Lấy xong thuốc cao huyết áp ở bệnh viện, Kỷ Dũng Đào quay về chung cư.
Nhịp chân của lão rất chậm, ánh mặt trời của buổi chiều tà hắt trên lưng khiến lão trông như đang gồng gánh lấy nó, sau đó lại nặng nề đè lên từng bậc bê tông.
Ngoài hành lang có mấy bóng người, hình như là đến thăm người quen.
Đứa con đẩy chiếc xe lăn y tế, ngồi bên trên là một ông già đầu tóc bạc phơ.
Kỷ Dũng Đào đi ngang qua họ, không tự chủ được ngoái nhìn ông lão đó thêm mấy cái, cảm giác hơi quen mắt.
Tóc ông lão bạc trắng, ánh mắt vẩn đục trông hơi đờ đẫn, mũi còn phải đeo ống thở.
Lúc người kia và Kỷ Dũng Đào chạm mắt nhau, cả hai đều sững sờ một chốc.
Đứa con gái của ông lão ngại ngùng cắt ngang: Ngại quá, ba tôi mắc chứng đãng trí tuổi già, lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào người khác.
Hôm nay chúng tôi đưa cụ đến đây thăm người đồng nghiệp cũ, chuẩn bị đi bây giờ.
Kỷ Dũng Đào gật đầu, bước về phía bậc thang, cảm giác như hơi mất mát.
Bỗng nhiên, lão dừng bước, quay người lại hỏi: Lão Lý hả?
Lý Vũ - người giờ đây đã già đi trông thấy, run rẩy mỉm cười nhìn lão Kỷ.
Lý Vũ: Chú Kỷ đấy à.
Lý Vũ: Chú tan làm rồi hả? Cậu em sinh viên đại học của chú đâu rồi? Tan học chưa?
Kỷ Dũng Đào ngơ ngác, không nói được câu nào.
Con gái của Lý Vũ lại càng ngại hơn: Anh trả lời vài câu cho có là được rồi.
Kỷ Dũng Đào: Ừ, em trai tôi cũng sắp về rồi.
Lão lắc lư mớ rau trong tay: Tôi về nhà nấu cơm trước đây, nấu cơm đợi nó về.
Lý Vũ được người nhà túm tụm đưa ra khỏi hành lang, dọc hành lang vẫn vang lên những tiếng ú ớ của người nọ.
Kỷ Dũng Đào bước lên bậc thang trên cùng, bỗng nhiên, anh nghe thấy một âm thanh.
Đó là tiếng chuông xe đạp kêu leng keng.
Kỷ Dũng Đào đã quên mất rằng bao lâu rồi mình không nghe thấy nó.
Hồi xưa ở khắp phố đều nghe được, về sau hình như tiếng chuông lại càng nhỏ càng khẽ hơn, người qua đường đeo tai nghe nhiều dần, xe đạp lắp thêm cái chuông cũng chả có tác dụng gì nữa.
Lão nghe thấy tiếng chuông lanh lảnh vang lên.
Mỗi khi người kia tan học, hễ đến dưới lầu là lần nào cũng bấm chuông thật vang.
Đó là lúc người người nhà nhà nổi lửa nấu cơm, tiếng ầm ĩ của bọn trẻ tan học về nhà, tiếng nổ bỏng ngô, tiếng nhạc từ loa phát thanh công cộng…
Cơ thể Kỷ Dũng Đào bỗng trở nên nhẹ nhõm, theo tiếng chuông leng keng rơi vào lòng sông Ái Nha, được lớp bùn đất nhẹ nhàng ấm áp bao bọc.
-
Anh đưa tay gạt từng lớp sậy dày đặc sang một bên, đuổi theo vết máu mà người kia để lại dưới bầu trời đang dần tỏ sáng.
Kỷ Dũng Đào gọi gã, anh vẫn gọi bằng cái tên Tiểu Phi.
Người trước mặt cũng đang khó nhọc đi qua bãi lầy, mãi cho đến khi Kỷ Dũng Đào thốt ra cái tên đó.
Kỷ Dũng Đào: Sở Giá Quân.
Kỷ Dũng Đào: Đã nói xong xuôi rồi mà, chúng ta một trước một sau lên đường, cậu không cần phải sợ gì cả.
Sở Giá Quân dừng lại ở phía trước, không bước tiếp nữa.
Kỷ Dũng Đào bỏ súng xuống, thu vào bao.
Gã quay đầu lại, đáy mắt hiện lên một ánh nhìn đầy bi thương.
Kỷ Dũng Đào: Sao thế?
Sở Giá Quân lại bắt đầu đi tiếp, nhưng lần này gã đi rất chậm, đầu cúi gằm đi dọc theo bờ sông, chầm chậm bước về phía trước.
Sở Giá Quân: … Em không cam tâm.
Kỷ Dũng Đào cũng chậm rãi theo sau gã: Còn lưu luyến gì?
Sở Giá Quân: Em không biết, đến em còn không nói ra được.
Nhưng em vẫn cứ không cam tâm.
Cả hai nhất thời không biết nói gì, im lặng cùng sánh vai về phía trước.
Sắc trời mỗi lúc một sáng, bóng đổ màu chàm, màn đêm như tan thành mây khói bị cuốn bay đi.
Bóng người dưới nước bị sóng đánh tan, Sở Giá Quân ngắm nghía cái bóng đó: Em chưa từng được trải qua những ngày tháng ấy.
Kỷ Dũng Đào: Ngày tháng gì?
Sở Giá Quân: Những ngày tháng mà không có gì phải sợ sệt, sống như một người bình thường thực thụ, như cuộc sống của các anh.
Sở Giá Quân: Em đóng giả Hứa Phi cũng rất mệt mỏi, đêm nào cũng ngủ không yên, hễ có tiếng động gì là lại bật tỉnh, em sợ các anh điều tra ra được em không phải Hứa Phi.
Kỷ Dũng Đào: Sau này cậu không cần giả làm ai nữa.
Sau này mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Sở Giá Quân: … Nếu em là Hứa Phi thật, cuộc sống sau này của em sẽ thế nào?
Kỷ Dũng Đào duỗi tay ra nắm lấy tay gã.
Bàn tay Sở Giá Quân lạnh cóng, dường như đã chuẩn bị sẵn cho cái chết, cơ thể này giờ đây đã quá mệt mỏi, đến mức không muốn trốn chạy thêm nữa.
Kỷ Dũng Đào: Cậu là sinh viên đại học, sẽ được giới thiệu đến một cơ quan tốt, làm nhà khoa học.
Sở Giá Quân: Có phải là sẽ mặc áo trắng như bác sĩ không?
Kỷ Dũng Đào: Chắc vậy.
Một tuần đi làm năm ngày, sáng sớm phải chen chúc trên xe buýt, buổi chiều bốn năm giờ tan làm, có thể đến căng-tin ăn một bữa, được gọi một món chay một món mặn.
Kỷ Dũng Đào: Cơ quan sẽ tổ chức giao lưu ca múa nhạc, sẽ có rất nhiều cô gái chú ý đến cậu, thì thầm với nhau cậu có bạn gái hay chưa.
Sở Giá Quân: Hồi ấy anh có bị chú ý đến không?
Kỷ Dũng Đào: Có chứ, lương bổng cơ quan anh trong ngành cũng coi như cao rồi.
Sở Giá Quân: Thế tại sao anh lại không tìm người yêu?
Kỷ Dũng Đào: Anh không biết gia đình là như thế nào.
Sở Giá Quân: Sao lại không biết chứ, sau khi em đến không phải anh còn nói với em gia đình là gì đấy sao?
Kỷ Dũng Đào: Anh không biết, anh bịa ra đấy, anh không muốn cậu đi, sợ đến kỳ nghỉ cậu sẽ về nhà, sau khi tốt nghiệp sẽ về quê, đến lúc ấy anh sẽ lại một mình.
Sở Giá Quân ngồi xuống bên bờ sông, tiện tay vốc lên một nắm bùn, nhào thành một quả bóng: Em mặc kệ, nói sao đi nữa thì nó cũng chính là như thế.
Kỷ Dũng Đào gật đầu: Ừ, nó chính là như thế.
Sở Giá Quân: Sau khi em lên đường rồi, liệu anh có thành một nhà với người khác nữa không?
Gió thổi qua rừng lau, bông lau trắng như tuyết rơi xuống phủ đầy mặt sông.
Kỷ Dũng Đào nhẹ nhàng gạt chúng ra, để lộ một vùng nước trong vắt tựa gương soi.
Anh nhìn khuôn mặt mình phản chiếu qua dòng nước, bật cười: Không đâu.
Kỷ Dũng Đào: Anh sắp lên đường cùng cậu rồi cơ mà, còn sau này ở đâu nữa chứ?
Sở Giá Quân: Vậy, mình cùng nhau lên đường thì kiếp sau có được đầu thai vào cùng một nhà không?
Kỷ Dũng Đào: Chắc có, một trước một sau thì kiểu gì cũng gần nhau thôi.
Sở Giá Quân: Nếu lỡ không cùng một nhà thì phải làm sao?
Từng giọt nước mắt của Sở Giá Quân rơi xuống hòa vào dòng nước: Anh có làm gì sai đâu mà phải chết cùng em? Không phải anh nói được sống tốt lắm, làm người vui lắm sao? Anh cũng đâu có làm chuyện gì xấu, tại sao lại phải chết cùng em?
Kỷ Dũng Đào nhìn gã, khóe miệng cong lên cố gắng nở nụ cười nhưng nước mắt lại không ngừng rơi: Nhưng một mình cậu lên đường đâu có được, cậu không biết nên đi đâu về đâu.
Không phải cậu muốn anh đi cùng cậu sao?
Sở Giá Quân lắc đầu: Em không cần anh đi cùng nữa, em nghĩ lại rồi, em không muốn anh chết, em muốn anh được sống.
Sở Giá Quân buông bàn tay đang bị anh nắm chặt: Anh nói tiếp đi, liên hoan giao lưu rồi đến gì nữa?
Kỷ Dũng Đào lau nước mắt, nghĩ ngợi một hồi lâu: … Rồi mỗi tháng sẽ được phát tiền lương.
Sở Giá Quân: Được bao nhiêu?
Kỷ Dũng Đào: Tầm mấy chục, một hai trăm….
Không nhiều như cậu nghĩ, mọi người đều được bằng ấy tiền, ai cũng có thể sống tốt.
Sở Giá Quân sững sờ, rồi lại gật đầu: Được thôi, cứ coi như là trăm chín đi.
Phía xa xa, lại có một bầy chim nữa giật mình bay đi.
Có người đang đến.
Sở Giá Quân quay đầu lại xem nhưng bị Kỷ Dũng Đào giữ lại, ngăn không cho gã nhìn qua: Kệ đi, cậu nói tiếp xem, một trăm chín mươi tệ muốn tiêu thế nào?
Sở Giá Quân: Em…
Chim chóc bay tán loạn, đoàn người tìm kiếm đã thấy chiếc xe tải đang đậu và những cái xác kia.
Sở Giá Quân: Em… em dùng mười tệ… không, dùng hai tệ đi xem phim, hai tệ thuê đĩa mang về… mỗi ngày một tệ mua cơm, uống bia, đi ăn đêm…
Kỷ Dũng Đào: Thế là hết ba chục rồi, còn trăm sáu nữa.
Sở Giá Quân: Dùng mười tệ mua thuốc lá, còn trăm rưỡi.
Kỷ Dũng Đào: Không phải mua súng mua đạn thì chi tiêu nhẹ nhàng lắm.
Sở Giá Quân gật đầu: Tiêu thêm năm chục nữa…
Kỷ Dũng Đào: Năm mươi tệ, tiêu cho ai?
Sở Giá Quân cúi đầu nhìn khuôn mặt mơ hồ của bản thân phản chiếu trên mặt nước: … Cho Mộng Mộng.
Sở Giá Quân: Mua sữa bột cho Mộng Mộng.
Kỷ Dũng Đào nhất thời không biết nói gì nữa.
Phía sau lưng, lũ chim bị giật mình rồi bay đi càng lúc càng gần hơn.
Kỷ Dũng Đào: Tiểu Sở, còn có một trăm nữa, tiêu thế nào đây?
Sở Giá Quân: Em sợ.
Kỷ Dũng Đào: Cứ mặc kệ, không cần để ý đến họ, nghĩ tiếp nào, cậu đã nhận được lương cơ quan phát rồi, đang sống cuộc sống bình thường như mọi người, cậu phải làm thế nào để tiêu hết số tiền này?
Sở Giá Quân: Còn một trăm…
Sở Giá Quân: Em muốn mua áo khoác mới, giày da mới cho anh.
Đưa anh đi làm tóc xịn xò, mua đĩa hát của Đặng Lệ