Nhóm người Hứa Định Kiên đi đến khu nhà Hứa Huân.
Khu dân cư cũ kỹ vẫn náo nhiệt như mọi hôm, người đến người đi thỉnh thoảng quay đầu nhìn họ với ánh mắt khác thường.
Trịnh Thanh Mây dẫn đường cho họ đi gần hết con hẻm nhưng mãi vẫn không thấy Hứa Huân đâu.
Thấy một bà lão mua ve chai gần đó, cô ghé lại hỏi thăm: “Cháu chào bà, bà có biết nhà bạn Hứa Huân không ạ?”
Bà lão nghĩ ngợi hồi lâu mới chậm chạp nhớ ra: “À, ý cháu là cháu ngoại Phượng Minh?”
Bốn người rối rắm nhìn nhau, vài giây sau Trịnh Thanh Mây gật đầu: “Đúng vậy ạ, bà có biết bạn ấy ở đâu không?”
Bà lão thở dài: “Phượng Minh đúng là số khổ, bà ta tốt bụng như vậy ai mà ngờ…”
Hứa Định Kiên nhận ra đối phương ngày càng lạc đề liền chen ngang mạch suy nghĩ của bà: “Thưa bà, bà có biết bây giờ Hứa Huân đi đâu không? Bọn cháu có việc gấp cần tìm cậu ấy.”
Bà ấy vỗ đầu tự trách: “Ta quên! Đêm qua bệnh tình Phượng Minh chuyển xấu, thằng bé ở bệnh viện đến giờ chưa về.”
Trịnh Thanh Mây nhíu mày: “Bà có biết bạn ấy ở bệnh viện nào không?”
Đối phương lắc đầu rời khỏi, trước khi đi không quên thở dài lần nữa cảm thán đời người vô thường.
Bốn người chia nhau hỏi thăm các bệnh viện gần đó, mãi đến đầu giờ chiều mới tìm được một bệnh nhân mới vào phòng cấp cứu hôm qua tên Phượng Minh.
Lúc họ đến nơi đập vào mắt là một Hứa Huân khúm núm, hạ mình hết lời cầu xin bác sĩ: “Cháu nhất định sẽ kiếm đủ tiền cầu xin bác sĩ hãy phẫu thuật cho bà cháu trước.”
Người đàn ông trung niên khoác áo blouse khó xử vỗ vai cậu: “Tôi biết cậu lo lắng cho người thân.
Nhưng quy định của bệnh viện không thể làm trái được.
Cậu nên về bàn bạc với gia đình.
Bệnh nhân không còn nhiều thời gian đâu.”
Nói rồi, ông đi vòng qua Hứa Huân, để lại anh ngơ ngác, ánh mắt trống rỗng như người mất hồn.
Anh vô thức đi lên lầu 2, dừng lại trước cửa phòng bệnh, sau đó tập nở một nụ cười thật tươi rồi mới đẩy cửa bước vào.
Một bà lão tóc bạc trắng nằm bất động trên giường bệnh, đôi môi tái nhợt nứt nẻ, hoàn toàn mất đi sức sống.
Trong phòng có tới mười sáu giường bệnh chen chúc nhau, âm thanh huyên náo, ồn ào khiến người bệnh khó có thể nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.
Hứa Huân quen việc nhúng khăn mềm vào nước ấm, vắt khô rồi tỉ mỉ lau người cho bà ngoại, kể bà nghe những chuyện vui vẻ anh gặp được.
Tuy chúng ít đến đáng thương nhưng qua lời kể của anh câu chuyện lại sinh động như một thước phim.
Bốn người Trịnh Thanh Mây đứng ngoài cửa nhìn vào, ánh mắt như bị che phủ bởi một lớp sương mờ.
Thì ra Hứa Huân lập dị mà họ biết lại là con người giàu tình cảm đến vậy.
Anh không phải là người hay nói, nhưng bên cạnh người mình thương yêu anh