Ra khỏi Tiêu phủ trở về nhà, dọc đường vào phủ, không thấy có người đứng hầu, nhưng lúc sắp đến nội viện thì lại tình cờ thấy Hoắc Chân đang từ đằng xa đi tới, ông cũng nhìn thấy nàng, liền sải bước vội vã đến gần nói: “Hầy, ta đang định ra ngoài thư phòng đợi con, vừa hay gặp được ở đây, đi, ta dẫn con đi gặp một người.”
Hoắc Chân bảo Hoắc Thời Anh đi cùng, nên nàng chỉ còn cách vực dậy tinh thần đi theo ông, miệng không quên hỏi: “Ai ạ?”.
Hoắc Chân quay đầu lại nhìn nàng một cái nhưng cũng không phát hiện ra điều gì kỳ lạ, đành bảo: “Con có còn nhớ lúc ở Ký Châu có gửi bồ câu đưa thư về nhờ ta tìm giúp con một người tên là Du Nguyên Hạo không? Tìm được rồi.”
Lồng ngực Hoắc Thời Anh đau thốn, bước chân khựng lại, Hoắc Chân đi được mấy bước rồi mới nhận ra, quay người lại hỏi: “Sao vậy?”.
Hoắc Thời Anh hốt hoảng hỏi ngược lại ông: “Tìm được rồi?”.
Hoắc Chân dừng hẳn lại, nhìn nàng kể rõ đầu đuôi câu chuyện: “Tìm được rồi, cũng may là con nói muốn tìm người này, gia đình của cậu ta vốn dĩ là bạn cũ của tổ phụ con, sau này vì liên quan đến một vụ án tham ô, tổ phụ con ở biên quan xa xôi không cứu kịp, từ đó gia cảnh họ sa sút, gia quyến cũng bị sung quân, không tìm được người, nói gì thì nói cũng là cố nhân…”
Rốt cuộc Hoắc Chân cũng phát hiện ra sắc mặt Hoắc Thời Anh không ổn lắm, liền ngừng kể xoay qua hỏi: “Có nguyên nhân gì bên trong à?”.
Hoắc Thời Anh không trả lời câu hỏi của ông, chỉ cười khổ nói: “Mọi người không tìm được Nguyên Hạo đâu.” Hoắc Chân nhìn nàng, nhưng trong đôi mắt của Hoắc Thời Anh ảm đạm đến nỗi ông không thể hỏi thêm được nữa.
Hai người quay trở lại, đi qua cổng tròn, xuyên qua trung đình, đến bên ngoài tiền sảnh, thì có hai người ở ngoài đình viện từ từ tiến lại gần, Hoắc Thời Anh đứng ở hành lang mờ tối, gió đêm lùa qua hành lang thổi quần áo nàng bay phần phật, đó là hai mẹ con thoạt trông vô cùng bình thường, người mẹ tuổi đã quá trung niên, mặc vải bố cài trâm thô, dáng vẻ tiều tụy, mái tóc hoa râm, đuôi mắt khóe môi hằn những rãnh nhăn rất sâu, khuôn mặt nhuốm đầy vẻ phong sương nhưng khi bà ta chậm rãi tiến lại gần, bước đi khẽ khàng từ tốn, đường nét khuôn mặt mang theo sự cương nghị, Hoắc Thời Anh quan sát tay bà ta, đó là đôi bàn tay của người phụ nữ lao động vất vả quanh năm, gầy đến độ nhìn thấy cả khớp xương, trên làn da nhăn nheo vẫn còn những vết xước nhỏ, nhưng móng tay lại rất sạch sẽ, đây là một người đàn bà từng được nuôi dạy rất tốt nhưng lại bị cuộc sống gian nan vất vả mài mòn. Trái ngược với bà ta là chàng thanh niên bên cạnh, tuổi tầm hai mươi, tuy rằng trên người chỉ mặc bộ quần áo bằng vải xanh, nhưng từ đầu đến chân đều rất gọn gàng thẳng thớm, đế giày vải ngàn lớp mới tinh, làn da trắng trẻo, và đặc biệt là đôi bàn tay hoàn hảo không chút tỳ vết.
Hai người đi đến dưới bậc tam cấp, chắp hai tay khom người hành lễ với Hoắc Chân, tuy người mẹ cúi người nhưng sống lưng thẳng tắp như quản bút, trái lại người con trai lại khom lưng rất thấp, dáng vẻ cung kính thành thực, nghiêm chỉnh.
Hoắc Chân vội vàng bước xuống mấy bước, đưa tay đỡ hai người dậy nói: “Đại tẩu không cần đa lễ như vậy đâu, dù gì thì hai nhà chúng ta vốn dĩ cũng là chỗ quen biết mà, là ta làm việc không tốt nên đã để mọi người phải chịu khổ đến giờ.”
Người phụ nữ thản nhiên nói: “Vương gia đừng nói vậy, gia đình ta thân vốn mang tội, sao dám trách móc gì vương gia.”
Hoắc Chân cười khan mấy tiếng, quay đầu lại thấy Hoắc Thời Anh vẫn đang đứng ở trong tối bèn gọi: “Thời Anh, qua đây chào hỏi Du đại tẩu đi, lúc nhỏ con cũng từng gặp họ rồi đấy.”
Cả ba người đều quay sang hướng Hoắc Chân đang nhìn, Hoắc Thời Anh chậm rãi bước ra, vẻ mặt lạnh lẽo như đóng băng, từ tốn đi thẳng tới bậc tam cấp chính, đứng từ trên cao nhìn xuống hai người đang đứng trong đình viện.
Người phụ nữ dẫn theo con trai khuỵu gối xuống hành lễ: “Tham kiến thập nhất quận chúa.” Khuôn mặt Hoắc Chân đầy lúng túng, còn Hoắc Thời Anh chỉ đứng đó lạnh lùng nhìn họ, không hề lên tiếng, cuối cùng Hoắc Chân phải duỗi tay ra đỡ hai người đứng dậy.
Hai mẹ con họ đứng lên, người phụ nữ khuôn mặt thản nhiên, chàng thanh niên thì cúi gằm mặt xuống, Hoắc Thời Anh chậm rãi bước xuống bậc thang đến trước mặt chàng ta, chăm chú nhìn hồi lâu mới lên tiếng hỏi: “Ngươi là Nguyên Hạo?”.
Chàng thanh niên ngẩng đầu lên, sau đó lại khom lưng xuống vái một cái thưa: “Tại hạ Du Nguyên Hạo.”
Hoắc Thời Anh buông một câu rất khẽ: “Nguyên Khuê, Nguyên Hạo chết rồi.”
Chàng ta ngẩng phắt đầu lên, trong đôi mắt chưa đầy vẻ kinh hãi, thân hình người đàn bà bên cạnh hơi lảo đảo, Hoắc Thời Anh lại thờ ơ nói tiếp: “Duỗi tay của ngươi ra.”
Chàng thanh niên đờ đẫn, chậm chạp duỗi tay ra, Hoắc Thời Anh cúi đầu quan sát kỹ càng, quả nhiên trắng trẻo không một vết sẹo, chỉ có duy nhất một vết chai nhỏ ở khớp xương ngón giữa do cầm bút lông mà thôi.
Hoắc Thời Anh nhìn chàng thanh niên đoạn hỏi: “Ngươi muốn gì?”.
Chàng ta ngẩng đầu lên, nhìn Hoắc Thời Anh bằng vẻ mặt xấu hổ pha lẫn giận dữ, Hoắc Thời Anh hờ hững nhìn lại chàng ta nói: “Nói đi, ngươi chỉ có một cơ hội này thôi, nếu ngươi thấy nhục nhã, thì dù sau này có tới tìm phụ thân ta cũng vô ích, chuyện ta đã hứa với anh trai ngươi giờ không tính nữa, đây là cơ hội do anh trai người lấy tính mạng ra đổi, nên nỗi nhục này ngươi cũng nên nhận lấy đi.”
Đáy mắt chàng thanh niên lóe lên, biểu cảm trên khuôn mặt thay đổi hết lần này đến lần khác cuối cùng khom lưng nói: “Tiểu sinh không cầu xin điều gì khác, chỉ mong thoát khỏi nô tịch để năm nay được tham gia thi Hương.”
Hoắc Thời Anh gật đầu: “Được, ta cho ngươi hai trăm lượng bạc, nếu ngươi đỗ thi Hương thì đến kỳ thi Hội năm sau ta sẽ viết một bức thư tiến cử ngươi đến làm môn hạ của Quang lộc tự khanh Hàn đại nhân.”
Chàng thanh niên lại khom lưng lần nữa: “Đa tạ quận chúa.”
Hoắc Thời Anh đứng từ trên cao nhìn xuống chàng ta, cái nhìn khiến chàng thanh niên không kìm được rụt rè co chân lại, nàng lãnh đạm nói: “Ta thấy hai mươi năm sau ngươi nhất định sẽ là một đại nhân vật đấy.” Chàng thanh niên ngẩng đầu lên nhìn, Hoắc Thời Anh lại nói tiếp: “Vì ngươi có thể buông bỏ được mọi thứ.” Nói đoạn nàng xoay người đi vào trong, không hề liếc nhìn đến người đàn bà đứng bên cạnh.
Xuyên qua môn đình, tới con đường nhỏ hẹp, lại lướt qua hành lang dài thườn thượt, Nguyên Hạo à, giữa những con gió đêm vờn thổi, Hoắc Thời Anh hít vào một hơi thật sâu, đè nén nỗi đau đớn và chua chát sắc nhọn trong lòng xuống.
Hắn chết rồi, chết khi đang ở độ tuổi trai tráng nhất của đời người, nhưng lại chẳng một ai rơi một giọt nước mắt vì hắn, người mẹ vất vả cực nhọc, người con trai cả bị mang ra làm vật hy sinh, người con trai út lạnh lùng thờ ơ, có thể trách ai được chứ? Nàng làm gì có lập trường để chất vất họ.
Nguyên Hạo à, Hoắc Thời Anh thở dài mệt mỏi, hơi thở mang theo tiếng gào thét trong lồng ngực, vì hắn đã chết rồi, vì bọn họ còn chẳng kịp chạm vào nhau, nên hắn mãi mãi thuần khiết, như phiến hoa tuyết trên đỉnh núi cao, lạnh lẽo nhưng sạch sẽ, chỉ chớp mắt sẽ tan biến.
Một giọt nước mắt đón gió rơi xuống, chẳng kịp tìm kỹ đã không còn thấy bóng dáng đâu nữa.
Từ đó về sau trong suốt cuộc đời Hoắc Thời Anh không hề gặp lại người nhà họ Du, hai mươi năm sau, mẹ của Du Nguyên Khuê ốm bệnh
rồi qua đời, Thái thú Thanh Châu Du Nguyên Khuê dọc đường khiêng quan tài hồi hương an táng, làm tròn đạo hiếu trong ba năm, chí hiếu hậu đức được người đời truyền tụng, hai mươi năm sau chẳng một ai nhớ đến Du Nguyên Hạo, còn cả đời Du Nguyên Khuê tiếng tăm lừng lẫy, quan trường phong lưu nhưng cuối cùng cũng chỉ giữ chức Thái thú Thanh Châu, suốt đời không được vào kinh.
Những ngày tháng sau đó yên ả hẳn đi, cửa lớn của phủ Dụ vương khép chặt hầu như không đón khách lạ, Hoắc Chân đóng cửa không ra ngoài, Hoắc Thời Anh cũng không bước chân ra khỏi cổng.
Suốt mười mấy ngày cửa lớn phủ Dụ vương vắng hẳn tiếng khách đến thăm, nhưng bên trong phủ lại chẳng hề cô quạnh chút nào, Hoắc Chân không tiếp khách lạ, nhưng lại muốn gặp con trai, con gái, con rể của mình, Hoắc Chân có tổng cộng mười một bà vợ lớn nhỏ, và vừa hay cũng có mười một đứa con, đương nhiên không khéo đến độ mỗi bà một đứa, ngoài trừ hai người con trai do vương phi sinh ra thì còn có bốn nam, năm nữ là con với vợ lẽ, trong số đó Hoắc Thời Anh là đứa nhỏ tuổi nhất, những người khác hoặc đã gả chồng hoặc đã dọn ra ở riêng.
Trong số năm cô con gái thì có ba lấy chồng xa không ở kinh thành, duy nhất một người ở lại gả cho một người anh họ nhánh bên nhà mẹ đẻ của lão thái thái, về phần mấy người con trai còn lại, tuy Hoắc Chân không quan tâm đến vấn đề nội bộ, nhưng Hoắc Thời Gia cũng không bạc đãi các anh em của mình, lúc chia nhà cũng chia luôn một nửa điền sản và các khoản lợi khác của vương phủ, Hoắc Thời Gia còn nhờ vả nghĩ cách để ba trong số năm anh em đến Mông Âm làm việc, đó đều là những công việc nhàn hạ cả, hai người còn lại cũng được chia thêm gia sản, có nghề nghiệp đàng hoàng.
Theo lý mà nói trong khi Hoắc Chân còn sống mà Hoắc Thời Gia đã chia gia sản như thế, là không hợp với quy tắc của các gia tộc lớn, nhưng sự phân chia hợp lý của Hoắc Thời Gia, đã khiến các bậc trưởng bối trong tộc đều hiểu rằng dù trong tối hay ngoài sáng thì chàng đều là kẻ chịu thiệt, nên chuyện này cũng không để lại phong ba gì nhiều.
Từ sau hôm đại yến trong cung, con trai và con gái của Hoắc gia lục tục kéo nhau về thăm nhà, hôm nay người này, ngày mai lại người khác dắt díu cả nhà về, thủy chung chẳng có ngày nào ngừng, người tới, có đứa muốn xin làm quan, có đứa khóc lóc than nghèo kể khổ, có đứa thì chuyển lời hộ người ta, Hoắc Chân xã giao được vài ngày, bị làm phiền đến phát sợ, vết thương cứ tái phát đi tái phát lại, kéo dài mãi không khỏi, cuối cùng dứt khoát dẫn theo vương phi tới trốn tại biệt viện ở dãy núi phía tây tránh nóng.
Trước khi đi, Hoắc Chân cũng làm được vài chuyện, đầu tiên là chọn một ngày cất nhắc Nguyệt nương, canh hai đêm hôm ấy đích thân Hoắc Thời Anh tiễn Nguyệt nương trong bộ váy đỏ phủ khăn trùm đầu ra khỏi chái viện, từ lúc biết tin Nguyệt nương khóc lóc ầm ĩ, lúc sắp ra khỏi cửa còn sống chết túm chặt lấy tay Hoắc Thời Anh, những giọt nước mắt rơi lã chã bên dưới tấm khăn trùm đầu, Hoắc Thời Anh đưa mắt dõi theo chiếc kiệu đưa bà đi càng lúc càng xa, nhưng từ đầu đến cuối chẳng tìm ra được câu dặn dò nào tử tế, trong lòng cảm thấy có chút phiền muộn, tự an ủi mình rằng, thôi cứ như vậy đi, bà ấy cũng coi như đã có được một vị trí thích hợp với bản thân, nhưng không hiểu sao trong lòng cứ thấy nghẹn ngào chẳng thể nói rõ được.
Cất nhắc Nguyệt nương xong hôm sau Hoắc Chân dẫn tất cả mười bà vợ hồi đầu của mình chuyển đến khu nhà khác, phía đông của vương phủ có một vườn hoa rất lớn, ngăn cách với đại sảnh chính của vương phủ bằng một bức tường, bên trong đình đài lầu các, phong cảnh thanh nhã tuyệt đẹp, phòng ốc rộng rãi, dù có đến trăm người ở cũng không thành vấn đề, nơi này quả thực không tồi chút nào, Hoắc Chân xua hết toàn bộ mấy bà vợ bé của mình đến đó ở, tuy rằng tất cả cung ứng vẫn như xưa nhưng cũng chả khác gì bị đuổi vào lãnh cung.
Hai bà vợ được ở nhà ngoài là vương phi và Nguyệt nương, Nguyệt nương cũng được phân cho một tiểu viện, nằm ở góc phía tây nam vương phủ, cách xa Cẩm Tú đường và Vinh Trang đường, cũng có thể gọi nó là biệt viện.
Tiếp đó Hoắc Chân bắt đầu giục Hoắc Thời Anh chọn một căn nhà rồi ra ở riêng, Hoắc Thời Anh chọn Thu Đường viện, là nơi Hoắc Thời Gia ở lúc chưa lấy vợ, nằm ở bên ngoài tòa nhà, vì bên trong sân có hai cây thu hải đường nên lấy đặt tên nhà luôn, Hoắc Thời Anh chọn nơi này cũng vì ở đây từ đầu đến giờ đều có người quét dọn, có thể trực tiếp dọn qua ở, rất tiện, hôm dọn nhà Cung thị đưa đến bốn đại nha hoàn, một trong số đó chính là Hoài Tú đã từng hầu hạ Hoắc Thời Anh rồi và cũng là nha hoàn hồi môn của Cung thị, hôm đó Hoắc Thời Anh cũng ban tên cho Tiểu Lục: là Hoài An. Một người là Hoài Tú, một người là Hoài An, thật ra cũng là do Hoắc Thời Anh lười nghĩ tên mà thôi.
Trong phủ bị một đao ghê gớm của Hoắc Chân diệt gọn như vậy trái lại trở nên sạch sẽ hẳn, chí ít sau khi rạch ròi rõ ràng xong, những người có tâm cơ muốn bày trò mờ ám quỷ dị cũng sẽ ít có cơ hội hơn. Đợi sau khi tất cả ổn thỏa, Hoắc Chân phủi mông đi thẳng rồi, khi ấy Hoắc phủ mới thực sự được coi là thanh tịnh.
Hoắc Chân sắp xếp đâu vào đấy xong, mọi chuyện trong ngoài Hoắc gia tạm thời đều bình tĩnh chờ đợi giai đoạn quá độ. Chỉ là không một ai trong Hoắc gia có thể ngờ được rằng, chỉ sau đó có ba ngày ngắn ngủi triều đình đột nhiên nảy sinh một loạt những sự việc khiến trời đất rung chuyển, cục diện trong triều xuất hiện một cơn đại địa chấn, khiến cho toàn bộ giới quyền quý trong kinh thành đều bị cuốn vào, Hoắc phủ trở thành trung tâm cơn bão đồng thời cũng khiến lòng dân dao động.
Tháng Sáu năm ấy, vừa mới qua ngày
sơ phục đầu tháng Tám mà thời tiết bỗng nhiên trở nên oi bức hẳn đi, nhiệt độ không ngừng tăng lên kéo dài mãi cho đến ngày mười lăm, suốt một tháng liền không có nổi một hạt mưa, trong thành có không ít người bị cảm nắng, sáng sớm hôm
nhị phục ánh mặt trời gay gắt chiếu trên cao, một bản tấu chương từ trong triều đã đẩy sức nóng lên đỉnh điểm.
(Sơ phục: kéo dài trong 10 ngày của tháng mùa hạ nóng nhất trong năm. Nhị phục: kéo dài trong 20 ngày, tính từ canh thứ tư sau hạ chí.)