Ngày ba mươi tháng Năm, mặc cho ngoài kia sôi sục ầm ĩ đến cỡ nào, Mẫn Tiên Nhu vẫn vô cùng nhàn nhã ngồi trong vườn ngắm hoa uống trà vẽ tranh nghe đàn. Tới khi dùng bữa tối, Võ Sư Đức xin cầu kiến, ông quỳ xuống hành lễ, khi được phép đứng dậy thì ông ngay lập tức cười: "Hôm nay có một trò vui muốn kể cho công chúa nghe."
Mẫn Tiên Nhu biết ông muốn nói về chuyện gì, mỉm cười gật đầu.
Đây là lần đầu tiên Võ Sư Đức đối mặt với Mẫn Tiên Nhu mà không có cảm giác tối tăm sợ hãi, ông vui vẻ, cung kính cười nói: "Hôm nay lúc kiệu hoa tới trước cổng phủ phò mã, theo lý bình thường, dân chúng và bá quan văn võ vây xem đều phải đứng xa xa, nhưng Đổng Thế Kiệt lại không chịu, cứ đi sát theo sau Mẫn Huyễn, mọi người còn tưởng đó là do Đổng gia và Mẫn Huyễn vốn cùng một phe nên vậy, cũng không để ý. Nào biết họ Đổng kia hình như đã uống say từ trước, lúc tân nương xuống kiệu thì hắn lại ngã trúng một nha hoàn bưng lễ, nha hoàn kia liền đụng vào hỉ nương đang chuẩn bị cõng tân nương, cuối cùng va chạm đó làm cả người vị cung nữ giả mạo công chúa kia bị chao đảo, khăn voan rơi ra hơn nửa. Hàn Lượng Tiết vì thế còn tức đến ngất, tình cảnh trở nên nháo nhào, chúng quan lại đều thì thầm to nhỏ. Mẫn Huyễn kia đâu biết mọi việc lại bị biến thành như vậy, luống cuống tay chân, nhìn rất buồn cười."
Khóe môi Mẫn Tiên Nhu khẽ cong, có vài phần đắc ý, "Bổn cung phải xem lại tên Đổng Thế Kiệt này rồi. Tuy có Mẫn Huyễn che chở, nhưng với thân phận của hắn, sao có thể lỗ mãng như vậy?"
"Đúng thật. Nhà họ Đổng đều là kẻ cáo già, tại sao lại có một người thừa kế háo sắc ghen tỵ, lòng dạ hẹp hòi vậy đây?" Võ Sư Đức thở dài cười nói: "Công chúa, về cậu thiếu niên trong bức tranh mấy hôm trước người muốn tôi hỏi thăm đã có tin tức rồi."
Mẫn Tiên Nhu ý bảo ông nói tiếp, Võ Sư Đức khom người thưa: "Chuyện này đã qua nhiều năm, gần như không còn người nào biết. Ở trong cung cũng chỉ còn lại mấy người già bảy tám chục tuổi thôi, may mắn trong đó có một lão thái giám từng là nô tài cho Mẫn Thuân hồi còn trẻ, vì có bệnh nên mới nghỉ hưu. Theo lời lão thái giám nói, vị thiếu niên trong bức tranh ấy cực giống thư đồng trước kia của Mẫn Thuân. Đó là vào lúc tiên đế còn sống, Mẫn Thuân còn nhỏ hơn công chúa bây giờ, khoảng chừng mười bốn tuổi. Người đó là con trai của nhũ mẫu Mẫn Thuân, bởi vì hai người trạc tuổi, nên được theo hầu hạ Mẫn Thuân. Tên của cậu thiếu niên ấy là gì thì ông ta không nhớ, chỉ biết Mẫn Thuân hay gọi là Trĩ nhi. Theo lời kể, dung mạo của Trĩ nhi này môi hồng răng trắng, nhìn giống hệt một mỹ nhân, tư sắc còn xinh đẹp hơn cả nữ tử tận ba phần. Mẫn Thuân và Trĩ nhi này luôn như hình với bóng, thân thiết đến nỗi tưởng như hòa thành một người. Nhưng lúc ấy các hoàng tử dần trưởng thành, chuyện lục đục đấu đá với nhau trở nên gay gắt. Mẫn Thuân thuở đó còn là một hoàng tử không tranh sự đời, thế nhưng thân là hoàng tử, mình không hại người, thì người cũng sẽ tới hại mình. Cũng không rõ là do vị hoàng tử nào cố ý, lan truyền chuyện tình cảm của hai người ấy ra ngoài. Chuyện xấu của hoàng thất trước nay đều phải che đậy, Mẫn Thuân khi ấy còn rất ngây thơ đơn thuần, nào biết những điều đó, tình cảm của mình mà cứ phơi ra giữa ban ngày chẳng chút e dè. Cuối cùng tiên đế biết chuyện đã vô cùng giận dữ, sai người đánh chết tươi Trĩ nhi. Chính bởi chuyện này, sau đó mới dẫn đến việc tính tình Mẫn Thuân hoàn toàn thay đổi, và trở nên độc ác đến mức dám thí huynh gϊếŧ đệ." Đương nhiên trong đó có cả sự nhúng tay của người trong phủ Đoan Vương, nhưng Võ Sư Đức không nhắc đến một lời, "Có điều nghe lão thái giám kia nói, nếu lông mày của người trên bức tranh dài mảnh hơn một chút, mắt lớn hơn một chút, mũi thẳng hơn, rồi môi mỏng chúm chím hơn chút nữa, là giống y hệt rồi."
Mẫn Tiên Nhu khẽ gật đầu, kêu tỳ nữ bưng hết thức ăn đi, mang giấy và bút mực lên, vung tay một lát, sau đó cẩn thận nhìn rồi khen: "Quả đúng là có phong vị hơn hẳn." Nàng đưa bức tranh mới cho Võ Sư Đức, ra lệnh: "Tiên sinh cần phải mau chóng tìm ra người giống vậy."
Võ Sư Đức nhận lấy bức tranh rồi nhìn, thầm thở dài, đúng là một thiếu niên xinh đẹp, nếu là nữ tử, dù tướng mạo không bì bằng công chúa, nhưng cũng có một phong thái riêng. Thiếu niên trong bức tranh có vẻ đẹp không phân nam nữ, sạch sẽ mát trong, làm người ta không nén được muốn tới gần. Aiz, nếu thật tìm ra được vị thiếu niên giống vậy, chỉ sợ vận mệnh của người đó cũng không tốt lành gì. Lúc nghe Mẫn Tiên Nhu hạ lệnh, ông cũng đã rõ ý đồ của nàng. Vừa định lĩnh mệnh lui đi thì lại chợt nhớ tới một việc, nên xin chỉ thị: "Công chúa có muốn báo một tiếng những chuyện xảy ra trong kinh cho vương gia biết không?" Võ Sư Đức sợ Trạm Hi hiểu lầm, ông là người từng trải, biết giữa người yêu không sợ cãi cọ, chỉ sợ chia cách, khoảng cách càng xa, lòng càng bất an khó tin tưởng, nếu có kẻ còn khẽ tác động thêm nữa, thì hậu quả thật khó tưởng tượng ra.
"Một công chúa đơn thuần nhu nhược, dù chỉ lập gia đình trên danh nghĩa nhưng vẫn sẽ phẫn hận xấu hổ. Nếu lúc này viết thư cho Trạm Hi, chẳng lẽ để cho người đời nghĩ bổn cung không biết nhục nhã, muốn mau chóng bày tỏ sự trong sạch với tình nhân. Đấy là chuyện Vĩnh Bình công chúa sẽ làm ra sao? Huống chi, nhất cử nhất động ở kinh thành này, bổn cung không tin các ngươi không báo cho Trạm Hi biết."
.
Mẫn Tiên Nhu đã sớm cân nhắc, nhưng chuyện tình cảm nào có thể khống chế theo ý nguyện? Về chuyện tình cảm, không thể trách được nàng, dù có trí tuệ cao siêu hơn nữa, cũng chỉ có thể theo thời gian và kinh nghiệm mới từ từ biết được thôi. Lúc này nàng chỉ mới mười lăm tuổi, có tài trí tuyệt vời đến đâu, cũng không thể nào già dặn biết hết cách ứng xử trong chuyện tình cảm.
Chính điều đó đã gây ra nỗi buồn bực không vui cho Trạm Hi. Thời gian Trạm Hi nhận được mật báo là vào đầu tháng Sáu,