Núi Đằng Vân nằm ở phía tây thành Liễu Châu. Giang Nam đẹp ở chỗ cứ có núi là có sông. Nhìn từ đằng xa giống như một bức tranh sơn thủy, nhìn gần thì giống như một bản vẽ tỉ mỉ. Nhìn xa cũng đẹp, nhìn gần cũng đẹp.
Có lẽ vì có phong cảnh đẹp đẽ và khí hậu ôn hòa, cho nên Giang Nam xuất hiện rất nhiều văn hào đại gia. Đương nhiên, cũng không thiếu các chính khách có thể ảnh hưởng tới cả thiên hạ. Nhưng bất kể là lúc trước hay hiện tại, Giang Nam đều chưa từng xuất hiện một vị soái tài lưu danh sử xanh.
Lật xem lịch sử gần nghìn năm, triều đình phía bắc xuất hiện vô số danh tướng, mà mấy đời triều đình Giang Nam rất hiếm thấy một vị Đại tướng quân bách chiến bách thắng. Đây có lẽ vì Giang Nam ít khi xảy ra chiến tranh. Còn phía bắc bên kia Trường Giang, nhiều lần chiến đấu với bên ngoài, cho nên không ngừng xuất hiện tài năng trong quân đội. Giang Nam từ khi Trần Quốc, chỉ chiến tranh với Trịnh Quốc, còn đâu không có kẻ thù bên ngoài. Mà Trịnh Quốc, chẳng những thường xuyên giao chiến với Trần Quốc, còn phải không ngừng giao chiến với người thảo nguyên phía tây, người man phía bắc, và Sở Quốc phía đông.
Không có chiến tranh, khó xuất hiện soái tài chân chính.
Từ khi Đại Tùy lập quốc, Giang Nam sống trong cảnh thái bình ca múa, chưa từng xảy ra chiến sự gì. Có lẽ là do người của Dương gia cố ý làm vậy. Sau khi dựng nước, Đại Tùy không ngừng mở mang bờ cõi, duy nhất chỉ có Giang Nam vẫn thái bình vô sự. Hướng bắc xua đuổi người man trở lại rừng thẳm, hướng tây tranh đấu gay gắt với Mông Nguyên, hướng đông thôn tính hơn nửa Đông Sở, ở Tây Nam sau khi diệt Thương cũng nhiều lần khai chiến với người Hột.
Giang Nam đã hai trăm năm rồi không trải qua mùi vị chiến tranh.
Hiện tại, rốt cuộc thảm họa chiến tranh đã lan tới nơi này. Bắt đầu từ lúc ngọn lửa bốc lên từ dưới chân núi Đằng Vân.
La Đồ rất hài lòng với số vũ khí nóng này. Lần này y mới chân chính cảm nhận được uy lực của hỏa khí, cho nên tâm tình của y rất tốt. Hơn một vạn tinh nhuệ dưới trướng của Mộc Lê, nhưng đứng trước hai mươi ổ pháo lại yếu ớt vô lực. Đại Tùy lập quốc hơn trăm năm, có tiễn trận khiến cho kẻ thù nghe thôi đã sợ mất mật, nhưng ở trước mặt pháo, lại mỏng mạnh như trứng gà, bắn một cái liền đập vỡ không ít.
Y bắt đầu ảo tưởng, không cần nhiều lắm, nếu có một trăm ổ pháo trong tay, đủ để tẩy rửa áo giáp quân được xưng là thiên hạ vô địch kia rồi. Lực phòng ngự của áo giáp quân kia có thể coi là thiên hạ vô song, nhưng bởi vì áo giáp cồng kềnh, nên khi đối mặt với pháo, bọn họ rất khó trốn tránh.
La Đồ giống như nhìn thấy mình giẫm nát chiến kỳ của áo giáp quân dưới chân.
Sở dĩ y mạo hiểm bị vị Gia đằng sau thư viện Thông Cổ kia trừng phạt cũng muốn tránh đi áo giáp quân, là vì y đang đợi số hỏa khí này. Y biết vì sao thư viện Thông Cổ lại bồi dưỡng mình, đơn giản là muốn biến mình thành một tảng đá ngăn cản Dương Kiên mà thôi. Nếu chặn được, hai bên đều có lợi. Nếu không chặn được, thì thư viện Thông Cổ cũng sẽ không thương tiếc với cái chết của mình.
Nhưng La Đồ không coi mình là một tảng đá. Cho dù là một tảng đá, cũng là một tảng đá lớn cao ngất.
Một khi y còn cảm thấy chưa chuẩn bị xong để đấu với Dương Kiên một trận, thì không ai có thể bức bách y đi lên chiến trường. Y biết hiện tại tu vị của mình rất mạnh, mạnh đủ để đấu với Dương Kiên một trận. Nhưng đây không phải là điều y muốn. Y muốn là đánh bại Dương Kiên hoàn toàn, đánh bại áo giáp quân. Nếu chỉ thắng Dương Kiên thôi thì chưa thể coi là thắng tuyệt đối.
Dùng binh mã của Mộc Lê để kiểm nghiệm uy lực của pháo, khiến La Đồ càng thêm tin tưởng.
- Ba Diện! (Mặt sẹo)
Y nhìn thoáng qua tâm phúc mới được mình đề bạt:
- Ngươi nói rằng lúc thương đội rời khỏi Mưu Bình thì bị tập kích phải không? Tổn thất bao nhiêu?
Người tên là Ba Diện có một vết sẹo trên mặt. Cái tên Ba Diêu này không phải là tên thật của y. Chỉ có điều La Đồ thích gọi y là Ba Diện, vì thế y liền không còn cái tên cũ nữa rồi. Vết sẹo trên mặt y kéo dài từ huyệt thái dương bên trái tới tận huyệt thái dương bên phải, cắt ngang cái trán.
Vết sẹo này có chút quỷ dị. Dựa theo đạo lý, trên chiến trường rất khó bị vết thương như vậy. Nhưng vết thương này không phải do người chém, mà là do bản thân y tạo ra.
- Bẩm Vương gia, tổn thất chừng 150 cây súng, hai ổ pháo. Đội của chúng ta bị tập kích ban đêm, hẳn là lúc ở Mưu Bình đã có người theo dõi chúng ta. Bọn chúng ra tay rất nhanh gọn, giết người xong liền bỏ chạy, không mang theo hàng hóa của chúng ta, hiển nhiên nhân số không nhiều lắm. Lúc thuộc hạ nghe thấy mang theo người chạy tới thì đã muộn. Đội ngũ chết hết, súng và pháo đều bị hủy.
- Biết là ai làm không?
La Đồ hỏi.
- Thuộc hạ hoài nghi không phải là thế lực lớn của phương nào gây ra. Nếu như là Dương Thuận Hội hoặc là Mộc phủ, thì bọn họ đã không hủy số hàng đó rồi. Bọn họ đều có đủ nhân số để mang số hàng hóa đó đi. Cho nên thuộc hạ suy đoán, đây chỉ là trùng hợp. Ngoài thành Mưu Bình có không ít cường đạo, cướp bóc thương đội qua đường để sống. Có lẽ bọn chúng bắt gặp người của chúng ta thu mua hàng hóa của người Đông Sở, tưởng rằng có lợi, cho nên mới tập kích ban đêm.
La Đồ gật đầu:
- Vậy thì không cần phải lo lắng.
- Thuộc hạ đã xử lý ổn thỏa, số súng và pháo đó đã được vứt xuống hồ, mọi dấu vết đều được xóa sạch, thoạt nhìn chỉ giống như một vụ giết người cướp hàng bình thường. Chuyện như vậy không hiếm thấy, cho nên sẽ không khiến Dương Thuận Hội hoặc là Mộc phủ hoài nghi.
- Ừ!
La Đồ gật đầu:
- Đi thôi, đây là thời điểm nói chuyện với đám phú hộ trong thành rồi. Bảo bọn họ mỗi người giao ra một nửa gia sản để mua mạng sống. Nếu không đồng ý thì trực tiếp lấy hết. Của cải lấy được ngươi mang tới Mưu Bình, tiếp tục giao dịch với người nước ngoài. Ta muốn một trăm ổ pháo, hai vạn cây súng. Nếu bạc không đủ, ta liền hạ lệnh cho quân đội tới xung quanh, tàn sát mấy huyện thành là gom đủ.
- Tuân lệnh!
Ba Diện cúi đầu nói:
- Tuy nhiên, số hàng lớn như vậy, chỉ sợ người Rose khó kiếm ra được.
- Vậy thì buôn bán với đám người nước Agoda kia. Chỉ cần có tiền, không sợ không có hàng.
- Thuộc hạ đã hiểu.
- Còn có!
La Đồ nghĩ một lát rồi nói:
- Qua mấy ngày nữa là Trung Thu rồi, mời Đại tướng quân Thủy sư Trịnh Thu tới Liễu Châu dự tiệc. Người này…
Y
dừng một lát, quay đầu nhìn một người khác đứng bên cạnh:
- Tứ Lang, đêm Trung Thu, ngươi dẫn người của ngươi tới sông Đại Hồng. Người của thủy sư vốn không nghe mệnh lệnh của ta, về sau nếu muốn phát triển thì không thể thiếu thủy sư. Nhưng ta không muốn một đội thủy sư không nghe lời. Đêm trung thu, ngươi tiễn những người đó xuống đia ngục đi. Địa ngục cũng có trăng tròn…
Nam tử trẻ tuổi tên là Tứ Lang cười âm u nói:
- Vương gia yên tâm, thuộc hạ sẽ tiễn họ một đoạn đường.
…
…
Giang Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt, sông Đại Hồng có đường sông khá rộng. Nếu đặt ở phương bắc, con sông này chắc chắn nổi tiếng. Nhưng đặt ở Giang Nam, con sông như vậy rất bình thường. Trước khi Đại Tùy diệt Trần, đã chuẩn bị xây dựng thủy sư ở Trường Giang. Mất mười năm, rốt cuộc tạo ra một hạm đội thiên hạ vô song. Chính nhờ có hạm đội này, mà quân Tùy mới thắng như chẻ tre rồi đánh vào Giang Nam.
Trước đó thủy quân của Giang Nam rất kiêu ngạo. Theo bọn họ, Trường Giang chính là nơi hiểm yếu và bảo tàng mà ông trời ban cho. Còn ở trong mắt kẻ địch, Trường Giang chỉ có hai chữ hiểm yếu. Lúc nam bắc cùng tồn tại, Trịnh Quốc không thể đánh vào Giang Nam cũng vì thủy quân không bằng Trần Quốc. Mà Trần Quốc không thể đánh vào bờ bắc Trường Giang, là vì khi đi lên đất bằng, bọn họ đấu không lại bộ binh của Trịnh Quốc.
Đại Tùy thay đổi cục diện này, thủy sự thành lập ở Trường Giang, tượng trưng cho một thế hệ mới bắt đầu.
Ngày đó vượt sông, thủy quân Trường Giang vừa xuất hiện liền kinh sợ thủy quân của Trần Quốc. Người của Trần Quốc thực sự không thể tưởng được người Tùy làm sao đột nhiên có một hạm đội khổng lồ như vậy. Hàng trăm chiến hạm lớn, hàng ngàn hoàng long thuyền, cộng thêm vô số khoái thuyền, cơ hồ lấp đầy đường sông Trường Giang.
Trận chiến ấy, thủy sư Đại Tùy để lại thanh danh hiển hách.
Sau khi bình định Giang Nam, tuy quy mô của thủy sư Trường Giang bị thu hẹp lại, những chiến thuyền bị hỏng trong trận chiến bị vứt bỏ không sửa chữa, nhưng vẫn có sức chiến đấu khiến người ta hoảng sợ. Sau khi chiến tranh chấm dứt, thủy sư Trường Giang vẫn có được 160 chiến hạm, hơn một nghìn hoàng long thuyền, năm trăm thuyền bạch nha. Đương nhiên, còn có chiến hạm được đóng dành riêng cho Hoàng Đế Đại Tùy…chiến hạm Đằng Long.
Lực lượng cường đại như vậy, đủ để kinh sợ Giang Nam rồi.
Sau khi Tây Bắc phản loạn, Thiên Hữu Hoàng Đế Dương Dịch điều thủy sư Trường Giang bắc thượng. Về sau Đại tướng quân thủy sư Trường Giang là Vương Nhất Cừ tạo phản, chiếm đi một phần ba hạm đội. Một phần ba khác nằm trong tay La Đồ, mà Phương Giải và triều đình chiếm một phần ba còn lại. Tuy nhiên, luận về chiến lực mà nói, hạm đội trong tay Vương Nhất Cừ là hùng mạnh nhất. Thuyền bạch nha trang bị tốt nhất, kiên cố nhất, thì có bảy thành nằm trong tay Vương Nhất Cừ.
Hiện tại thủy sư dưới trướng của La Đồ có 36 chiến thuyền lớn, 270 thuyền hoàng long, 90 thuyền bạch nha, còn có chiến hạm Đằng Long mà sau khi được đóng, Hoàng Đế Đại Tùy chỉ đi lên có một lần. Tướng quân thủy sư Trịnh Thu, chính là quan chỉ huy của chiến hạm Đằng Long. Lúc ấy Vương Nhất Cừ bắc thượng không dám mang theo chiến thuyền này, bằng không cái tâm tạo phản liền rõ ràng.
Hiện tại, thuyền này đã rơi vào tay của La Đồ.
Chính vì có con thuyền này, nên La Đồ mới cảm thấy đây là thiên ý.
Chiến hạm Đằng Long dài tới hai trăm mét, đây là con thuyền làm bằng gỗ lớn nhất từ trước tới nay. Chiến thuyền có bốn tầng, lâu thuyền được xây dựng giống như một cung điện. Bởi vì quá lớn, cho nên thuyền này chỉ có thể chạy trên đường sông rộng. Nếu hẹp một ít thì không thể đi được.
Lúc ấy vì đóng chiến hạm Đằng Long này, tất cả thợ thủ công tốt nhất của Đại Tùy được mời tới, mất sáu năm mới hoàn thành. Lúc ấy mọi người tham dự vào việc đóng Đằng Long Hạm đều tin tưởng rằng, dù mang chiến thuyền này ra biển, thì cũng là bá vương trên biển.
Hiện tại, thuyền này treo cờ của phản quân La Đồ.
Mười bảy năm trước, Trịnh Thu chính là tướng quân chỉ huy Đằng Long Hạm, nhưng y chưa từng gặp Hoàng Đế. Thiên Hữu Hoàng Đế Dương Dịch là vị Hoàng Đế duy nhất không thích ra ngoài của Đại Tùy. Y cũng chưa từng ngồi lên chiến hạm tượng trưng cho thân phận đế vương này. Nếu y thấy qua chiếc thuyền này, chắc y nhất định sẽ tự hào.
Chỉ có quốc gia như Đại Tùy, mới có thể tạo ra con quái vật lớn như vậy.
Trịnh Thu đứng ở đầu thuyền, nhìn bóng của mình dưới nước, suy nghĩ xuất thần. Thủy sư đã đóng quân ở đây hơn một tháng rồi, y vẫn tránh né không gặp La Đồ. Đối với nam tử trẻ tuổi này, Trịnh Thu không có ấn tượng tốt.
- Đại tướng quân, có khách tới chơi.
Đang lúc y ngẩn người, Giáo úy thân binh Khoái Bất đi tới nói nhỏ vào tai.
- Ai?
- Mộc Lê tướng quân!
Nghe thấy tên này, Trịnh Thu biến sắc:
- Y vẫn chưa chết?
Giáo úy thân binh nói:
- Không chỉ là y, còn có một người khác đi theo. Thuộc hạ thấy người đó không giống là thủ hạ của Mộc Lê, qua cử chỉ dáng vẻ, dường như Mộc Lê rất tôn kính y.
- Cho mời!
Trịnh Thu do dự một lát, quyết định gặp Mộc Lê. Y cảm thấy nếu như hôm nay mình đuổi người này đi, thì sẽ bỏ qua chuyện quan trọng gì đó. Cũng không biết vì sao, y loại bỏ suy nghĩ đầu tiên trong đầu. Suy nghĩ đầu tiên của y lúc nghe thấy Mộc Lê tới, là bắt lại rồi đưa tới La Đồ. Nhưng nghĩ lại, y quyết định gặp mặt một lần.