Edit: Sa Trong cuộc sống có những việc không phải vì chưa trải qua nên không biết nó khó khăn đến nhường nào mà là vì biết nó khó khăn nên mới không dám dấn thân vào.
Sở dĩ Vương Bảo Xuyến đập tay ba cái để đoạn tuyệt quan hệ với cha mẹ lại có thể trở thành người được lưu truyền qua hàng ngàn năm cũng là vì có tinh thần dũng cảm đó.
Riêng Thi Âm, cô mãi mãi không thể dám yêu dám hận như Vương Bảo Xuyến, bởi vì cô biết mình không chịu khổ được.
Mọi người tán dương tinh thần tiến về phía trước không bao giờ chùn bước và tấm lòng son sắt của Vương Bảo Xuyến nhưng không hề nhìn thấy những nỗi cơ cực và khổ tâm của nàng trong suốt mười tám năm ròng rã chờ chồng.
Thi Âm không thể gánh nổi hậu quả của việc thua cả bàn cờ chỉ vì một bước đi sai lầm, cũng không có cái gan đại náo Thiên cung như Tôn Ngộ Không.
Lần tùy hứng duy nhất của cô là do bị bạn thân Bùi Thời Khởi ảnh hưởng, không kiểm soát nổi mà giận dữ với mẹ rồi sau đó khi mẹ chủ động cho bậc thang đi xuống, cô cũng làm như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục nhẫn nhịn sống qua ngày.
Hèn nhát, đây mới là con người thực sự của Thi Âm.
Tóm lại là sau cùng, Thi Âm chiến tranh lạnh với mẹ chẳng giải quyết được gì.
Vì chân bị thương nên cô ở nhà nghỉ ngơi suốt kỳ nghỉ quốc khánh, thuận tiện làm bài tập về nhà. Ngược lại, có lẽ vì mẹ cô cảm thấy lúng túng nên chủ động né tránh, sau hôm sinh nhật Thi Ngạn, bà và chồng dẫn theo đứa con út đi thăm họ hàng phía nội của Uy Uy, để hai chị em Thi Âm và Thi Ngạn trông nhà.
Sau khi họ đi, Thi Ngạn mới phát hiện món quà sinh nhật mà mẹ giấu trong tủ quần áo của mình. Là một cái camera không hề rẻ.
Bố ruột của Thi Âm và Thi Ngạn rất đam mê chụp ảnh, Thi Ngạn kế thừa sở thích của bố, ngay từ bé cậu đã đắm chìm trong thế giới chụp ảnh.
Chẳng qua là…
Cậu dở khóc dở cười ôm cái máy ảnh đi qua gõ cửa phòng chị gái rồi mở cửa ra: “Chị ơi, chị với mẹ tâm linh tương thông thật đấy.”
Ngay cả quà sinh nhật cũng y chang nhau.
Trong khoảnh khắc nhìn thấy cái máy ảnh, Thi Âm thoáng áy náy, bởi vì điều này chứng tỏ mẹ không quên sinh nhật Thi Ngạn, là tự mình hiểu lầm rồi nói những lời quá đáng với mẹ.
Nhưng sau khi áy náy xong, cô lại có thêm một nỗi sầu muộn lớn hơn cả, lăn lộn trên giường: “Đau lòng quá đau lòng chết mất, biết sớm đã không lãng phí tiền mừng tuổi mua cái này cho em.”
Thi Ngạn rất bình thản: “Cả hai cái đều mới toanh, bán lại một cái là được, coi như là chị tặng tiền em.”
“Hơ, ý em là muốn bán lại cái của chị?”
“Chứ không lẽ bán cái của mẹ? Kỳ lắm.”
… Cũng đúng. Giả dụ mẹ và Tiểu Ngạn đều tặng một món quà cho cô, cô cũng sẽ không chút do dự mà bán lại cái của Tiểu Ngạn. Càng thân thiết càng không kiêng dè, trong lòng cũng không có gánh nặng vì những chuyện như vậy.
Thực tế là vậy đấy, quan hệ dẫu có thân thiết đến đâu chăng nữa thì tận đáy lòng cũng sẽ phân biệt ai thân nhiều ai ít thân. Trừ khi là thánh thần, nếu không thì chẳng thể nào mà đối xử bình đẳng được.
Nghĩ thế, nỗi oán hận mà cô dành cho mẹ bất giác giảm bớt rất nhiều.
Nữ sinh dừng lăn lộn, ló đầu ra khỏi chăn: “Vầy đi, em bán máy ảnh xong, chúng ta chơi sang, đi ăn Ha Di Lao Hot Pot, thế nào?”
“Không, em không thích ăn lẩu.”
“Đưa điện thoại đây.”
“… Bà chị ạ, chị mà ở thời cổ đại, chị là Võ Tắc Thiên chắc luôn.”
“Em muốn ăn gì? Tôm hay cá ba sa? Thôi ăn cả hai luôn đi, mình có nhiều tiền mà.”
“Đó là tiền của em!”
“Hầy da, cứ coi như quà mà chị tặng em là bữa ăn ở Ha Di Lao đi.”
“…”
Trong nhà không có cha dượng luôn ngó chăm chăm xem hai đứa con riêng của vợ có xài nhiều tiền không kẻo ảnh hưởng đến “tài sản” mà đứa con ruột của mình được thừa kế, hai chị em rất thoải mái. Hơn nữa Thi Âm vốn tưởng vì mình đi lại khó khăn nên hẳn sẽ nằm trong ổ chán đến chết qua kỳ nghỉ lễ nhưng thông qua QQ và Wechat thấy những chia sẻ của bạn bè, cô bất ngờ phát hiện kỳ nghỉ của mình không tồi chút nào.
Giang Diệu: “Điên mất thôi, tại sao cha nội Vật Lý lại đáng ghét thế chứ!!!”
Ninh Từ: “Haiz, đúng là sống trong phúc mà không biết hưởng, kỳ nghỉ của cậu là niềm mong ước của tớ đấy. Sau mấy ngày về nhà ngoại trông trẻ, bây giờ tớ đã đạt tới cảnh giới có thể làm bài tập trong tiếng khóc ré của bọn trẻ con.”
Quý Uy: “Nghỉ lễ con khỉ mốc. Tại sao bố tớ lại thuê gia sư? Không thấy phí tiền hả giời? Bố không xót tiền nhưng con xót lắm đấy!”
Hứa Tập An: “Tớ thấy nghỉ Quốc khánh chẳng qua là lý do chính đáng để bố mẹ tớ bắt tớ rửa chén, giặt quần áo thôi. Các cậu có thấy bố mẹ nào đi chợ mà cũng phải khóa máy tính không?”
…
Cho nên mới nói phải so sánh với nỗi đau của kẻ khác mới thấy mình hạnh phúc.
Lướt mạng mấy vòng, Thi Âm cảm thấy tâm trạng của mình khá hơn rất nhiều, điều duy nhất khiến người ta không vui là trong một đám bạn bè than trời trách đất, luôn có kẻ phá hỏng đội hình.
Dùng đầu ngón chân cũng biết trừ Bùi Thời Khởi ra thì còn ai trồng khoai đất này.
Vị này hầu như chưa bao giờ đăng Wechat, ấy vậy mà dạo này cứ cách hai ngày là lại đăng tình hình đi nghỉ mát của mình, vô cùng đều đặn.
Cả ngày không phải đang bay trên trời thì là tắm biển, mỗi lần nhìn thấy bài đăng của cậu, cảm giác cứ như đang đọc mấy bài khoe khoang thành công của bọn bán hàng đa cấp trên Weibo vậy.
Bình luận bên dưới các bài đăng của cậu vô cùng thống nhất, căn bản là đều dựng ngón tay giữa hoặc là chỉ ngón tay cái xuống, còn có người ác ý trù ẻo kỳ thi tháng sau khi nghỉ lễ cậu xếp thứ bốn mươi mốt, hằng ngày bị Lão Dương xách lên phòng giáo viên học bài.
Có điều rất đáng tiếc là nguyện vọng độc ác này tạm thời sẽ không thành sự thật bởi vì khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, tất cả mọi người đều đi học trở lại, Bùi đại gia vẫn còn đang lướt sóng ở hòn đảo xa xôi nào đó, thậm chí cậu còn không tham gia thi tháng.
Thi Âm nhắn tin Wechat hỏi cậu: Bùi đại gia, cậu định nghỉ học đi nuôi cá luôn hả?
Đối phương trả lời: Không biết. Phải xem bao giờ Lão Dương không