Trước kia, anh không hề muốn trở thành người phục vụ ở quầy rượu. Thậm chí anh còn thành kiến với ngành nghề mua vui cho khách này. Anh thường nghĩ rằng chỉ những người đã thất bại khi chọn con đường khác, không còn chốn dung thân, cùng đường mới bước vào ngành này. Đó là câu chuyện hồi Shinsuke mới lên Tokyo.
Anh sinh ở Kanazawa. Bố anh làm ở quỹ tín dụng của địa phương. Mẹ hình như làm giáo viên bán thời gian ở một trường trung học, nhưng trong ký ức của Shinsuke, dường như không có hồi ức nào về hình ảnh người mẹ làm giáo viên. Nhà anh ở một nơi có tên là Teramara, bên cạnh Saikawa. Đúng như tên gọi, đó là thành phố có rất nhiều chùa chiền. Ngôi nhà gỗ anh sống nằm lặng lẽ đối diện một cửa hàng nhỏ bán đặc sản địa phương. Shinsuke có một người anh trai hơn năm tuổi, là nhân viên văn phòng của một nhà máy dệt. Anh ấy lấy vợ năm năm trước, có một đứa con bốn tuổi, một đứa một tuổi. Anh ấy cùng vợ, hai con và bố mẹ, tất cả sáu người đang sống ở căn nhà cũ kỹ đó.
Shinsuke lên Tokyo lúc mười tám tuổi. Anh đỗ vào một trường đại học dân lập ở Tokyo. Nói vậy nhưng kỳ thực là vì muốn lên Tokyo nên anh mới thi vào trường đó. Cũng chẳng có căn cứ nào khi lựa chọn ngành Xã hội học. Anh cũng thi vào vài trường khác nữa, nhưng ngành học thì lung tung lắm, nào là Văn học, nào là Thông tin, rồi Thương mại. Tóm lại, anh nghĩ rằng chỉ cần vào được đại học ở Tokyo thì trường nào cũng được.
Thế nên, lên được Tokyo rồi, anh chẳng có mục tiêu nào cụ thể. Anh linh cảm nhất định sẽ tìm được thứ gì đó nếu lên thành phố lớn. Đối với một thanh niên sinh ra ở quê, Tokyo là nơi sản sinh ra vô số cơ hội. Anh mang niềm tin rằng nếu có thể đầu tư cho một trong số cơ hội đó thì cánh cửa dẫn tới thành công sẽ mở ra trước mắt. Lúc đó, anh đâu biết là để tìm ra hạt mầm cơ hội đó cũng cần phải có một năng lực vượt trội hơn người.
Bố mẹ Shinsuke không phản đối việc anh đến Tokyo vì ông anh trai học trường công lập ra, ổn định chỗ làm trong một công ty ở quê rồi, bố mẹ cũng không phải lo lắng gì cho tuổi già nữa. Ông bà cũng khó xử khi cậu con trai thứ không được ngoan ngoãn như thằng cả. Từ đầu họ đã biết học lực của nó không đủ để vào được đại học giống thằng anh, dù có vào được trường hạng hai gần đó thì cũng chẳng có gì đảm bảo tương lai sau này. Cho anh đến Tokyo thì tạm thời bớt được một miệng ăn đã. Suy nghĩ muốn tống khứ anh đi của bố mẹ, Shinsuke phần nào hiểu được. Căn hộ một phòng rộng chưa đến chín mét vuông là tòa lâu đài riêng của anh. Từ đây, anh sẽ sải rộng đôi cánh để bay đi. Niềm hy vọng căng tràn lồng ngực rằng anh có thể làm được tất cả mọi việc, có thể thách thức mọi thứ.
Nhưng anh chỉ ôm giấc mộng viển vông đó trong một thời gian ngắn thôi. Hết năm đầu tiên, anh không còn mộng tưởng gì nữa. Đến Tokyo, bài tập đầu tiên đặt ra cho anh là phải tìm được mục tiêu cho mình, thế mà hiếm khi anh nhớ đến bài tập đó. Nhiều khi anh còn cố quên đi, vì cứ nhớ ra là thấy mình vô dụng. Thậm chí anh còn chẳng có thời gian tìm ra lý do. Tiền bố mẹ gửi chỉ đủ trả tiền nhà và tiền học. Thế nên bằng mọi giá phải đi làm thêm, thế là lại có những mối quan hệ mới, rồi lại tiêu kha khá tiền mỗi khi đi chơi. Muốn có tiền đi chơi thì phải làm thêm nhiều hơn. Đúng là cái vòng luẩn quẩn. Mà đấy cũng chỉ là lời ngụy biện thôi. Xung quanh anh có rất nhiều người kém may mắn hơn, những người phải cố gắng gấp mấy lần anh. Như cậu S sống cùng chung cư, hay gặp nhau dưới hàng ăn nên dần dà cả hai trở nên thân thiết. Cậu ta làm thêm công việc xây dựng đường sá, về nhà lúc rạng sáng, người lấm lem bùn đất, chỉ ngủ được một giấc độ bốn tiếng, lúc đấy lại phải cố cho kịp giờ học buổi chiều. Cậu ta sống theo guồng quay đó được hai năm rồi. Trước khi đi làm còn phải ở nhà học bài. S lúc nào cũng để râu lòa xòa trên mặt, câu nói cửa miệng của cậu ta là "Trên đời này thứ quý giá nhất là thời gian".
"Thử nghĩ mà xem, có tiền thì làm gì cũng được, nhưng thời gian mất đi rồi không cách nào lấy lại. Dù giàu đến mức nào, cũng không lấy lại được tuổi trẻ. Nếu quỹ thời gian là vô hạn thì cái gì cũng có thể làm được. Nhân loại xây nên nền văn minh không phải