Những ngày nao nức, thời tiết trong sáng, bao la như bầu trời vùng núi theo chân chúng tôi cùng mùa xuân bước vào đất nước Slovania. Khi tôi hỏi cha liệu có đủ thời gian để đến thăm Emona một lần nữa - tôi đã liên kết nơi đó với một giai đoạn trước đây trong cuộc đời mình, một giai đoạn cùng với một mùi hương khác, và với một khởi đầu, như tôi đã nói trước đây, người ta thường cố thăm lại những nơi chốn như vậy - cha đã vội vã trả lời rằng trú lại bên một hồ lớn phía Bắc Emona để cha tham dự hội nghị rồi phải tất bật quay về Amsterdam trước khi tôi bị tụt hậu so với các bạn là đã quá đủ bận rộn rồi. Mặc dù tôi chẳng bao giờ bị tụt lại nhưng khả năng đó làm cha lo lắng.
Khi chúng tôi đến, hồ Bled rất đẹp. Nước đổ vào một thung lũng thuộc dãy Alps này vào cuối Kỷ Băng Hà và tạo ra nó, một nơi chốn định cư cho những người du mục thuở ấy - họ sống trong những căn nhà mái lá chìa ra trên mặt nước bên hồ. Hiện tại, nó như một viên ngọc bích nằm trong tay dãy Alps, mặt nước lóng lánh những gợn sóng bạc trong cơn gió nhẹ cuối chiều. Một vách đá cao hơn những vách xung quanh nhô lên từ một rìa dốc đứng, và trên đó nằm cheo leo một trong những lâu đài tuyệt vời của Slovania, đã được ngành du lịch trùng tu theo một phong cách thẩm mỹ cực kỳ tinh tế. Các lỗ châu mai của lâu đài nhìn xuống một hòn đảo, nơi một kiểu mẫu nhà thờ mái đỏ theo phong cách Áo nổi lên như một chú vịt, tàu thuyền ra vào đảo tấp nập từng giờ. Khách sạn, như thường lệ, bằng sắt thép và kính, kiểu mẫu số năm của ngành du lịch xã hội chủ nghĩa, và vào ngày thứ hai chúng tôi đã thoát khỏi nó để dạo quanh khu vực hạ lưu của hồ. Tôi nói với cha rằng tôi không nghĩ có thể chờ đợi thêm hai mươi bốn giờ nữa mà không được tham quan tòa lâu đài thống trị khung cảnh xa xa mà bữa ăn nào tôi cũng nhìn thấy ấy, và cha tủm tỉm cười. “Nếu con muốn tham quan thì chúng ta sẽ đi,” cha hưởng ứng. Tình trạng giảm bớt căng thẳng mới đây thậm chí còn hứa hẹn nhiều hơn ê kíp công tác của cha hy vọng, và vài nếp nhăn trên trán cha đã dãn bớt ra khi chúng tôi đến đây.
Vì vậy, vào buổi sáng ngày thứ ba, bỏ lại buổi họp ngoại giao chẳng có gì mới, chỉ toàn thảo luận tới lui các đề tài cũ rích của ngày hôm qua, chúng tôi đáp xe buýt chạy quanh bờ hồ, lên đến gần độ cao của tòa lâu đài, sau đó xuống xe để cuốc bộ lên đỉnh. Lâu đài xây dựng bằng loại đá nâu như màu xương để lâu năm, đã được trùng tu lại sau một thời gian dài hoang phế. Khi vượt qua dãy hành lang đầu tiên chúng tôi đến phòng nghi lễ (tôi nghĩ vậy), tôi há hốc kinh ngạc: qua cửa sổ xám xịt, ở bên dưới hơn ba trăm mét là mặt hồ long lanh, trải rộng ra một màu trắng dưới ánh mặt trời. Tòa lâu đài có vẻ như bám vào vách núi chỉ nhờ những trụ đục sâu vào đá. Tôi chợt nghĩ, ngôi giáo đường màu vàng đỏ trên hòn đảo dưới kia, chiếc thuyền đang hồ hởi cập bến giữa những luống hoa nhỏ đỏ đỏ vàng vàng, và cả bầu trời trong xanh mênh mông, tất cả đã cùng phục vụ du khách suốt nhiều thế kỷ qua.
Nhưng tòa lâu đài này, với những phiến đá đã mòn nhẵn từ thế kỷ mười hai, từng góc là những tháp canh hình nón, với rìu chiến, giáo và búa, đang chực chờ đổ sụm xuống nếu có ai chạm vào, chính là linh hồn của vùng hồ này. Những cư dân trước đây sinh sống bên hồ, từ những túp lều mái lá dễ cháy, đã di chuyển lên cao dần, cuối cùng chọn nơi này để định cư cùng lũ đại bàng, dưới quyền cai trị của một lãnh chúa phong kiến. Dù đã được trùng tu rất khéo, nơi chốn này vẫn còn toát ra hơi thở của cuộc sống thuở xa xưa. Tôi quay đi khỏi khung cửa sổ chói chang ánh nắng để sang phòng kế cận và thấy trong một quan tài làm bằng gỗ và thủy tinh là bộ xương của một phụ nữ nhỏ nhắn chết đã lâu, trước khi Thiên Chúa giáo ra đời, chi tiết trang trí bằng đồng của chiếc áo choàng nằm hững hờ trên vùng xương ức vỡ nát, những chiếc nhẫn đồng xanh như chực tuột khỏi xương ngón tay. Lúc tôi cúi xuống cỗ quan tài chăm chú nhìn, đột nhiên từ hai hốc mắt sâu như hai hố địa ngục, dường như người phụ nữ mỉm cười với tôi.
Trên sân thượng tòa lâu đài, trà được phục vụ trong những bình sứ trắng, một sự nhượng bộ dễ chịu của ngành kinh doanh du lịch. Trà ngon, đậm, và lần này thì những cục đường bọc giấy vẫn chưa bị hỏng. Hai bàn tay cha đan chặt vào nhau trên chiếc bàn sắt, các đốt ngón tay lộ ra trắng bệch. Tôi đăm đăm nhìn xuống hồ, rồi rót cho cha một cốc trà nữa. “Cám ơn con,” ông nói. Có một nỗi khổ đau mơ hồ nào đó trong mắt cha. Tôi lại chú ý nhận ra cha tàn tạ và gầy đi rất nhiều trong những ngày này; cha có nên đi khám bệnh chăng? “Nghe này, con gái cưng,” cha nói, hơi quay mặt nhìn sang hướng khác nên tôi chỉ thấy gương mặt nhìn nghiêng của cha trên nền vách đá dựng đứng và hồ nước lấp lánh kia. Cha dừng lại. “Con có nghĩ đến việc viết lại chúng không?”
“Những câu chuyện kia ạ?” tôi hỏi lại. Tim như co thắt lại, đập dồn dập trong lồng ngực.
“Phải.”
“Tại sao?” rốt cuộc tôi cũng đối đáp lại. Đó là câu hỏi của một người đã trưởng thành, không còn quanh co rào đón như trẻ con nữa. Cha nhìn tôi, và tôi nghĩ phía sau vẻ mệt mỏi, trong đôi mắt cha còn đầy ắp lòng nhân ái lẫn nỗi ưu sầu.
“Bởi vì nếu con không viết, có lẽ cha phải viết,” cha trả lời. Sau đó, cha trở lại với cốc trà, và tôi biết cha sẽ không nhắc lại điều đó nữa.
Đêm đó, trong căn phòng khách sạn nhỏ và tồi tàn kế bên phòng cha, tôi bắt đầu viết ra mọi chuyện mà cha đã kể. Cha luôn nói tôi có một trí nhớ tuyệt vời - một trí nhớ tốt hơn mức
cần thiết, đó là cách cha thường nói.
Trong bữa điểm tâm sáng hôm sau, cha nói với tôi ông cần được ở yên hai hoặc ba ngày. Thật khó hình dung ra cảnh cha thực sự ở yên, nhưng tôi đã thấy những quầng thâm dưới mắt ông nên tôi thích cái ý nghĩ rằng ông cần được nghỉ ngơi. Tôi không thể không cảm nhận thấy có điều gì đó đã xảy ra với ông, thấy cha đang phải chịu gánh nặng của một nỗi lo âu câm lặng mới nào đó. Nhưng cha chỉ bảo với tôi cha lại nhớ những bãi biển vùng Adriatic. Chúng tôi đáp một chuyến tàu tốc hành chạy về hướng Nam, qua những nhà ga có tên viết bằng mẫu tự Latin lẫn Cyrillic, rồi sau đó là những nhà ga có tên viết chỉ bằng chữ Cyrillic. Cha dạy tôi bảng chữ cái mới đó, và tôi tự tiêu khiển bằng cách cố đọc to chữ trên bảng hiệu nhà ga, đối với tôi, mỗi ký hiệu kia như những từ mật mã có thể mở ra một cánh cửa bí mật nào đó.
Tôi giải thích điều đó với cha, ông khẽ mỉm cười, ngả người về phía sau trong ngăn cút-sét của chúng tôi, một cuốn sách dựng trên cặp xách. Ánh mắt cha lang thang từ cuốn sách đến cửa sổ, qua đó tôi có thể nhìn thấy những chàng trai trẻ đang lái máy cày, đôi khi là một chú ngựa đang kéo một thùng xe chở đầy thứ gì đó, những phụ nữ lớn tuổi trong các khu vườn kế cận nhà bếp đang lom khom vừa nhổ cỏ vừa huyên thuyên chuyện trò. Chúng tôi lại đi về phương Nam, và khi đoàn tàu lướt nhanh qua, vùng đất này dịu đi trong sắc xanh mượt mà và vàng óng ả, chợt dựng đứng lên thành những ngọn núi đá xám, rồi hạ thấp xuống thành một mặt biển lung linh bên tay trái chúng tôi. Cha thở một hơi dài, nhưng là tiếng thở hài lòng chứ không phải là hơi hổn hển mệt mỏi ngày một thường xuyên hơn của cha gần đây.
Chúng tôi rời tàu hỏa, xuống một thị trấn phố chợ nhộn nhịp, cha thuê một chiếc xe và lái theo con đường dọc bờ biển khúc khuỷu rắc rối. Cả cha và tôi đều nghển cổ lên nhìn về một bên - biển trải rộng đến tận chân trời mù sương lúc xế chiều - và bên kia, nắm xương tàn phế tích của những pháo đài từ thời đế chế Ottoman vút cao lên bầu trời. “Người Thổ chiếm giữ mảnh đất này một thời gian dài, rất dài,” cha thì thầm. “Những cuộc xâm lăng của họ kéo theo đủ thứ tội ác, nhưng họ cai trị khá khoan dung, đế quốc nào cũng vậy, khi họ đã hoàn toàn chiến thắng - thái bình thịnh trị suốt cả hàng trăm năm. Đây là vùng đất rất cằn cỗi, nhưng nó cho phép họ kiểm soát mặt biển. Họ cần những vịnh và hải cảng này.”
Thị trấn chúng tôi dừng lại nằm ngay sát biển; những chiếc tàu đánh cá đỗ san sát trong bờ cảng nhỏ, va vào nhau theo từng cơn sóng vỗ. Cha muốn ở lại trên một hòn đảo gần đó, ông thuê một chiếc tàu với chỉ một cái ngoắc tay với người chủ tàu, một ông lão với chiếc mũ nồi đội ngược trên đầu. Không khí ấm áp dù đã cuối buổi chiều, bụi nước bắn lên đầu ngón tay tôi mát mẻ chứ không lạnh. Tôi chồm ra ngoài mũi tàu, cảm giác như mình là một hình chạm khắc ở đầu mũi tàu. “Cẩn thận,” cha thốt lên, đưa tay túm lưng áo tôi.
Lúc này, ông lão chủ tàu đã đưa chúng tôi đến một cầu cảng trên đảo, một ngôi làng cũ kỹ với ngôi nhà thờ bằng đá xinh đẹp. Ông lão quàng sợi dây thừng quanh cột móng neo rồi chìa bàn tay xương xẩu ra giúp tôi lên khỏi thuyền. Cha trả cho ông ta một số tiền giấy nhiều màu sắc của nước sở tại, ông lão đưa tay sờ chiếc mũ nồi. Khi đã leo trở lại về chỗ ngồi của mình, ông chủ tàu quay lại. “Con gái ông à?” ông ta thốt lên bằng tiếng Anh. “Con gái ông?”
“Vâng,” cha trả lời, vẻ ngạc nhiên.
“Chúa phù hộ cô bé,” ông ta chỉ nói vậy và hướng về tôi, làm dấu thánh giá giữa khoảng không.
Cha tìm được cho chúng tôi hai căn phòng nhìn về hướng đất liền, chúng tôi ăn tối tại một nhà hàng ngoài trời, gần bến tàu. Ánh hoàng hôn đang dần buông xuống, tôi chú ý thấy những ngôi sao đầu tiên đã hiện lên phía trên mặt biển. Một cơn gió nhẹ, giờ đã lạnh hơn lúc ban chiều, mang tới chỗ tôi những mùi hương mà tôi bắt đầu yêu thích: bách tùng, oải hương, hương thảo, xạ hương. “Vì sao những mùi thơm bao giờ cũng nồng nàn hơn lúc đêm về?” tôi hỏi cha. Đó là một điều tôi thực sự băn khoăn, và nó cũng giúp trì hoãn việc chúng tôi bàn luận về bất kỳ chủ đề nào khác. Tôi cần thời gian để tìm lại một nơi nào đó có ánh đèn và có người chuyện trò với nhau, hoặc ít nhất cũng cần rời mắt khỏi đôi tay cha đang run rẩy.
“Thật vậy sao?” cha hỏi, vẻ lơ đãng, nhưng tôi cảm thấy khuây khỏa. Tôi nắm chặt để giữ cho tay cha khỏi run, cha cũng nắm chặt tay lại, vẫn lơ đãng, tay cha đặt trên tay tôi. Cha hãy còn quá ít tuổi để bỗng trở nên già cỗi. Trên đất liền, bóng những ngọn núi gần như nhảy múa lao vào sóng nước, sừng sững bao phủ bãi biển, sừng sững bao phủ hầu như cả hòn đảo này. Khi nội chiến bùng nổ ở vùng núi non ven biển này gần hai mươi năm sau, tôi đã nhắm mắt hồi tưởng lại chúng mà kinh ngạc. Tôi không thể tưởng tượng trên những sườn núi kia lại có đủ người để cung cấp cho một cuộc chiến. Chúng có vẻ như hoàn toàn tinh khôi, không có người ở, chỉ toàn những phế tích trống rỗng đứng canh chừng thứ duy nhất là nhà thờ đá trên đảo ấy mà thôi.