Hết tiết Vật lý, Giang Diệu cũng vứt luôn yêu hận tình thù của Thi Âm và Bùi Thời Khởi ra sau ót, mắt đỏ hoe xoay người hỏi: “Âm Âm, câu hai mươi ba vì sao chọn C? Tớ không hiểu lắm.”
Đối với học sinh, nhất là học sinh lớp thử nghiệm, các tin đồn dù kỳ lạ hay thi thú đều chỉ là gia vị trong những tháng ngày mang nặng áp lực học hành mà thôi, điều thực sự ảnh hưởng tới họ luôn là những con điểm đỏ chót trên các bài kiểm tra, nên khi Giang Diệu có thần kinh yếu bị thầy Vật lý mắng trước mặt cả lớp và phát hiện đáp án của mình chính xác chưa tới năm mươi phần trăm thì không chịu nổi nữa mà lẳng lặng lau nước mắt.
Thi Âm vẽ sơ đồ mạch điện lên tờ đề kiểm tra, nhỏ nhẹ:
“Dựa theo quy tắc bàn tay phải, cậu xem nè, mặt trước của thanh Hall mang điện tích dương nên điện thế sẽ cao hơn mặt sau, như vậy câu A sai. Mà nguồn điện đang ở cực âm nên U và P tỉ lệ thuận với nhau. Vì vậy, câu đúng sẽ là C.”
Giang Diệu vừa nghe vừa viết lời giải vào chỗ trống bên cạnh đề bài. Câu này không tính là khó nhưng thầy giảng bài nhanh quá nên Giang Diệu hoàn toàn không hiểu, còn Thi Âm giải thích rất tỉ mỉ, các công thức cũng rất rõ ràng.
Sửa bài xong, nhìn lại đề thi toàn là màu đỏ, hai mươi câu mà chỉ đúng tám câu, cơn sầu bi lại ùa về, nữ sinh buồn bã dụi mắt.
“Sao tớ lại dốt Vật lý thế chứ, hồi học lớp 10 có bết bát thế đâu, với thi khảo sát đầu năm 11 còn lấy được hạng hai môn Lý, vậy mà bây giờ bị tụt hạng thê thảm thế này. Đợt thi tuần vừa rồi, điểm trung bình của cả lớp là 86, mà tớ chỉ đạt 72 điểm, thấp hơn tới 14 điểm lận. Ngày nào tớ cũng dành nhiều thời gian học môn Vật lý nhất, nhưng lúc nào thi cũng thấp điểm nhất, hồi trưa bố tớ còn nói tớ là con ốc, não chỉ có hai tế bào thần kinh…”
Thấy Giang Diệu càng khóc càng đau lòng, nước mắt rơi lã chã, Thi Âm vội vàng rút khăn giấy ra đưa cho cô bạn, an ủi: “Chỉ mới thi tuần thôi mà, tổng điểm thi chia lớp cậu xếp hạng tám lận đó, bây giờ chỉ mới qua một tuần thôi, sao học sút được chứ. Cậu nghĩ xem, tớ xếp hạng ba mươi mốt mà còn chưa mất lòng tin đây nè.”
“Đó là vì cậu sơ suất khi thi Khoa học tự nhiên. Lúc phát bài thi, ai cũng nói đề dễ, nhắm mắt cũng làm được. Còn tớ thì khác, tớ thấy mình rất… rất cố gắng, nhưng tớ… cố gắng… thì sao chứ, ngay cả sơ đồ mạch điện… cũng không hiểu…”
Nói đến đoạn sau, có lẽ là những đè nén trong khoảng thời gian qua không kiềm chế nổi nữa, lại nhận được sự quan tâm của bạn thân nên Giang Diệu nghẹn ngào không nói được nữa mà chỉ khóc.
Tuy trước nay Nhất Trung nổi tiếng là ngôi trường tự do học tập, có váy đồng phục, có những bức tường đủ sắc màu do học sinh vẽ, có các hoạt động ngoại khóa, rất giống Alistun College(1) làm cho bao học sinh mới vào trường tưởng tượng ra vô số viễn cảnh lãng mạn nhưng học từ sáu giờ sáng đến mười giờ tối theo hệ thống giáo dục khiến học sinh không thể tránh khỏi áp lực.
(1) Alistun College: tên ngôi trường trong phim “Cùng ngắm mưa sao băng” do Trương Hàn và Trịnh Sảng đóng chính.
Mỗi ngày rời giường khi trời còn chưa sáng, mơ mơ màng màng đi học, vừa học bài vừa gặm bánh bao, lấy thực phẩm chức năng làm thức ăn, cà phê làm nước uống, ngay cả ngủ trưa cũng bị choàng tỉnh vì nằm mơ thấy quên mất công thức, sau đó vội vàng nhảy xuống giường lật sách ra lẩm bẩm: “Hòa tan kim loại vào axit sunfuric sẽ cho ra muối và hidro.”
Bởi vì đã vất vả như vậy nên dù chỉ thụt lùi và sơ sẩy một chút xíu thôi cũng đem đến cho họ bao nỗi sợ hãi khổng lồ.
Mà con gái có tuyến lệ phát triển trời sinh, một khi đã khóc thì cứ như được xả van, muốn dừng cũng không được.
Hứa Tập An đang ngồi bên cạnh bàn bạc cùng đám bạn chủ nhật định đi đâu chơi cũng hết hồn, nhanh chóng kết thúc cuộc thảo luận, đuổi đám bạn đi rồi lẳng lặng cống hiến một bịch khăn giấy.
“Hớ hớ, đừng buồn nữa. Bà xem Thập Thất ca đi, thi tuần môn Tiếng Anh đạt có 62 điểm, cũng bị cô giáo phê bình trước mặt cả lớp đấy thôi, nhưng tố chất tâm lý của nó siêu khủng, tới bây giờ còn không rơi lấy một giọt nước mắt, vẫn còn có tâm trạng đọc truyện tranh kia kìa!”
Thiếu niên ngồi bàn sau bị cue(2), ngước mắt lườm một phát rồi hờ hững dời mắt, chống cằm tiếp tục đọc truyện tranh, minh chứng hoàn hảo cho cái gọi là tố chất tâm lý tốt.
(2) cue: nhắc tới.
Nhưng hiển nhiên Bùi Thời Khởi là ví dụ tệ nhất trong bốn mươi mốt học sinh của lớp về trường hợp này. Tuy cậu thi Tiếng Anh đúng là chỉ đạt 62 điểm, giáo viên Tiếng Anh đúng là phê bình cậu trước mặt cả lớp suốt sáu phút đồng hồ, cũng đúng là cô Tiếng Anh nói thế này:
“Chưa bao giờ nghe giảng”, “Làm bài là bôi đại đáp án”, “Suốt ngày ngủ trong lớp”, “Đi học mà như đi chơi”, “Thảo nào thi chỉ có bao nhiêu đó điểm”,…
Nhưng mà!
“Chỉ cần em cố gắng một chút thôi, trường Thanh Hoa Bắc Kinh không phải cho em mặc sức lựa chọn à?”
Vì vậy, lấy nhân vật suốt ngày đọc truyện tranh cũng đạt điểm cao nhất lớp môn Khoa học tự nhiên để làm ví dụ hoàn toàn không có tác dụng an ủi Giang Diệu.
Cũng may Giang Diệu tuy vui vẻ hay buồn bã đều hơi lố nhưng đến nhanh mà đi cũng nhanh, khóc xong rồi thì tự lau khô nước mắt, tiếp tục sửa bài.
“Tớ cũng không tin! Âm Âm, cậu chờ xem, lần thi tháng tới, mặc kệ đề thế nào, bà đây cũng sẽ thi Khoa học tự nhiên đứng thứ hai toàn khối.”
Phương thức flag(3) này rất kỳ quặc, Hứa Tập An nghi hoặc đặt câu hỏi:
“Tại sao không phải là đứng nhất toàn khối?”
… Ồ, đứng nhất toàn khối.
Không cần Giang Diệu trả lời, Thi Âm đã chỉ thiếu niên ngồi phía sau: “Ờ thì là cậu cảm thấy người bình thường như chúng ta đấu nổi không?”
Ok ok.
Đã hiểu đã hiểu.
(3) Flag: trong trường hợp này có thể hiểu là thể hiện lòng quyết tâm
Hứa Tập An to gan tày trời, bỗng dưng thở dài nói: “Tự dưng muốn Thập Thất ca thi Khoa học tự nhiên đứng thứ nhất từ dưới lên một lần cho biết quá.”
Sau đó, dưới ánh mắt “mày muốn chết hả” hờ hững của ai đó, Hứa Tập An sợ hãi cúi đầu: “Ha ha ha, tao giỡn thôi, Thập Thất ca thi xếp hạng hai cũng là kỳ tích rồi, lấy đâu ra ngày thi đứng thứ nhất từ dưới lên chứ. Đúng không Thi Âm?”
“Ờ hớ.”
Tuy môn Ngữ văn tệ đến nỗi mỗi lần viết văn đều trắng trợn dùng cấu trúc “Thời gian cứ trôi, cứ trôi, cứ trôi, cứ cứ trôi” để đủ số chữ, hay thậm chí vì viết “I feel I’m unok today, I think I need go home to rest a little time” mà bị cô dạy Tiếng Anh lấy ra làm ví dụ mẫu câu sai cho toàn khối 11 nhưng ở các môn tự nhiên, Bùi Thời Khởi xứng đáng là Vua toàn trường Nhất Trung, “khủng” đến mức học sinh trong lớp thử nghiệm cầu nguyện mà cũng tự động lược bỏ mong muốn đứng thứ nhất ở môn Toán và Khoa học tự nhiên.
“Cao xanh hỡi, xin hãy cho con thi được hạng hai” – Đây đã là nguyện vọng cực hạn rồi, bởi vì mọi người đều nhất trí cho rằng nếu xin thi được hạng nhất, ông trời sẽ bịt tai lại, lựa chọn không nghe lời khẩn cầu.
***
Bên ngoài cửa sổ vang lên tiếng sấm, mây đen cuồn cuộn, trời sắp đổ mưa. Từng cơn gió lạnh luồn qua khe cửa sổ, quét qua làn da mang theo hơi ẩm lạnh lẽo, làm nổi hết da gà.
Thi Âm sực nhớ ra một chuyện, xoay người gõ nhẹ bàn Ninh Từ: “Đúng rồi Ninh Từ, cậu vẫn còn giữ đồng phục của tớ đúng không?”
Mỗi mùa, một học sinh chỉ có hai bộ đồng phục, một bộ tối qua giặt vẫn chưa khô nên Thi Âm mới mặc áo ngắn tay đi học.
“Lên lớp là bạn trả áo cho con ấy mà, chỉ chịu lạnh lúc đi đường một tí thôi.” Ở nhà cô đã trấn an mẹ mình như vậy.
Song, đối diện lại yên tĩnh một cách khó hiểu.
Nữ sinh ngẩng đầu khỏi vở bài tập, mím môi, mặt đỏ bừng: “Tớ xin lỗi, đồng phục của cậu… tớ… tớ quên mang theo rồi.”
Hồi trưa về nhà, Ninh Từ thay bộ đồ dính máu ra, bỏ vào rổ quần áo bẩn, treo áo khoác của Thi Âm lên ghế. Sau đó mẹ cô nhìn thấy, tưởng cũng là áo bẩn nên đã bỏ vào máy giặt. Đến khi Ninh Từ ngủ trưa dậy đã nhìn thấy chiếc áo khoác đồng phục treo trên sào nhễu nước tí tách bên ngoài ban công.
Vì trường tạm thời thiếu đồng phục mùa đông, cô chỉ mới nhận hai bộ đồng phục mùa hè, còn áo khoác mùa đông thì cô vẫn chưa có. Chỉ còn hai mươi phút nữa là vào lớp, cho dù lấy máy sấy sấy áo thì cũng không kịp khô.
Cô giận dữ hét lên với mẹ: “Đó là áo của bạn học con, trưa nay phải trả lại cho bạn ấy!”
Mẹ cô cũng rất tủi thân: “Con đâu có nói với mẹ, mẹ cứ tưởng là đồ bẩn con mới thay ra.”
“Cái áo đó rất sạch, con cũng không ném vào giỏ đồ, sao mẹ lại mang đi giặt chứ!”
“Con nói thiếu đồng phục, chỉ mới lĩnh hai bộ mùa hè, mẹ sợ con không kịp thay nên mới vội vàng giặt cho con, mẹ nào biết bạn học con cho con mượn áo.”
Không thể nào tranh luận với phụ huynh vì họ luôn mang theo cái mác “Vì muốn tốt cho con”, vĩnh viễn luôn có lý do phản bác.
“Hay là lấy cái áo khoác khác đưa cho bạn học của con mặc tạm?”
Cô lấy một cái áo dệt cũ kỹ ra: “Cái này hả? Nó sờn hết rồi, nhìn thôi cũng thấy gớm.”
Ninh Từ lạnh lùng mở cửa nhà ra.
“Nè, Tiểu Từ, nè, dự báo thời tiết nói chiều này trời trở lạnh, con mặc áo ngắn tay cho lạnh chết à? Mau quay lại mặc thêm áo vào. Tiểu Từ?”
Tiếng của mẹ cô bị vứt lại phía sau.
Ninh Từ vô cùng tức giận và tủi thân, chỉ mặc chiếc áo đồng phục mùa hè đi tới trường. Lúc tới cửa lớp, nhìn nữ sinh mặc chiếc áo đơn bạc ở bàn kề cuối, cô mới giật mình nhớ ra mình đã quên mang vật chống rét thay thế cho đối phương.
Suốt tiết Vật lý, cô luôn cầu mong đối phương đã quên chuyện này, nhưng những cơn gió lạnh thổi vù vù bên ngoài cửa sổ nói cho cô biết đó chỉ là mơ mộng hão huyền.
Quả nhiên, sự bối rối tuy đến trễ nhưng không bao giờ vắng mặt.
“Tớ, tớ xin lỗi, tớ quên mất… không mang theo…”
Không phải là quên mà là không có cách nào để mang theo, cho nên ngay cả phương thức “Để bây giờ tớ về nhà lấy” hòng cứu vãn cũng không nói được.
Nữ sinh lúng túng cụp mắt, môi dưới như muốn bị cắn rách.
Lúc nghe câu trả lời, Thi Âm thoáng ngỡ ngàng, nhưng khi nhìn thấy gương mặt đỏ au vì khó xử của cô ấy, cô vẫn cười ân cần: “À, không sao đâu. Ngày mai cậu mang cho tớ là được.”
Nói xong, cô xoay người lại, tựa như không để bụng chuyện này, nhanh chóng vùi đầu làm bài tập.
Còn Ninh Từ phạm lỗi thì không có cách nào không để bụng được.
Tiết thứ hai là tiết tự học, một đề bài đơn giản nhưng đã hơn hai mươi phút mà cô vẫn chưa giải xong, cô vẽ thêm đường phụ, trông thì giống như rất chăm chú giải bài nhưng thực tế là toàn bộ tâm trí đều đặt lên nữ sinh ở bàn trên.
Tiếng sấm chớp vang lên, trời đổ mưa, nữ sinh khẽ co người lại, chà sát cánh tay trần của mình.
Gió luồn qua khe cửa sổ, nữ sinh bất giác nhích lại gần tường, co chân lên ghế, cuộn người lại.
Lại một cơn gió mạnh, nữ sinh tháo bím tóc ra, mái tóc dài đổ xuống vai, tựa như có thể giúp bớt lạnh.
Chắc là lạnh lắm.
Chắc chắn rất lạnh.
Bởi vì chính mình cũng mặc chiếc áo đơn bạc ngắn tay, sự lạnh lẽo mà đối phương cảm nhận cũng hệt như cảm giác của mình lúc này.
… Biết sớm đã không giận dỗi mà nhận lấy áo mẹ đưa.
Quả nhiên như mẹ nói: “Con lớn thế này rồi”, “Không làm được gì hết”, “Không biết đối nhân xử thế chút nào”, “Chỉ làm phiền người khác là giỏi”.
Ngu ngốc.
Tiết tự học dài bốn mươi phút, Ninh Từ không giải được bao nhiêu bài.
Ngay khoảnh khắc tiếng chuông hết giờ vang lên, nữ sinh bàn trên ôm quyển sách dày cui xoay người lại, không phải vì mình mà là nói với bạn cùng bàn của mình – Bùi Thời Khởi.
“Đại ca nè, bài này làm sao? Có khi nào đề sai không?”
Thiếu niên liếc mắt: “Đừng có mà giải không ra rồi đổ thừa cho đề. Đề không có vấn đề gì sất, tại cậu gà thôi.”
“Cho tớ mượn vở xem chút coi.”
Thi Âm rút quyển vở Toán trong chồng sách vở trên bệ cửa sổ của cậu ra, lật đến một trang, ngừng lại, nhìn kỹ, sau đó lập tức ngước lên, nghi hoặc hỏi:
“Cậu chỉ ghi đáp án thôi á?”
Nam sinh trả lời đầy khinh miệt: “Ừm.”
“Sao không có lời giải gì hết vậy, câu này khó thế mà, đừng nói là cậu tính nhẩm nhá?”
“Lời giải trên giấy nháp.”
“Giấy nháp đâu? Cho tớ mượn xem với.”
“Nộp rồi.”
“Hở?”
Nữ sinh không biết nên cười nhạo hay kính nể.
Ninh Từ biết việc này.
Bùi Thời Khởi chưa bao giờ có cái gọi là giấy nháp. Mỗi lần cần viết nháp, cậu sẽ viết đại lên chỗ nào đó, sáng nay lúc thu bài tập, cô thấy chỗ trống ở trang vở bài tập Hóa của cậu toàn là biểu đồ và công thức Toán.
Đang lúc Ninh Từ do dự không biết có nên nói là mình biết cách giải bài này hay không thì Thi Âm đã dũng cảm được voi đòi tiên:
“Đại ca ới, cậu giảng cho tớ được không?”
“Không.”
Nữ sinh làm như không nghe thấy lời từ chối của cậu, chỉ vào đề bài: “Câu đầu tiên tớ giải ra rồi, a bằng ½. Cho nên khi so sánh, ta có An không thể lớn hơn 1, mà nếu An không lớn hơn 1 thì Bn sẽ bằng trị tuyệt đối của 2An bình phương…”
“Cậu bị ngu hả?” Thiếu niên không nghe nổi nữa, cắt ngang cô, rút cây bút từ trong tay cô: “Theo cách làm của cậu, sẽ ra một kết quả duy nhất là cái rắm. Hơn nữa nếu là giá trị tuyệt đối, làm sao cậu biết là dương hay âm, tính mở thiên nhãn hay gì? Cậu tách nó ra là được, giả thiết An lớn hơn k ½, Bn sẽ bằng…”
Sự tức giận trong tưởng tượng hoàn toàn không có, lại rất thần kỳ giảng giải chi tiết cho đối phương.
Vì đã quen với hình tượng “thiên tài nóng tính” của Bùi Thời Khởi nên Ninh Từ thoáng ngỡ ngàng. Hơn nữa, không hổ danh là hoàng tử khoa học tự nhiên, tuy phương pháp giải bài của cậu khó hiểu hơn cô nhưng quá trình tính toán lại ngắn gọn hơn cô một nửa.
Giảng xong, lại hỏi thêm một câu đầy trách nhiệm: “Hiểu chưa?”
Cô hơi nghi hoặc, tại sao hai người họ buổi sáng còn giương cung bạt kiếm, cho dù có làm hòa thật, thì sao ngay cả thời kỳ giảm xóc cũng không có mà thoắt cái đã biến thành láng giềng hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau?
Về Thi Âm thì cô có thể hiểu được, nhưng Bùi Thời Khởi như vậy hoàn toàn không phù hợp với hình tượng của cậu.
Thiếu niên gõ bút vào đầu nữ sinh: “Sao cứ trợn mắt ếch lên thế, rốt cuộc đã hiểu chưa?”
“Hiểu rồi hiểu rồi.” Thi Âm lấy lại sách của mình, nói lời từ tận đáy lòng: “Cậu thông minh thật đấy.”
“Còn câu nào nữa không, hôm nay tiểu gia mở lòng từ bi, sẽ giảng hết cho cậu.”
“Hết rồi… Hắt xì…” Nữ sinh che miệng hắt xì hơi.
Bùi Thời Khởi ngó cô: “Cậu lạnh lắm hả?”
Tất nhiên Thi Âm lạnh, nhưng vì có Ninh Từ ngồi bên cạnh, để không làm đối phương lúng túng, cô bèn nói dối: “À không, chắc là tối qua lạnh quá.”
“Cho nên cậu mặc thế này để chứng minh hôm nay có thể còn lạnh hơn?”
“… Đâu ai biết nhiệt độ giảm đột ngột và có mưa chứ.”
“Nhưng chắc chắn cũng không ai cho rằng trời sẽ ấm lên.”
“…”
Thi Âm không phản bác nổi. Bởi vì hồi sáng cô mặc áo chống lạnh đầy đủ, ấm áp vô cùng, còn bây giờ nhiệt độ hạ xuống thì lại chỉ mặc mỗi cái áo thun mỏng.
Cô dám đánh cược tên này chẳng nghe đoạn đối thoại giữa cô và Ninh Từ về đồng phục ban nãy, vì nếu có thì cậu sẽ để ý thấy Ninh Từ ngồi bên cạnh sắp vùi mặt vào sách đến nơi rồi.
Chưa đợi cô nghĩ ra nên ứng đối thế nào, đối phương đã nói trước:
“Đúng rồi, cậu có muốn ôm túi chườm nóng không?”
“Cái gì cơ?”
“Cái này nè.”
Nam sinh lấy một cái túi chườm nóng cao su in hoa ra, chẳng biết tại sao lại mong đợi nhìn cô:
“Cho cậu đấy, lấy không?”
Con ngươi của Thi Âm như muốn rớt ra ngoài: “Không lẽ cậu…” Mới tháng chín mà mang túi chườm nóng?
“Tiểu gia tớ không thèm cái này nhá!” Thiếu niên sa sầm mặt: “Hồi sáng đỡ một bà cụ qua đường, bà cụ nhét cho tớ.”
“Hả?”
Đỡ bà cụ qua đường? Đây là đề tập làm văn của học sinh tiểu học mà.
“Sẵn tiện bắt kẻ trộm giúp bà cụ.”
… À.
Nhưng sao Thi Âm cứ thấy ngược ngược thế nhỉ? Không phải là giúp bà cụ bắt kẻ trộm, sau đó sẵn tiện đỡ bà cụ qua đường mới hợp lý ư?
Cô nhìn thiếu niên, không giống đang nói xạo, trong đầu chợt nghĩ tới chủ đề “Bùi Thời Khởi tốt bụng lắm” mà trước đây cô và Chương Doanh Lộ từng thảo luận, bỗng thấy hơi xấu hổ, hóa ra người ta thực sự đã đỡ bà cụ qua đường.
“Này, con mẹ nó rốt cuộc là cậu có lấy không thì bảo?” Giọng của thiếu niên trở nên nóng nảy.
“Lấy lấy lấy.” Nữ sinh nhận lấy, thật lòng khen ngợi: “Cảm ơn cậu, Bùi Thời Khởi, cậu tốt bụng y như Doraemon vậy đó.”
“Được rồi, làm gì thì làm đi, đừng làm phiền tớ đọc truyện.”
“Quyển “Hiệp sĩ giấy” này cậu đã đọc ba ngày rồi đó, Doraemon à, cậu mắc chứng khó đọc hả?”
“Trợn con mắt Cá Mập của nhà ngươi lên mà nhìn đi, hôm qua ông đọc tập 3, còn đây là tập 6, dốt toán thì biết điều mà ngậm miệng vào, tránh bị mất mặt.”
“Đúc kiếm thành cày: nung chảy vũ khí để chế tạo nông cụ, có nghĩa là chấm dứt…”
“Nhà ngươi có tin chỉ cần ngươi nói một câu nữa thôi là ta nung chảy ngươi trước không?”
…
Thi Âm ôm túi chườm đi đổ nước nóng vào túi, Ninh Từ lặng lẽ nhìn sang thiếu