Từ Ninh cung, cung nữ thái giám nối nhau ra vào lại chẳng hề ồn ã, từ đầu tới cuối đều vô cùng yên tĩnh, dường như mỗi một hành động đều chuẩn chỉnh cung quy tới từng ly, không hề có một điểm sai lầm.
Từ khi mặt trời bắt đầu ngả về Tây cho đến lúc này khi màn đêm đã hoàn toàn bao phủ Tử Cấm Thành, Tang Chi vẫn chưa hề có khi nào được ngồi, nếu không phải đứng thì cũng là phải quỳ. Lúc này Thái hậu đã dùng bữa xong, còn Tang Chi thì cảm giác như hai chân của nàng không còn phải là của nàng nữa rồi.
Thái hậu ngồi trên chủ vị, Tô Ma Lạt Cô quỳ một bên đấm bóp chân cho chủ tử. Chợt nghe lão phật gia nói, "Để nha đầu kia làm là được rồi, ngươi ngồi xuống nghỉ một lát đi."
"Tiểu nha đầu không quen nặng nhẹ, lão nô lo lắng." Tô Ma Lạt Cô lại nói, "Mà việc hầu hạ Thái hậu người cũng để cho người khác làm, lão nô già tuổi này rồi cũng không biết mình có ích vào việc gì nữa."
Lão phật gia nghe lời này lại thấy buồn cười, "Ngươi hầu hạ ai gia bao năm nay, biết rõ ai gia sẽ không bỏ ngươi còn nói những lời không biết xấu hổ, không sợ người khác chê cười."
Tô Ma Lạt Cô bày ra bộ dáng cả giận, "Ai dám chê cười lão nô? Đều là những kẻ không có phúc phận. Lão nô thế mà hầu hạ Thái hậu chủ tử người cả đời đấy!"
Chủ tớ nói mấy câu đùa giỡn vui vẻ, Tang Chi cúi đầu quỳ một bên, nghe những lời này không hiểu sao lại có chút ấm lòng. Đời người kinh qua biết bao sóng gió, chốn thâm cung nơi lòng người lạnh lẽo, có thể thật lòng đối đãi, bầu bạn cả đời như thế thì dù thân phận là gì cũng đều đáng quý. Nàng đang vu vơ suy ngẫm, bỗng nhiên lại nghe tiếng Tô Ma Lạt Cô gọi tên mình, "Tang Chi, ngươi nói xem ta nói có đúng hay không?"
Không ngờ bản thân mình lại bị kéo vào, Tang Chi có chút sửng sốt, bất quá phản ứng cũng rất nhanh lẹ, "Hồi Tô Ma đại cô cô, những lời người nói đều đúng."
Thái hậu liếc nhìn Tô Ma Lạt Cô, mà Tô Ma Lạt Cô cũng chỉ cười mà thôi. Thái hậu cũng hiểu ý tứ của Tô Ma Lạt Cô. Tang Chi đã quỳ suốt mấy canh giờ, thân hình mảnh mai đến mức nhìn có vẻ gầy yếu, sắc mặt tái nhợt như thể sắp sửa ngất đi. Mặc dù Thái hậu đúng là muốn trừng phạt, cho nàng thấy thế nào là quả đắng, thế nhưng đã thỏa hiệp với Hoàng hậu rồi thì cũng sẽ không khiến Tang Chi sống dở chết dở. Tô Ma Lạt Cô nhìn tấm lưng Tang Chi mặc dù vẫn đang cố gắng giữ thẳng nhưng thi thoảng lại khẽ run lên, lại thấy tâm tình của Thái hậu giờ cũng không tệ, nên cố ý tặng nàng một chút nhân tình.
Tang Chi là người biết trước biết sau, nàng hiểu được điều này, cho nên vô cùng cảm kích Tô Ma Lạt Cô.
Thái hậu lúc này mới chậm rãi lên tiếng, "Ngươi tên Tang Chi?"
"Hồi thái hậu, nô tì tên Tang Chi."
Làm sao Thái hậu lại không biết tên nàng, hỏi câu này cũng chỉ là một câu phủ đầu mà thôi. Thái hậu nói chuyện với Tang Chi với tư cách là một chủ tử nói chuyện với một nô tài, đương nhiên sẽ không vòng vo ý tứ như khi nói chuyện với Hoàng hậu. Vậy cho nên, liền trực tiếp hỏi, "Phải, Tang Chi. Tang Chi, Hoàng hậu đối xử với ngươi như thế, ngươi muốn báo đáp nàng như thế nào?"
Tang Chi không khỏi ngạc nhiên. Nàng thấp thỏm chờ đợi Thái hậu lên tiếng, nhưng không ngờ lão phật gia vừa lên tiếng đã nhắc tới Hoàng hậu. Hoàng hậu là điểm yếu duy nhất của nàng, cũng là điều khiến nàng không dám khinh suất, không dám tùy ý mở miệng. Thái hậu hỏi như thế, chẳng khác nào chủ ý là muốn khiến cho Tang Chi trở nên hồ đồ. Nàng muốn báo đáp Hoàng hậu như thế nào? Thực lòng mà nói, Tang Chi chưa bao giờ nghĩ tới vấn đề này, hay đúng hơn, nàng chưa từng nghĩ mình cần báo đáp Tố Lặc. Ý trung nhân của nàng, nàng cẩn thận từng chút, luôn muốn người ấy nhận được điều tốt đẹp nhất, cũng chưa từng nghĩ mối quan hệ giữa hai người là loại quan hệ ban ơn và báo đáp.
Nhưng có lẽ ngoài nàng ra, không ai nghĩ như vậy cả. Trong mắt tất cả những người khác, Tố Lặc là Hoàng hậu, là nhất quốc chi mẫu của Đại Thanh, chỉ có thể nhìn, không thể chạm tới. Tang Chi, thân phận là một nô tài Bao y, xuất thân từ Tân Giả khố mà đi lên, được Hoàng hậu ưu ái đã là nhờ mộ phần của tổ tiên từ kiếp trước. Ai cũng sẽ cho rằng Tang Chi dù cho có thịt nát xương tan cũng đều sẽ báo đáp ân huệ này. Hiếu Trang thái hậu hay Tô Ma Lạt Cô cũng không phải là ngoại lệ. Thực ra, Thái hậu đã để mắt tới Tang Chi từ lâu, từ khi Hoàng hậu bị tước Sách bảo chỉ đợi ngày phế, Tang Chi tính kế cả Hoàng đế để vào Từ Ninh cung náo loạn một trận. Thái hậu muốn không để ý tới nàng cũng khó. Càng chú ý, càng để ý những tiểu tiết, ánh mắt Thái hậu dành cho Tang Chi lại càng sâu thêm vào phần, cảm thấy người này vừa phiền toái mà cũng vừa... thú vị.
Đúng vậy, chính là vừa khiến Thái hậu cảm thấy phiền toái, cũng vừa thú vị. Cách nha đầu này hành xử luôn chuẩn chỉnh cung quy, lễ nghi chu toàn, mỗi cái cúi đầu đều khó chê trách, thế nhưng vẫn toát ra điều gì đó khiến lão nhân gia cảm thấy kỳ quái, cũng cảm thấy sảng khoái. Cả một đời làm chủ tử, Thái hậu đã quen với việc tất cả người trong thiên hạ này phải cúi đầu trước nàng, đôi khi, Hoàng đế cũng không phải là ngoại lệ. Mà ở Tang Chi người này, lão nhân gia lại thường xuyên cảm nhận được có điều gì đó khác biệt với tất cả những người khác, dù cho dáng dấp điệu bộ cung kính khiêm nhường kia rất chu toàn đấy, nhưng rồi phong thái và loại khí độ tỏa ra từ nơi mi tâm người này lại tố cáo chính bản thân nàng. Thái hậu nhìn thấu hết thảy. Đây là điểm khiến Thái hậu cảm thấy phiền toái, cũng chính là điểm khiến lão phật gia cảm thấy thú vị. Loại khí chất này của Tang Chi, vô hình khiến cho các nô tài khác cảm thấy không dễ chịu, đồng thời cũng khiến cho chủ tử không thoải mái. Cảm nhận thì là như thế, nhưng cũng thật khó để có thể vạch trần trách cứ nào, bởi vì nàng che giấu tốt vô cùng. Nàng đã nhiều lần tìm được đường sống trong chỗ chết, đối mặt khốn cảnh và khó khăn nhưng chưa từng buông thả, lại có thứ bản lĩnh biến nguy thành an. Một người như vậy, cho dù là nô tài, Thái hậu cũng không thể không để mắt tới.
Thái hậu vốn là muốn tận diệt người này. Nơi đây không có chỗ cho người thân tự lập thân, không có chỗ cho người muốn giữ nguyên cốt cách. Nữ nhân hậu cung hay dù là phận nô tài, ai nấy đều là nên an phận tuân theo quy củ, ngoan ngoãn nghe lời mới có thể không có sóng gió. Sau Tĩnh phi, Thái hậu đã không còn thấy ai vừa sáng lạn vừa sâu xa, lại có loại khí độ này ở nơi đây nữa. Mỗi khi nhìn người này, lão nhân gia tựa như nhớ lại những chuyện cũ xa xưa, nhìn lại tuổi trẻ của chính mình. Nhân sinh quan, cách nhìn cuộc đời, cách bàn tính thế cuộc có thể khác nhau, nhưng đều có một điểm chung: Không giống người thường. Nếu như nói Thái hậu có loại bản lĩnh một tay khuấy đảo đất trời, vậy thì có thể nói Tĩnh phi nồng nhiệt như lửa, còn Tang Chi ung dung như nước. Khó có thể nắm bắt được ngọn lửa, nhưng liệu có dễ dàng để giữ nước trong tay? Bất quá dù là khó giữ trong lòng bàn tay, Thái hậu vẫn có thừa sự tự tin. Còn chưa kể đối với lão phật