“Phù Đổng phân làm đôi quần thảo
Nhị Thánh chia hai ngả cường công
Mắt thần mở tại nguy nan
Bổng côn ngạnh kháng tanh bành Lôi Âm”
Linh Lang đại vương huy vũ một thanh kiếm đá, mỗi một nhát chém đều khiến bầu trời gầm thét, thiên tượng hàng lâm. Có điều Tôn Ngộ Không có thân thể kim cương, sét giật lửa cháy cũng không hề gì.
Linh Lang đại vương chau mày, lại hoá thành nguyên dạng là một con thuồng luồng lớn, dựng mào giương cánh, nhe nanh múa vuốt quần thảo với Ngộ Không trên trời.
Tương truyền thuồng luồng là loài thủy quái, mình rắn, có mào và bốn chân, hao hao giống rồng nhưng không phải rồng, chuyên rình rập đánh chìm thuyền bè nơi sông nước. Cũng có tục kể, thuồng luồng chỉ trừng phạt kẻ ác, còn nếu là người lương thiện, thì thuồng luồng sẽ bảo vệ, giúp đỡ. Như có tích kể học trò của Chu Văn An là thuồng luồng, từng trái mệnh trời để làm mưa giúp dân.
Tích xưa cũng kể, vũ khí mạnh nhất của loài thuồng luồng là nhớt độc khắp thân của nó. Ngày trước, biết bao nhiêu anh hùng từng diệt thuồng luồng mà chỉ vì trúng độc nhớt, dãi của loài thủy quái này mà chết theo. Tương truyền, đến rồng đấu với thuồng luồng cũng chỉ một chín một mười.
Tôn Ngộ Không hít sâu một hơi, mồm ngậm lấy hai cái lông công trên đầu, đoạn niệm chú biến thành bốn đầu tám tay, cứ hai tay lại cầm một cây gậy Như Ý giao chiến với thuồng luồng. Nhớt thuồng luồng vãi ra tanh lợm giọng, con khỉ có bất tử cũng thấy đầu váng mắt hoa, không khỏi than nhẹ. Tứ hải long vương cũng không khó đối phó bằng một góc con thuồng luồng do hoá thân của Gióng biến thành.
Thật ra, thần tiên bình thường phỏng theo loài thuồng luồng mà biến hóa, không mô phỏng được nhớt dãi độc của nó. Thuồng luồng do Thánh Gióng hóa thành, có đầy đủ nhớt dãi độc ấy là do lần vệ quốc năm nào, y đã đầu thai làm thuồng luồng.
Đánh thêm một lúc thì thuồng luồng núng thế, hoá lại nguyên hình là vị tướng cởi trần tay cầm cự kiếm bằng đá. Vừa lui, Linh Lang đại vương vừa hô gió gọi sét đánh Ngộ Không. Tôn Ngộ Không trong pháp tướng bốn đầu tám tay múa gậy Như Ý tít mù đuổi theo rất rát, lại cố ý uốn hai trong bốn thanh thành hai tấm thuẫn bài dùng để chống sét. Thành ra khoảng cách giữa hai bên ngày càng bị thu hẹp.
Lui được thêm một trượng, thì hoá thân Linh Lang đại vương chợt nhoẻn cười, ngửa cổ hú dài một tiếng. Tức thì từ đâu xông ra một con voi bằng đá cao đến bốn trượng, hai bên cái vòi dài bằng hoa cương có đến chín cái ngà cong vút sắc lẻm.
Linh Lang đại vương hiện nguyên hình thuồng luồng, nhập vào voi đá. Lập tức thạch tượng mở mắt, hống lên một tiếng. Thần thú voi trắng toạ kỵ của Phổ Hiền bồ tát cũng phải chùn nửa bước chân trước con voi chín ngà do Linh Lang đại vương hoá thành.
Văn Thù bồ tát nhìn Phổ Hiền bồ tát, rồi cười:
“Ngài xem, đồ đệ của ngài cũng biết kinh uy của người ta rồi đấy.”
Phổ Hiền bèn đáp:
“Nghiệt đồ này trước đó trốn xuống trần, xưng vương xưng bá ở Sư Đà lĩnh, tác oai tác quái coi trời bằng vung. Vẫn biết ấy là thiên ý chú định nó trở thành một trong tám mươi mốt kiếp nạn thầy trò Đại Thánh gặp phải, song cũng do nghiệt đồ chưa dứt lòng phàm. Hôm nay gặp phải hoá thân của Phù Đổng thiên vương, bị áp chế một chút cho bớt kiêu căng tự mãn cũng là tạo hoá của nó.”
Voi trắng lúc này lại thầm nghĩ, “Thì ra con khỉ đột này nó diễn kịch trên đường thỉnh kinh, cố tình giấu diếm bản lĩnh thực sự để trốn việc. Bọn ta đều bị nó qua mặt. Thế mà hồi ấy mình và Kim Sí còn bảo nhau y bị đè dưới núi, pháp lực suy giảm. Còn cười đại ca là phường nhát gan, chẳng hiểu sao lại e sợ y, cứ cố bàn lùi việc ăn thịt Đường Tăng. Thì ra mình mới là kẻ ngốc…”
Ở một đám mây gần đó, Tịnh Đàn sứ giả nằm phơi bụng quan chiến chỉ liếc mắt nhìn qua voi trắng, nhếch miệng cười như đoán biết suy nghĩ lúc này của y. Người xưa có câu, “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”, sự việc đi thỉnh kinh năm đó, nào ai hiểu rõ hơn chàng Trư?
Năm ấy, Phật Tổ thu phục được Ngộ Không trên Thiên Đình, nhưng thấy y có ngộ tính cao, tài năng thì ngút trời, lại khả năng cao là đồ đệ của cố nhân, nếu có thể khiến y thu liễm tính kiêu ngạo, cải tà quy chính, thì thực là phúc cho chúng sinh. Ấy vậy mới nhốt y xuống dưới Ngũ Chỉ Sơn năm trăm năm cho y bình tĩnh lại. Năm trăm năm sau, lại phái Bồ Tát đi chiêu ngộ, giao cho y nhiệm vụ phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh.
Ấy nhưng Phật cũng hiểu tính khí con khỉ, nếu không cho y ích lợi gì, hẳn y không chịu bỏ công ra làm việc. Thế nên Như Lai Phật Tổ mới dặn Quan Âm nói với y một câu, nếu đến lúc khó khăn, “kêu trời thì trời thương, kêu đất thì đất cứu”. Ý của nhà Phật, vốn chỉ là châm chước cho Ngộ Không nhỡ y gặp yêu quái khắc chế được y. Nhưng con khỉ lại bám luôn vào lời hứa này, kiếp nạn nào không đánh mà qua được thì lười chẳng buồn đánh. Kiếp nạn nào phải đánh thì cũng chỉ ra đùa vui một chốc, đánh lấy lệ, rồi cưỡi mây lên Thiên Đình hoặc tới Tây Phương đòi người khác ra mặt hàng phục yêu quái giúp. Bắc Ngọc Hoàng lần một lần hai còn bị lừa, nhưng sau cũng nhìn rõ mánh lới của Ngộ Không, nhiều lần toan từ chối. Nhưng lần nào lần ấy, con khỉ lại lấy danh nghĩa của Như Lai và lời hứa nọ ra nói bóng gió. Thành thử suốt thời gian bốn thầy trò thỉnh kinh, Bắc Ngọc Hoàng cảm thấy mình như “con nợ”, lúc nào cũng đau đầu nhức óc sợ “chủ nợ” Ngộ Không lên đòi cứu binh.
Chiến lực thật của Mỹ Hầu Vương, đám yêu quái trên đường nào đâu có biết? Đến lúc đánh nhau, y không giở thực lực ra, chúng đương nhiên đều tưởng chuyện đại náo thiên cung năm nào của y chỉ là lời đồn suông. Thế nhưng Trư Bát Giới thì lại khác, dù gì chàng Trư cũng từng là Thiên Bồng Nguyên Soái, từng đấu qua với Ngộ Không khi xưa. Thành ra con khỉ giở trò, chẳng lẽ Ngộ Năng y còn không nhận biết? Thế nhưng Bát Giới cũng là một tên lười, lại cũng không thiếu sự khôn lanh sau bao nhiêu năm lăn lộn trốn quan trường. Thành thử, y cũng chả đi vạch mặt con khỉ, ngược lại, còn phối hợp với Ngộ Không. Hai sư huynh đệ họ, kẻ tung người hứng, diễn ra một màn kịch cho tất cả cùng xem. Ở ngoài mặt, ai ai cũng tưởng hai tên này bất hòa, suốt ngày kiếm chuyện gây nhau. Ấy vậy, nhưng những lúc nguy cấp, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, họ lại dám đem mạng giao cho nhau.
Lại trở về với trận chiến trước mắt. Mũi tên của Dương Tiễn bắn trúng lưng Phù Đổng Thiên Vương. Chỉ nghe ầm một tiếng, mũi tên toé ra thành trăm ngàn tia sáng mảnh như sợi chỉ, sáng tựa vầng dương. Hai bên quan chiến ngoại trừ các Đạo Thánh ra đều không thấy rõ chuyện gì xảy ra.
Thấy Gióng đưa lưng hứng trọn đại chiêu của mình, Dương Tiễn không khỏi kinh ngạc cau mày. Y nheo con mắt thứ ba, quan sát. Không nhìn thì thôi, vừa thấy hiện trạng của Gióng y đã giật mình.
Ánh sáng tản đi…
Gióng đứng sừng sững giữa bàn tay Phật Tổ, thân bọc trong lớp chiến giáp đen bóng, lưng cắm bốn lá cờ ghi lần lượt bốn chữ Nôm Phù Đổng Thiên Vương, bút pháp như rồng bay phượng múa. Từ các khớp hở như cổ tay, khuỷu, gối, lưỡi lửa đỏ rực thi nhau phun ra. Phật Tổ Như Lai và Hồng Quân Đạo Tổ nhìn nhau, cùng thoáng nhíu chân mày. Hai người cảm giác, từ phương xa, có một thứ sức mạnh mơ hồ vừa mới trỗi dậy trong một tích tắc, hô ứng với giáp trụ của Gióng.
Bấy giờ khói hãy còn bốc lên từ phần giáp lưng – hậu quả do hứng trọn mũi tên của Dương Tiễn, nhưng chỉnh thể chẳng tổn hại gì. Thấy chiêu thức sát thủ của mình không mảy may làm thương tổn được Gióng, Dương Tiễn không khỏi thấy chồn tay. Thất bại năm nào bỗng hiện ra trước mắt.
Giữa cửa thiên môn, một tướng một bổng cản trăm vạn thiên binh thiên tướng, một ngọn bổng đánh tan ba quân, thế không gì cản nổi.
Song cũng gần như ngay lập tức, đấu tâm của y lại bùng cháy lên.
Dương Tiễn
lại đạp mây phóng người lên trước, Ngân Tiêm Bảo Kích xé gió mà tới. Đầu mũi kích óng ánh sát cơ, giữa thân kích mịt mờ tiên lực. Nhị Lang hiển thánh chân quân lao đến đâu, mây gió vần vũ hôn thiên ám địa, sấm chớp đì đoàng rung trời chuyển đất đến đó như thể trợ uy.
Toàn thân Dương Tiễn bao bọc trong lực thiên phạt. Không! Nói cho chính xác thì y đã hoá thành hiện thân của thiên phạt!
Gióng vác côn lên vai, cười ha hả, cũng bay tới nghênh chiến. Chỉ nghe Phù Đổng thiên vương khẽ niệm “ khắc xuất ”, tức thì đốt thứ nhất trên ngọn bổng tre chín đốt của Gióng bỗng nhiên tách ra, nhìn xa trông như một cây mẫu tử côn biến thể.
Phù Đổng thiên vương siết tay quanh thân bổng, đoạn quát một tiếng. Tiếng quát của ông thổi bạt sạch mây đen, đánh tan hết sấm chớp, khiến y áo của Sơn Tinh đứng quan chiến cũng bay phấp phới theo.
Rầm!!!
Bổng kích đối bính, trúc thiết giao phong.
Cây côn tre chín đốt của Gióng lách vào ngay đoạn nách nằm giữa hai mũi kích của Dương Tiễn. Đây vốn dĩ chính là nơi lợi hại nhất của tam tiêm kích, chuyên dùng để khoá cứng binh khí đối thủ. Nay Gióng lợi dụng đúng chỗ này, chặn cứng bảo kích không cho nó tiến thêm một li, tựa như ném tảng đả lớn vào giữa con suối… Một chiêu này đánh ra, Dương Tiễn dù ở bên kia chiến tuyến, cũng phải khen một tiếng “diệu”.
Ngân tiêm bảo kích không tiến được, gậy của gióng cũng bị giữ chặt không thể nào huy trái lộng phái. Nhìn qua thì tưởng như là thế quân bình. Nhưng người ở trong chăn mới biết chăn có rận. Đây là lần thứ hai Dương Tiễn đấu với Gióng, tự nhiên là biết rõ đối thủ của mình khó ăn như thế nào. Phù Đổng thiên vương chuyển thế nhiều lần, giúp dân đánh giặc. Có lần nào vận nước không như chỉ mành treo chuông, đèn dầu trước gió? Chỉ nói về kinh nghiệm trận mạc, quét mắt nhìn toàn bộ những người ở đây, không ai hơn được Gióng.
Bỗng nhiên…
“Gióng! Cẩn thận!”
Tiếng nói đanh thép như núi sập đất lở của Sơn Tinh vang lên. Đến lúc này hai bên quan chiến mới sực nhớ ra là từ đầu cuộc chiến tới giờ vẫn có một Sơn Tinh thực lực không thể xem thường bình tĩnh khoanh tay đứng xem. Quả thực trận chiến một chống hai của Gióng và Ngộ Không, Dương Tiễn quá gay cấn và hồi hộp nên họ quên đi mất vẫn còn một người khác trong Tứ Bất Tử thượng đài.
Gióng được điểm chỉ mới giật mình, phát hiện mình đã mất liên hệ với hoá thân Linh Lang thần tướng.
Người ngoài không thấy khác lạ, nhưng trong cuộc mới biết, lòng bàn tay của Như Lai là một thế giới. Tôn Ngộ Không lộn mèo một cái mười vạn tám ngàn dặm, mà bay mãi cũng có qua khỏi bàn tay Phật đâu? Thế nên, thực tế trong lòng bàn tay Phật, cuộc chiến giữa Gióng và Nhị Lang đã cách xa trận giữa Ngộ Không và Linh Lang đại vương cả trăm dặm.
Từ đằng đông, một vệt sáng đạp trên mây bảy sắc hùng hổ lao về phía chiến trường của Gióng và Dương Tiễn. Nheo mắt nhìn kỹ, mới phát hiện người đứng trên mây không ai khác chính là Tôn Ngộ Không. Bấy giờ lông mao trên người của y lấp lánh ánh vàng, hai con ngươi phát thần quang rực rỡ, lưỡi lửa cháy rừng rực ở khoé mắt. Y mặc chiến giáp mạ vàng, đầu đội mũ gắn hai cái lông công, sau lưng cắm bốn lá cờ ghi lần lượt Tề Thiên Đại Thánh…
Như Ý Kim Cô Bổng hô ứng cùng chủ nhân, cũng nổi lên ngọn lửa rừng rực. Gióng ngửi mùi khói trên thân gậy, mới kinh hô:
“Lửa này!?”
Thái Thượng lão quân rốt cuộc không thể an tĩnh quan chiến được nữa, mà đứng bật dậy.
Vì thứ lửa đang thiêu đốt nơi đầu ngọn bổng kia chính là lửa trong lò bát quái năm đó lão dùng để đốt Tôn Ngộ Không! Như Ý Kim Cô Bổng vốn là Định Hải Thần Châm… Chủ nhân ở trong lò Bát Quái luyện được mắt lửa tròng vàng, chẳng nhẽ gậy chịu yên?
Như Lai nhìn vào bàn tay mình, mỉm cười gật gù:
“Ngộ Không nhân hoạ được phúc, đúng là điềm lành cho Xứ Mộng. Thỉnh kinh giúp nó bỏ hết phàm tâm, nhưng còn thiếu một bước. Cuối cùng người ép được nó đi bước này, trở lại hình dáng Linh Minh Thạch Hầu ngày xưa lại là Gióng.”
Còn nhớ Ngộ Không khi mới sinh ra, hai mắt phóng ra cột sáng xông thẳng lên trời, kinh động cả Ngọc Đế. Sau này do nhuốm trần duyên, mới từ từ mấy đi trạng thái linh sơ ngày trước.
Nay Ngộ Không hai mắt có thần quang, hoà quyện cùng lửa đỏ, ấy là do giờ y đã lớn, biết khống chế sức mạnh của mình.
Rầm!!
Gióng thấy bổng của Ngộ Không đánh đến, cũng không dám chậm trễ, liền rung tay, đẩy mạnh côn, hất Dương Tiễn cùng Tam Tiêm Bảo Kích ra xa. Đoạn gọi ra một thanh bổng tre chín đốt khác, nắm trong tay trái, cười vang:
“Ha ha! Hay lắm!! Anh Sơn, đừng nhúng tay!!”
Sơn Tinh nhún vai, bàn tay nắm thành quyền từ từ thả lỏng ra.
Gióng tự mình trải nghiệm một bổng của một trong Hỗn Thế Tứ Hầu.
“Thiên vương! Nếm thử một gậy của Lão Tôn!!!”
“Đại Thánh, mời!”
Gậy của Ngộ Không hoá thành một tia chớp vàng, mạnh mẽ đập vào hai thanh trúc bổng bắt chéo của Gióng.
Bình!!!!
Sóng âm hình bán nguyệt cơ hồ có thể nhìn bằng mắt thường lan toả với tốc độ đáng kinh ngạc, xé toạc cả không gian. Thế giới trong lòng bàn tay Phật Tổ lần đầu tiên không thể chịu đựng được lực chấn động, biên giới sụp đổ.
Dư kình từ lần so tài đánh ra bên ngoài, phân làm hai đạo đánh về phía hai phe Thiên Đình Thiên Phủ. Thấy vậy, Thái Thượng lão quân vốn đã đứng lên bèn ra tay, hoá giải dư kình. Bên phía Thiên Phủ thì Chử đạo tổ đã đứng ra, ném nón tu lờ lên thu gọn lực chấn động.
Thế nhưng, chỉ thoáng cảm nhận luồng dư âm ấy, mà không biết bao nhiêu thần tiên bồ tát các phương phải toát mồ hôi lạnh.
Chỉ là dư âm mà còn đáng sợ đến nỗi khiến họ cảm giác phải đối mặt với tử vong. Nếu phải tự mình tiếp chiêu của bất kì ai trong hai người, chín thành chín thần tiên bồ tát ở đây tự nhận không thể cản nổi.
Phật Tổ thấy vậy, bèn buộc lòng phải úp hai lòng bàn tay vào nhau. Nếu không, e là trận chiến của hai phe sẽ phá sập cả rừng tháp gần chùa Lôi Âm.
*Lời tác giả: Do trận đấu thứ ba khá là hoành tráng nên đã hợp tác với thằng bạn viết. Hắn viết các phân cảnh đánh nhau hay hơn tác nên trận này để hắn chủ đạo, tác chỉ sửa lại và thêm thắt một số tình tiết truyện vào các nơi cần thiết. Nếu ai tò mò thì có thể qua “Thuận thiên kiếm – Rồng không đuôi” của hắn mà đọc.