Trương Công Án

Chương 11


trước sau

Lan Giác ăn xong bánh chưng, trả tiền rồi trở về phủ, không nói gì với Trương Bình nữa.

Trương Bình lặng lẽ lấy tiền, cũng chẳng nói gì với y.

Chạng vạng tối, Lan Huy từ Liễu phủ trở về, mặt tèm lem nước mắt, nói với Lan Giác: “Cha ơi, sau này con có thể không qua nhà cậu cả được không ạ?”

Mặc dù Lan Giác quản Lan Huy rất nghiêm, nhưng ngày thường bận rộn với công việc không ở trong phủ, thầy giáo Tây Tịch được mời đến lại tốt tính, Lan Huy được thả rong trong nhà quen rồi, đến Liễu phủ đầy phép tắc quy củ thế kia liền cảm thấy vô cùng gò bó, lần nào cũng làm um lên không chịu đi.

Lan Giác nghiêm khắc dạy dỗ nói: “Mẹ con mất sớm, bà, chú, dì nhìn thấy con như thấy mẹ con, mọi người đều rất yêu thương con, dù cho con đã khôn lớn rồi cũng phải nhớ hiếu thuận với họ. Đồng biểu ca của con học vấn đầy mình, con phải học hỏi người ta nhiều hơn nữa đấy.”

Lan Huy bĩu môi, tủi thân ngẩng đầu nhìn Lan Giác, rồi lại cúi đầu xuống, mặt mếu máo bỏ đi.

Nửa đêm, Lan Giác đang ngủ say chợt nghe thấy tiếng la thất thanh, y bật dậy chạy ngay sang phòng kế bên, Lan Huy ôm tấm chăn mỏng ngồi trốn trong góc giường, cả người run rẩy. Mấy hạ nhân vây quanh giường an ủi nó.

Lan Giác nhìn thấy nó khóc đờ cả mặt thì lấy khăn mặt từ trong tay một tiểu đồng bên cạnh, nhúng nước ấm, vắt ráo rồi đi đến bên giường.

“Đường đường là nam nhi, mới gặp ác mộng đã sợ khóc um lên, sau này làm chuyện lớn thế nào được?”

Lan Huy vùi mặt vào chăn, không nói lời nào.

Lan Giác nhíu mày cầm khăn mặt đưa đến trước mặt nó: “Cầm đi, lau mặt rồi ngủ tiếp nào.”

Lan Huy không cựa quậy cũng chẳng hé môi, lông mày Lan Giác càng nhíu chặt hơn, tiểu đồng bên cạnh vội vàng nói: “Lão gia, không thể trách thiếu gia được, hôm nay thiếu gia ăn lễ ở Liễu phủ, nghe được chuyện quái gở, cho nên mới sợ hãi. Đến đại lão gia nhà bên đó cũng nói chuyện này quái lạ. Tiểu thiếu gia còn nhỏ, tâm hồn thuần khiết, tối ngủ dễ sinh ác mộng, chuyện gì cũng có nguyên cớ ạ.”

Lan Giác cười cười: “Trên thế gian này làm gì có yêu ma quỷ quái tác oai tác quái chứ, chỉ là do lòng người nghĩ xằng nghĩ bậy mà ra. Hơn nữa, ngoài cửa trồng đầy ngải ra đấy, trên người lại có hùng hoàng, sao còn sợ yêu ma?”

Vai Lan Huy run run, nó từ từ ngẩng đầu lên, hai mắt đỏ au: “Con nhìn thấy nó bò đến ạ.”

Lan Giác hết cách nói: “Vậy con đến phòng chính với cha, để cha nhìn xem con yêu quái nó tròn méo ra sao.”

Lan Huy phi vèo xuống giường, cầm lấy khăn mặt trong tay Lan Giác lau mặt, rồi đến phòng chính với y. Nó đứng bên cạnh giường, lại sợ hãi đưa mắt nhìn Lan Giác.

Lan Giác nhíu mày: “Con ngủ ở trong, con ma đó có đến thì sẽ bò qua người cha trước tiên.”

Lan Huy lục cục chui vào giường, dính chặt vào bức tường.

Lan Giác nằm trên giường, bảo đám hạ nhân tắt đèn lui đi, lúc đèn nến tắt hết, cửa phòng khép lại, Lan Huy lại run một lúc.

Lan Giác nhắm mắt lại, Lan Huy vẫn cứ dán mình vào tường, im thin thít, Lan Giác thở đều, không lâu sau, Lan Huy sột soạt quay mình, nhích khẽ lại chỗ Lan Giác, vươn tay nắm lấy góc áo y, lát sau hơi thở đều đều, ngủ mê say.

Nhưng Lan Giác ngủ không ngon lắm, mơ màng một chập, đoán chừng đã sắp đến giờ thượng triều bèn nhẹ nhàng ngồi dậy. Lan Huy ngủ say vô cùng, Lan Giác rút tay áo từ tay nó ra, nó chỉ cựa quậy một tẹo rồi lại nắm lấy cái chăn ngủ tiếp.

Sau khi bãi triều, Lan Giác đi thẳng đến Lễ bộ nha môn, ăn sáng ở trong Ti bộ, rồi bận rộn suốt đến tối mới về phủ.

Khi vào trong sảnh, Lan Huy xuất hiện từ sau bình phong, vấn an y, Lan Giác nhíu mày nhìn nó: “Hết sợ ma rồi à?”

Lan Huy cúi đầu không đáp.

Lan Giác ngồi xuống ghế giữa: “Rốt cuộc hôm qua đến nhà cậu cả nghe thấy chuyện gì rồi, kể ta nghe xem.”

Lan Huy đưa mắt nhìn Lan Giác, nhỏ giọng nói: “Cậu cả mua một cái ống bút, cậu ấy nói, được nung từ xương cốt của người chết, có ma trong đó.”

Lan Giác nhíu mày, nhạc phụ y, tiên Thái phó Liễu Tiễn trước giờ không tin có ma quỷ thần tiên gì, người trong Liễu phủ nào giờ không dám nhắc đến chữ ma này. Mấy cô nương trong nhà đi miếu thắp nén nhang cũng phải lén ông ấy mà đi, còn cẩn thận hơn ăn trộm nữa là. Mặc dù Liễu Tiễn đã qua đời nhiều năm, nhưng cái uy vẫn lởn vởn mãi trong phủ, thậm chí mỗi dịp lễ tết người trong phủ muốn đốt hương giấy cho ông trước tiên còn phải lầm bầm trong miệng rằng: “Con biết lão nhân gia không thích việc này, nhưng mong người nhận tấm lòng hiếu kính của đám con cháu” vân vân. Có thể khiến cậu cả – người được nhạc phụ đích thân nuôi dạy thốt ra chữ ma, chứng tỏ việc này đúng là không tầm thường.

Lan Giác nói: “Vậy là con nhìn thấy cái ống bút đó rồi à?”

Lan Huy lắc lắc đầu, vành mắt lại đỏ: “Còn nhìn thấy ống bút đặt trên bàn của cậu cả, thế là lại rờ, kết quả mợ lại khóc toáng lên, mợ nói đó là oan hồn đến tìm cậu con báo thù, còn bảo con đến phật đường lấy tro rửa tay, bảo con mấy ngày này không được ăn thịt.”

Lan Giác nói: “Vậy cái ống bút đó hình dáng ra sao?”

Lan Huy nói: “Là một cái ống bút bằng sứ trắng, không có hoa văn gì cả, nứt rồi, phía trên còn có ấn.”

Lan Giác hỏi: “Chẳng lẽ là một cái ấn hình dáng như chạc cây?”

Lan Huy chu môi gật đầu.

Lan Giác xoa đầu nó nói: “Hiểu rồi, cha con nhất định sẽ điều tra gốc gác lai lịch của con ma này. Con vào phòng đọc sách tiếp đi.”

Lan Huy chớp đôi mắt thỏ nói: “Cha à, con đọc một ngày rồi, con sợ lắm.”

Lan Giác nghiêm mặt nói: “Tại sao cha lại luôn nói với con rằng trên đời này không có thần tiên ma quỷ hả? Quỷ yêu là thứ tà ma, nếu lòng còn không xao động, không tin không nghĩ không nghe không hỏi, nó sẽ không thể đến gần hại con. Hiện giờ con không nghe theo lời dạy bảo, nhiễm phải tà môn ma đạo, đến cậu cả của con cũng sợ, tạm thời cha cũng không cách nào hàng phục được nó, chỉ có trước tượng thánh nhân, đọc sách thánh hiền, dùng chính khí cương trực chống lại, sẽ không bị nhiễm tạp niệm nữa, còn không thì…”

Mặt Lan Huy tái mét, quay người cắm đầu chạy vào thư phòng.

Lan Huy ngủ trong thư phòng một đêm, đến ăn cũng ăn luôn trong đó. Đến ngày thứ hai, Lan Giác bãi triều, tình cờ gặp Vương Nghiên, Vương Nghiên cười ha ha nói: “Nghe nói đại thúc của Lan đại nhân huynh bị oan hồn tìm đến hả.”

Lan Giác bất lực nói: “Đừng nhắc đến chuyện này nữa, đến con của tôi cũng bị doạ đây này, cứ khóc nói là có quỷ. Tôi đang nghĩ nên mua pháp khí gì để dỗ dành nó đây.”

Vương Nghiên cười nói: “Lệnh đại thúc cả đời chưa làm qua chuyện gì trái với lương tâm, xử một vụ án oan cả đời liền quên không được. Theo tôi thấy, hoặc là ngài ấy nghĩ nhiều hoặc là có kẻ giả thần giả quỷ.”

Lan Giác nói: “Sáu năm trước, tôi vẫn còn là tiểu lại trong Trung thư nha môn, chỉ đại khái nghe có một sĩ tử tham gia kỳ thi bị người khác vu oan, triều đình lúc đó không tra xét, phán sai án. Nhưng cũng không rõ sự tình, tôi luôn cảm thấy nghi hoặc, phụ trách án lúc đó đều là những người cẩn trọng kỹ tính, làm sao lại có thể phán sai án kia chứ?”

Vương Nghiên chắp tay thở dài nói: “Ôi, tôi đã xem qua hồ sơ vụ án đó rồi, nếu như là bây giờ thì sẽ không đi vào vết xe đổ đó đâu. Rơi vào tay đám cổ hủ đó, không biết chừng có thể phán sai án. Ban đầu chỉ là một vụ án bình thường, khởi nguồn từ Văn hội quyên tiền làm từ thiện kia.”

Lan Giác gật đầu, vụ Văn hội sáu năm trước không ai là không biết. Năm đó vài quận phía Tây Bắc đại hạn, triều đình nhân kỳ thi diễn ra, chúng văn sĩ tụ tập ở kinh thành bèn liên kết vài đại thương hội do Hộ bộ dẫn đầu, tổ chức một buổi Văn hội nửa công nửa tư, lấy tình hình thiên tai làm đề tài, chiêu mộ thơ văn hoa phú, mỗi người một bài. Chọn ra bài hay nhất, do thương hội tổ chức đấu giá, lấy tiền đó cứu trợ thiên tai.

Đảm nhiệm làm giám khảo là những thân sĩ nổi tiếng đức cao vọng trọng hoặc là văn sĩ tài danh vang xa.

Nếu đứng đầu ở kỳ văn hội này cũng đồng nghĩa có nhiều cơ hội có một chân trên bảng vàng trong kỳ thi năm đó, thậm chí có thể được chọn vào tam giáp. Cho nên các sĩ tử đều chen chúc nhau tham gia.

Cuối cùng, đoạt giải nhất là bài “Mai Phú” của sĩ tử Giang Tây Trần Tử Thương.

Đến ngày hôm sau, một đám thư sinh cùng ký tên kiện cáo nói bài “Mai Phú” của Trần Tử Thương kỳ thực không phải do y làm, mà là của một thư sinh nhà nghèo tên Mã Hồng.

Mã Hồng nói, hắn khổ tâm khổ tứ nhiều ngày, đột nhiên nằm mộng nghĩ được mấy câu đắt giá, liền đêm khuya bật dậy sáng tác ra bài phú này, tâm tàn lực kiệt, bệnh đến nằm giường, lỡ mất thời hạn nộp bài. Không ngờ Trần Tử Thương nhân lúc đến thăm bệnh đã lén lấy bài văn của hắn.

“Do thời gian quá sát sao, không thể đoán được bài phú của ai trước ai sau dựa vào vết mực trên giấy, Hình
bộ và Lễ bộ cùng nhau tra xét cẩn thận hai sĩ tử này. Xử án này là Hình bộ Thượng thư Đậu Phương và lệnh đại thúc đây, tức Liễu Viễn Lễ bộ Thị lang lúc đó.”

Thông qua điều tra, Mã Hồng là sĩ tử được tuyển ra từ Quận Cam Lương, Tây Bắc, gia cảnh nghèo khó, cả nhà chắt chiu từng đồng cho hắn đi học, chăm chỉ mộc mạc, cẩn thận nhã nhặn. Trái lại, Trần Tử Thương gia cảnh giàu có, tổ phụ từng làm qua Tri phủ, cha là cường hào phú quý ở miền Phú Giáp Quận Giang Tây, mẹ y cũng thuộc danh môn khuê các. Trần Tử Thương kiêu căng phóng túng, sau khi đến Kinh Thành, ở trọ trong một hào trạch, ngày ngày uống rượu hát ca, các sĩ tử thân thế đàng hoàng cùng đợt thi đều không qua lại với y, y cũng thường dè bĩu xuất thân của những người nghèo khổ.

Mười mấy sĩ tử cùng ký tên kiện cáo, làm chứng cho Mã Hồng, nói lúc Mã Hồng viết bài phú đã từng nhiều lần thảo luận câu từ với họ, mọi người đều có thể làm chứng, Trần Tử Thương hoàn toàn không giống kẻ có thể viết ra áng văn như thế này.

Hình bộ lại tra các bài văn thơ lúc trước cùng bài thi Châu và Quận của Trần Tử Thương, phát hiện văn của y lúc trước bình thường, so với văn phong trong “Mai Phú” cách biệt rất xa. Bài thi Châu và Quận của y đều có nhiều thiếu sót, sau đó, khi tiếp tục điều tra, lại tra ra khi kỳ thi Châu và Quận diễn ra, cha của Trần Tử Thương đã từng tặng lễ vật hậu hĩnh cho các viên quan chủ khảo.

Vương Nghiên nói: “Vân thái phó hay Thừa tướng năm xưa, y luôn nghi ngờ vụ án này có điểm đáng ngờ, chuyện Trần Tử Thương đạo văn, rõ ràng chứng cứ không đủ, cha hắn tặng lễ cáp cho quan chủ khảo là trái với quy định nhưng chưa chắc là hối lộ, cũng có thể chỉ là cảm ơn, không phải gian lận, còn phải tra hết các bài thi của hai kỳ thi, đối chiếu xong mới kết luận được.”

Lan Giác nói: “Nếu như nghe lời Vân đại nhân thì cũng sẽ không có oan khúc về sau rồi.”

Vương Nghiên cười lạnh nói: “Đúng vậy, nhưng mấy vị xét xử chính năm đó, bao gồm cả lệnh đại thúc, đều nói một kẻ ăn chơi trác táng dựa vào của hối lộ đi thi để đạt công danh làm sao có thể viết ra được bài “Mai Phú” bần hàn ngạo nghễ này, lại nói có người biết, cha của Trần Tử Thương từng sai người gián tiếp đến cửa nhà Vân đại nhân. Tiên đế bèn ra lệnh cho Vân đại nhân không được tham gia vào vụ này nữa.”

Thế là, Lễ hộ huỷ tư cách tham gia kỳ thi của Trần Tử Thương, Trần Tử Thương thân bại danh liệt, người thế gian đều phỉ nhổ y là kẻ trộm văn, Hình bộ ra lệnh Quận Giang Tây điều tra kỹ càng án gian lận của kỳ thi Châu và Quận, cha của Trần Tử Thương bị bắt đến quan phủ thẩm vấn. Thậm chí họ còn tra ra lúc ông nội của Trần Tử Thương làm Tri phủ, đã từng bị nghi ngờ nhận hối lộ. Trần phủ một đêm sụp đổ.

Tất nhiên, danh hiệu văn khôi “Mai Phú” được chuyển sang cho Mã Hồng. Trong Kinh Thành, ai ai cũng vỗ tay vui mừng.

Trần Tử Thương nhảy xuống hồ tự vẫn, trước khi chết còn dùng máu viết đầy trong đình giữa hồ chữ oan.

Lúc đó cha của Trần Tử Thương bị nhốt trong đại lao, mẹ y Trần Bạch thị lên Kinh thu nhặt hài cốt của y, lúc đến Kinh Thành, đã khóc mù cả mắt.

Thi thể Trần Tử Thương rữa nát trong hồ, đã được hoả táng, những người qua lại với y, sợ tình hình lúc bấy giờ, không dám công khai thu lượm hài cốt cho y, chỉ lén lút giữ lại tro cốt của y, giấu trong một ống bút bằng sứ trắng.

Trần Bạch thị đánh trống kêu oan cho con, bị quan phủ xua đuổi, liền đập đầu chết trước cửa Hình bộ nha môn. Cha của Trần Tử Thương ở trong lao trúng gió, chưa bao lâu thì bệnh qua đời.

Lúc này, kết quả đối chiếu bài thi của hai kỳ thi Quận Giang Tây đã có, phát hiện ra trong bài văn của Trần Tử Thương tuy có sai sót, nhưng trong đám thí sinh đồng khoá, quả thật có tư cách có tên trong danh sách thi hội.

Cũng có người chịu không được đã đứng lên làm chứng cho Trần Tử Thương, nói ngày mà Trần Tử Thương đến thăm Mã Hồng, quả thật là sau khi y đã nộp bài “Mai Phú” rồi, hơn nữa chỉ đứng bên ngoài không có vào phòng, để đồ ở nhà chính liền đi về.

Triều đình mở lại vụ án này, chuyển sang cho Thừa tướng Vân Đường chủ thẩm, qua nhiều ngày tra xét, so sánh các loại bằng chứng, phát hiện quả nhiên Trần Tử Thương bị oan.

Mười mấy sĩ tử ban đầu làm chứng cho Mã Hồng đều đã nhận tội, bình thường bọn họ giao hảo rất tốt với Mã Hồng, lại luôn ngứa mắt Trần Tử Thương, cho nên mới đứng ra làm chứng giả.

Bài phú “Mai Phú”, quả thực chính là do Trần Tử Thương viết, y viết bài phú này là bởi vì mẹ của mình.

Trần Tử Thương là con một trong nhà, thuở nhỏ kiêu căng phách lối nhưng lại là đứa con có hiếu. Sau khi mẹ y vào nhà họ Trần, nhiều năm không có thai, chịu biết bao lời chì chiết của mẹ chồng, tỷ muội cũng cười chê bà. Về sau sinh được đứa con trai mới được hưởng những ngày tháng tốt đẹp ở nhà chồng. Trần Tử Thương đọc sách thi công danh, hy vọng có thể để mẹ làm cáo mệnh phu nhân, nở mày nở mặt với chị em trong nhà.

Năm đó lúc Trần Bạch thị bị thoá mạ, đã thiêu đoá hoa mai, bà là tiểu thư danh môn khuê các tất nhiên có chút tài hoa, còn làm qua mấy bài thơ về hoa mai, trong bài “Mai Phú” của Trần Tử Thương có biến đổi vài câu trong thơ của bà.

Sau khi sự thật của vụ án được công bố, hội thi cũng đã qua, Mã Hồng đậu Tiến sĩ, được phong quan hàm. Hình bộ lập tức phán trảm Mã Hồng, đến lúc chết hắn vẫn một mực khẳng định, là Trần Tử Thương ăn cắp văn của hắn.

“Sau khi kết án, uy tín của Vân đại nhân càng tăng lên, Đậu Phương tự vẫn tạ tội, lệnh đại thúc cáo quan, lòng vẫn còn áy náy đến tận hôm nay. Cái gọi là thanh sạch đã thấm đến tận xương cốt, cho nên triều đình mới có cục diện như ngày hôm nay. Kỳ thực đám người Mã Hồng cùng nhau vu oan vốn chỉ là vụ án bình thường mà thôi, trong lịch sử vẫn thường hay gặp, thủ pháp hoàn toàn tầm thường, nhưng chính vì Trần Tử Thương là công tử con nhà giàu có, Mã Hồng lại nghèo khổ, cho nên nhiều người mới cảm thấy, là kẻ giàu có ức hiếp người nghèo khổ. Cộng thêm bình thường Trần Tử Thương không biết cách làm người, những thư sinh nghèo vu oan y rất nhiều. Người ta nói ba người thành hổ, miệng nhiều xói chảy cả vàng, lại biết cách kích động tạo ra cái thế cho mình. Lão bách tính bị kích động không hiểu chuyện đều nói Trần Tử Thương phạm tội, triều đình cũng thuận theo ý dân, nhưng lại phán nhầm án oan.”

Lan Giác hỏi: “Những kẻ tham gia vu oan, sau đó bị xử thế nào?”

Vương Nghiên nói: “Mấy kẻ chủ mưu bị trảm hoặc thích chữ lên mặt, nhưng về sau do rất nhiều người chỉ là thuận theo dòng chảy giậu đổ bìm leo, nên xử khá nhẹ, hoặc cả đời không được có công danh, hoặc nhẹ nữa thì xoá bỏ công danh, cấm không được tham gia thi cử nhiều năm… Triều đình còn lập một đền thờ nơi hồ mà Trần Tử Thương đã tự vẫn, phong hàm cho cha mẹ y, Trần trạch ở Giang Tây cũng được xây lại thành đền thờ. Người đã chết cả, mấy cái này cũng chỉ là làm tượng trưng mà thôi.”

Nói xong chuyện này thì cũng vừa đến Đoan Thuỵ Môn, Lan Giác và Vương Nghiên chắp tay tạm biệt nhau. Y tiến về phía Ti bộ nha môn, sắc trời âm u, phía chân trời khói bụi lơ lửng một đám mây đen, tựa như oan khí quét hoài không tản.

Đến Ti bộ nha môn, thuộc hạ bẩm báo với Lan Giác, Lễ bộ nha môn nhận được một bức thư nặc danh.

Bức thư này đến cũng thật kỳ quái, tối qua Lan Giác rời khỏi Ti bộ cuối cùng, hoàn toàn không nhìn thấy bức thư này, mới sáng hôm nay, thư lại nhìn thấy nó trên khoá cửa trong nội viện.

Giấy viết thư là loại giấy thô bình thường, nét chữ xấu xí, đã bị nhoè đi, viết nghuệch ngoạc rằng:

“Sĩ tử Mã Liêm là văn tặc, đạo văn mạo danh, không có tư cách tham gia thi cử.”

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện