Xuân đi thu tới, chớp mắt đã hơn nửa năm. Lịch trình hàng ngày của Dận Chân chưa hề thay đổi. Thức dậy rồi, giờ Mão tới thư phòng phía Nam, trước tiên là học Quốc ngữ (tiếng Mãn) nửa canh giờ, chuyện này có thể nói là hắn cũng giỏi chịu đựng thật, dù trong lòng thầm hận không thể hỏi thăm tổ tông mười tám đời Đại học sĩ Pháp Hải, thầy dạy tiếng Mãn cho hắn. Tiếp đó Dận Chân bắt đầu đọc thuộc lòng kinh điển Nho gia như Tứ Thư và Ngũ Kinh, cũng tuân theo quy định "Đọc sách phải đủ một trăm hai mươi lần" của Khang Hi, cứ mỗi khi đọc được một lần liền đánh dấu một lần, đọc đủ số lần liền do sư phụ Cố Bát Đại kiểm tra, sau khi thấy không sai chữ nào liền chuyển qua học thuộc đoạn khác.
Đến giờ Thìn (từ 7 tới 9 giờ sáng): sau khi Khang Hi ngự môn trông coi quốc sự sẽ tới thư phòng kiểm tra lần lượt tình hình học tập của các A Ca, cụ thể là, Khang Hi sẽ cầm một quyển sách, bảo các A Ca đọc thuộc lòng, nếu không sai chữ nào mới cho qua. Nếu không, nhẹ thì quở trách, nặng thì phạt quỳ. Dận Chân cũng coi như khá cần cù, nhưng cũng đã từng một lần bị phạt quỳ suốt hai giờ trên phiến đá ở ngoài thư phòng. Khi được phép đứng lên thì hai chân đã bủn rủn như bị ngàn vạn con kiến đốt, chỉ hận không thể chặt phứt hai chân đi. Vậy mới biết, là cành vàng lá ngọc cũng chẳng dễ dàng gì.
Đến giờ Tỵ (từ 9 tới 11 giờ sáng), dưới sự đốc thúc của sư phụ, Dận Chân ngồi vào bàn luyện chữ, viết trăm chữ hán, một chương tiếng Mãn. Giờ Ngọ (từ 11 giờ sáng đến 13 giờ chiều): Dận Chân dùng bữa trưa đồng thời ban cơm cho sư phụ, lúc này Dận Chân mới có thể thả lỏng đôi chút, thường hắn sẽ lãnh giáo sư phụ một số tình hình chính trị hiện giờ, Cố Bát Đại cũng nói không dứt lời. Một cặp già trẻ lấy ngay bài văn và lời nói của Khang Hi ra nghiên cứu. Dận Chân coi đây là con đường học tập thuật làm đế vương, hơn nữa, hắn thầm nhủ trong lòng rằng, phải làm vậy mới biết được làm thế nào để ứng đối với vị Hoàng A Mã này. Ngay sau khi ăn xong hắn lại tiếp tục ngồi ngay ngắn đọc thuộc lòng bài mới một trăm hai mươi lần, sau đó để sư phụ kiểm tra. Thi thoảng còn phải học vài câu tiếng Mông Cổ nữa.
Giờ Mùi (3 giờ chiều) mới là lúc Dận Chân vui vẻ nhất, bởi rốt cuộc thì cũng được ra ngoài hít thở không khí rồi. Thái tử dẫn tất cả các hoàng tử và đám thư đồng là con cháu hoàng tộc ra ngoài sân đình viện cùng thị vệ luyện tập đấu vật, cũng chính vào những lúc như thế này Dận Chân mới làm quen với đám thị vệ tam đẳng Lam Linh Tử, trong đó có Ngạc Luân Đại, con trai của Nội Đại Thần Đông Quốc Cương, tính ra hắn là anh họ của Dận Chân, Phạm Thời Đạc, cháu trai của Thanh Sơ Thủ Tịch Hán Thần Phạm Văn Trình cùng với Nặc Mẫn, con trai của Đại Tướng quân Đồ Hải.
Những người này đều là thân thích, hoặc có công hoặc là con cưng của các công thần, được chọn vào cung làm thị vệ rèn luyện vài năm, thông thường đều được phái đi hoặc làm quan ở Kinh thành, hoặc cai trị ở địa phương. Dận Chân vô cùng coi trọng bọn họ, thường mượn cớ luyện tập để hàn huyên với bọn họ đôi câu ba lời. Ngoại trừ Ngạc Luân Đại ra thì những người này đa phần là kẻ học văn, sở dĩ bị sung vào cung làm thị vệ chẳng phải chỉ vì chờ cơ hội may mắn. Cho nên lũ thị vệ rất thích vị đại ca nhỏ tuổi này, bởi Dận Chân không kiêu căng phách lối, cũng không vênh váo hung hăng, mở miệng là ra điều ta đây là chủ tử mà vẫn nói cười vui vẻ với những tên thị vệ hơn hắn chừng bảy, tám tuổi này như thường.
Đại a ca Dận Đề thấy thế cực kỳ xem thường, thường hay bày ra bộ dáng huynh trưởng để răn dạy Dận Chân, nói chủ nô cần phải