Thế nhưng Cảnh Nhạc chỉ là một người làm ăn, dù hắn có giàu tới đâu thì địa vị vẫn thấp hèn nhất nước Ngụy, cả đời chỉ là cá nằm trên thớt của những kẻ có quyền.
Cảnh Nhạc không cam tâm, không chấp nhận. Hắn bí mật làm rất nhiều chuyện, gặp rất nhiều người, nhẫn nại như một con thú hoang đã ngắm trúng con mồi, chờ một cơ hội có thể khiến hắn được như ý nguyện.
Nhưng hắn không thể ngờ rằng, cơ hội đó sẽ đến bằng cách như vậy.
Một ngày nọ có một vị khách quý đến quán trà, người đó là Hầu phu nhân của Võ Hầu phủ, bà tới tìm Cảnh Nhạc nói cho hắn biết, hắn chính là thiếu gia mất tích nhiều năm của Võ Hầu phủ và bà là mẹ ruột của hắn.
Hầu phu nhân Thẩm thị khóc đến trôi sạch lớp trang điểm, bà hổ thẹn chỉ hận không thể quỳ xuống trước mặt Cảnh Nhạc, đau đớn nói sau khi chuyện ngoài ý muốn đó xảy ra, bà đau khổ tự trách như thế nào, đứt ruột nát gan ra sao.
Hóa ra mười chín năm trước, Võ Hầu Cảnh Văn chỉ là một quan thiểm sự thất phẩm, do địa giới có nạn thổ phỉ hoành hành nên Cảnh Văn thường xuyên phải đi bắt thổ phỉ, ít khi về nhà, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều phải do phu nhân lo liệu.
Có lẽ do suy nghĩ quá nhiều nên lúc lâm bồn Thẩm thị khó sinh, tuy vẫn sinh được đứa bé trai nhưng bà đã mắc di chứng, sau này không thể mang thai nữa.
Thẩm thị bị đả kích lớn nhưng khi thấy con trai ruột của mình, tất cả mọi tiếc nuối đều được an ủi. Bà bị bệnh nặng không thể chăm sóc con trai tử tế, chỉ đành mời bà vú ở bên ngoài.
Lúc đầu bà rất vừa lòng với bà vú vì sự dịu dàng hòa nhã, lại thật lòng thương yêu con trai bà. Nhưng có một ngày bà vú xin nghỉ về nhà, khi bà ta quay lại thì tinh thần hơi hoảng hốt. Mới đầu mọi người không để ý, nhưng một đêm nọ, bà vú lại mất tích với thiếu gia.
Nhà họ Cảnh loạn tung lên, vội tới nhà bà vú thì hay phu quân của bà ta nợ một khoản tiền lớn muốn bán bà ta để trả nợ, nhưng bà ta làm việc trong nhà quan, gã sợ rắc rối nên mới sốt ruột muốn bán con trai vừa mới sinh, giờ không biết gã đã trốn đi đâu rồi.
Còn bà vú, từ hôm qua đã không thấy về thôn nữa.
Người trong nha môn đi cùng với nhà họ Cảnh đoán bà vú đã bị đả kích lớn khi hay tin con mình bị bán, nên lúc về nhà họ Cảnh nhìn thấy thiếu gia thì muốn chiếm lấy đứa bé, gây tội ác tày trời.
Cảnh Văn đang trên đường bắt thổ phỉ nghe tin cũng vội vàng chạy về nhà, ông tức giận sai nha môn tra hộ tịch bà vú, muốn đích thân đi tìm, nhưng sau đó nước Ngụy đã xảy ra cuộc loạn chiến giữa bảy nước.
Cuộc chiến này kéo dài suốt sáu năm. Trong cuộc chiến, Cảnh Văn lập được công lớn nên được phong làm Võ Hầu. Khi trong triều ổn định, ông đến quê hương của bà vú thì biết chiến loạn ập vào thôn, mọi người trong thôn đã bị loạn quân giết sạch.
Manh mối duy nhất đã đứt, trong biển người mênh mông muốn tìm một người chẳng khác nào mò kim đáy bể, hơn nữa người đó có khả năng đã không còn trên đời.
Thẩm thị lau nước mắt nói: “Mấy năm nay chúng ta chưa từng ngừng tìm kiếm con nhưng không có tin tức gì. Nếu không phải một người già trong Hầu phủ tình cờ gặp con, cảm thấy con giống ta sáu bảy phần thì chúng ta còn cho rằng…”
Cảnh Nhạc: “Chỉ là giống thôi, người giống nhau trong thiên hạ chẳng lẽ còn ít sao?”
Thẩm thị vội nói: “Hầu gia đã điều tra, con quả thực là con trai của chúng ta. Năm đó người phụ nữ đê tiện kia ôm con nhưng không về nhà, mà trốn sang thôn nhỏ ở phía nam. Lúc đó tình cờ gặp chiến loạn nên mới trốn tới nhà người thân ở thôn bên cạnh. Chỉ là do tiện phu kia làm việc ác chột dạ nên ít khi qua lại với người thân.”
“Con trai, tai phải con có một nốt ruồi son, giống y hệt mẹ. Hơn nữa tình mẹ con máu mủ ruột rà, mẹ mang thai mười tháng sinh ra con, sao có thể nhận nhầm con chứ?”
Đầu Cảnh Nhạc rối tung, nhất thời hắn lại nhớ tới khuôn mặt bị hủy vì ngã xe của mẹ mình, hình ảnh Dương đại thiện nhân bị chém đầu lóe qua, như ma xui quỷ khiến gọi: “Mẹ…”
Thẩm thị không chịu nổi nữa, ôm chặt Cảnh Nhạc khóc lóc như điên: “Con trai của mẹ! Bao nhiêu năm nay khổ cho con quá, là chúng ta có lỗi với con. Sau này sẽ bù đắp thật tốt cho con. Hầu gia đang đợi con ở nhà, ông ấy đã chờ con mười mấy năm trời, chúng ta mau về đi.”
Từ đó, Cảnh Nhạc được đón về Võ Hầu phủ, trở thành con trai duy nhất của Võ Hầu.
Vì Võ Hầu hổ thẹn với Thẩm thị nên không nạp thiếp, trong phủ không có con vợ lẽ nên rất yên ổn. Giờ Cảnh Nhạc quay về, Võ Hầu dứt khoát xin Hoàng đế phong hắn làm Thế tử, vào học trong Quốc Tử Giám.
Hai vợ chồng Hầu gia vô cùng cưng chiều hắn như muốn bù đắp lại nỗi tiếc nuối mười mấy năm qua, ngay cả nhà họ Dương theo Cảnh Nhạc lên kinh cũng được hưởng lây. Võ Hầu giúp nhà họ Dương ổn định, tri phủ năm đó hãm hại họ cũng thân bại danh liệt, nhà tan cửa nát.
Thanh thế lớn như vậy khiến ai ai trong kinh cũng biết Võ Hầu yêu con như mạng, cũng có không ít người có ý định với Cảnh Nhạc.
Khi Hoàng đế tuổi đã cao, mấy Hoàng tử tranh đấu ác liệt, mà Võ Hầu chưởng quản doanh trại tuần tra trong kinh là thế lực mà ai cũng muốn lôi kéo.
Đối với ám chỉ của các Hoàng tử, thái độ của Cảnh Nhạc luôn mập mờ.
Hắn đang quan sát để tìm một “quý nhân” có thể giúp hắn hoàn thành tâm nguyện.
Qua một khoảng thời gian dài điều tra và phân tích, Cảnh Nhạc rút ra kết luận: Đại hoàng tử tính tình cuồng bạo, Nhị hoàng tử ngu xuẩn lỗ mãng, Tam hoàng tử có chí lớn nhưng bất tài, Tứ hoàng tử cay nghiệt, chỉ biết đố kỵ, Ngũ hoàng tử là tên nhu nhược lại có thân phận thấp kém vì do cung nữ sinh ra, mà Lục hoàng tử nhỏ nhất lúc đó chỉ là một đứa trẻ.
Chọn tới chọn lui, cuối cùng, Cảnh Nhạc nhắm tới Tứ hoàng tử.
Bốn năm sau, Cảnh Nhạc trở thành Thám hoa.
Khi hắn cưỡi ngựa dạo phố, thấy cha mẹ người thân, các huynh đệ cùng ăn mày năm đó, những người nhà họ Dương còn sống, thậm chí là nhà thợ săn đã cứu hắn năm xưa.
Hình ảnh ngày cũ lướt qua trong đầu giống như một trận gió thoảng. Giờ hắn đã trở thành thế tử Hầu phủ cao quý, không còn bị người ta khinh thường, gặp chuyện gì cũng phải nhẫn nhịn không có cách nào giải quyết như ngày xưa nữa.
Nhưng vẫn chưa đủ, quyền thế trong tay chưa đủ để hắn không phải phiền muộn vì bất kỳ chuyện gì, vẫn luôn có người quyền cao hơn hắn.
Ví như Hoàng đế trong cung vàng, ví như những Hoàng tử cao quý.
Mấy năm nay, Cảnh Nhạc giúp Tứ hoàng tử lấy con gái cưng của Thừa tướng, còn lôi kéo được một đám quan lớn trong triều cho gã, giúp gã bày mưu tính kế, khiến Đại hoàng tử có hy vọng nhất bị cấm túc, cuối cùng đã có được
sự tin tưởng của Tứ hoàng tử. Nhưng Tứ hoàng tử mẫn cảm đa nghi, hắn không dám đi sai bước nào.
Cảnh Nhạc hiểu, chỉ có nắm giữ thiên hạ trong lòng bàn tay thì mới có thể thực sự nắm giữ vận mệnh của mình, mới có thể bảo vệ người mình muốn bảo vệ.
Đối với ý định mưu phản nghịch thiên của hắn, Võ hầu đã biết thừa. Sau khi nói chuyện với hắn, ông loại bỏ suy nghĩ lấy vợ để liên hôn cho hắn của Thẩm thị, mặc kệ để hắn làm việc, Hầu phủ sẽ giúp đỡ hắn vô điều kiện.
Sự bao dung của cha mẹ khiến hắn vô cùng áp lực, lại vô cùng cảm kích.
Hắn biết con đường mình đi trải đầy chông gai, không có đường lui, là một ván cờ cược tính mạng cả bản thân và gia đình.
Thắng, thay trời đổi đất.
Thua, vạn kiếp bất phục.
Nhưng hắn không hối hận.
Mùa thu năm đó, Nhị hoàng tử vây giết Tam hoàng tử, Tam hoàng tử bị thương nặng khó chữa, Nhị hoàng tử bị giết tại trận.
Mùa xuân năm sau, Ngũ hoàng tử bị đưa đi làm con thừa tự cho Thành Thân Vương 60 tuổi vẫn chưa có con, mất đi cơ hội kế vị.
Thế nên chỉ còn lại Tứ hoàng tử và Lục hoàng tử mới bảy tuổi.
Cũng chính mùa xuân năm đó, Tứ hoàng tử được phong làm Thái tử.
Quân thần có khác, Cảnh Nhạc biết mình nên lui một bước.
Hắn giữ mình cách xa Thái tử, Thái tử rất hài lòng với sự thức thời của hắn. Nhưng khi có người xúi giục, Thái tử vẫn kiêng kỵ hắn, cuối cùng qua cầu rút ván, kiếm cớ điều Võ Hầu ra khỏi doanh trại tuần tra của kinh thành, thay bằng người nhà mẹ đẻ mình.
Cảnh Nhạc lặng lẽ nhìn gã bành trướng thế lực tự tìm đường chết, vẫn cúc cung tận tụy, không hề tỏ ra bất mãn.
Màu thu năm tiếp theo, người Man gây chiến với quy mô lớn, phe đòi đánh và phe cầu hòa tranh luận không thôi, dưới sự ám thị của Cảnh Nhạc, Thái tử đề cử tự mình xuất chinh.
Sự trung hiếu của gã khiến Hoàng đế cảm động nên đồng ý. Hoàng đế không chỉ cho Thái tử năm mươi vạn đại quân mà còn cho lão tướng quân thiện chiến đi cùng giúp đỡ.
Chẳng qua cuối cùng Thái tử vẫn chết trận.
Khi Cảnh Nhạc nhận được tin Thái tử tự sát vì nước, hắn cười khẩy: “Vĩ đại thật đấy.”
Sự thật là Thái tử muốn nhân trận chiến này để lập uy quyền trong quân nhưng bị mấy người nhà mẹ đẻ đâm chọc gây chia rẽ, gã cảm thấy mấy tướng quân muốn tranh công với mình nên tự tiện hành động, không may trúng kế người Man, bị vây giết trên chiến trường.
Hắn đi theo Thái tử bao nhiêu năm, Thái tử là người thế nào, khi bị ảnh hưởng sẽ làm ra chuyện gì đều nằm trong mưu tính của hắn.
Sự thật chứng minh, hắn không hề tính sai.
Khi tin truyền về kinh thành, Hoàng đế bệnh nặng. Hai ngày sau, Hoàng đế truyền lệnh cho Võ Hầu, sai ông dẫn mười vạn đại quân đi chi viện.
Ngày Võ Hầu dẫn binh ra khỏi thành, Cảnh Nhạc lẳng lặng đứng trên lầu thành nhìn bóng lưng cha mình. Dù hai cha con không nói gì, nhưng họ ngầm hiểu, thắng hay thua chính là ở lúc này!
Khi cơn gió mùa xuân thổi khiến trăm ngàn đóa hoa trong kinh thành bừng nở, đại quân thắng trận trở về.
Trận chiến với người Man Võ Hầu lập được chiến công hiển hách, không những đoạt lại thành trì của nước Ngụy bị thôn tính mà còn đuổi vương triều người Man ra khỏi Mạc Bắc, giờ Mạc Bắc đã thuộc về nước Ngụy.
Lúc này Hoàng đế bệnh không dậy nổi, đành phái sứ giả ra tiếp đón ngoài thành ba mươi dặm, phong Võ Hầu làm Quốc công, Cảnh Nhạc được phong làm Thế tử Quốc công.
Cùng lúc đó Hoàng đế chiếu cáo thiên hạ, phong Lục hoàng tử còn chưa tròn mười tuổi làm Thái tử, lệnh Võ Quốc công và hai Thừa tướng phò tá ấu chủ.
Một tháng sau Hoàng đế băng hà, Ấu chủ đăng cơ.
Thế là Võ Quốc công nắm giữ nửa binh quyền trong thiên hạ trở thành Nhiếp chính vương, mà Cảnh Nhạc đứa con trai duy nhất của Võ Quốc công thế lực vô cùng lớn.
Ngày đại điển đăng cơ của Ấu đế, Cảnh Nhạc tới quán trà của hắn, ngồi trong phòng bao tầng ba.
Hắn nhìn ánh chiều tà đỏ rực ngoài cửa sổ, thầm nghĩ: Ta từng ngưỡng mộ người có tiền, sau này ta lại ngưỡng mộ người có quyền, sau nữa ta muốn có được tất cả quyền lực trên thế gian, không bị ai khống chế nữa. Giờ chẳng ai có bản lĩnh đối đầu với ta, thiên hạ chỉ biết cha ta mà chẳng màng đến Ấu đế. Tuy ta không phải người có quyền nhất, nhưng đã hoàn toàn nắm giữ vận mệnh của mình, đâu còn mong gì nữa?
Nhưng không biết vì sao, lòng hắn vẫn không thấy vui.
Trong sảnh chính, từng đoạn hí văn vang lên:
“Bốn mươi năm mộng về ngày xưa, cung vàng gác tía chẳng thấy nữa, chỉ than đời người nửa vui buồn, ngoảnh đầu cứ ngỡ cuộc đời chỉ là một giấc mộng, ngồi mà cắt đứt mối duyên tơ. Thoát khỏi chốn hồng trần, hướng về chín tầng trời cao vút, lầu phượng, tiên cung, đài bạch ngọc, đó chính là thiên ngoại phi tiên.”
Tiếng ca chầm chậm bay vào tai. Khoảnh khắc đó, Cảnh Nhạc chợt nhớ đến sườn núi xanh mơn mởn, nhớ đến hoa dại nở khắp núi, nhớ đến tảng đá xám xịt tiên nhân từng giẫm lên.
Hắn khẽ than: “Sao ta lại quên chứ?”
Trái tim mờ mịt phủ bụi như thoát khỏi mê chướng, giống như trăng non mọc giữa đêm tối, tựa ánh mặt trời xuyên qua lớp mây mù.
Cảnh Nhạc cảm thấy toàn thân nhẹ bẫng, hắn cười lớn: “Đều nói thiên đạo vô thường, tiên nhân vô tình, nhưng ta vẫn muốn theo đuổi đại đạo, làm thần tiên!”
Dứt lời sấm giật đùng đùng, ánh chớp bạc trắng đánh mạnh vào quán trà như con rắn điên cuồng, mái ngói nứt toác, khiến mọi người vội che tai.
Sau tiếng sấm quán trà y nguyên như cũ, nhưng Cảnh Nhạc ngồi trong phòng bao thì đã biến mất không thấy tăm hơi.
Những lời lẽ hào hùng trước khi biến mất của hắn có rất nhiều người nghe thấy.
Từ đó, dã sử hậu thế ghi lại: “Đại Ngụy Thiên Tuế năm thứ bốn mươi mốt, Thế tử Quốc công Cảnh Nhạc ở quán trà Vấn Tiên chợt giác ngộ đạo, đắc đạo phi thăng.”
HẾT CHƯƠNG THỨ BỐN MƯƠI