc ngựa cười: "Nước không có người tài, trẻ con mà cũng dám dắt ngựa ra trận?"
Yến vương không nói một câu, cách hơn ba mươi trượng, nâng trường cung cong như trăng tròn, nhẹ buông tay, ngựa của A Đề Lạp hí một tiếng, mắt trái đã cắm một mũi tên, máu tươi đầm đìa ngã xuống. A Đề Lạp thân thủ nhanh nhẹn nhảy xuống đúng lúc, cũng khó nén hai phần chật vật.
Dân gian bàn tán: "Ai cũng biết A Đề Lạp kia là chiến thần tiếng tăm lừng lẫy trên Đại Mạc, chắc chắn lần này Yến vương chạy trời không khỏi nắng. Nhưng..." Mỗi khi nói tới trọng điểm, người kể chuyện thường dừng lại: "Vương gia không chỉ toàn thân trở ra, còn được A Đề Lạp khen là 'Mấy năm sau, cái tên chiến thần sẽ là của hắn'."
Chuyện chưa hết, sau khi hắn ở sa trường chơi đùa đao thương hai năm, một mình một ngựa phóng về kinh. Đeo khăn phương, áo bào nho sinh, tham gia kỳ thi hương năm ấy. Kết quả yết bảng, Phó Tránh là Trạng Nguyên, Yến vương theo sát là Bảng Nhãn.
Trên yến Lộc Minh, hắn tức cảnh viết thơ "Lộc Minh" kinh diễm tứ phương, trở thành đề tài ly kỳ trên phố.
Một Yến vương văn thao vũ lược như vậy từng là người trong mộng của biết bao khuê nữ Cung quốc. Nghe nói ngày hắn bị tống khỏi kinh, đống khăn lụa mà nhóm thiếu nữ si tình