Edit: Vân
Ban đêm, Từ Hách dẫn Nguyễn Thời Ý trở về tiểu viện trống gần đó.
Đình viện nơi đây u nhã, cây hoa không được cắt tỉa, mèo rừng dạn dĩ không sợ người, tất cả đều hoang dã.
Bởi vì hạ nhân tận dụng lúc bọn họ chưa vào chùa mà quét dọn phòng ốc, bày giường trải chiếu, thổi lửa nấu cơm, cho nên bây giờ trong viện thoang thoảng mùi thức ăn, khiến con sâu thèm ăn trong bụng người ta phải nhộn nhạo.
Dưới ánh nến lập lòe, bàn ghế giản dị, khay sứ trắng bày rau dại xào nhạt, nấm luộc, cải thái sợi, bánh nướng áp chảo và canh dưa chua; trong căn phòng nơi núi rừng cách xa trần thế ồn ào như thế này, đúng là có phong vị khác hẳn .
Hai người vất vả bôn ba suốt một ngày, giờ gắp thức ăn cho đối phương, bốn mắt nhìn nhau, ở khóe mắt chân mày đều ngập tràn vui mừng giản dị.
Trải qua sống chết, tạm quên danh lợi, lúc này đây bọn họ là tiểu phu thê bình thường nhất thiên địa bao la.
Trong thoáng chốc, Nguyễn Thời Ý nhớ lại, sau khi vụ án thành ngầm nổ ra, nàng từng ở trong trạch viên bên dòng Ly khê, ăn một tô mì Từ Hách tự tay làm, sợi mì thơm mềm hòa cùng canh gà ấm nóng, nàng cũng từng cảm khái như lúc này.
Khác biệt ở chỗ, khi đó nàng vẫn còn do dự, chưa toàn tâm tiếp nạp hắn.
Mà giờ phút này, bọn họ đều hòa hợp cả thể xác lẫn tinh thần.
Từ Hách vẫn miệt mài với món bánh cuốn, hắn nhét đầy nhân, chấm nước chấm, sau đó để vào chén nàng.
“Nguyễn Nguyễn, ta suy đi tính lại, thấy việc Tình Lam đồ trong nhà bị tráo hình như liên quan mật thiết đến vụ án thành ngầm.”
Đây như một lời thức tỉnh người trong mộng.
Nguyễn Thời Ý cụp mắt, thở dài: “Chàng nói có lí. Cẩn thận nghĩ lại, có mấy sự kiện, cứ mỗi lần sắp qua ải thì nhân vật then chốt đột nhiên chết, thủ pháp diệt khẩu khá tương đồng. Ta bị chuyện nhà làm loạn trí, mãi không liên kết được một loạt vụ án này.”
Vị nhũ mẫu Tôn ma ma kia từng xúi giục Mao Đầu hạ độc nàng, sau khi chuyện thành liền biến mất không còn dấu vết.
Sau khi Lại bộ thượng thư Tề Mục sa lưới, vì bảo vệ ấu tử nên từng có ý khai hết dư đảng, ngay đêm đó đau tim mà chết.
Chưa kể đám hung đồ bị truy bắt được khi quét sạch thành ngầm, phần lớn đều tự sát trong lao ngục hoặc trúng độc bỏ mạng.
Nguyễn Thời Ý nhấp một ngụm canh, nhìn miếng dưa xanh biếc chìm nổi trong chén, kí ức mơ hồ nhắc nhở nàng rằng rất nhiều năm trước… hình như có một người không quan trọng cũng chết một cách khó hiểu.
Là ai?
Bỗng nhiên không nhớ nổi.
Tuy lòng đầy tâm sự, nhưng cơn đói vẫn hơn, hai người nhân lúc thức ăn còn nóng, loáng một cái đã ăn sạch.
Khi đưa canh thừa thịt nguội tới hậu viện đút cho mèo, Từ Hách nhìn thê tử đứng lặng dưới ánh trăng, khẽ cười: “Ta còn tưởng ra ngoài sẽ được nàng ngày sủng đêm yêu, mà nàng thì ngược lại, chọn một nơi ở thanh tâm quả dục, cho ăn món ăn thanh tâm quả dục, đến trò chuyện cũng là chủ đề thanh tâm quả dục…”
Nguyễn Thời Ý mắng: “Ta thì không tin chàng thật sự có thể thanh tâm quả dục đâu!”
“Nàng đang dùng chiêu khích tướng ép ta đấy à!”
“Không còn sớm nữa, mau tắm rồi ngủ đi! Trong núi lạnh lắm, chàng đừng có tới làm phiền ta.”
Từ Hách tỏ vẻ tiếc nuối: “Chắc chưa tới mùa đông nàng đã vứt bỏ ta mất. Ta phải nghĩ cách để mình trở thành một chiếc chăn đông ấm hạ mát, bất cứ lúc nào cũng có thể ‘đắp’ trên người nàng mới được.”
Nguyễn Thời Ý sớm đã quen lời nói hạ lưu của hắn, nghe vậy thì bật cười: “Chàng đừng có như năm ngoái, ăn bậy mấy món tính nóng với uống bậy thuốc bổ.”
“Năm ngoái uống chưa có tác dụng, về sau thì chưa chắc.” Hắn cười đầy ẩn ý.
Tất nhiên Nguyễn Thời Ý đoán được ý nghĩa sâu xa trong lời hắn nói, nàng trừng hắn một cái, đôi môi khẽ nhếch, đạp lên ánh trăng sáng dịu, xoay người về phòng nghỉ ngơi.
*************
Ở chùa cổ trong núi hai ngày, Từ Hách quả thật “thanh tâm quả dục”.
Cắt đứt tất cả liên lạc với thế giới bên ngoài, nhàn rỗi dạo núi vẽ tranh, không có gì làm thì hái chút hoa cỏ để cắm.
Núi sông hữu tình, nước trà tuyệt hảo, cuộc sống tạm bợ phu thê làm bạn như quay lại khi con cái chưa ra đời.
Ngày thứ ba, hai người thay phục xanh trang nhã, chỉ mang theo nha hoàn, dắt tay nhau xuống núi, dạo chơi Kinh Giao trấn trong kì tam cửu.
Dưới trời quang vạn dặm, nông hộ tiểu thương tụ tập đến thôn trấn gần chân Tây Sơn đông nghịt.
Quả tươi đầu mùa, tôm cá mới bắt, thịt thà chim muông, thức ăn quà vặt, đồ dùng hàng ngày bày la liệt, tiếng la hét, tiếng nghị luận, tiếng mặc cả thi nhau vang lên.
Nguyễn Thời Ý chọn đồ dùng hàng ngày, Từ Hách thì mua hành dầu trứng bánh, hai người vừa trò chuyện vừa ung dung xuyên qua dòng người đông đúc.
Bọn họ đang tự cảm thán mùi phố chợ nồng đậm thì chợt có một người khách khí tới chào hỏi: “Từ đại nhân, Nguyễn cô nương, không ngờ có thể gặp hai vị quý nhân ở đây.”
Từ Hách ngạc nhiên, thấy người tới tầm trung niên, ăn mặc ngăn nắp sạch sẽ, sau lưng còn có hai tên sai vặt, tay xách bao lớn bao nhỏ.
“Tôn giá* là…?” Nguyễn Thời Ý có chút ấn tượng với người này, nhưng không nhớ nổi đây là ai.
(*) tôn giá: tiếng xưng hô tôn trọng người đối diện
Người nọ bày ra cho nàng xem một tấm lệnh bài khắc “Điểu tước Hàm Vân”: “Tiểu nhân họ Lô, là người mua đồ cho Hàm Vân quận chúa, phụng lệnh quận chúa tới Tây Sơn mua đặc sản bánh lá trúc chưng tuyết, không ngờ vô tình gặp được hai vị… Hai ngày nay, quận chúa còn nhắc đi nhắc lại hai vị mãi!”
Từ Hách đã từng nghe về món bánh lá trúc chưng tuyết này, muốn làm thì cần phải chọn lá trúc tươi ép lấy nước, lại lấy nước từ danh tuyền ở Tây Sơn để chế biến, vô cùng đặc sắc, nổi tiếng gần xa.
Với tính tình quái gở của Hạ Tiêm Lạc, đặc biệt sai người đi mua ít đồ cũng chẳng có gì lạ.
Nhưng không phải lúc trước nghe nói… quận chúa và Tề vương kết bạn đi vân du rồi sao?
Nguyễn Thời Ý nhớ rằng hành tung của Diêu Đình Ngọc vẫn còn là câu chuyện bí ẩn, đang buồn phiền không biết đi đâu tìm Hạ Tiêm Lạc, đột nhiên được biết nàng ta chưa đi xa, trong lòng không khỏi sinh mong đợi.
“Xin hỏi Lô chấp sự, quận chúa có ở kinh thành không?”
Người kia cười nói: “Hiện nay quận chúa đang nghỉ ngơi ở tư trạch phía Tây kinh thành, cũng bảo là muốn mời hai vị đến chơi, mà trông thế này… người đến Từ phủ chưa truyền lời được sao? Nếu cô nương không chê thì có thể đi cùng ta.”
Trong mắt Từ Hách bỗng thoáng qua một tia nghi hoặc.
Chấp sự kia lại nói: “Dĩ nhiên, nếu hai vị có chuyện khác phải làm thì ta sẽ tự hồi bẩm, ngày khác lại đến mời. Chẳng qua là… đất hẹp mà khó tìm, vả lại hai ngày nữa quận chúa sẽ đi xa, mong đại nhân và cô nương thứ lỗi.”
Nguyễn Thời Ý một lòng muốn báo cho Hạ Tiêm Lạc biết tình hình liên quan tới Diêu Đình Ngọc.
Nếu đối phương còn để tâm tới tình lang, chịu phái phủ binh truy xét, đồng thời lợi dụng quan hệ hoàng tộc để lật án, có lẽ sẽ thuận lợi hơn Lam Dự Lập âm thầm điều tra nhiều.
“Quận chúa đã có thịnh ý mời thì chúng ta nên sớm lên đường thăm mới phải, tiếc rằng xe ngựa còn ở trên núi, muốn quay lại phải cần chút thời gian, sợ là trễ nải Lô chấp sự.”
“Không sao không sao.” Chấp sự giãn mặt cười, “Nếu hai vị không chê thì ta sẽ lập tức chuẩn bị xe ngựa khác.”
Khoan chưa bàn tới giao hảo, phu thê hai người và Hạ Tiêm Lạc thậm chí còn có chút khúc mắc.
Nhưng sự tình quan trọng, bọn họ không rảnh để ý mấy thứ lễ nghi linh tinh nữa, lập tức lệnh tiểu nha hoàn đưa mấy món đồ vừa mua về núi, chỉ để một mình Trầm Bích lên xe, đi bái kiến Hàm Vân quận chúa.
**********
Nói là tư trạch ở phía Tây kinh thành, nhưng không phải biệt viện trước đây Nguyễn Thời Ý từng tới.
Trên đường xe ngựa vượt núi băng đèo, Nguyễn Thời Ý buồn ngủ, dựa vào vai Từ Hách nghỉ ngơi, lắc lư suốt một giờ mới tới được một tòa viện nằm một mình tựa núi kề sông.
Nơi đây ở ngoài thành Tây bốn mươi dặm, dân cư thưa thớt, trạch viện thanh tĩnh, ẩn giữa núi rừng.
Bức tường trắng vừa được chà sáp nến khá mới, mái ngói có màu xanh ảm đạm, mang phong cách cao quý cổ xưa, mặt thú làm bằng đồng đỏ được dùng trang trí cửa son, thể hiện thân phận quý trọng của chủ nhà.
Nguyễn Thời Ý thấy hoa lá trong vườn tươi rốt, đình các được sắp đặt rất có hàm nghĩa, phỏng đoán cái gọi là “đi xa” của Hạ Tiêm Lạc chỉ để tránh tai mắt người đời, tĩnh tâm an thai mà thôi.
Hai phu thê được người dẫn vào phòng khách, bày trí trong đó lấy trang nhã tinh tế làm chủ đạo, không có chút mị tục phức tạp nào, trong không khí lại có mùi hơi mốc, không ngửi được huân hương Hạ Tiêm Lạc thường dùng.
Nguyễn Thời Ý chỉ cho rằng người có thai không tiện tiếp xúc với nhiều hương liệu, bèn không nghĩ ngợi gì nữa, vừa thưởng thức trà bánh vừa kiên nhẫn chờ đợi quận chúa triệu kiến.
Thời gian nửa nén hương trôi qua, ở nơi thanh