Truyền Kỳ Xứ Mộng

Văn tưởng tượng (30.1)


trước sau

“Học thêm, kể chuyện, lên bảng đọc

Trong rừng, ảo giác, thử tâm tư.”

Chương trước kể song song hai dòng sự kiện. Hồi tháng 11/2005, nhóm Hầu Ca sau khi thu phục Ma Gà thì tiến nhập Quỷ Phương Lâm. Đi được một hồi thì chả hiểu sao tách nhau ra mà chạy như người mất hồn. Còn đầu tháng 1/2006, Hầu Ca tỉnh dậy và phát hiện nó bế quan liền mấy ngày, thế nhưng tại Địa Cầu mới có một đêm trôi qua. Liệu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Mời các đạo hữu đọc chương này để biết.

Ngày 3 tháng 1 năm 2006.

Góc phố Lý Thường Kiệt và Hàng Bài là địa chỉ thuê chung của hai ngôi trường THCS. Do nơi này sáng một trường, chiều một trường, nên hai lối vào trường treo hai cái biển khác nhau. Lối vào trên đường Lý Thường Kiệt treo biển THCS Nguyễn Du, còn lối vào trên đường Hàng Bài treo biển THCS Trưng Vương. Cũng vì vậy mà hai cổng còn được học sinh và dân quanh vùng gọi là cổng Nguyễn Du và cổng Trưng Vương.

Một chiếc xe máy Honda đời cũ màu xanh lục chạy dọc đường Lý Thường Kiệt rồi rẽ ở Hàng Bài, đỗ lại trước ngõ nhỏ số 26, ngay cạnh cổng Trưng Vương. Người cầm lái là một người đàn ông trung niên. Mặt ông toát ra một vẻ tri thức với một cái kính cận dày cộp, bóng dáng bộ râu quai nón vừa cạo gọn gàng sáng nay, và cái đầu hói được che dưới mũ bảo hiểm. Ông mặc một cái áo khoác vàng nâu đã cũ ra ngoài một bộ quần áo công sở không có gì đặc sắc. Sau lưng ông, một thằng bé thoăn thoắt trèo xuống, vắt ba lô qua vai, nói “chào bố” một câu rồi chạy nhanh vào ngõ. Cách ăn mặc của thằng bé này có thể gọi là “kín cổng, cao tường”, che gần như không để hở ra một tí da nào ngoại trừ mặt mũi. Thằng bé này chính là Hầu Ca, đã muộn giờ học thêm. Mà người lái xe đưa nó đến chính là bố nó. Giám đốc một công ty phát triển Phần Mềm, và cũng là “xe ôm” đưa con đi học thêm mỗi sáng thứ ba, sáu, bảy và Chủ Nhật. Sau khi Hầu Ca chạy vào ngõ, bố của nó cũng nhanh chóng phóng xe về nhà chuẩn bị đi làm. Trưa nay học xong, Hầu Ca sẽ tự đi bộ về như thường lệ, ăn uống, rồi tự đi bộ lại đến trường học chính buổi chiều.

Bấy giờ đã là 7 giờ 45 phút sáng. Lớp học bắt đầu lúc bảy rưỡi. Thực sự thì đến lúc này Hầu Ca vẫn chưa thể tin được mấy ngày nó đắm chìm trong lĩnh ngộ Trượng Ý lại chỉ bằng một đêm ngủ ngon lành. Lúc nó tỉnh dậy, nó còn cứ tưởng người nhà đã lo chết thôi vì nó ngủ liền mấy ngày không tỉnh dậy. “Rốt cuộc là xảy ra chuyện gì? Tại sao thời gian lại có chênh lệch lớn đến như vậy? Lúc quay lại Xứ Mộng phải hỏi ông mới được!” Hầu Ca thầm nghĩ rồi rảo bước tới căn nhà tít sâu trong ngõ mà hai cô giáo Văn, Toán của lớp nó thuê để dạy thêm.

Lúc Hầu Ca đẩy cửa vào thì cả lớp nó đang lúi húi làm bài. Nó nhỏ giọng chào cô giáo một tiếng rồi nhanh chóng vào chỗ ngồi. Vì chuyện Hầu Ca đi học muộn xảy ra như cơm bữa thế nên cô giáo cũng chỉ lắc đầu ngao ngán nhưng không nói gì. Căn nhà này cao bốn tầng, nhưng lớp nó chỉ thuê tầng một và hai, còn hai tầng trên là một lớp khác thuê. Hai cô giáo dạy Văn, Toán của lớp nó chia lớp ra hai nhóm, nhóm học sinh khá và giỏi hơn thì học tầng một, còn nhóm học sinh trung bình trở xuống cần chú ý hơn thì học ở tầng hai. Chia như vậy, một là các cô có thể thay đổi cách dạy sao cho phù hợp, hai là để hai cô có thể cùng dạy một lúc, rồi đến giờ, chỉ cần leo cầu thang, đổi nhóm, dạy tiếp cho nhóm còn lại.

Hôm nay, nhóm tầng một của Hầu Ca học Ngữ Văn trước. Khi Hầu Ca ngồi vào chỗ, liền ngó qua vở Mỹ Miêu để xem đề bài. Đề bài cô giáo cho hôm nay cho học sinh lựa chọn một trong hai đề. Đề thứ nhất là tưởng tượng về sự tình giữa Sơn Tinh – Thủy Tinh hiện tại. Còn đề thứ hai là tưởng tượng, nhân hóa, kể một câu chuyện về mùa đông. Nếu là trước đây, có lẽ Hầu Ca đã chọn đề thứ hai. Nó thích một không gian không gò bó, thoải mái tưởng tượng. Thế nhưng, gần đây, sau khi nói chuyện với ông nội nó ở giải giao hữu, rồi lại hỏi thêm về chuyện tình giữa Sơn Tinh – Thủy Tinh nhiều năm qua, nó thật sự rất muốn cho mọi người biết về sự thay đổi cũng như mặt tốt ít người để ý của Thủy Tinh.

Bên tai Hầu Ca lại vang lên giọng nói của ông nó: “Các truyền thuyết, huyền thoại dân gian, cũng như rất nhiều tiểu thuyết của các nhà văn suốt bề dài lịch sử là truyện thực của Xứ Mộng. Việc lưu truyền các tích của Xứ Mộng ở tại Địa Cầu rất quan trọng, vì chính sự tồn tại của những tín ngưỡng này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thần thánh nơi Xứ Mộng, giúp ích không nhỏ cho sự tồn tại và lớn mạnh của Xứ Mộng. Mà Xứ Mộng càng lớn mạnh, thì Địa Cầu càng được bảo vệ tốt. Thế nên, làm Nhị giới nhân, ngoại trừ bảo vệ bình an nơi Xứ Mộng, ngăn chặn các hiểm nguy có thể ảnh hưởng tới Địa Cầu, thì còn một nhiệm vụ khác. Đó chính là góp phần giúp cho Địa Cầu luôn nhớ tới các vị thần thánh nơi Xứ Mộng, kể lại các sự của Xứ Mộng cho nhân dân Địa Cầu, thêm một người biết là tốt thêm một phần.”

Đề văn trong tay lúc này là một cơ hội rất tốt để làm “nhiệm vụ”. Hầu Ca hoàn toàn có thể kể lại một số sự việc giữa Sơn Tinh – Thủy Tinh nhiều năm qua, rồi kết thúc ở sự ngừng chiến, chuyển qua tổ chức đấu giao hữu. Thế nhưng, do không thể nói ra sự tồn tại của Nhị giới nhân, có lẽ sẽ phải thay bằng muông thú dưới trướng hai vị Sơn, Thủy. Kể ra Hầu Ca thấy điều luật của Xứ Mộng rất buồn cười, không được cho Địa Cầu biết về sự tồn tại của Xứ Mộng cũng như Nhị giới nhân, thế nhưng lại luôn phải tìm mọi cách để Địa Cầu nhớ về, tôn thờ các thần thánh nơi Xứ Mộng, kể về các sự tình nơi Xứ Mộng dưới vỏ ngoài là truyện viễn tưởng. Nó đã thắc mắc với ông nội nhưng ông nội nó chỉ cau mày, lắc đầu, rồi bảo nó về sau sẽ có lúc nó hiểu lý do.

Hầu Ca nhắm mắt dưỡng thần, trong đầu nó hiện ra hình ảnh một trận chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh qua lời kể của ông nội nó. Trận đấu hiện lên trong đầu Hầu Ca lúc này là trận đầu tiên giữa hai người. Khi đó, Sơn Tinh vừa đưa Ngọc Hoa Mị Nương về đến cung
điện trên núi Tản Viên thì quân của Thủy Tinh kéo tới. Thủy Tinh mặc một bộ giáp làm từ băng, sau lưng khoác áo choàng bằng nước. Hắn cưỡi một con thuồng luồng, dẫn đầu đội quân thủy quái đánh tới. Sơn Tinh cưỡi cọp trắng ra ứng chiến, chàng mặc một bộ giáp làm từ đất đá, sau lưng mọc ra một đôi cánh từ dung nham, nhìn như một vị chiến thần. Phía sau chàng là các loài muông thú chốn sơn lâm.

Hai bộ giáp hai người hiện mặc, theo như lời ông nội Hầu Ca, là hai kiện pháp bảo phòng ngự. Chúng vừa giúp bảo vệ các chỗ trọng yếu trên người, vừa có hiệu ứng khuếch trương khả năng điều khiển nguyên tố thuộc tính, thiên tượng (hiện tượng thiên nhiên) của họ. Thế nhưng, đồng thời, hai kiện pháp bảo này cũng giảm đáng kể sức mạnh thể chất của hai người họ.

Sau khi mắng chửi nhau vài câu, hai người họ xông vào chiến đấu. Một đấm Sơn Tinh đánh ra khiến núi mọc nhấp nhô lên từ giữa biển sóng, đất bằng cũng dậy sóng từng đợt. Thủy Tinh đạp ra một cước thì biểu sâu gầm thét, sóng thần nổi lên từng đợt, bọt nước trắng xóa cả một góc trời. Hai người họ đánh liền mấy ngày mấy đêm. Dần già, họ thấy mãi không phân thắng bại nên cũng cởi áo giáp ra, mình trần tham chiến. Cởi bỏ áo giáp, tuy sự khống chế đối với thiên tượng của họ bị giảm, thế nhưng, từng quyền từng cước lại thêm phần mạnh mẽ. Mỗi một lần Sơn Tinh ra chiêu là núi long đất lở, động đất từng đợt. Mỗi một lần Thủy Tinh phản kích là sấm chớp đùng đoàng nổ vang, sóng biển thét gào không dứt.

Họ cứ đánh vậy khiến cho long trời lở đất mà không phân thắng bại suốt nhiều tháng trời, thẳng đến lúc kinh động đến một vị, Thủy Tổ Lạc Long Quân. Lạc Long Quân tính ra là tổ tiên của cả hai người Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sơn Tinh thì thuộc dòng dõi năm mươi người con theo mẹ Âu Cơ lên non, còn Thủy Tinh thì thuộc dòng dõi năm mươi người theo Lạc Long Quân về biển. Thế nên, khi chứng kiến hai kẻ hậu sinh của mình đánh nhau đến long trời lở đất, thì cuối cùng, Đức Long Quân phải ra mặt can ngăn.

Vì Đức Long Quân ra mặt, thế nên hai người Sơn – Thủy từ đó mới định ra, mỗi năm chỉ đánh một quãng thời gian, ứng với mùa mưa lũ dân gian biết tới. Và chuyện này kéo dài thêm cả nghìn năm sau, cho tới cuộc chiến mà Ngọc Hoa Mị Nương sinh hạ Mẫu Thượng Ngàn.

Trong đầu Hầu Ca tiếp tục đảo qua một số cuộc chiến khác giữa hai người Sơn – Thủy mà ông nội nó đã kể. Nó ghép nối, sắp xếp các chi tiết phù hợp từ các cuộc chiến này lại. Rồi cuối cùng, nó nhớ tới cuộc chiến cuối cùng giữa hai người Sơn, Thủy. Trận chiến đó diễn ra gần một nghìn năm sau trận chiến đầu tiên của hai người. Lần đó, Thủy Tinh ngồi kiệu do bốn con thuồng luồng kéo đến tấn công núi Tản Viên đúng vào hôm Ngọc Hoa Mị Nương chuẩn bị sinh hạ nàng La Bình, Tiên Dung Mị Nương, chị gái nàng Ngọc Hoa, đồng thời là vợ của Chử Đồng Tử, đích thân xuống phụ giúp đỡ đẻ.

Gần một nghìn năm ân oán, thế nhưng Thủy Tinh vẫn một lòng một dạ mong mỏi nàng Ngọc Hoa hiểu cho lòng mình. Gần một nghìn năm ân oán, đúng lúc Sơn Tinh nóng ruột vì vợ chuẩn bị sinh con thì Thủy Tinh đánh chân núi. Trận chiến đó ác liệt không kém gì trận chiến đầu tiên của hai người. Cả hai người họ đều điên cuồng đánh như liều mạng. Cả hai người họ đều định liều một phen phân định thắng thua, giải quyết ân oán. Thế giằng co tưởng chừng sẽ kết thúc với hai chiêu số liều mạng của hai người. Thế nhưng, vào đúng lúc căng go nhất, vào đúng giây phút quyết định, vào đúng thời điểm hai người họ chuẩn bị liều sống chết với nhau, tiếng khóc chào đời của nàng La Bình vang lên thánh thót.

Thế rồi, Ngọc Hoa Mị Nương ngay sau khi “mẹ tròn, con vuông”, đã vội vã ra can ngăn hai người Sơn, Thủy. Nàng cám ơn Thủy Tinh vì tình cảm suốt gần một nghìn năm, tạ lỗi với hắn vì giữa họ không có duyên phận, và cuối cùng, nhận hắn làm nghĩa huynh. Một tràng ân oán cứ thế trôi qua, tất cả là nhờ sự ra đời của La Bình, mẫu Thượng Ngàn sau này.

Cuối cùng, Hầu Ca bắt đầu sắp xếp giải thích về giải giao hữu. Thế nhưng, thay vì Nhị giới nhân, nó giải thích rằng từ đó trở đi, chuyện mưa nắng hàng năm hai người Sơn, Thủy mỗi người chọn ra năm đại diện. Năm muông thú của núi rừng đấu với năm thủy quái của biển cả, rồi từ đó phân định thắng thua. Còn bản thân hai người họ thì rút về cùng nàng Ngọc Hoa làm ban giám khảo.

Sau khi sắp xếp các ý ổn thỏa trong đầu, Hầu Ca cầm bút lên và bắt đầu viết. Mở bài nó giới thiệu qua về tích Sơn Tinh Thủy Tinh. Thân bài nó nói qua về trận đầu tiên và một số trận đấu trong quá trình gần một nghìn năm trong đoạn văn đầu tiên. Rồi dành toàn bộ phần còn lại của thân bài kể về trận chiến cuối cùng của hai người họ cũng như cái kết khá bất ngờ và nhân văn này, cũng như giới thiệu qua chuyện về sau của nàng La Bình. Kết bài, Hầu Ca nêu cảm nhận của nó về sự việc. Nó đặt bút xuống thì cũng vừa hết giờ viết bài.

Khi cô giáo hỏi có ai muốn nộp không, Hầu Ca làm cả lớp khá ngạc nhiên khi nó giơ tay. Trong ấn tượng của mọi người, Hầu Ca không giỏi văn, cũng không quá hứng thú với môn văn. Cô giáo chọn ra thêm bốn học sinh bất kỳ khác cùng nộp vở với Hầu Ca, và cô bắt đầu chấm bài trong lúc cho cả lớp nghỉ giải lao vài phút.

***

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện