Rốt cuộc La Diệu muốn làm gì, Phương Giải không hỏi, La Diệu cũng không nói.
Nhưng hai người đều rõ ràng, chỉ đơn giản bốn chữ…Biến gia thành quốc.
Trà trên bàn dần nguội, cuộc nói chuyện giữa hai người giống như đã kết thúc. Nếu Phương Giải là khách, thì La Diệu hoặc là gọi người rót thêm trà hoặc là nói ngươi có thể đi được rồi. Nhưng trên thực tế là La Diệu hơi thất thần, Phương Giải thì cúi đầu trầm tư. Hai nam tử ngồi đối diện nhau, một người hơi nhếch cằm lên, ánh mắt ngạo nghễ. Một người cúi đầu nhìn chén trà, vẻ mặt nghiêm nghị.
- Ngài có thể thân bại danh liệt.
Trầm mặc một lúc, Phương Giải mới lên tiếng.
La Diệu nhìn hắn, vẻ mặt không có một tia biến hóa:
- Thân bại danh liệt?
Y cười cười, đi tới trước bản đồ treo trong doanh trướng, giơ tay vẽ một vòng tròn thật lớn:
- Bản đồ này không phải là cả thế giới, nhưng đối với phần lớn người mà nói, đây là toàn bộ thế giới. Trên tấm bản đồ này có các vùng các miền với tập tục, với văn hóa, diện mạo không giống nhau. Nhưng có một đạo lý, bất kể là ở nơi nào, từ xưa tới nay đều không thay đổi.
Y nói:
- Đó là lịch sử do người thắng viết. Người thắng muốn viết như thế nào thì viết. Vừa rồi con hỏi ta có sợ không, ta nói thật, ta có gì phải sợ? Nếu ta thắng, ai dám nói ta làm sai? Nếu thua, ta để ý làm gì tới những thị phi đằng sau.
Phương Giải ngẩng đầu:
- Ngài nói thành bại, là do trong lòng ngài không nắm chắc.
La Diệu mỉm cười lắc đầu:
- Thế gian làm gì có chuyện nào có thể nắm chắc trăm phần trăm? Ta không tin những kẻ tự tin nói rằng mình chắc chắn sẽ làm tốt. Những kẻ nói vậy chỉ là tự an ủi bản thân mà thôi. Tự tin không phải là mù quáng cho rằng mình làm chuyện gì cũng thành công. Tự tin là sự chuẩn bị đầy đủ hơn bất kỳ kẻ nào.
- Phần lớn mọi người hiểu nhầm hai chữ tự tin, cho rằng tự tin chỉ đơn giản là tin vào bản thân. Tự tin chia làm hai lọai, một loại tự tin nhưng không có bản lĩnh, nói bốc nói phét, khiến cho người ta tưởng rằng y cũng rất có năng lực. Loại tự tin này thật ra là tự đại. Một loại khác vĩnh viễn sẽ không nói cho người khác biết mình đã làm gì, sau đó ở thời điểm người khác cho rằng y không thể thành công, thì y lại thành công.
La Diệu dừng một lát, chỉ tay vào vị trí thành Ung Châu:
- Lúc ta mới tới Ung Châu, chỉ biết nơm nớp lo sợ. Lúc ấy rất nhiều người nói ta không áp chế được Tây Nam. Sau khi phá Ung Châu, ta chỉ có hai vạn binh lính, mười vị tướng lĩnh. Ta không tự tin, nhưng ta khiến người khác cảm thấy ta tự tin. HIện tại ta suất quân bắc thượng, con nói ta có khả năng thân bại danh liệt, đó là do con không tin ta…bởi vì con không biết La Diệu ta, không biết suy nghĩ của ta. Vậy thì ta nói luôn cho con biết, chưa bao giờ ta tự tin như lúc này.
Y lạnh nhạt nói:
- Nếu ta có mưu đồ, thì mười năm trước là có thể cắt ba đạo Tây Nam khỏi bản đồ Đại Tùy. Cho dù Đại Tùy có hàng trăm vạn binh lính thì thế nào?
- Ba loại.
Phương Giải nhìn La Diệu nói.
- Cái gì mà ba loại?
La Diệu khẽ nhíu mày.
Phương Giải rất nghiêm túc nói:
- Kỳ thực tự tin có ba loại, một loại là tự đại, một loại là tự tin, còn một loại là tự phụ.
La Diệu trầm mặc một lúc, gật đầu:
- Con nói không sai. Nhưng ta không cho rằng tự phụ là một từ có nghĩa xấu.
Y lại vẽ một đường thẳng trên bản đồ, chia cắt Tây Bắc khỏi Đại Tùy:
- Ta có lá gan cũng có năng lực để vẽ lên bản đồ này, ai còn có thể? Nếu đây là tự phụ, ta sẽ cho rằng đó là lời khen. Ánh mắt của Lý Viễn Sơn quá nhỏ bé, chỉ có thể nghĩ tới chuyện ngày hôm sau. Y tạo phản, bị người đời sỉ nhổ. Vừa rồi ta đã nói, người thắng mới có tư cách viết lên lịch sử. Nếu như y thắng, vậy thì sách sử sẽ
ghi lại y như một Thánh nhân, đẩy ngã bạo Tùy, giải phóng dân chúng khỏi nỗi khổ.
- Y sai ở chỗ, là cấu kết với người Mông Nguyên…Thiên hạ trung nguyên, người nào có bản lĩnh thì người đó đoạt được. Nếu hơn một trăm năm trước Hoàng Đế Dương Kiên, người khai sáng Đại Tùy chỉ giữ phận thần tử thì liệu ông ta có tranh giành trung nguyên không? Liệu có thiên hạ Đại Tùy như bây giờ không? Mới một trăm năm, kẻ cướp đoạt chính quyền liền trở thành vị vua chính thống của dân chúng. Điều ta làm bây giờ có gì khác biệt với Dương Kiên?
Nghe thấy câu này, Phương Giải liền ngẩn ra.
Lời của La Diệu, dường như đúng.
Năm đó vương triều Đại Trịnh nắm giữ trung nguyên, họ Vương thống trị vùng đất này. Dương Kiên là thần tử của Đại Trịnh, khởi binh phản loạn. Cuối cùng dựa vào năng lực của bản thân và các tướng sĩ thủ hạ quên mình phục vụ, mới kéo họ Vương xuống ghế rồng. Lúc ấy không ít người mắng mỏ Dương Kiên, nói ông ta là loạn thần tắc tử.
Nhưng mới hơn một trăm năm qua đi, mọi người đã quên quốc gia tên là Đại Trịnh kia rồi. Mọi dân chúng đều cảm thấy vinh quang khi mình là người Tùy, cảm thấy họ Dương ngồi lên ghế rồng là chuyện danh chính ngôn thuận.
- Con cho rằng, năm đó nếu Dương Kiên để ý tới lời mắng mỏ của người khác, thì liệu có Đại Tùy như bây giờ không?
La Diệu nhìn Phương Giải, hỏi.
Đề tài của hai người vốn đã hết, nhưng một câu ‘Ngài có thể thân bại danh liệt’ của Phương Giải đã kéo đề tại lại. Ngay cả Phương Giải cũng không biết vì sao mình lại nói lời đó, là cảnh cáo La Diệu, hay là muốn khuyên y? Nới tới lúc này coi như đã thẳng thắn với nhau, không kiêng kỵ gì nữa.
- Dù sao…chỉ có số ít người thành công.
Lúc nói ra những lời này, Phương Giải phát hiện cốt khí của mình kỳ thực rất yếu.
- Sao con khẳng định ta không phải là một trong số ít đó?
La Diệu thản nhiên cười:
- Không phải ai sinh ra cũng có ý định tranh giành thiên hạ, nếu có thì là quái thai. Năm đó tuy Dương Kiên không xuất thân hàn môn, nhưng Dương gia không tính là danh môn vọng tộc. Lúc ông ta mới làm quan, bất quá chỉ là một quan Thất Phẩm chuyên trông coi kho lúa. Mỗi ngày đối mặt với đống sổ sách, ông ta chỉ suy nghĩ làm sao làm tròn bổn phận của mình rồi nhanh chóng thăng chức, chứ không phải là làm Hoàng Đế. Về sau quân giặc tấn công kho lúa, tướng quân bảo vệ chết trận, Dương Kiên suất quân bảo vệ cho kho lương thực, từ đó trở đi mới lớn mạnh.
- Lúc ông ta làm tới Tiết Độ Sứ, điều ông ta muốn liệu còn giống với lúc ông ta làm quan coi kho không?
La Diệu nói:
- Ta chẳng qua là bước trên con đường giống với Dương Kiên một trăm năm trước mà thôi.
Phương Giải im lặng, không biết nói gì.
Thiên hạ không phải là thiên hạ của một nhà. Nếu coi trung nguyên như một mảnh thảo nguyên, vậy thì con dã thú nào mạnh nhất thì chính là vua. Khi một con khác dần dần lớn lên cường tráng thì nó lại muốn thử chiến đấu với vị vua kia. Đây là đạo lý vĩnh viễn không thay đổi được, bất kể là người hay động vật.
Đúng vậy…vì sao thiên hạ phải là của Dương gia?