Hoàng Dương Đạo.
Trị thành Huệ Dương.
Phía tây ngoài thành Huệ Dương chính là một đại doanh dân dũng được xây không lâu, chiếm diện tích chừng năm dặm. Đội ngũ dân dũng này là do một tay Tổng Đốc Hoàng Dương Đạo Dương Ngạn Nghiệp tạo dựng lên. Vì phòng ngừa phản quân ở bờ bắc sông Hoàng Ngưu, mà y gần như dốc tất cả phủ kho. Trong phủ kho có cái gì có thể lấy ra được thì đều lấy ra rồi. Mất thời gian hai năm, huấn luyện được một vạn tám ngàn dân dũng, trở thành chiến sĩ đủ tư cách.
Quy mô một vạn tám ngàn này đã là cực hạn mà Hoàng Dương Đạo có thể nuôi dưỡng vào lúc này. Hơn nữa Hoàng Dương Đạo còn triệu tập ba vạn quận binh từ các nơi. Đây là binh lực chủ yếu để phòng ngự Hoàng Dương Đạo. Tuy rằng nhân số kém hơn phản quân ở bờ sông Hoàng Ngưu nhiều lắm, nhưng dựa vào khí thế bảo vệ gia viên không lùi bước, bọn họ giao chiến với phản quân nhưng không hề rơi vào thế hạ phong.
Dương Ngạn Nghiệp từng rất kiêu ngạo vì thành lập được một đội ngũ như vậy. Nhưng hiện tại, nó đã thành ngọn núi lớn ở trong lòng ông ta.
Đám dân dũng, quận binh này đều sinh ra và lớn lên ở Hoàng Dương Đạo. Mảnh đất này có người nhà, có bằng hữu, có hương thân phụ lão của bọn họ. Lúc trước bọn họ cầm binh khí chiến đấu quyết liệt với phản quân ở bờ sông Hoàng Ngưu, mục đích không giống với đám dân dũng tụ tập ở Kinh Kỳ Đạo. Dân dũng ở Kinh Kỳ Đạo tham gia là vì muốn lập công, muốn có được tiền đồ tươi sáng. Mà dân dũng, quận binh của Hoàng Dương Đạo cầm binh khí lên chỉ vì một mục đích.
Bảo vệ gia viên.
Một khi bọn họ không ngăn cản được phản quân, thì gia viên xinh đẹp của bọn họ sẽ bị phá hủy. Bọn họ biết tình hình ở bờ bắc bên kia. Những nơi phản quân đi qua giống như là gặp nạn châu chấu. Thanh niên trai tráng bị bắt đi, nữ tử trẻ tuổi không tha một ai…về phần tiền bạc, đám phản quân đi tới chỗ nào, chỗ đó như gặp thiên tai, thì làm gì còn lại tiền bạc nữa?
Chính vì biết được điều đó, mà dân dũng và quận binh Hoàng Dương Đạo mới đứng ở bờ sông không lùi nửa bước.
Nhưng hiện tại, bức bọn họ rời đi không phải là phản quân, mà là đội quân bọn từng trông ngóng, Tả Tiền Vệ của Đại Tùy.
Tổng Đốc Hoàng Dương Đạo Dương Ngạn Nghiệp dẫn theo vài tùy tùng đi dạo trong đại doanh, bước chân rất chậm, rất trầm trọng. Đám quận binh dân dũng này vẫn duy trì huấn luyện như trước đây. Lúc nhìn thấy ông ta đều thi lễ, ánh mắt đầy tôn kính. Tuy rằng mấy ngày này, bởi vì Tổng Đốc đại nhân dễ dãi với Tả Tiền Vệ, khiến cho hai trăm dân dũng bị Tả Tiền Vệ bức tới chết. Nhưng bọn họ đều biết, kỳ thực Tổng Đốc đại nhân không còn biện pháp nào khác.
Đối diện với mấy chục vạn đại quân của Tả Tiền Vệ, vị Tổng Đốc tưởng như chức cao quyền trọng này thật giống một hạt cát.
- Đại nhân…thực sự phải giải tán dân dũng sao?
Một quan viên đau đớn hỏi.
Y nhìn những quận binh, dân dũng này, lòng đau như dao cắt.
- Không còn biện pháp nào khác rồi…
Trong lòng Dương Ngạn Nghiệp còn đau khổ hơn bất kỳ kẻ nào.
- Ngày nào Tả Tiền Vệ cũng phái người tới thúc giục lương thực. Ta đã mượn đám phú hộ kia ba lần rồi. Cho dù lại mượn những phú hộ kia cũng đồng ý, thì kho lúa của bọn họ cũng nhanh trống rỗng rồi. Hôm qua ta có mơ hồ nhắc tới, sắc mặt của bọn họ đều rất khó nhìn…Nhưng nếu không cung cấp lương thảo cho Tả Tiền Vệ, chỉ sợ người của La Diệu sẽ càng thêm làm càn.
- Những dân dũng này là do ta thành lập, hiện tại giải tán bọn họ, lòng ta còn đau hơn bất kỳ ai.
Dương Ngạn Nghiệp thở dài:
- Nhưng quả thực không còn lương thảo nữa rồi. Ta cũng không thể khiến những người cam tâm tình nguyện đi theo ta này, lại chết đói ở đây. Bảo bọn họ về nhà đi, nên làm ruộng thì làm ruộng, nên buôn bán thì buôn bán, ít nhất áo cơm không lo…
- Nhưng chẳng lẽ đại nhân không cảm thấy rằng mục đích của La Diệu chính là buộc ngài phải giải tán dân dũng sao?
Quận thừa Lôi Vũ của quận Huệ Dương vội vàng nói:
- Mục đích của La Diệu căn bản không phải là tới bình định phản quân. Tả Tiền Vệ tới đây đã gần một tháng, ngày nào cũng thúc giục lương thực, nhưng không thấy bọn họ động binh đao gì với phản quân. Đã lâu như vậy, ngoại trừ vị khâm sai Phương đại nhân tới từ kinh thành kia dám mang theo thân binh qua sông chiến đấu với phản quân ra, có ai trong Tả Tiền Vệ muốn khai chiến đâu? Theo tỵ chức xem ra, tên La Diệu kia căn bản là có phản tâm! Mục đích của y chính là chiếm lấy Hoàng Dương Đạo của chúng ta!
- Chớ nói bậy!
Dương Ngạn Nghiệp biến sắc:
- Những lời như vậy, đừng bao giờ nói lại nữa.
- Đại nhân!
Quận thủ quận Huệ Dương Lý Hoài khuyên nhủ:
- Không thể giải tán dân dũng. Một khi giải tán dân dũng, La Diệu sẽ không còn kiêng sợ nữa mà bất chấp làm mọi việc. Hiện tại y e dè là nhờ mấy vạn hãn tốt trong tay chúng ta.
- Không giải tán…thì kiếm đâu ra lương thực?
Sắc mặt của Dương Ngạn Nghiệp đau đớn nói:
- Chẳng lẽ trơ mắt nhìn bọn họ đói chết?
- Phải có biện pháp nào chứ!
Quận thừa Lôi Vũ nói:
- Đợi thêm mấy ngày nữa xem…trong nhà tỵ chức còn tồn lương thức, nguyện ý dâng ra. Tỵ chức nghĩ chư vị đồng nghiệp chắc cũng nguyện ý làm vậy.
Đúng lúc đó, một thân binh chạy nhanh tới, nói nhỏ vào tai Lôi Vũ mấy câu, Lôi vũ biến sắc, do dự một lát, tới gần Dương Ngạn Nghiệp, thì thầm nói:
- Phương Giải ở lầu Vạn Hòa trong thành chờ ngài. Gặp hay là không gặp?
- Gặp!
Dương Ngạn Nghiệp trầm mặc một lúc, nói:
- Trong Tả Tiền Vệ, chỉ có duy nhất người này là không một lòng với La Diệu…Nói không chừng, người này lại có biện pháp nào đấy. Nếu bệ hạ chọn hắn làm khâm sai, mặc kệ người này còn trẻ tuổi, nhưng đã nói lên rằng bệ hạ tin tưởng hắn. Hiện tại hắn muốn gặp ta, chắc cũng vì chuyện này.
….
….
Vị trí của
Hoàng Dương Đạo có chút đặc thù. Trước kia những vị có tư cách đảm nhiệm Tổng Đốc thì mười vị cả mười đều không muốn tới nơi này. Một con sông lớn chia tách nam bắc. Phía bắc là ba đạo Tây Bắc có khí hậu càng về phía bắc càng ác nghiệt. Tới Sơn Bắc Đạo hay là đạo cuối cùng ở phía bắc Đại Tùy thì còn cách Thập Vạn Đại Sơn của Bắc Liêu cũng không xa lắm. Phía nam Hoàng Dương Đạo thì có bốn đạo, càng đi về phía nam thì càng giàu có và đông đúc. Hoàng Dương Đạo giáp với Tây Bắc, hàng năm còn phải chiếu cố tới dân chúng ở bờ bắc sông Hoàng Ngưu bên kia. Nếu làm không tốt có thể bị triều đình trách tội.
Có thể làm tới Tổng Đốc, người nào mà chả muốn hô mưa gọi gió ở khu vực của mình? Cho nên nếu có thể tới nơi khác, thì bọn họ sẽ không chọn Hoàng Dương Đạo. Mười năm phải trông coi cẩn thận, chẳng kiếm được chiến tích gì chói mắt.
Cho nên dân chúng Hoàng Dương Đạo khá hạnh phúc. Bởi vì mỗi vị Tổng Đốc tới nhậm chức đều do đích thân Hoàng Đế suy nghĩ và lựa chọn. Người đó có đầy đủ kinh nghiệm, tính tình trầm ổn. Người như vậy làm quan ở địa phương, dân chúng thường sẽ được đối xử tốt.
Dương Ngạn Nghiệp cũng như vậy, ông ta không cầu công lao, chỉ cầu không thất bại. Từ lúc Hoàng Đế giao Hoàng Dương Đạo cho ông ta, ông ta nhất định phải làm tròn nhiệm vụ.
Từ lúc mới bắt đầu nhậm chức, ông ta đã xác định làm theo bốn chữ ‘bình an yên ổn’ là đủ. Năng lực của Dương Ngạn Nghiệp là không thể nghi ngờ. Bằng không đã không chỉ huy được các dân dũng quận binh ngăn cản hơn mười vạn phản quân trong hai năm rồi. Trong khi triều đình không hề điều động bất kỳ binh mã nào tới đây.
Tuy Phương Giải hoài nghi phản quân và La Diệu đã cấu kết từ lâu, nên phản quân vốn không muốn chiếm nhà kho Hân Khẩu. Nhưng nếu phản quân qua sông, không đoạt nhà kho Hân Khẩu, chẳng lẽ không thể đoạt tài sản của dân chúng? Một khi phản quân qua sông, Hoàng Dương Đạo sẽ gặp nạn lớn.
Trong hai năm qua, vì bảo vệ dân chúng Hoàng Dương Đạo, Dương Ngạn Nghiệp đã tốn rất nhiều tâm tư. Tuổi chưa tính là già, nhưng tóc đã bạc trắng rồi.
Từ lúc phản quân tập trung lực lượng ở bờ bắc sông Hoàng Ngưu, vị Tổng Đốc đại nhân này làm gương tốt, tự giảm bổng lộc, còn quyên hết lương thực trong phủ của mình, tổ chức dân dũng. Có vị Tổng Đốc đại nhân như vậy, đám quan viên ở phía dưới dù tình nguyện hay không tình nguyện, thì đều phải nghe theo.
Nhưng hiện tại Dương Ngạn Nghiệp đã không thể duy trì được nữa rồi.
La Diệu buộc ông ta giao lương thực, cố ý phái người gây xích mích với dân dũng và quận binh. Lúc trước cái tên thủ hạ của La Diệu là Văn Tiểu Đao nói cái gì mà thủ hạ của mình bị dân dũng đánh chết, rồi dẫn theo mấy trăm tinh kỵ xông vào đại doanh dân dũng, bắt mấy chục người rồi chém đầu tại chỗ. Việc này khiến dẫn dũng trong đại doanh nổi giận, giương cung bạt kiếm ngăn cản Văn Tiểu Đao lại. Nếu không phải Dương Ngạn Nghiệp tới kịp thời, thì chỉ sợ đã xảy ra đánh nhau rồi.
Không phải là Dương Ngạn Nghiệp sợ đám dân dũng làm bị thương người của Tả Tiền Vệ, mà là ông ta biết rằng Văn Tiểu Đao khẳng định có chuẩn bị mà tới. Y chỉ dẫn theo mấy trăm kỵ binh mà cũng dám xông doanh. Một khi đám dân dũng động thủ, tất nhiên sẽ có rất nhiều tinh binh của Tả Tiền Vệ nhào tới. Tới lúc đó thua thiệt vẫn chỉ là những dân dũng có chiến lực và trang bị không bằng Tả Tiền Vệ kia thôi.
Nhưng chính vì chuyện này, mà Dương Ngạn Nghiệp bị không ít người mắng sau lưng là kẻ bất lực.
Thấy dân dũng chịu nhục, ông ta cũng tự trách bản thân. Lúc trước ông ta cũng như đám dân dũng, trông ngóng binh mã của Tả Tiền Vệ có thể tới, chia sẻ một ít áp lực. Nhưng hiện tại ông ta mới phát hiện ra rằng, đội quân mà mình trông mong, lại là một đám ma quỷ còn ác độc, lạnh lùng hơn cả phản quân.
Kỳ thực tới hiện tại, Dương Ngạn Nghiệp cũng mơ hồ đoán được mục đích của La Diệu rồi.
La Diệu nuôi quân ở Tây Nam, tới triều đình còn biết, huống chi là ông ta? Nhưng rốt cuộc La Diệu nuôi bao nhiêu binh, chỉ sợ ngoại trừ La Diệu ra, không còn ai biết. Bốn đạo Tây Nam giàu có và đông đúc, hàng năm nuôi sống bốn mươi vạn đại quân không phải là vấn đề. Nếu mục đích của La Diệu là nhà kho Hân Khẩu, vậy thì có thể nói rõ rằng số lượng binh lính mà La Diệu nuôi dưỡng ở Tây Nam, đã lớn tới mức bốn đạo Tây Nam cũng không cung cấp đủ.
Y cần lương thực bên trong nhà kho Hân Khẩu.