Truy Tìm Dracula

Chương 67


trước sau

“Cha bực mình khi Ranov rất miễn cưỡng đưa chúng ta đến Rila, nhưng khi gã tỏ vẻ nhiệt tình đưa chúng ta đến Bachkovo thì cha còn thấy bực hơn. Trong suốt chuyến đi, gã chỉ trỏ đủ loại cảnh đẹp này nọ, nhiều thắng cảnh thật sự thú vị, bất chấp những lời bình luận lung tung của gã. Helen và cha cố không nhìn nhau, nhưng cha chắc chắn cô cũng chung một nỗi lo như cha. Giờ thì chúng ta lại có thêm József để mà lo lắng. Con đường từ Plovdiv hẹp hẳn lại, quanh co giữa một bên là một dòng suối lởm chởm đá còn bên kia là những vách đá dựng đứng. Chúng ta lại đang tiến dần vào vùng núi non - ở Bungari, người ta không thể nào xa cách những ngọn núi được. Cha nói với Helen nhận xét đó, cô đang nhìn đăm đăm ra ngoài cửa xe đối diện ở ghế sau, và cô gật đầu. ‘Balkan trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là núi.’ ”

“Tu viện không có đường vào rộng rãi - xe chúng ta tấp vào một bãi đất bụi mù, từ đó đi bộ một quãng ngắn đến cổng tu viện. Bachkovski manastir nằm giữa vùng đồi cao, cằn cỗi, một phần là rừng một phần là đá, gần một dòng sông nhỏ; quang cảnh khô cằn dù mới chỉ đầu hè, nên cha dễ dàng hình dung các tu sĩ ở đây quý trọng nguồn nước gần đó như thế nào. Tường ngoài xây bằng đá nâu xám cùng màu với những ngọn đồi xung quanh. Các mái vòm lợp ngói đỏ có rãnh giống căn nhà cũ kỹ của Stoichev và hàng trăm nhà ở và nhà thờ khác chúng ta nhìn thấy dọc đường. Cổng vào tu viện là một lối đi rộng dài có vòm mái, tối thui như một cái hang trong lòng đất. ‘Chúng ta cứ thế bước vào thôi à?’ cha hỏi Ranov.

“Gã lắc đầu, ý là đúng thế, vậy là chúng ta bước vào bóng tối mát lạnh của cái cổng tò vò kia. Phải mất một lúc dò dẫm bước đi chúng ta mới lọt vào khoảnh sân trong ngập nắng, và suốt những giây phút ở bên trong bức tường dài hun hút của tu viện, cha không nghe thấy gì khác ngoài tiếng bước chân của chính chúng ta.

“Có lẽ cha đã mong nhìn thấy một khoảng không gian rộng lớn như ở Rila; nhưng sự cách biệt và vẻ đẹp của sân chính tu viện Bachkovo đã làm cha bật lên một tiếng xuýt xoa, và Helen cũng trầm trồ gì đó. Nhà thờ của tu viện với những ngọn tháp góc cạnh màu đỏ theo phong cách Byzantine chiếm khá nhiều diện tích của sân trong. Ở đây không có những mái vòm bằng vàng, chỉ có vẻ thanh nhã cổ kính - những vật liệu đơn sơ nhất được sắp đặt thành những hình thể hài hòa, cân đối. Dây leo bò quanh các ngọn tháp; đám cây cối cũng áp sát vào nhà thờ; một cây bách đứng sừng sững như một tháp chuông. Ba tu sĩ mặc áo chùng và mũ trùm đen đứng trò chuyện bên ngoài nhà thờ. Một cơn gió nhẹ lướt qua làm lay động những cành lá của hàng cây đang đổ bóng râm rải rác trên khoảnh sân rực nắng. Cha ngạc nhiên khi thấy lũ gà chạy khắp nơi, cào bới mặt sân lát đá cũ kỹ, và một con mèo vằn đang đuổi theo cái gì đó ở khe nứt tường.

“Giống như ở Rila, phía trong tu viện là những hành lang dài có ban công, xây bằng gỗ và đá. Bức tường đá phía dưới vài hành lang, giống như cổng nhà thờ, phủ đầy những bức bích họa đã phai màu. Không còn ai hay cái gì trong tầm mắt ngoài ba vị tu sĩ, lũ gà và con mèo. Chỉ có chúng ta đơn độc ở đó, lẻ loi giữa một không gian đậm màu sắc Byzantine.

“Ranov bước đến bắt chuyện với các tu sĩ, Helen và cha nán lại phía sau một chút. Một lát sau gã quay trở lại. ‘Tu viện trưởng đi vắng, nhưng ông thủ thư ở đây và có thể giúp chúng ta.’ Cha không nói gì dù chẳng thích cái cách gã xưng chúng ta chút nào. ‘Các bạn có thể tham quan nhà thờ trong lúc tôi đi tìm ông ta.’

“ ‘Chúng tôi sẽ cùng đi với anh,’ Helen nói, giọng quả quyết, và cả ba người chúng ta đi theo một tu sĩ vào dãy hành lang. Người thủ thư đang làm việc trong một phòng ở tầng trệt; ông ta đứng dậy chào khi chúng ta bước vào. Căn phòng trống trải, không có gì ngoài một lò sưởi bằng sắt và tấm thảm màu sáng trên nền nhà. Cha thầm hỏi sách vở và các loại bản thảo để ở đâu. Ngoại trừ một vài cuốn sách trên cái bàn gỗ, cha chẳng nhìn thấy ở đây dấu hiệu gì của một thư viện.

“ ‘Đây là Sư huynh Ivan,’ Ranov giới thiệu. Ông thầy tu nghiêng người chào nhưng không đưa tay để bắt tay chúng ta; thực ra, hai bàn tay ông ta khoanh trước ngực và nằm khuất trong cánh tay áo dài thậm thượt. Cha chợt nhận ra ông ta không muốn chạm vào Helen. Chắc hẳn Helen cũng có ý nghĩ như vậy, vì cô lùi lại và hầu như đứng khuất sau lưng cha. Ranov trao đổi với ông ta vài lời. ‘Sư huynh Ivan mời các bạn ngồi.’ Chúng ta ngoan ngoãn ngồi xuống. Khuôn mặt dài, nghiêm nghị và rậm rịt râu của Ivan chăm chú quan sát chúng ta một lúc. ‘Các bạn có thể hỏi han ông ta,’ Ranov nói, giọng khuyến khích.

“Cha hắng giọng. Không còn cách nào khác; chúng ta sắp phải hỏi han này nọ trước mặt Ranov. Cha sẽ phải cố gắng nêu ra những câu hỏi có vẻ như chỉ liên quan đến học thuật. ‘Anh vui lòng hỏi hộ chúng tôi liệu ông ấy có biết gì về những người hành hương đến đây từ xứ Wallachia không?’

“Ranov dịch câu hỏi cho ông thầy tu, mặt ông ta sáng lên ngay lúc nghe cái từ Wallachia. ‘Ông ấy nói tu viện này đã có mối liên hệ mật thiết với xứ Wallachia vào cuối thế kỷ mười lăm.’

“Tim cha bắt đầu đập rộn lên, dù cha vẫn cố gắng ngồi yên. ‘Vậy à? Mối liên hệ gì vậy?’

“Họ lại trao đổi thêm một lúc, Sư huynh Ivan khoát tay về hướng cửa. Ranov gật đầu. ‘Ông ấy nói khoảng thời gian đó, các ông hoàng xứ Wallachia và Moldova đã tài trợ cho tu viện này rất nhiều. Thư viện ở đây còn lưu lại những bản thảo kể về sự ủng hộ đó.’

“ ‘Ông ấy có biết nguyên cớ vì sao các ông hoàng kia lại làm như vậy hay không?’ Helen hỏi khẽ.

“Ranov lại hỏi ông thầy tu. ‘Không,’ gã quay lại chúng ta. ‘Ông ấy chỉ biết các bản viết tay này ghi chép về sự giúp đỡ đó.’

“ ‘Xin hãy hỏi ông ấy,’ cha tiếp tục, ‘liệu ông ấy có biết một nhóm người hành hương nào từ Wallachia đến đây vào Phoảng thời gian đó.’

“Sư huynh Ivan giờ mới thực sự nở nụ cười. ‘Có,’ Ranov dịch lại. ‘Rất nhiều. Đây là một điểm dừng chân quan trọng trong lộ trình hành hương từ Wallachia. Từ đây, nhiều người hành hương đi tiếp đến Athos hoặc Constantinople.’

“Có thể cha đã nghiến răng. ‘Nhưng một nhóm người hành hương đặc biệt từ Wallachia, mang theo một… một loại thánh tích, hoặc tìm Piếm một thánh tích nào đó, liệu ông ta có biết chuyện nào như vậy không?’

“Có vẻ như Ranov đang cố kìm lại một nụ cười đắc thắng. ‘Không,’ gã trả lời. ‘Ông ấy chẳng thấy ghi chép nào về những người hành hương như vậy. Có rất nhiều nhóm hành hương trong suốt thế kỷ đó. Bachkovski manastir thời ấy có vai trò rất quan trọng. Khi đế chế Ottoman xâm chiếm đất nước này, giáo trưởng Bungari đã bị đẩy ra khỏi phòng làm việc ở Veliko Trnovo và lưu đày đến đây. Ông ta mất năm 1404 và được chôn cất ở đây. Khu vực lâu đời nhất của tu viện và cũng là khu vực duy nhất giữ được nguyên sơ như lúc ban đầu là khu chứa hài cốt.’

“Helen lại lên tiếng. ‘Anh làm ơn hỏi xem ông ấy có biết một tu sĩ ở đây từng có tên là Pondev không?’

“Ranov chuyển tiếp câu hỏi, Ivan có vẻ như bối rối, rồi cảnh giác. ‘Ông ta nói chắc hẳn đó là Sư huynh già Angel. Ông ấy vốn tên là Vasil Pondev, và là một nhà sử học. Nhưng hiện nay ông ta không còn… minh mẫn nữa. Các bạn sẽ chẳng biết được gì khi nói chuyện với ông ấy đâu. Hiện nay cha tu viện trưởng là học giả uyên thâm nhất ở đây, nhưng đáng tiếc lúc các bạn đến thì ông ấy lại đi vắng.’

“ ‘Chúng tôi vẫn mong được nói chuyện với Sư huynh Angel,’ cha nói với Ranov. Và mong ước ấy cũng được thu xếp, dù có Pèm theo vẻ cau có của ông thủ thư, ông ta dẫn chúng ta trở ra khoảnh sân rực nắng và bước vào một lối đi có mái vòm thứ hai. Lối đi này lại dẫn đến một khoảnh sân khác mà ngay chính giữa là một tòa nhà rất cũ kỹ. Khoảnh sân này không được chăm sóc kỹ lưỡng bằng mảnh sân thứ nhất, các công trình và mặt sân lát đá có vẻ như bị bỏ hoang phế và đang trong quá trình đổ nát. Dưới chân mọc đầy cỏ dại, và cha để ý thấy trên góc mái nhà còn mọc lên một cái cây; nếu người ta cứ để nguyên như vậy, sẽ có lúc cái cây kia đủ lớn để phá hủy nguyên cả góc tòa nhà đó. Cha có thể dễ dàng hình dung việc tu tạo lại ngôi nhà của Chúa này không phải là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Bungari. Họ đã có Rila với một lịch sử ‘thuần túy’ Bungari và liên quan đến sự nổi dậy chống lại đế chế Ottoman để mà trưng bày với thiên hạ rồi. Dù đẹp đẽ nhưng chốn cổ kính này lại có nguồn gốc từ thời Byzantine, cũng là một kẻ xâm lược, một kẻ chiếm đóng như đế chế Ottoman sau này, rồi sau đó nó lại thuộc về Armenia, Georgia, Hy Lạp - hình như chúng ta còn nghe nói nơi này, không như các tu viện Bungari khác, giữ được sự độc lập dưới thời đế chế Ottoman thì phải? Vậy nên cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên khi chính quyền để cho cây cối mọc cả trên mái tu viện.

“Ông thủ thư đưa chúng ta vào một phòng nằm trong góc. ‘Bệnh xá,’ Ranov giải thích. Cái thái độ hợp tác này của Ranov càng lúc càng làm cha lo lắng. Ông thủ thư mở một cánh cửa gỗ ọp ẹp, bên trong là một cảnh tượng não lòng mà cha thực sự chẳng muốn nhớ lại chút nào. Trong phòng là hai ông thầy tu già lọm khọm. Căn phòng chỉ được trang bị hai giường xếp, một ghế gỗ và một lò sưởi bằng sắt mà chắc hẳn Phông đủ để chống chọi với cái lạnh buốt người của mùa đông vùng núi. Nền phòng bằng đá, tường quét vôi trắng, trống trơn ngoại trừ một bàn thờ trong góc: một ngọn đèn treo, một giá chạm khắc công phu, một bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh đã xỉn màu.

“Một trong hai ông lão đang nằm trên giường và thậm chí không thèm liếc mắt khi chúng ta bước vào. Sau một lúc, cha nhận ra đôi mắt ông lão nhắm tịt, đỏ tấy và sưng húp, thỉnh thoảng ông ta xoay cái cằm tuồng như cố gắng nhìn mọi vật bằng cái cằm đó. Ông ta trùm gần kín người bằng một tấm mền trắng, một tay lần mò mép giường, tựa như để tìm kiếm giới hạn của không gian trên giường, cái điểm mà ông có thể bị rơi xuống nếu bất cẩn, trong lúc tay kia sờ soạng lớp da thịt lùng nhùng trên cổ.

“Cư dân năng động hơn của căn phòng ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế độc nhất,
một cây ba toong dựa vào bức tường cạnh ông ta, như thể từ chiếc giường đến chỗ ngồi kia là một hành trình dài đằng đẵng. Ông lão mặc áo chùng đen, bụng lồi ra dưới lớp áo không có thắt lưng. Đôi mắt mở thao láo, xanh kỳ lạ, phóng ra một tia nhìn cảnh giác khi chúng ta bước vào. Râu tóc ông ta bờm xờm như cỏ dại trắng phau, nhưng ông ta để đầu trần. Chính cái đầu trần trong một thế giới mà tất cả tu sĩ thường xuyên trùm kín đầu trong những chiếc mũ cao màu đen khiến ông ta trông càng ốm yếu và dị thường hơn. Ông thầy tu đầu trần này có thể là minh họa cho một vị tiên tri trong cuốn Kinh Thánh của thế kỷ mười chín, chỉ có điều vẻ mặt ông ta chẳng hư ảo chút nào. Ông ta nhăn mũi lại tựa như chúng ta bốc mùi khó ngửi, mép miệng nhếch lên nhếch xuống, đôi mắt lúc nheo lại lúc mở to. Cha không thể xác định liệu ông ta trông như đang sợ hãi, đang giễu cợt, hay đang thích thú ranh mãnh, bởi vẻ mặt ông ta thay đổi liên tục. Cả thân thể và đôi tay ông ta im lìm trong chiếc ghế tồi tàn, tuồng như tất cả các cử động của chúng đều dồn hết vào gương mặt nhăn nheo. Cha ngoảnh nhìn đi nơi khác.

“Ranov nói chuyện với ông thủ thư, ông này đang chỉ trỏ quanh phòng. ‘Ông lão ngồi trên ghế là Pondev,’ Ranov nói. ‘Ông thủ thư báo trước là chúng ta sẽ chẳng nghe được mấy lời tỉnh táo của ông lão đâu.’ Ranov thận trọng đến gần, tuồng như gã nghĩ ông thầy tu già Angel này có thể cắn mình, rồi săm soi mặt ông lão. Sư huynh Angel - Pondev - xoay đầu nhìn gã, cử chỉ không khác gì một con thú trong chuồng ở vườn thú. Có vẻ như Ranov đang thử giới thiệu, và một lát sau đôi mắt xanh kỳ lạ của Sư huynh Angel lướt đến mặt chúng ta. Gương mặt ông ta nhăn nheo và co rúm lại. Rồi ông ta lên tiếng, những lời nói ào ạt tuôn ra, nối tiếp bởi tiếng gầm gừ, tiếng nghiến răng ken két. Ông ta đưa một tay lên cao, làm dấu trông như một nửa dấu thánh, nhưng cũng có thể là cố gắng không cho chúng ta đến gần.

“ ‘Ông ấy nói gì vậy?’ cha hỏi nhỏ Ranov.

“ ‘Chẳng có ý nghĩa gì cả,’ Ranov trả lời, vẻ thích thú. ‘Tôi chưa bao giờ nghe cái gì giống như vậy. Có vẻ như vừa giống kinh cầu nguyện - một thứ mê tín trong nghi lễ của bọn họ - vừa như nói về hệ thống xe điện ở Sofia.’

“ ‘Anh thử hỏi ông ấy một câu xem? Bảo ông ấy chúng tôi cũng là sử gia giống ông ấy, và chúng tôi muốn biết liệu có hay không một nhóm người hành hương từ Wallachia đến đây qua ngả Constantinople vào cuối thế kỷ mười lăm, mang theo một thánh tích.’

“Ranov nhún vai nhưng cũng cố gắng thử, và ông thầy tu Angel lắc đầu, đáp lại bằng một chuỗi âm thanh. Cái lắc đầu ấy nghĩa là có hay không? ‘Càng tào lao hơn,’ Ranov nhận xét. ‘Lần này có vẻ như gì đó về cuộc xâm lăng Constantinople của bọn Thổ, như vậy ít nhất ông ta cũng còn hiểu được chút ít.’

“Đột nhiên, đôi mắt ông lão sáng lên, tựa như đến giờ cái tâm điểm sáng như pha lê của đôi mắt mới thực sự nhận ra chúng ta. Giữa dòng âm thanh lạ lẫm mà ông ta tuôn ra - phải chăng là ngôn ngữ? - cha nghe được rõ ràng cái tên Atanas Angelov.

“ ‘Angelov!’ cha kêu lên, nói trực tiếp với ông thầy tu già. ‘Ông biết Atanas Angelov chứ? Ông nhớ đã cùng làm việc với ông ấy chứ?’

“Ranov cẩn thận lắng nghe. ‘Phần lớn vẫn vô nghĩa, nhưng tôi sẽ cố dịch lại những gì ông ta nói. Nghe cho kỹ nhé.’ Gã bắt đầu dịch, nhanh và bình thản; dù rất ghét gã cha vẫn phải nể phục khả năng của gã. ‘ “Tôi đã làm việc với Atanas Angelov. Nhiều năm trước, có lẽ hàng thế kỷ rồi. Ông ấy là một kẻ điên. Tắt cái đèn đằng kia đi… nó làm cái chân tôi đau quá. Ông ấy muốn biết tất cả mọi điều trong quá khứ, nhưng quá khứ đâu có muốn người ta biết nàng. Nàng cứ nói không không không. Nàng cứ nhảy dựng lên và làm tổn thương người ta. Tôi muốn lấy số mười một, nhưng nó đâu còn đi đến khu nhà của chúng tôi nữa. Dù sao chăng nữa, đồng chí Dimitrov đã xóa bỏ khoản tiền lương mà chúng tôi sắp nhận, vì lợi ích của nhân dân. Nhân dân tốt đẹp.” ’

“Ranov dừng lại lấy hơi, chắc gã phải bỏ lỡ vài điều trong lúc nghỉ như vậy, vì ông thầy tu già vẫn tiếp tục tuôn ra một tràng. Phần thân thể từ cổ ông lão trở xuống vẫn bất động trong chiếc ghế dựa, nhưng cái đầu cứ lúc lắc và gương mặt rúm ró lại. ‘ “Angelov phát hiện ra một nơi nguy hiểm, một nơi tên là Sveti Georgi, ông ấy nghe có tiếng hát. Đó là nơi người ta chôn một vị thánh và nhảy múa trên nấm mồ ngài. Tôi có thể mời các bạn uống cà phê, nhưng chỉ là lúa mì xay, lúa mì và đất. Thậm chí chúng tôi chẳng có chút bánh mì nào cả.” ’

“Cha quỳ xuống cầm tay ông thầy tu già, dù Helen có vẻ như muốn ngăn cha lại. Bàn tay ông ta mềm oặt như một con cá chết, trắng nhợt và phù nề, móng tay vàng ệch và dài kỳ quặc. ‘Sveti Georgi nằm ở đâu?’ cha khẩn khoản. Cha cảm thấy như chỉ một phút nữa thôi là mình có thể bật khóc ngay trước mặt Ranov, Helen và hai sinh vật đang khô héo trong cái nhà tù này.

“Ranov cúi xuống bên cha, cố dõi theo ánh mắt đờ đẫn của ông thầy tu. ‘K’de e Sveti Georgi?’(1)_ Nhưng ánh mắt đăm đăm của Sư huynh Angel đã lại chìm vào một thế giới xa xăm. ‘ “Angelov đến Athos và thấy cuốn typikon, ông ta vào vùng núi và phát hiện ra cái chốn kinh khủng kia. Tôi mang số mười một đến căn hộ của ông ấy. Ông ấy bảo, Đến đây nhanh lên, tôi đã tìm ra một cái gì đó rồi. Tôi sẽ quay trở lại nơi đó để đào bới cái quá khứ kia lên.’ Tôi sẽ mời các bạn cà phê, nhưng nó chỉ là đất cát. Ôi, ôi, ông ấy chết trong phòng mình, nhưng xác ông ấy không còn ở nhà xác.” ’ Sư huynh Angel chợt bật cười, nụ cười làm cha giật mình thối lui. Lợi ông ta lởm chởm và chỉ còn trơ lại hai chiếc răng. Hơi thở phả ra từ miệng ông ta có thể làm ma quỷ cũng phải bỏ chạy. Ông ta bắt đầu cất tiếng hát, giọng the thé run run.

Con rồng xuống thung lũng chúng ta.

Đốt cháy mùa màng rồi bắt các thôn nữ.

Làm kinh sợ bọn Thổ vô đạo và bảo vệ làng mạc.

Chúng ta băng qua những dòng sông đã khô cạn vì hơi thở Rồng.

“Khi Ranov dịch xong, Sư huynh Ivan, người thủ thư, hào hứng lên tiếng. Tay ông ta vẫn giấu trong ống tay áo, nhưng gương mặt sáng lên lộ vẻ thích thú. ‘Ông ta nói gì?’ cha hỏi ngay.

“Ranov lắc đầu. ‘Ông ta nói đã từng nghe bài hát này rồi. Ông ta sưu tập bài hát từ một bà lão ở làng Dimovo, Baba Yanka, một ca sĩ tuyệt vời ở đó, nơi có dòng sông đã khô cạn từ lâu. Dân làng ấy có vài ngày hội hè, đó là dịp để người ta hát những bài ca cổ xưa, và Baba Yanka là người lĩnh xướng. Hai ngày nữa là một trong các ngày hội đó, ngày lễ Thánh Petko, và có lẽ các bạn sẽ muốn nghe bà ta hát.’

“ ‘Lại dân ca,’ cha rền rĩ. ‘Làm ơn hỏi ông Pondev - Sư huynh Angel - liệu ông ta có biết ý nghĩa bài hát đó không.’

“Ranov lặp lại câu hỏi với sự kiên nhẫn đáng ngạc nhiên, nhưng Sư huynh Ivan chỉ ngồi nhăn nhó rúm ró lại, lặng yên không nói gì. Một lúc sau, sự yên lặng làm cha nổi cáu. ‘Hỏi xem ông ta có biết gì về Vlad Dracula hay không!’ cha hét lên. ‘Vlad Ţepeş ấy! Có phải hắn được chôn cất ở vùng này không? Ông ta từng nghe nói đến cái tên đó chưa? Cái tên Dracula ấy?’ Helen dằn cánh tay cha lại, nhưng lúc đó cha đã mất tự chủ. Ông thủ thư nhìn cha chằm chằm, dù có vẻ như không cảm thấy kinh sợ gì, và nếu bận tâm để ý kỹ hơn thì hẳn cha sẽ thấy Ranov nhìn mình bằng một ánh mắt có thể gọi là thương hại.

“Nhưng tác động đối với Pondev thật kinh hoàng. Mặt ông ta bỗng tái nhợt, mắt trợn ngược giống như những viên bi xanh biếc. Sư huynh Ivan lao đến đỡ lấy Pondev trước khi ông lão sụm nhào khỏi ghế, rồi loay loay cùng Ranov đưa ông ta lên giường. Pondev trông như một đống thịt thảm hại, bàn chân trắng phù nề chòi ra khỏi bộ quần áo ngủ, đôi tay lòng thòng quanh cổ Ivan và Ranov. Khi đã đặt Pondev nằm yên vị, ông thủ thư lấy một bình nước và vẩy vài giọt lên mặt ông lão khốn khổ. Cha đứng lặng câm trong nỗi kinh hoàng, cha đâu có ý gây ra nỗi đau đớn như vậy, và có lẽ giờ đây cha đã giết chết một trong những nguồn tin duy nhất còn lại của chúng ta. Sau khoảnh khắc tưởng chừng như bất tận đó, Sư huynh Angel bắt đầu cựa quậy và mở mắt, nhưng lúc này đó là đôi mắt hoang dại, đầy cảnh giác của một con thú bị săn đuổi, khiếp sợ đảo quanh phòng tựa như hoàn toàn không nhìn thấy chúng ta. Ông thủ thư vỗ nhẹ lên ngực Pondev và cố xoay trở để ông lão nằm ở tư thế thoải mái hơn, nhưng ông thầy tu già gạt tay Ivan ra, tiếp tục run rẩy. ‘Để ông ấy yên,’ Ranov nói, vẻ ủ rũ. ‘Ít ra thì ông ta sẽ không chết… vì chuyện này đâu.’ Theo chân ông thủ thư ra khỏi căn phòng, tất cả chúng ta đều im lặng và day dứt.

“ ‘Tôi xin lỗi,’ cha lên tiếng khi chúng ta đứng giữa sân, trong ánh nắng rực rỡ làm yên lòng trở lại.

“Helen quay qua Ranov. ‘Anh làm ơn hỏi ông thủ thư xem ông ta có biết gì thêm về bài hát đó, hoặc nó xuất phát từ thung lũng nào hay không?’

“Ranov và Ivan lại trao đổi với nhau, ông thủ thư liếc nhìn chúng ta. ‘Ông ta nói bài hát đó xuất phát từ Krasna Polyana, thung lũng nằm ở sườn bên kia dãy núi này, về hướng Đông Bắc. Các bạn có thể đi cùng với ông ấy hai ngày nữa vào dịp lễ thánh, nếu các bạn muốn ở lại đây. Bà ca sĩ già kia có thể biết gì đó về bài hát - ít nhất bà ta cũng có thể cho các bạn biết bà ta đã học được nó ở đâu.’

“ ‘Em nghĩ liệu việc đó có ích lợi gì không?’ cha thì thầm hỏi Helen.

“Cô nhìn cha bằng ánh mắt buồn bã. ‘Em cũng chẳng biết, nhưng đó là tất cả những gì chúng ta có. Chúng ta nên bám theo bài hát đó, bởi nó đề cập đến một con rồng. Trong thời gian chờ đợi, chúng ta có thể thăm thú Bachkovo kỹ lưỡng hơn, và có lẽ sẽ sử dụng thư viện nếu ông thủ thư sẵn sàng giúp chúng ta.’

“Cha mệt mỏi ngồi xuống một chiếc ghế đá dài bên rìa dãy hành lang. ‘Đành vậy thôi,’ cha nói.”

Chú thích:

1. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "Sveti Georgi ở đâu?"

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện