Thực ra thì tôi thực lòng không nghĩ rằng người tới sẽ là Nhiếp Diệc, tôi cứ nghĩ đó là đồng bọn của Nhiếp Nhân, dù sao thì cửa cũng không bị đạp ra, nghe tiếng động thì chắn chắc là quẹt thẻ để mở. Từ xưa đến nay, từ trong nước đến ngoài nước, để làm anh hùng cứu mỹ nhân, không ai dùng cách nhẹ nhàng như thế. Loáng thoáng có thể nghe thấy được giọng nói thì thầm người quản lý hội quán: “Cậu Nhiếp, cậu xem thử có nên…” Khúc cuối nghe không rõ lắm, tôi thầm nhớ lại xem nhà họ Nhiếp còn có người đàn ông nào cùng hội cùng thuyền với Nhiếp Nhân, tiếng bước chân đã xuyên qua phòng khách. Sau đó Nhiếp Diệc xuất hiện trước cánh cửa ngăn cách phòng khách và phòng ngủ. Lúc đó Nhiếp Nhân đang ngồi trên giường, tay tôi vẫn bị trói ngược ra đằng sau, may mà lúc này tôi và hắn vẫn còn duy trì một khoảng cách an toàn.
Tôi thấy hầu kết của Nhiếp Nhân khẽ nhúc nhích, như đang khó khăn nuốt nước bọt. Hôm nay Nhiếp Diệc mặc một chiếc cardigan màu tro phối với quần đen chứ không mặc lễ phục, dáng vẻ điềm đạm nho nhã đứng đó, toát lên vẻ hiền hòa trước nay chưa từng có, tôi hoàn toàn không cảm thấy chút tức giận nào. Nhiếp Nhân chủ động mở trói cho tôi, lúng túng gọi Nhiếp Diệc: “Anh…” Hai tay đã được tự do nhưng lại có chút tê liệt, một hồi lâu mới từ từ trở lại bình thường, hai cổ tay bị hằn một vòng lại một vòng máu tụ, tôi lấy tay trái xoa tay phải, tay phải xoa tay trái, cứ thế xoa xoa nửa ngày.
Nhiếp Diệc thong thả bước tới trước cửa sổ sát đất, gạt phăng cái rèm cửa đang che kín mít. 6 giờ, mặt trời đỏ ối, những tia sáng ấm áp tranh nhau tuôn vào phòng. Ánh mắt Nhiếp Diệc rơi trên cổ tay tôi. Dừng ba giây, cúi người gọi một cú điện thoại, kêu người ta đem một túi chườm đá lên đây. Trong một phút đồng hồ, khi tôi vẫn còn đang thắc mắc, người phục vụ đã niềm nở đưa lên nguyên bộ dụng cụ chườm lạnh tới. Nhiếp Nhân đi về phía cửa sổ, lại kêu Nhiếp Diệc một tiếng: “Anh…”
Nhiếp Diệc hỏi tôi: “Tự chườm được không?” Tôi nói: “Được ạ.” Anh gật đầu: “Cứ dựa theo cách thức tối hôm đó, phải chườm đủ thời gian.”
Tôi nói: “Dạ.” Anh bảo người phục vụ đem đồ chườm ra phòng khách, quay đầu nói với tôi: “Trước hết em cứ ra phòng khách xem TV một chút, anh xử lý chút chuyện.” Kết quả, vừa qua phòng khách mở TV, chợt nghe tiếng động truyền ra từ phòng ngủ, tiếng va chạm, tiếng đồ rơi, còn có tiếng chát chúa của mấy chiếc ly bị đánh vỡ. Một hồi lâu sau, Nhiếp Nhân khốn khổ ho khan: “Anh, anh đánh em… Rốt cuộc thì ai mới là người nhà của anh? Chỉ vì một người ngoài mà anh lại đánh em.”
Nhiếp Diệc cực kì bình tĩnh: “Tôi còn nhớ rõ hôm trước đã nói với chú, kêu chú tránh Phi Phi xa một chút.” Nhiếp Nhân kích động nói: “Em với Hề Hề mới là người nhà của anh, là người thân thiết nhất với anh! Nhiếp Phi Phi kia là cái thá gì chứ?” Nhiếp Diệc nói: “Trên đời này có hai loại người nhà, một loại thì chẳng thể chọn lựa được, loại kia lại có thể theo ý mình.”
Nhiếp Nhân cười nhạt: “Ý của anh là, em với Hề Hề là loại người nhà từ trên trời rơi xuống khiến anh ngứa mắt? Còn Nhiếp Phi Phi mới là người nhà lý tưởng mà anh lựa chọn hả?” Nhiếp Diệc nói: “Giản Hề không phải là người nhà của tôi, còn chú thì chỉ tính là một nửa thôi.” Tôi từng nghe nói, cha của Nhiếp Nhân là con ngoài giá thú, là anh em cùng cha khác mẹ với ba Nhiếp Diệc.
Nhiếp Nhân trầm mặc hai giây, lại đột nhiên bùng lên mà gào thét: “Anh nói bậy, anh với Nhiếp Phi Phi quen nhau được bao lâu, sao lại có thể coi cô ta là người nhà, anh chẳng qua chỉ là tùy tiện tìm một người để Hề Hề buông tay anh, anh cảm thấy tình yêu mà Hề Hề dành cho anh là một gánh nặng, khiến anh cảm thấy mệt mỏi, anh chẳng qua chỉ là, chỉ là…” Nhiếp Diệc dường như không nhịn nổi nữa, ngắt lời nói: “Phi Phi không phải là do tôi tùy tiện tìm về, hứa lại lần nữa, sau này chú cùng Giản Hề tránh xa cô ấy một chút.” Lúc này, bỗng nhiên chuông cửa reo mãnh liệt, một hồi lại một hồi, tôi đi chân trần ra mở cửa, Giản Hề ùa vào như một cơn gió, tôi bị cô ấy đụng trúng một chút, cô ấy lại càng hoảng sợ, vội vội vàng vàng chắp tay trước ngực xin lỗi tôi, giây tiếp theo đã chạy ào vào phòng ngủ.
Sau đó có tiếng khóc nức nở truyền ra từ phòng ngủ. Nghe thấy Giản Hề xin lỗi Nhiếp Nhân, lại xin lỗi Nhiếp Diệc, đại khái nói là vì cô ấy nên Nhiếp Nhân mới làm ra chuyện đi quá giới hạn này, gây tổn thương cho rất nhiều người, cô ấy thấy trong lòng không yên, cô ấy cũng không biết vì sao sự việc lại thành ra như vậy. Tôi đặt túi đá trên cổ tay tê dại, đột nhiên cảm thấy tình huống này có chút khôi hài, ngày hôm nay rõ ràng người bị giam giữ bất hợp pháp là tôi, xém chút nữa là bị người ta bá vương ngạnh thượng cung cũng là tôi, bị người ta phá hủy lễ đính hôn chỉ có một lần trong đời cũng là tôi, thế mà tôi còn chưa có khóc, vậy thì mấy người này vì cái gì mà khóc chứ.
Giản Hề cứ tự trách bản thân một lần lại một lần: “Đều là do em sai, Nhiếp Diệc, anh tha thứ cho Nhiếp Nhân đi, em sẽ cùng Nhiếp Nhân đi nhận lỗi với cậu dì, cũng sẽ đi nhận lỗi với người nhà của chị Nhiếp, em sẽ dốc hết sức để bù đắp cho chuyện đính hôn giữa anh và chị Nhiếp, em…” Nhiếp Nhân không thể nhịn nổi nữa, nói: “Hề Hề, sao em lại nhận sai, người sai có phải là em đâu, là anh Diệc, anh quá hiểu anh ấy rồi, thực ra anh ấy không yêu người nào hết, vì không yêu ai nên lấy người nào cũng được, nhưng anh ấy lại không cưới em, cố ý lấy một người xa lạ, làm cho tất cả mọi người đau khổ, bây giờ đính hôn không được, ha, vừa rồi.” Giản Hề run giọng nói: “Nhiếp Nhân!”
Nhiếp Nhân không nói gì nữa. Nhiếp Diệc nói: “Đi ra ngoài hết đi, không cần hai người bù đắp gì hết, những chuyện còn lại cứ để tôi xử lý.” Giản Hề nói: “Nhiếp Diệc, em có thể vì anh mà làm ít chuyện, chuyện lần này em…”
Nhiếp Nhân đột ngột cười một tiếng, Giản Hề cũng dừng lại. Nhiếp Nhân chậm rãi nói: “Anh, anh thực sự là không yêu ai hết đúng không? Em nói anh như vậy, anh cũng không hề bẻ lại. Thực ra anh cũng không yêu Nhiếp Phi Phi phải không? Em cũng cảm thấy rất khó hiểu, chính anh nói tình yêu chẳng qua chỉ là phản ứng hóa học, thế thì sao anh có thể đột nhiên thích một người, hơn nữa còn tuyên bố không cưới ai ngoài cô ta. Anh không muốn tiếp nhận Hề Hề chẳng qua là vì Hề Hề quá yêu anh, nhưng anh chỉ muốn một cuộc hôn nhân nước sông không phạm nước giếng, anh muốn Nhiếp Phi Phi là bởi vì cô ta cũng không yêu anh.” Tôi ngơ ngẩn hồi lâu, thầm nghĩ tên tiểu tử này cũng thật thông minh. Đột nhiên hắn thở dài: “Vậy thì anh càng nên cưới Hề Hề, anh, anh không biết…”
Giản Hề đột nhiên cao giọng nói: “Nhiếp Nhân, anh im ngay!” Nhiếp Nhân không chịu im, tiếp tục nói: “Anh, anh không biết đâu, Hề Hề em ấy bị bệnh. Tháng trước bác sĩ đã xác nhận rồi, là chứng Azhemer, rất ít bệnh nhân dưới 30 tuổi mắc bệnh, nhưng không may Hề Hề lại bị di truyền.” Trên TV đang chiếu bộ phim “Captain America”, bị tôi tua đến lúc gần kết thúc. Hạm đội Mỹ ngủ say ngoài khơi suốt 60 năm, giờ mê man nhìn thế giới mới của 60 năm sau, thương cảm nói: “Tôi đã bỏ lỡ cuộc hẹn.”
Hội chứng Azhemer, căn bệnh này tôi đã từng nghe qua, lúc đầu thì bị mất trí nhớ, không nói được, mất đi năng lực suy xét và phán đoán, theo thời gian bệnh càng nặng thêm, đến cả năng lực tự sinh hoạt cũng mất. Sức sống và sinh mệnh cứ từng chút lại từng chút kiệt quệ mới thật là một căn bệnh đáng sợ. Tôi không biết túi chườm nước đá bị rơi trên đất từ bao giờ. Căn phòng sát vách yên ắng đến lạ, chiếc TV trong phòng khách cũng đã chiếu xong phim, tự động chuyển về chế độ im lặng. Vẫn là Giản Hề đập vỡ cục diện bế tắc trước tiên, như là đang nỗ lực bày ra bộ dạng tràn đầy sức sống, nhưng lại lộ ra vài phần miễn cưỡng, cô ấy nói: “Em đã liên hệ với bác sĩ, sẽ cố gắng tiếp nhận trị liệu, cũng, cũng không phải bệnh gì nặng lắm đâu.” Ngay cả người thường như tôi đây cũng biết đây là căn bệnh hiểm nghèo, là căn bệnh cực kỳ hiểm nghèo.
Nhiếp Nhân như là trả miếng nói với Nhiếp Diệc: “Trí nhớ của Hề Hề cứ từng chút từng chút một mất dần, anh, không quá hai năm nữa em ấy sẽ quên anh, thậm chí chính mình là ai em ấy cũng quên mất. Cả đời em ấy cũng không nhớ được là mình đã từng yêu anh chứ đừng nói tới chuyện sẽ yêu anh lần nữa, nếu như anh quyết định cả đời này không yêu đương với ai cả thì Hề Hề mới là người bạn đời phù hợp nhất với anh.” Giản Hề kiềm nén nghẹn ngào nói: “Em đã phối hợp với bác sĩ trị liệu rồi, bác sĩ nói là có thể khống chế thời gian mất trí, Nhiếp Nhân anh…” Nhiếp Nhân cắt lời cô ấy: “Đừng chọc cười anh nữa, mất trí vì Azhemer
căn bản là không thể chữa được, một ngày nào đó em sẽ quên hết thế thì còn làm người tốt chi nữa, từ nhỏ em đã thích Nhiếp Diệc, suốt ngày nhớ nhung anh ấy, nhưng anh ấy có từng chủ động lo nghĩ cho em hay chưa?
Trong khi đó, Nhiếp Diệc vẫn không nói một lời. Chẳng biết là đụng trúng cái nút nào, TV lại bắt đầu chiếu một bộ phim điện ảnh kinh điển khác, có một giọng độc thoại khe khẽ: “Các con yêu dấu của ta, ta đã dời nhà đến New York được vài năm, không thể thường xuyên gặp các con như ý muốn…” Tôi đi ra nhà vệ sinh rửa mặt, tiếng nước ào ào xối vào bồn rửa, nước ấm phản chiếu gương mặt tôi. Tôi nhìn lên gương, một gương mặt trẻ tuổi hiện ra. Tôi thử nở một nụ cười, một gương mặt trẻ tuổi đang mỉm cười hiện ra.
Tôi đốt một ngọn nến thơm, hai tay chống vào mặt bàn, hít vào một hơi thật sâu. Trong màn hí kịch này, ngoại trừ sững sờ ra thì người ta không có phản ứng gì khác với bước ngoặc này. Đầu óc tôi trống rỗng một hồi.
Thẳng cho đến khi mùi hương bạc hà nâng cao tinh thần như có như không tỏa ra khắp phòng vệ sinh. Tôi vặn vòi nước, dùng khăn lông lau lau tay. Nhiếp Nhân đã đưa cho Nhiếp Diệc một sự lựa chọn mới, tôi và Giản Hề bị đặt lên hai bàn cân để chờ tuyển chọn. Một người là thanh mai trúc mã bị mắc chứng Azhemer, một người là “vị hôn thê” quen chưa được một tháng, chỉ gặp mặt mới có năm lần. Nhiếp Diệc không yêu ai cả.
Tôi ra khỏi phòng vệ sinh, đi qua phòng khách, đẩy cửa phòng ngủ, Nhiếp Diệc và Nhiếp Nhân cùng giương mắt nhìn tôi, Giản Hề thấp giọng nói: “Nhiếp Diệc, anh không cần thương hại em, em thực tình không muốn anh khó xử…” Tôi cầm chặt tay nắm dựa vào khung cửa, nói với ba người ở đó: “Tôi sẽ rút lui.” Khóe mắt Giản Hề đỏ hoe, ánh mắt ngơ ngẩn rơi trên người tôi.
Mặt Nhiếp Nhân bị đánh đến nhìn không ra, khóe miệng còn vương tơ máu, nghiêng đầu nghi hoặc hỏi tôi: “Cô rút lui? Rút lui cái gì?” Nhiếp Diệc đứng trước của sổ sát đất, phía sau anh là ánh hoàng hôn màu đỏ đang dần biến mất ở đường chân trời, ánh sáng ấm áp bao phủ lấy dáng hình anh khiến anh càng tỏa ra vẻ xuất sắc. Anh nhìn tôi hồi lâu, hơi chau mày. Đây là người mà tôi yêu, là dreamboat (ý trung nhân) đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi. Số phận đã cho tôi bên anh 17 ngày, tôi đã từng lén lút nắm lấy tay anh, đã từng dựa vào bờ vai anh, giả vờ vô ý mà ôm lấy anh, tất cả những điều ấy đều rất đẹp, cũng đã đủ rồi. Giản Hề nói cô ấy không muốn làm cho Nhiếp Diệc khó xử, cô ấy là một cô gái tốt, yêu Nhiếp Diệc nhiều năm như vậy, dù thân mang trọng bệnh cũng không lấy điều đó ra bức ép Nhiếp Diệc, thực sự là một lòng suy nghĩ cho Nhiếp Diệc.
Nhiếp Nhân nói tôi là một người thừa, đứng ở lập trường của hắn, đúng là có thể hình dung tôi như vậy. Theo như lời Nhiếp Nhân nói, nếu Nhiếp Diệc không yêu ai cả thì Giản Hề mới là đối tượng thích hợp nhất với anh. Trước kia người thích hợp là tôi. Chứng Azhemer sẽ làm cho Giản Hề từ từ quên hết tất cả mọi thứ có liên quan tới Nhiếp Diệc, cũng tuyệt đối không có khả năng yêu anh ấy lần nữa. Mà trong cuộc hôn nhân này, nghĩa vụ cao nhất của Nhiếp Diệc chỉ là chăm sóc Giản Hề. Khi anh ấy đồng ý chăm sóc một người thì sẽ chăm sóc người ấy rất tốt. Mà cuộc hôn nhân cô ấy có thể trao cho anh tuyệt đối phù hợp với kiểu mẫu mà anh kì vọng, chỉ là một quan hệ đơn thuần, quyền lợi và nghĩa vụ đều phân biệt rõ ràng, chắc chắn sẽ không nảy sinh thứ tình yêu mà anh ấy không tiếp nhận. Đó đích thực là những gì anh muốn.
Chưa từng rơi vào lưới tình thì sẽ không bao giờ biết yêu rốt cuộc là cái gì. Nó có thể làm cho người ta ấm áp như thế, cũng có thể làm cho người ta lạnh lùng như thế, có thể làm cho người ta khoan dung như thế, cũng có thể làm cho người ta ích kỉ như thế. Bà nội tôi từng nói mọi kết quả đều nằm tại một nguyên nhân duy nhất, mọi kết thúc đều được báo trước từ lúc bắt đầu. Giờ phút này tôi đã lờ mờ hiểu được đôi chút ý nghĩa những lời này của nội. Tôi muốn dành cho Nhiếp Diệc thật nhiều thật nhiều tình yêu, cho dù anh không muốn nhận, cho dù tình yêu này chẳng thể chạm tới trái tim anh được, nhưng ít nhất nó có thể vun đắp cuộc hôn nhân của chúng tôi. Đó là cái cách được ăn cả ngã về không mà tôi từng nghĩ. Có thể thấy tình yêu tôi dành cho Nhiếp Diệc thực ra không có cơ sở, chẳng qua chỉ vì tôi chưa từng nghĩ một ngày nào đó mình có thể đến gần anh và yêu anh như vậy cho nên mới khiến cho tình cảm này dường như không nhuốm màu tham vọng. Đây là cái “nhân” của chúng tôi, tôi hy vọng anh ấy vui vẻ, chỉ cần anh ấy vui vẻ thì tôi đã cảm thấy hài lòng lắm rồi. Cái “nhân” duy nhất này từ lâu đã báo hiệu cái “quả”, đó chính là, xa cách.
Khi tất cả mạnh mẽ phát triển đã gieo ngọn nguồn của dằn vặt và đau đớn; khi tất cả đột nhiên tỉnh ngộ, thứ còn lại đều là những vết thương rỉ máu. Mẹ tôi vẫn dạy, cả đời người nào đâu phải chỉ có một sân khấu hý kịch duy nhất, đời người là từng cái từng cái sân khấu nhỏ, san sát nối tiếp nhau, được dàn ra liên tục. Một đời làm người, thu hoạch vô số lần, rời đi vô số lượt, trong câu chuyện của chính mình, hoặc trong câu chuyện của người khác. Mặc kệ là chuyện của ai, miễn là đến phiên anh thu hoạch thì cũng phải cho tôi ít ngũ cốc ngon lành, nếu như anh rời đi thì cũng phải chừa cho tôi đường rút. Trong câu chuyện này cùng Nhiếp Diệc, cũng không rõ rốt cuộc là câu chuyện của ai, nhưng, đã đến lúc tôi nên rời đi rồi.
Tôi im lặng đến gần Nhiếp Diệc, giống như đang tiếp cận một rạn san hô đẹp đẽ nhất dưới đáy biển sâu không một bóng người. Nhiếp Nhân và Giản Hề cũng tựa hồ không tồn tại. Nghi thức chia tay này chỉ có hai người chúng tôi. Tôi đứng trước mặt anh, chúng tôi cách nhau rất gần. Đây là lần đầu tiên tôi chủ động đến gần anh như vậy. Anh cúi đầu nhìn tôi. Nhiếp Diệc vốn không phải là một người thực sự kiệm lời nhưng ngày hôm nay anh lại nói rất ít. Chúng tôi nhìn nhau thật lâu. Sau đó tôi đột nhiên ôm lấy cổ anh, nhón chân hôn lên khóe môi anh. Tôi nhắm mắt lại, vì hồi hộp mà hàng mi rung rung, nhưng tôi vẫn dán chặt đôi môi mình lên môi anh, điềm tĩnh như một người sành sỏi. Chân tôi vẫn còn đau, khi nhón chân lên có chút chênh vênh. Đột nhiên anh đưa tay đỡ lấy eo tôi.
Đã đến lúc từ biệt, hẳn là nên có một nụ hôn chia tay. Nguyện vọng cuối cùng về anh cũng đã được thực hiện. Tôi ôm lấy cổ anh thật chặt, làm ra vẻ thoải mái mà ghé vào tai anh trêu chọc: “Bác sĩ Nhiếp, anh xem, anh có nhiều chuyện như vậy, vì sao còn trêu chọc em?” Tôi lại hôn lên tai anh, nguyện vọng tham lam kèm theo mới nảy ra cũng đã được thực hiện. Tôi nhẹ giọng nói với anh: “Nhiếp Diệc, nhớ giữ gìn sức khỏe, anh phải hạnh phúc nhé.”
Tôi có rất nhiều dũng khí, nhưng khi đó cũng không dám nhìn biểu hiện của anh. Tôi nói hết lời tạm biệt đó, buông Nhiếp Diệc ra, xoay người bước nhanh khỏi gian phòng ngủ. Lúc đi ra khỏi buồng trong, tôi còn giúp họ đóng cửa lại. Có một bài hát thế này: “Để cho em cảm kích anh, hãy tặng cho em chuyện không vui.” Trước đây tôi vẫn nghi hoặc, tại sao lại đi cảm kích người đem lại cho mình chuyện không vui, cho người ta hy vọng rồi lại khiến người ta thất vọng, đây chẳng phải là tội ác tày trời hay sao. Nhưng giờ khắc này đây tôi rốt cuộc cũng đã hiểu rõ.
Nhiếp Diệc, em muốn cảm ơn anh vì anh đã tặng cho em chuyện không vui này, mấy ngày nay, mỗi phút mỗi giây em đều vô cùng hạnh phúc, cho dù mấy ngày vùi đầu trong phòng làm việc em đã quên mất anh, những rung động và khoảng thời gian dễ thương này đã làm cho tâm hồn em trở nên phong phú, khiến cho em không còn giống của ngày hôm qua, hôm qua của hôm qua, hôm qua của hôm qua của hôm qua nữa..