Hoàn cảnh gia đình Thi Âm hơi đặc biệt.
Hồi cô học lớp 2, bố cô qua đời vì một tai nạn máy bay bỏ lại vợ và hai đứa con một trai một gái.
Mẹ Thi là giáo viên cấp ba, công việc bận rộn, sức khỏe lại không tốt, một mình nuôi hai con rất vất vả, huống hồ khi đó bà chỉ mới ba mươi mấy tuổi, vẫn còn trẻ, không muốn ở vậy cả đời. Cho nên sau hai năm gồng gánh, bà tái hôn với dượng Hà.
Nghe nói dượng Hà là mối tình đầu của mẹ Thi, sau khi cưới bà, ông đối xử với bà rất tốt, chưa từng hà khắc với hai chị em Thi Âm và Thi Ngạn, gia đình có thể xem là êm ấm.
Nhưng kể từ khi mẹ Thi sinh thêm đứa nữa, thái độ của người bố dượng thay đổi, vẫn đối xử rất tốt với con gái riêng nhưng không còn hiền hòa với con trai riêng nữa.
Mỗi lần Thi Ngạn nói muốn tham gia trại hè hoặc xin mẹ Thi tiền tiêu vặt, sắc mặt của ông rất tệ, trong bữa cơm tối luôn miệng nói gia đình vừa mua nhà, khó khăn thế này thế kia… Thi Ngạn còn nhỏ nhưng vì biến cố gia đình nên trưởng thành sớm, lần nào cậu cũng lẳng lặng ăn cơm nghe bố dượng càm ràm, không nói tiếng nào.
Thi Âm nhoẻn môi cười, nhỏ nhẹ nói: “Dượng Hà chớ lo, bố cháu có để lại ít tiền, nếu trong nhà khó khăn quá thì trước mắt dượng có thể dùng tạm ạ.”
Dượng Hà lập tức không nói gì nữa.
Chẳng qua một thời gian sau, ông ta vẫn chứng nào tật nấy, suốt ngày bóng gió chỉ trích Thi Ngạn tiêu xài phung phí. Vì vậy, năm ngoái, khi Thi Ngạn lên cấp hai(1), Thi Âm đã bảo cậu rằng: Tiểu Ngạn à, em chuyển đến ở ký túc xá của trường đi.
(1) Theo hệ thống giáo dục Trung Quốc, năm đầu cấp hai là lớp 7.
Có rất nhiều lý do để ở lại ký túc xá của trường, Thi Âm cảm thấy việc đó chẳng có gì quá đáng, cô có thể thuyết phục bất cứ ai.
“Tiểu Ngạn à, em phải nhớ kỹ, tuy bố ra đi từ rất sớm nhưng bố để lại cho chúng ta một căn hộ, ba trăm ngàn tiền gửi tiết kiệm và sáu triệu chín trăm ngàn tiền bồi thường.”
Ngày đầu tiên Thi Ngạn lên cấp hai, Thi Âm đưa cậu đi học, nắm tay cậu, nụ cười dịu dàng nhưng giọng nói lại cứng rắn.
“Bố không để lại di chúc, chúng ta là người thừa kế ở hàng đầu tiên, theo quy định của pháp luật, tài sản sẽ được chia đều. Số tiền này đủ để em không lo ăn mặc cho tới khi tốt nghiệp đại học.”
“Ở nhà không nói là vì không muốn mẹ buồn, vì giữ gia đình êm ấm, vì hiếu thảo với mẹ. Nhưng không có nghĩa là em sợ hãi rụt rè, bớt ăn bớt mặc, hiểu chưa?”
Cậu bé đeo cặp sách, ngẩng đầu nhìn cô.
“Em biết. Nhưng mà chị à, chị phải làm sao?”
“Chị không sợ.” Dưới ánh nắng, cô học trò nhoẻn môi cười, lưng thẳng tắp: “Chị phải ở gần mẹ để đề phòng mẹ bị lừa. Chị sẽ bảo vệ những thứ thuộc về chúng ta.”
Những thứ đó đều là do bố để lại cho cô và Thi Ngạn, là bố để lại cho con của mình. Vì vậy, thằng em trai cùng mẹ khác cha không có tư cách nhận được bất cứ di sản nào do bố cô để lại.
***
Hôm sau thi môn Anh, đơn giản ngoài dự tính.
Thi Âm làm bài xong, kiểm tra lại ba lần, xem đồng hồ thì phát hiện còn dư một nửa thời gian.
Hôm nay hình như Thần Toán đằng sau không có ý định nộp bài sớm mà luôn an phận ngồi im. Thậm chí tới khi phòng thi có nhiều người buông bút nhàn nhã kiểm tra lại bài thi, Thi Âm vẫn còn nghe thấy tiếng bút chì tô tô vẽ vẽ lên tờ giấy thi từ phía sau.
“Không sao, không sao, ông trời mở cho cậu ta cánh cửa lớn thì ắt sẽ đóng cánh cửa sổ lại, nghe nói cậu ta dốt đặc cán mai mấy môn xã hội, môn Văn thi đạt điểm trung bình là đã giỏi lắm rồi.”
Trong đầu cô vang lên tiếng bạn học trò chuyện ngày hôm qua. Chậc, xem ra là thật.
Thi Âm nghĩ ngợi lung tung, tay không làm gì chán quá nên cô cầm bút viết lên tờ đề thi để giết thời gian.
Đây là thói quen nhỏ của cô.
Bình thường lúc không giải được bài, trong lớp không muốn nghe giảng hay giờ giải lao không có chuyện gì làm, cô sẽ viết lung tung lên giấy nháp. Đôi khi là một câu chuyện, đôi khi là câu chửi bậy hoặc là những ngổn ngang trong lòng,… những đoạn văn hỗn loạn, dày đặc hệt như làn đạn.
Rất ấu trĩ, nhưng có tác dụng giải tỏa tâm trạng rất lớn.
Ưmmm, bây giờ nên viết gì đây nhỉ? Đúng rồi, câu chuyện hôm bữa vẫn chưa viết xong.
Cô xoay bút, chọn đại một chỗ trắng, bắt đầu chăm chú sáng tác truyện.
Thi Âm viết truyện rất