“Múa gươm thần chúng tiên nể phục
Bạt Đồ Đao oai lực khiếp kinh
Liễu Hạnh biến hóa tài tình
Phật mẫu núng thế hiện hình phân tranh”
Đang kể tới đoạn chúa Liễu xoay Đao Li Thiên thành gươm sấn tới chém Khổng Tước. Đao Li Thiên một đường phạt ngang, nhằm cổ Khổng Tước mà lia. Khổng Tước thấy vậy thì lập tức dơ Đồ Đao lên đỡ. Đao chúa Liễu gần chém tới bỗng thu chiêu, đoạn nhằm hướng bụng Khổng Tước mà phạt. Khổng Tước vốn đang đưa Đồ Đao lên bảo vệ cổ, nhất thời không biến chiêu kịp, đành xoay người né, đồng thời, tay trái nhằm đốc đao của Mẫu Liễu mà đánh, mục đích đổi hướng công kích của đối phương.
Đao Li Thiên bị gạt ra, chúa Liễu nương theo đà ấy mà bật mình, xoay thân liền mấy vòng trên không, Đao Li Thiên lúc ấy cũng được múa quanh thân như một vòng phòng hộ.
Chúa Liễu đáp xuống một đỉnh tháp khác.
Hai người mặt đối mặt trong giây lát.
Rồi đến lượt Khổng Tước xuất chiêu. Y thị xông tới phía chúa Liễu, một đao phạt ngang tới. Chúa Liễu không vì vậy mà hoảng, tay trái đập mạnh vào thân Đồ Đao, đẩy thanh đao trật hướng lên trên, rồi nhân lúc Khổng Tước còn đang mất đà, quét Đao Li Thiên về phía be sườn y thị. Đồ Đao bị đẩy gạt lên trên, thành ra phạt ngang trên đầu chúa Liễu, còn tay trái Khổng Tước cũng không chút chậm trễ, vươn ra chộp lấy đốc Đao Li Thiên, ngăn không cho lưỡi đao chém vào thân mình. Đoạn, Đồ Đao đổi hướng chém xuống. Chúa Liễu thấy vậy thì tay trái cũng vội vung lên, túm lấy cổ tay Khổng Tước, giữ lại.
Nhất thời, hai người khóa tay nhau lại. Hai tay đều bị khóa cứng, nhị nữ chuyển sang đấu cước. Chân trái Khổng Tước nhắm bắp chân phải chúa Liễu mà đá tới, ý muốn gạt chân trụ của bà. Liễu Hạnh thấy vậy thì lắc hông, lui chân phải ra phía sau, đổi chân trụ. Thánh Liễu để chân phải trượt một quãng ngắn rồi bất chợt giậm chân một cái, mượn lực co chân lên phản kích. Khổng Tước đá trượt, hơi bị mất đà, thấy chúa Liễu đá tới thì vội lắc mình, đá đầu gối phải xuống mu bàn chân đối thủ. Đồng thời, ngay khi chân trái chạm đỉnh tháp, thì hai tay y thị cũng đẩy mạnh ra.
Chúa Liễu thấy vậy thì cũng vội thu chiêu. Đồng thời mượn lực của Khổng Tước, cũng đẩy mạnh ra. Nhị nữ lại tách nhau ra, cùng bật lui về phía sau, đứng đối diện trên hai đỉnh tháp.
Hai người nhìn nhau, cau mày. Hai bên khán đài đều hò reo cổ vũ, nhưng cả hai người họ đều như không nghe thấy.
Khán giả thì cũng mỗi người một cảm xúc lúc này. Các thần tiên bình thường chỉ đến đây xem hội, góp vui thì bàn tán sôi nổi về trận đấu đã mắt, bổ ích này. Những người có quen thân với nhị nữ trên đài thì vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Chiến lực của hai người này ai quen biết họ đều rõ, vậy mà họ đấu nhau lâu như vậy vẫn chưa phân thắng bại thì cũng thể hiện rõ thực lực đối phương. Đồng thời, cũng thể hiện rõ thực lực của phe đối phương. Cao tầng Thiên Đình – Thiên Phủ thì đều trầm ngâm không nói gì.
Có lẽ lúc này, nhàn nhã nhất là Đấu Chiến Thắng Phật. Tôn Ngộ Không nằm nghiêng người trên đám mây của mình, đầu gối lên nắm đấm tay trái, tay phải che miệng ngáp, bộ dáng chẳng quan tâm lắm tới trận đấu đang diễn ra. Mắt y chốc chốc lại liếc qua đám mây của An Nam Tứ Bất Tử, nơi một kẻ khác cũng mang danh chiến thần đang ngủ khì, thậm chí còn bắt đầu ngáy.
Về phần hai người còn lại của Tứ Bất Tử, Tản Viên Sơn Thánh vẫn ngồi khoanh tay, mặt không biến sắc. Chử Đạo Tổ thì đã tháo nón tu lờ xuống, rồi rút từ trong nón ra nào chén nào bát, nào chày nào cối.
Cách chỗ hai người không xa, cùng trên đám mây ấy, ba nàng Tiên Dung – Tây Nương – Ngọc Hoa đang túm tụm lại nói chuyện. Hai nàng Tiên Dung, Ngọc Hoa là chị em ruột, cùng là con gái vua Hùng thứ mười tám, đồng thời là vợ cả của hai Tứ Bất Tử ngồi phía trước kia. Còn nàng Tây Nương là chị em kết nghĩa với nàng Tiên Dung, cũng là vợ thứ của Chử Đồng Tử. Nàng Tiên Dung đang nói thì thấy chồng lấy đồ nghề làm thuốc ra, liền dúi nhẹ hai em, rồi ba nàng cùng tiến lại chỗ Chử Đồng Tử.
Gần tới nơi, liếc thấy các vị thuốc mà Chử Đạo Tổ bày quanh mình, nàng Tây Nương hỏi đùa:
“Mình không tin tưởng chúa Liễu hay sao mà chưa gì đã vội chuẩn bị thuốc chữa thương thế này?”
Chử Đồng Tử nghe vợ hỏi vậy thì cười đáp:
“Sao mình không nghĩ tôi chuẩn bị sẵn để ban cho Khổng Tước Phật Mẫu một cái ân?”
“Vậy là mình nghĩ cô Liễu sẽ thắng?” Tiên Dung hỏi.
“Bây giờ còn hơi sớm để nói chắc, nhưng hai người bọn họ xem chừng chuẩn bị trổ hết tài. Dù chưa biết ai sẽ thua, nhưng ai thắng thì cũng sẽ là thắng hiểm, mà ai thua thì thương thế cũng sẽ không nhẹ. Tôi cứ chuẩn bị sẵn, ai thua thì chúng ta biếu thuốc cho người đó. Vị chăng phe mình thua, thì mình có thuốc mà dùng. Còn nếu phe mình may mắn thắng, thì coi như chúng ta nhún mà làm hòa. Coi như cũng chẳng xấu mặt nào.”
Ba nàng nghe vậy thì cũng cho là phải, liền ngồi xuống bên cạnh, phụ giúp Chử Đạo Tổ xắc thuốc. Mà trên đỉnh rừng tháp lúc này, quả đúng như Chử Đạo Tổ dự đoán, đã bắt đầu đấu đến đoạn căng go.
Trên đỉnh rừng tháp lúc này, Khổng Tước Phật Mẫu đang đối diện một con cóc. Thì ra chúa Liễu thấy Khổng Tước ngang sức ngang tài, thì cũng không nề hà nữa, mà bắt đầu sử dụng ba ngàn phép biến hóa.
Chúa Liễu hóa cóc, nghiến răng trèo trẹo, bất chợt trời đổ cơn dông. Trên đám mây đỉnh tầng của Thiên Phủ, Nam Tào, Bắc Đẩu kéo nhau ra một góc bụm miệng cười. Nam Ngọc Hoàng nhìn con gái dưới đài thở dài một tiếng rồi hắng giọng với hai người Tào, Đẩu.
Thực ra, chúa Liễu là con gái của Nam Ngọc Hoàng, muốn gọi cơn mưa cũng không phải việc gì khó. Ấy thế nhưng tính bà tinh nghịch, đương đánh nhau mà còn muốn trêu đùa vua cha, nên mới hóa thành con cóc. Xưa kể con Cóc là cậu Ông Trời, nếu Cóc nghiến răng, là Trời liền cho đổ mưa.
Mưa gió bão bùng, sấm chớp chói cả một mảng trời trên đỉnh rừng tháp. Sấm sét cứ từng đạo xếp hàng nhắm đầu Khổng Tước mà đánh xuống. Khổng Tước thấy vậy thì chỉ cười khẩy, Ngũ Sắc thần quang quét ra, thu hết cả cơn dông vào. Đỉnh rừng tháp lập tức trời quang mây tạnh. Thế nhưng khán giả nhìn xuống, mới chớp mắt vậy thôi, đã không thấy chúa Liễu đâu.
Bên Thiên Đình thì nhiều kẻ vui mừng, bên Thiên Phủ nhiều người lo lắng. Hiển nhiên, những người này có chung một suy nghĩ: Ngũ Sắc Thần Quang đã thâu được chúa Liễu. Thế nhưng nhìn vẻ mặt ngưng trọng của Khổng Tước trên đài, thì những người này lại ngờ vực, liệu có đơn giản như vậy không?
Trên đám mây của mình, Tôn Ngộ Không đã ngồi dậy. Trận đấu có vẻ đã bắt đầu khiến y ngứa ngáy chân tay. Ngộ Không chớp chớp mắt, mở mắt lửa ngươi vàng quét qua một lượt, rồi bỗng bụm miệng cười. Quả thật, phong cách đánh của Thánh Liễu này khiến y liên tưởng đến chính bản thân mình.
Nơi đỉnh rừng tháp, Khổng Tước Phật Mẫu bỗng thét lên một tiếng đau đớn. Tay phải y thị vội chộp lấy vật gì đó dài dài, đen đen ở sau gáy, giựt mạnh ra. Mọi người nheo mắt nhìn kỹ, thì ra là một con đỉa to cỡ nửa bàn tay. Thì ra gọi mưa chỉ là màn tung hỏa mù, đánh lạc hướng của chúa Liễu để tiếp cận Khổng Tước, Đỉa trâu mới là đòn tấn công thật sự của bà.
Bắt được chúa Liễu đang trong hình dạng con đỉa, Khổng Tước nắm chặt tay, bóp lại. Đương nhiên, trong đời sống thì đây không phải là cách hay để giết một con đỉa. Thế nhưng, tay Khổng Tước đâu phải tay người bình thường? Mà con đỉa trong tay Khổng Tước cũng đâu phải một con đỉa bình thường?
Đỉa vừa bị bóp thì bỗng thu nhỏ người lại, rồi Khổng Tước lại thét lên, buông vội tay ra, tay trái y thị cũng vội đưa lên xoa xoa lòng bàn tay phải. Từ trong bàn tay vừa buông ra của Khổng Tước,
một con ong vò vẽ bay vụt ra.
Thì ra chúa Liễu bị Khổng Tước khống chế, miệng đỉa bị ngón cái y thị giữ chặt không cách nào cắn đốt được. Thế nên bà liền biến thành con ong vò vẽ, Đao Li Thiên hóa thành kim chích ở cuối thân, nằm bên trong lòng bàn tay Khổng Tước. Chuyện tiếp theo thì ai cũng đoán được.
Ong vò vẽ bay ra một đoạn thì hóa lại thành hình người. Khán giả nhìn xuống thì thấy chúa Liễu tay phải cầm đao Li Thiên, tay trái đưa lên lau vệt máu ở khóe miệng. Đầu tóc, quần áo bà đều đã có chút không còn chỉnh tề như lúc mới xuống đài ban nãy.
Hiển nhiên, lần giao tranh vừa rồi, tuy Khổng Tước là kẻ bị dính vố đau, thế nhưng thánh Liễu cũng không phải là hoàn toàn bình yên mà thoát thân.
Hít một hơi dài, rồi chúa Liễu lại lao về phía Khổng Tước. Vừa chạy, bà vừa biến hình. Đến lúc chạm đến Khổng Tước thì đã là một con voi trắng chỉ có một ngà sáng bóng. Khổng Tước bị voi tấn công mà không hề hoảng, y thị đợi chúa Liễu tới sát thì liền nhắm vòi voi mà chém Đồ Đao xuống. Theo như y thị phỏng đoán, hẳn ngà voi hẳn là do Đao Li Thiên biến thành, nhưng vòi voi là phần mềm, nếu chém đứt thì hiển nhiên chúa Liễu sẽ bị thương không nhẹ.
Khổng Tước căn thời cơ quá chuẩn, chúa Liễu lúc này có muốn cũng không thể kịp đưa ngà ra đỡ, lại cũng không kịp biến hình. Khán đài nhiều người đã chẹp miệng tiếc nuối. Ấy thế nhưng...
Đồ Đao chém xuống vòi voi...
Tiếng da thịt bị cắt mà cả Khổng Tước lẫn khán giả chờ đợi không vang lên...
Thay vào đó là một tiếng “keng” chói tai của kim loại va chạm nhau. Rồi vòi voi cuốn chặt lấy cả Khổng Tước, cả Đồ Đao. Thì ra, chúa Liễu đã đoán trước cách suy luận của Khổng Tước, nên cố tình biến hóa để đánh lừa y thị. Phần ngà voi đúng là cũng từ Đao Li Thiên biến ra, nhưng chỉ là chuôi đao. Còn vòi voi mới lại là lưỡi đao. Đao Li Thiên đến hóa thành dạng roi còn được, bẻ cong một chút đâu có khó gì?
Voi trắng liệng vòi một cái, ném cả Khổng Tước cả Đồ Đao bay đi. Bỗng con voi thu nhỏ lại, rồi vụt một cái, một con chim cắt lướt theo hướng Khổng Tước bị ném đi. Khổng Tước thấy vậy thì vội chộp tới Đồ Đao trên không trung để tự vệ khi chim cắt tấn công.
Chộp hụt...
Khổng Tước thầm kêu không ổn. Nhưng chim cắt bay tới, rồi lại vụt qua Khổng Tước.
Giật mình, Khổng Tước vội ngoái đầu lại. Chỉ kịp thấy một bóng đen với hai sừng lao nhanh tới phía mình. Theo bản năng, Khổng Tước vội vã đưa hai tay khóa lấy hai sừng. Nhưng ngay khi tóm được hai sừng thì Khổng Tước nhận ra có vấn đề.
Thì ra chúa Liễu đón đầu tấn công với hình dạng một con trâu. Sừng trâu thực ra không sắc nhọn, cũng chẳng sinh ra để đâm, húc. Bị trâu húc chết, chủ yếu là do bị nghiến, chứ chẳng phải vì sừng trâu sắc bén. Mà nếu ai từng xem chọi trâu, thì mới biết, sức mạnh thực sự của sừng trâu là khóa lấy đổi thủ, rồi dùng sức vật ngã.
Khổng Tước tóm được sừng trâu, nhưng chân y thị lúc này lại không chạm đất, nào có cái gì làm điểm tựa? Ngược lại, chúa Liễu được thế chủ động, liền lắc mình một cái, vụt mạnh thân Khổng Tước xuống đỉnh một ngọn tháp Phật.
Khổng Tước bị đập mạnh xuống, đầu óc choáng váng, toàn thân đau nhức, miệng ộc cả máu ra. Y thị vừa lồm cồm bò dậy thì đã bị một con rắn cuốn chặt lấy người. Chúa Liễu hóa rắn, Đao Li Thiên hóa thành răng nanh.
Khổng Tước bị rắn cuốn, tuy toàn thân đau nhức, nhưng đầu óc lại tỉnh táo lại, đợi rắn gần cắn đến thì nhanh như chớp đưa tay tóm lấy cổ rắn, vừa bóp vừa dằng ra. Con rắn bị Khổng Tước túm cổ bỗng biến thành một con cá rô. Cá rô mình nhỏ, lại trơn, dựa theo lực bóp tay của Khổng Tước mà trượt ra, lại nương đà ấy quẫy đuôi một phát. Khổng Tước như bị tát một cú trời giáng, nổ đom đóm mắt. Đến lúc y thị chớp mắt, nhìn thấy lại bình thường thì đối diện đã là một con rồng trắng muốt.
Năm xưa, tại Đèo Ngang, chúa Liễu cũng từng hóa Bạch Long quần thảo với Tiền Quân Thánh mấy ngày mấy đêm bất phân thắng bại. Cuối cùng, vì trận đánh ấy có sức hủy diệt quá lớn, nếu tiếp tục đánh thì sinh linh chịu khổ, đích thân Như Lai Phật Tổ phải ra mặt giảng hòa. Về sau, để tuyên truyền cho Phật Đạo, mới bắt đầu có tin đồn chúa Liễu thua trận ấy. Tứ Bất Tử thì không buồn chấp nên cũng chẳng đi phân bua. Câu nói kháy của Khổng Tước về việc chúa Liễu có một chân trong nhà Phật lúc đầu trận cũng là nói về trận đánh này. Ở hình dạng rồng, chúa Liễu hóa Đao Li Thiên thành vảy giáp khắp thân.
Khổng Tước thấy rồng trắng thì vội quét mắt tìm xem Đồ Đao rơi đâu. May cho y thị, Đồ Đao rơi cách đó không xa. Rồng trắng lao tới, Khổng Tước vừa quét Ngũ sắc thần quang phòng thủ, vừa lao mình về phía Đồ Đao.
Nhặt được Đồ Đao, chiến lực hai kẻ trên đỉnh rừng tháp lại gần về thế cân bằng. Có lẽ nhiều năm về sau, những người đã có vinh dự xem trận đấu này sẽ vẫn còn kể cho người khác về nó. Về nhị nữ cân sức cân tài, về hình ảnh nữ tướng cầm Đồ Đao quần chiến với bạch long bất phân thắng bại. Nhưng ngay lúc này, Khổng Tước biết y thị không thể thắng nếu chỉ tiếp tục đánh như hiện tại. Để thắng trận này, có lẽ Khổng Tước phải làm điều mà lâu lắm rồi y thị chưa cần phải làm: Hiện nguyên hình.
Khổng Tước lắc mình một cái, hiện nguyên hình là chim Khổng Tước khổng lồ với bộ lông vàng óng, sáng chói một vùng tháp Phật. Khán giả hai bên nhiều người phải đưa tay lên che mắt. Đồ Đao cũng được y thị biến hóa, gia cố thêm cho phần mỏ mình cứng cáp hơn.
Chúa Liễu thấy đối thủ hiện nguyên hình thì cũng lắc mình một cái. Ở vị trí rồng trắng vừa cuộn mình, giờ đứng một con chim lớn không kém Khổng Tước, cánh rộng, mỏ dài. Phía bên khán đài Thiên Phủ nhìn thấy thì lập tức hò reo ầm ĩ. Không sai, là loài chim được coi là biểu tượng của An Nam: Chim Lạc. Mỏ chim Lạc, không nghi ngờ gì, cũng là do Đao Li Thiên biến thành.
Hai con chim khổng lồ nhìn nhau trong giây lát, rồi đồng loạt vỗ cánh, bay về phía đối phương để ra chiêu quyết định thắng thua.