“Hậu Nghệ Tiễn toái thiên nhất lộ
Lưỡi dao thần hiện rõ phong mang
Liễu Hạnh cao nhã đoan trang,
Khổng Tuyên xuất chiến đương tràng chấn kinh”
Tích xưa kể lại (*): Có một chàng thanh niên, do khi còn nhỏ có từng cứu một con rùa thần mà được nó báo ân, giúp cho cưới được một cô tiên nữ. Hai người có với nhau một mụn con thì cô tiên bị gọi về trời. Rùa thần lại hiện về, tặng người bố một con dao thần có thể chém giết cả thần tiên lẫn yêu ma quỷ quái, cùng một cây thuốc trường sinh bất tử. Hai cha con chàng liền lên đường đi tìm vợ, trên đường bị một con Rác bắt lại. Con Rác có cánh rộng màu đen xám, lông nó cứng hơn sắt thép, đao thương bất nhập, máu lại có độc, ai đụng phải cũng trúng độc mà chết. Thời gian đầu, con Rác bắt hai bố con bắt lươn cho nó ăn. Về sau gặp lũ, không bắt được lươn, con Rác nuốt luôn hai cha con vào bụng. Người cha bèn dùng dao thần rạch bụng con Rác thoát ra, vốn định để con Rác chết, nhưng người con thương tình, xin cha dùng cây thuốc trường sinh cứu sống Rác. Rác vì vậy mà biết ơn, cho hai cha con cưỡi lên, bay đến tận nhà tiên nữ. Người cha cầm dao thần đánh vào. Dao phản chiếu ánh sáng mặt trời, tạo ra trăm ngàn lưỡi dao sắc, chém tan nát nhà tiên. Tiên ông, bố vợ chàng sợ quá, đành để chàng dắt vợ về.
Thế nhưng tích quên không kể, con Rác ấy báo ân, ngoại trừ đưa hai cha con đi tìm mẹ, còn cho đứa nhỏ bí dược, uống chung với máu nó, không những không bị độc chết, mà còn tự mọc được cánh giống với cánh Rác, đao thương bất nhập. Tích cũng chẳng biết để nói, Tiên nữ chẳng qua là Nhị giới nhân, và gien Nhị giới nhân, tuy không thường xuyên, nhưng có thể di truyền.
Thanh niên Vô Danh đấu ngang tay với Hậu Nghệ nãy giờ, không ai khác chính là cậu bé đã cứu mạng con Rác mà được trả ơn. Còn con dao bầu trong tay cậu chàng cũng chính là lưỡi dao thần của rùa thần, chém được tất tần tật từ tiên đến quỷ.
Mũi tên thứ chín cháy rực của Hậu Nghệ bay đến, cậu thanh niên toát mồ hôi đầm đìa, khó nhọc giơ ngang con dao trước mặt, rồi xoay lên y như cách cậu đã thấy cha cậu phá tan nhà tiên năm nào.
Dao thần gặp ánh sáng của mười mặt trời thì cũng lập tức sáng rực lên. Hàng trăm, hàng nghìn lưỡi dao ánh sáng bay ra từ con dao thần, bắn ngược về phía Hậu Nghệ. So với sự phản chiếu lại một mặt trời duy nhất khi người cha đánh nhà tiên năm nào, thì nhờ sức mạnh của mười mặt trời từ bí chiêu của Hậu Nghệ, sức mạnh hủy diệt của con dao thần tăng không biết bao nhiêu lần.
Mũi tên thứ chín của Hậu Nghệ, những tưởng mang sức mạnh hủy thiên diệt địa, trước uy lực của trăm ngàn mũi dao ánh sáng bị chẻ ra thành mấy mảnh, rơi xuống đất. Hậu Nghệ nhìn cảnh tượng trước mặt mà cũng một phen khiếp đảm, vội vã thu chiêu, đoạn lại giơ cung ra chắn trước mặt. Chín mặt trời biến mất, trăm nghìn lưỡi dao ánh sáng cũng yếu đi nhiều, thế nhưng dù gì chúng cũng đã hấp thụ được kha khá ánh sáng, lại có số lượng nhiều đến kinh người, thành ra Chấn Thiên Cung của Hậu Nghệ cũng bị đánh cho đến nứt ra một đường, suýt thì gãy làm đôi.
Trận mưa dao ánh sáng ngừng, nhưng cả không gian xung quanh vẫn một mảnh im lặng như tờ. Có lẽ toàn bộ khán giả quan đấu vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước cảnh tượng họ vừa chứng kiến. Trên đấu đài, cả Hậu Nghệ lẫn cậu thanh niên Vô Danh đều đứng như trời trồng. Thế rồi, Chấn Thiên Cung trượt khỏi bàn tay đang run run của Hậu Nghệ, rơi đánh cạch một phát xuống mái tháp Phật.
“Trận này, ta thua rồi!” Hậu Nghệ nói một cách khó nhọc, không cam lòng.
Y vừa dứt lời, thì cậu thanh niên trước mặt cũng ngồi phệt xuống đỉnh tháp, thở dốc.
Im lặng.
Thế rồi, cũng không biết là ai đã bắt đầu đầu tiên, thế nhưng rất nhanh chóng toàn bộ khán đài phía bên Thiên Phủ hò reo ầm ĩ cả một vùng trời. Còn bên Thiên Đình, đa phần vẫn còn đang há hốc mồm, chưa tin nổi điều vừa diễn ra.
Đợi đám đông bắt đầu bớt huyên náo, mẹ Âu Cơ mới lên tiếng:
“Hậu Nghệ, trận vừa rồi, thật sự nếu không phải nước Nam ta có một người khắc chế ngươi hoàn hảo đến vậy, hẳn là không ai khác có thể may mắn thủ thắng. Bí chiêu của ngươi nếu dùng với bất kỳ một ai khác ở đây, hẳn là sẽ cho người ta ăn trái đắng. Thế nên ngươi cũng đừng buồn, trận này chúng ta nhờ may mắn nên mới thắng thôi!”
Hậu Nghệ nghe vậy thì cũng thi lễ, đoạn đáp:
“Đa tạ Âu Cơ Thánh Mẫu đã đề cao ta. Nhưng thắng là thắng, thua là thua. Có may mắn hay không thì trận này vẫn là ta đã thua. Ta sẽ không phủ nhận điều này, nhưng cũng quyết không vì điều này mà nản lòng.”
“Nói hay lắm!” Lạc Long Quân tán thưởng. Đoạn quay sang Hồng Quân, nói tiếp: “Hôm nay tỉ võ, cốt là để kết thúc ân oán bao nhiêu năm nay, đặt nền móng cho tình hữu nghị sau này. Ngài nói có phải không, Hồng Quân?”
“Phải, phải.” Hồng Quân cũng nặn ra một nụ cười phúc hậu, đáp.
Hậu Nghệ cùng Vô Danh lúc này mới rời rừng tháp, trở về chỗ của họ ở hai bên khán đài. Hậu Nghệ đã nhặt lại các mũi tên. Mà Vô Danh cũng đã nhặt lại chiếc áo choàng, giờ cậu lại một thân áo choàng cưỡi mây về chỗ cũ. Thế nhưng lúc về khác lúc đi. Ban nãy, chưa ai biết cậu là ai, còn bây giờ, toàn bộ khán đài phía Tiên Phủ đều tung hô cậu.
Phía bên cánh hữu của vợ chồng Âu – Lạc, là đám mây của ba người Nam Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Tào, Đẩu vẫn hai bộ áo dài xanh dương và hồng phấn như mọi ngày (**). Tào tóc vấn khăn, còn cô Đẩu hôm nay đầu có thắt nơ. Tuy vừa rồi Thánh Mẫu Âu Cơ đã bắc thang cho phía Thiên Đình xuống, nhưng màn nói kháy ban nãy cũng đã làm khá nhiều người phe Thiên Phủ nóng mặt, hiện tại thực ra là thời điểm tốt nhất để đá xoáy một câu, nâng cao sĩ khí quân mình. Nghĩ là làm, Bắc Đẩu huých nhẹ Nam Tào một cái, đoạn cất giọng the thé:
“Tào ơi Tào, cái trận vừa rồi nó làm tôi nhớ đến một câu.”
“Câu gì hả Đẩu?”
“Cái câu mà, ‘Dạ sao nguyệt nhận...’”
“À à, rồi rồi, biết rồi, biết rồi!” Nam Tào xem chừng đã hiểu ý Bắc Đẩu, bèn tiếp lời, “Có phải vế sau của cái câu này nó là, ‘hoàng hôn trảm lạc kim ô’ không?”
Câu đối gốc vốn là “Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô”, là do Mạc Đĩnh Chi năm nào đi xứ đã đối lại câu “Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ” của vua Nguyên. Vế của vua dịch ra là “Mặt trời là lửa, mây là khói, mặt trời đốt cháy mặt trăng”, ý nói nước lớn ắt sẽ thôn tính nước nhỏ. Câu đối của Mạc Đĩnh Chi thì ý, “Trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rơi mặt trời”. Thì ở đây, hai người Tào, Đẩu, kẻ tung người hứng, đã chế thành “Trời đêm là bao kiếm, mặt trăng là lưỡi kiếm, hoàng hôn chém rơi mặt trời”.
Tuy ý cảnh không đẹp bằng câu gốc của Mạc Đĩnh Chi, nhưng lại hợp với trận đấu vừa qua. Đồng thời cũng mang ý nói kháy, giúp phe Thiên Phủ bõ tức. Giọng hai người Tào, Đẩu vang vọng khắp hai bên khán đài. Phiên này, đến lượt phe Thiên Đình nóng mặt, còn phe Thiên Phủ được một phe cười ngặt nghẽo. Ngọc Hoàng ngồi sau hai người Nam Tào, Bắc Đẩu vẫn một mực giữ một khuôn mặt hình sự. Nếu không phải thân thích của ông, hẳn không nhận ra một bên mép của ông hơi nhếch lên. Đợi tiếng cười bên Thiên Phủ đã phần nào lắng xuống, Nam Ngọc Hoàng mới “E hèm” một tiếng rõ to, đoạn dõng dạc:
“Nào, nào! Tào, Đẩu, nghiêm túc đi!”
Tiếng cười lúc này mới ngưng hẳn, hai người Tào, Đẩu cũng quay lại hành lễ với Ngọc Hoàng, đoạn đồng thanh:
“Dạ, chúng thần xin lỗi Ngọc Hoàng ạ!”
Phía trên hai đám mây cao nhất, Hồng Quân thì hai mắt nhắm hờ, còn vợ chồng Âu – Lạc thì cũng chỉ biết lắc đầu cười trừ với nhau.
Trận đầu toàn thắng, trận này phải ra quân trước, vợ chồng Lạc Long Quân bàn tính với nhau, nên ra người có chiến lực mạnh nhất trong phe mình. Nếu thắng được thì coi như không cần thắng trận cuối. Mà chiến lực mạnh nhất phe Thiên Phủ, không tính bản thân hai vợ chồng, đương nhiên là Tứ Bất tử. Thế nhưng, thần thánh đất Nam phân hóa có chút phức tạp. Tuy hai vợ chồng Âu – Lạc tính ra là cao nhất, nhưng thực ra lại không thể sai quản Tứ Bất Tử hay Thiên binh thiên tướng. Tứ Bất tử tuy tính là binh tướng nhà trời, nhưng cũng lại không thuộc quyền quản lý của Ngọc Hoàng, họ chỉ tồn tại và hành động thể theo ước mơ, mong muốn của cả quốc gia, cả dân tộc. Tức là, vợ chồng Âu – Lạc thực ra chỉ có thể mở lời, còn Tứ Bất tử có đáp ứng hay không, lại là quyết định của họ.
Trong bốn vị Tứ Bất tử có mặt lúc này, chiến lực mạnh nhất là Gióng, nhưng Gióng lúc này vẫn đang ngủ khì chẳng quan tâm gì xung quanh. Tiếp đến hai vị Tản Viên Sơn Thánh cùng
Chử Đồng Tử cũng chỉ khoanh tay nhìn, hoàn toàn không có vẻ gì sẽ chịu đánh. Người duy nhất có chăng nhờ được có lẽ là Mẫu Liễu Hạnh. Vì bà vừa là Tứ Bất tử, vừa là con gái của Nam Ngọc Hoàng. Nghĩ vậy, Lạc Long Quân liền mở lời:
“Thánh Liễu, ông muốn mời con đánh trận này, con có chịu không?”
“Dạ, con xin cẩn tuân Long Quân người phân phó ạ!” Mẫu Liễu đứng dậy hành lễ với Long Quân, rồi cưỡi mây lên đỉnh một ngọn tháp đừng chờ. Mẫu Liễu vận một bộ áo váy trắng thướt tha. Tà áo nhật bình uyển chuyển với viền phượng tôn lên vẻ đẹp tôn quý của bà chúa công lý đất An Nam. Đầu thánh Liễu đóng khăn, chân để trần, cổ bà có đeo một vòng cổ màu đen tuyền, ôm sát lấy cần cổ thanh tú.
Chúa Liễu không phải đợi lâu, một con Khổng Tước xé trời từ phe Thiên Đình hạ xuống trên đỉnh một ngọn tháp, hóa thành một vị nữ Bồ Tát. Vị này thân mặc cà sa, tay phải cầm lông đuôi chim công, tay trái cầm một đóa sen.
Thấy đối thủ của Mẫu Liễu là người của nhà Phật thì ai nấy bên Thiên Phủ đều vô cùng ngạc nhiên. Lạc Long Quân đang định lên tiếng hỏi Phật Tổ thì chính Chúa Liễu đã cướp lời. Bà lườm Phật Tổ một cái rất sắc, đoạn hỏi:
“Như Lai Phật Tổ, như thế này là ý gì?”
Phật Như Lai còn chưa kịp trả lời, thì vị Bồ Tát mới lên đài đã nói thay:
“Liễu Hạnh, nhà ngươi tính ra cũng có một chân trong Phật gia. Ngươi có thể đại diện cho Thiên Phủ, tại sao ta không thể đại diện cho Thiên Đình? Huống chi, Khổng Tước Minh Vương ta kiếp trước từng có nợ với vua Trụ, chưa kịp trả ơn thì đã theo Đức Chuẩn Đề về Tây Phương. Trụ Vương năm xưa giờ đã là Thiên Hỷ Tinh Quân, là binh tướng của Thiên Đình. Hôm nay lên đây ứng chiến coi như là trả nợ tiền kiếp!”
Nghe câu này, mọi người mới vỡ nhẽ. Thì ra, vị bồ tát trên đấu đài lúc này không ai khác chính là Khổng Tước Minh Vương Phật Mẫu, kiếp trước từng là Khổng Tuyên, một tướng quân dưới trướng vua Trụ. Đầu thai chuyển kiếp thực ra các kiếp có thể đổi cả giống loài, giữa người, thú, thậm chí cả cỏ cây hoa lá, thành ra việc đầu thai xong chuyển đổi luôn cả giới tính cũng không có gì là kỳ lạ. Đương nhiên, nhìn vị Phật mẫu thướt tha trước mắt, rồi liên tưởng tới Khổng Tuyên năm nào cũng khiến khán giả cảm khái không thôi.
Trên đám mây của Nam Ngọc Hoàng, Nam Tào không bỏ lỡ cơ hội, huých Bắc Đẩu một cái, đoạn nói đùa:
“Đẩu thấy không, người ta chuyển giới là phải như thế, chứ ai như Đẩu?” Nói rồi chẹp miệng, lại thở tiếp ra một câu: “Xăng pha nhớt!”
Bắc Đẩu bị cà khịa đúng chỗ đau thì cũng khùng lên, vừa nói vừa giơ ngón tay chỉ thẳng mặt Nam Tào:
“Này! Ông vừa nói cái gì? Ông mới vừa nói cái gì hả Tào??? Này nhá, ông có tin tôi xử đẹp ông ngay và luôn không? Con này nó có sổ tử nhá! Ông tin tôi gạch một phát trắng sổ luôn không?”
Thiên Phủ khác với Thiên Đình. Ở bên Thiên Đình, cũng từng có chức Nam Tào, Bắc Đẩu. Ấy nhưng hai chức ấy chỉ là hai ngôi sao nho nhỏ, không có mấy tiếng nói. Còn ở bên Thiên Phủ, từ khai thiên lập địa, Nam Tào và Bắc Đẩu đã như tả – hữu thừa tướng của Ngọc Hoàng, dưới một người mà trên ngàn vạn người. Tào cầm sổ sinh, quyết định số phận vạn vật khắp thế gian, Đẩu cầm sổ tử, quyết định sống chết mọi thứ trong ba cõi. Tuy Tào, Đẩu tình như ruột thịt, chắc Đẩu cũng không nỡ hại Tào, thế nhưng nhỡ Đẩu giận quá mất khôn, nhỡ tay gạch một nhát thì sau có hối cũng chả kịp, thành ra đến Tào nghe dọa vậy cũng tá hỏa, vội nói:
“Ấy, Đẩu, bình tĩnh, từ từ nói! Chỗ anh em với nhau, đùa vui một chút thôi mà! Ai chả biết Đẩu là đóa hoa của Thiên Phủ mình, dăm ba con công kia sao sánh được?”
“Đấy, nói thế còn được!” Bắc Đẩu hiển nhiên nghe nịnh đã dịu lại xuống.
Còn ở một đám mây khác, bầu không khí không được vui vẻ như ở đây. Ấy, là chỗ của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Âu Cơ mới rồi vừa xin lỗi chồng, việc Khổng Tước Minh Vương ngồi giữa khán đài phe Thiên Đình, bà đã sớm cảm nhận được do có họ xa với y thị. Thế nhưng bà chỉ nghĩ đến việc y thị là bạn cũ với Thiên Hỷ Tinh Quân mà không nghĩ thị sẽ ra mặt ứng chiến, nên không nhắc trước cho chồng mình. Lạc Long Quân đương nhiên không trách vợ.
Tuy nhiên, ông lại đau đầu vì một vấn đề khác: Khổng Tước Minh Vương lên đài, tuy nói là chủ động trả nợ tiền kiếp, nhưng rõ ràng, nếu không có sự đồng ý của Phật Tổ, y thị cũng không thể muốn lên là lên. Động thái này từ phía Phật Tổ, hẳn là muốn dằn mặt Lạc Long Quân ông về chuyện tình một tháng trước, thả khí tức chèn ép, lại lấy việc ứng kiếp ra đe dọa Hồng Quân, dẫn đến tràng tỉ võ này. Thế nhưng, đã rơi vào tình thế này, ông cũng không còn cách nào khác.
Những kẻ khác quan đấu cũng có các suy nghĩ riêng. Ví như Tôn Ngộ Không lúc này hết nhìn Phật Tổ lại nhìn Khổng Tước, hết nhìn Khổng Tước lại nhìn Liễu Hạnh, hai vợ chồng Âu – Lạc, rồi mắt y liếc đến đám mây của An Nam Tứ Bất Tử, nán lại lâu hơn một chút ở Thánh Gióng đang ngủ khì. Tay trái ôm tay phải, tay phải gãi gãi cằm, miệng y thì nhếch lên cười, cũng không rõ là đang nghĩ gì.
Về phần An Nam Tứ Bất Tử, Mẫu Liễu thì đang ở dưới đài chuẩn bị đánh tới nơi rồi, mà Chử Đồng Tử và Tản Viên Sơn Thánh vẫn bộ dáng bình chân như vại. Thánh Gióng nãy giờ vẫn ngủ say, lúc này hơi hé mắt ra, liếc quanh một lượt, rồi lại nhắm mắt lại, tiếp tục ngủ khì khì.
Trên đỉnh rừng tháp, Khổng Tước Minh Vương lắc mình một cái, bộ cà sa cùng lông công, đóa sen biến mất, thay vào đó là một bộ giáp chiến thời Ân – Thương cùng một cây đao. Giáp chiến hơi rộng, rõ ràng là bộ giáp Khổng Tuyên mặc năm xưa. Hiện giờ cơ thể Khổng Tước Minh Vương, xin phép gọi là Khổng Tước cho ngắn, đã là của phụ nữ, nên không còn vừa. Khổng Tước lại lắc mình một cái, bộ giáp co lại, hóa thành một bộ giáp cho nữ, bó sát cơ thể thị hơn.
Chúa Liễu thấy đối thủ bộ dáng đã sẵn sàng chiến đấu thì cũng không hề chậm trễ, rút từ trong người ra một thanh kiếm màu nâu đồng, trông không mấy đặc biệt. Thế nhưng kiếm vừa lấy ra, thì từ phía Phật gia vọng ra một tiếng quát:
“Khoan đã!!!”
Chú thích:
(*) Tích gốc là truyện cổ tích dân tộc miền núi. Có nhiều dị bản khác nhau. Bản này là do tác giả tổng hợp nhiều bản và chế lại một chút cho phù hợp với bối cảnh truyện đang viết. Ai muốn tìm hiểu truyện gốc có thể google “lưỡi dao thần” hoặc “cây thuốc trường sinh”.
(**) Hình tượng Tào, Đẩu, Ngọc Hoàng dựa theo hình mẫu trong Táo Quân do các nghệt sĩ hài Xuân Bắc, Công Lý, Quốc Khánh thủ vai. Việc này đã có hint từ các chương trước. Quyết định này là do sau khi tìm hiểu khá nhiều về sự khác biệt giữa Thiên Phủ trong truyền thuyết, thần thoại dân tộc mình, tác giả thấy bản của các nghệ sĩ hài diễn ra được cái hồn thiêng của dân tộc, lại dễ dàng gần gũi với độc giả, nên quyết định giữ và học theo.
Tạo hình chúa Liễu Hạnh, Khổng Tước Minh Vương Phật Mẫu dựa theo tư liệu dân gian và tính cách nhân vật. Nếu có gì sơ xuất, xin sẵn sàng tiếp thu góp ý.