Chu thị có thể khống chế được tính tình trước mặt cả nhà Liên Thủ Tín, một mặt là vì trong lòng bà hiểu được, mọi thứ bà được phụng dưỡng trước mắt đều dựa vào một nhà này, hơn nữa người ta cũng không phải là người bà có thể gây khó dễ được nữa. Còn mặt khác là do tính tình ngang ngược của bà đã tìm được nơi trút giận, người xui xẻo này dĩ nhiên là Liên Thủ Nhân.
Chu thị chọn Liên Thủ Nhân làm nơi xả giận, đương nhiên đã được bà suy nghĩ kỹ càng. Một mặt là do tính cách của bà, không thể không có một mục tiêu hành hạ. Mặt khác là do suy nghĩ muốn gây khó dễ và khống chế đám người Liên Thủ Nhân.
Đây là thủ đoạn Chu thị thường dùng để gây khó chễ cho người khác.
“… Ta chỉ là một lão bà già yếu cô đơn, không có ai bên cạnh, chỉ có dì cả và dì ba của con. Phía dì cả con, ta cũng biết, các con vẫn qua lại, ta không có gì để nói. Dì ba con, ta cũng chỉ có hai người tri kỉ này thôi. Mà ta cũng chỉ có hai nhà này là thân thích. Con không nhìn đến người khác thì con cũng phải nhìn…” Chu thị thấy Liên Thủ Tín không nói chuyện, liền nói với Liên Thủ Tín.
“Nương, nương trở thành lão bà già yếu cô đơn từ lúc nào vậy?” Liên Thủ Tín không thể nghe nổi nữa: “Chúng con là cái gì? Chúng con không phải con của nương sao? Nương có con đàn cháu đống, đều đang sống rất tốt kia mà. Sao nương lại thành lão bà già yếu cô đơn được?”
“Là do chúng con không cung cấp đủ chi phí ăn mặc cho nương? Hay là Kế Tổ không hầu hạ chu đáo nên nương mới nói những lời này!”
Một lão nhân ngồi ở đầu giường đặt gần lò sưởi, hàng ngày chỉ chờ con cháu đến chăm sóc phụng dưỡng, thế mà lại nói mình tuổi già cô đơn. Không biết bà đang tự nguyền rủa bản thân hay là nguyền rủa con cháu mình nữa.
Liên Thủ Tín phân tích rõ ràng lời nói của Chu thị. Chu thị sửng sốt hồi lâu vẫn không lên tiếng. Cho dù bà là người ngang ngược không nói đạo lý đến đâu vẫn hiểu những lời này không có luân lý và nhân tình đến mức nào.
Những lời ngang ngược, vô lý làm tổn thương người khác vô cùng ấy, Chu thị nói rất thường xuyên, hơn nữa, bà còn coi cách nói chuyện này là thủ đoạn gây khó dễ cho con cháu. Con cháu không so đo với bà thì thôi, nếu thật tính toán dù bà là trưởng bối cũng không thể lấy đó làm cớ được.
So đo cũng được, không so đo cũng được, có lẽ Chu thị còn chưa ý thức được, những lời nói và hành động tổn thương lòng người này đã đẩy con cháu ngày càng xa bà.
Chu thị sửng sốt hồi lâu, trên mặt vừa đỏ vừa trắng. Vào lúc Liên Thủ Tín cho rằng bà đang thẹn quá hóa giận, chuẩn bị khóc lóc om sòm, nổi cáu thì Chu thị lại nhắm nghiền mắt.
“Ta là lão bà sắp xuống mồ. Con còn xoi mói từng câu từng chữ của ta nữa. Ta vừa nói như thế đấy… Con có thể trói ta đưa đến nha môn sao, trị tội ta đi!” Chu thị không khóc lóc om sòm nhưng lại giở trò vô lại, giọng nói còn mang ý làm nũng.
Liên Thủ Tín bất đắc dĩ, chỉ có thể âm thầm thở dài.
“Nương, nương lớn tuổi như vậy rồi, không phải là đứa trẻ nữa. Trẻ con có thể không biết nặng nhẹ, tốt xấu, chẳng lẽ nương còn không biết sao.” Liên Thủ Tín vừa nói chuyện vừa nhìn lên bàn thờ Phật rồi lại nói với Chu thị: “Nương, mỗi ngày người đều thắp hương bái Phật, mùng một, mười lăm còn ăn chay, không phải nương đang làm việc thiện sao. Nếu lúc nói chuyện, hành động, nương nghĩ tới người khác một chút, tránh làm tổn thương người khác, việc tu hành của nương sẽ càng nhanh, càng tốt.”
Từ trước tới nay Chu thị thích ăn thịt, hơn nữa bà cũng không giống nữ nhân khác, Chu thị không thích ăn thịt nạc, mà thích các miếng thịt béo nhiều mỡ. Ngày trước, lúc điều kiện trong nhà không tốt, bà ăn ít. Bây giờ, có nhà Liên Thủ Tín phụng dưỡng cố định, còn cách vài ngày lại đưa đồ tới, Chu thị được rủng rỉnh, cách dăm ba ngày lại sai Liên Kế Tổ lên trấn trên mua thịt.
Mỗi lần đều mua thịt ba chỉ, cắt thành miếng to hầm lên, ăn tới miệng đầy mỡ.
Chu thị cũng không phải người thích ăn chay.
Không biết sao, từ đâu năm nay Chu thị đột nhiên thay đổi, bà muốn làm việc thiện, muốn ăn chay. Tuy nói như vậy nhưng vẫn không chịu ăn hàng ngày mà chỉ vào mùng một, mười lăm hàng tháng. Những ngày này, bà ăn chay thì cả nhà cũng không được ăn mặn, từ sáng đến tối đều ăn cải trắng và đậu phụ.
Chu thị còn rất tự hào về điều đó, thường nói với người khác, hôm nay bà ăn chay như thế nào, làm việc thiện ra sao. Người không biết tình hình còn tưởng bà là lão bà có đức, có tiết hạnh, thanh bạch, hiền hòa.
Nhưng người hiểu rõ Chu thị dĩ nhiên cũng biết, hoàn toàn không có chuyện như vậy.
Sở dĩ Chu thị muốn thắp hương bái Phật hàng ngày, mùng một và mười lăm ăn chay là vì bà biết mình lớn tuổi, càng ngày càng sợ cái chết đến gần.
Đừng nhìn bà ngang ngược như thế nào, mạnh miệng như thế, nhưng tự đáy lòng bà biết rất rõ đời này bà đã làm nhiều chuyện ác, sợ sau khi chết phải tới điện Diêm La chịu tội. Bà hi vọng đến lúc đó có thể giảm nhẹ tội, trốn được trừng phạt.
Liên Thủ Tín biết suy nghĩ trong lòng Chu thị nên mới nói như thế. Dù hắn cũng biết, những lời có ích cho Chu thị này chắc gì đã có tác dụng. Nếu Chu thị thật sự chịu thay đổi theo chiều hướng tốt đã không có tình huống hiện tại.
Nhưng nên cố gắng vẫn phải cố gắng, lúc có thể khuyên giải thì vẫn nên khuyên giải. Đây chính là câu tục ngữ “hành sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
“Ta biết, trong lòng các con cũng không chào đón ta.” Chu thị nghe Liên Thủ Tín nói vậy, mặt cũng trầm xuống: “Mọi người đều nói nhỏ sau lưng ta. Làm như ta già rồi nên hồ đồ, nghe không hiểu vậy!”
“Nương, nương đừng suy nghĩ nhiều nữa, có ai nói gì người đâu.” Liên Thủ Tín vội nói: “Con cũng vì muốn tốt cho nương thôi. Bây giờ nương chỉ cần hưởng phúc, chuyện khác đừng quan tâm nữa, thiếu thứ gì, nương cứ nói với con một tiếng.”
“Vậy rốt cục con có đi thăm dì ba không?” Chu thị vừa nhìn chằm chằm vừa hỏi một câu.
“Nương… khi nào rãnh con sẽ đi.”