Edit: Sa Ở khía cạnh nào đó thì tiệc mừng thọ mười bảy tuổi của Bùi Thời Khởi hơi thê lương, một buổi tiệc sinh nhật đáng lý phải vui vẻ nhưng lại biến thành liên minh thất tình, ai cũng sầu não, uống say ngã trái té phải, bỏ người có sinh nhật ngồi ăn lẩu một mình, người thắp nến hát chúc mừng sinh nhật và ăn bánh kem cùng cậu chỉ có mỗi Thi Âm, đến khi cậu muốn đưa cô gái mình thích về nhà thì cũng bị bà cô của mình chặn đứng.
Bà cô Bùi đi đánh mạt chược về, thấy mấy đứa trẻ nằm ngang nằm ngửa thì dở khóc dở cười, sau đó gọi đến nhà của mấy cậu trai để xin phép giữ họ lại qua đêm, các phụ huynh đều vui vẻ đồng ý. Còn về phần đám con gái, tất nhiên không thể ngủ lại, vì vậy bà cô Bùi và tài xế cùng đưa họ về. Mà nguyên nhân Bùi Thời Khởi không thể đi cùng rất phũ phàng: xe không đủ chỗ.
Thân là phú nhị đại, lần đầu tiên cậu có suy nghĩ “muốn mua một chiếc siêu xe Rolls-Royce”, nhưng rất hiển nhiên là trước mắt cậu chưa thể thực hiện bởi vì cậu muốn tự do.
…
Trước khi lên xe, Thi Âm sực nhớ ra một chuyện, lấy hộp quà từ trong túi xách ra đưa cho cậu: “Đúng rồi, quà sinh nhật của cậu, ban nãy quên tặng.”
Thiếu niên khẽ nhướn mày: “Cậu tặng rồi mà.”
“Hả? Bao giờ?”
“Mấy con cá voi.”
Cá voi?
… À, nhớ rồi.
Hồi tuần trước, Thi Âm và Giang Diệu đi xem phim, lúc xem xong nổi hứng chơi trò gắp thú, không ngờ vận may bùng nổ, gắp được tận ba con cá voi xanh nho nhỏ.
Sau đó cô ôm cá voi xanh về trường để học giờ tự học tối, đại gia Bùi Thời Khởi lại liên tục nghênh mặt thúc giục cô chuẩn bị quà sinh nhật cho cậu, nữ sinh nghe tới phát phiền, nhét luôn ba con cá voi xanh vào lòng cậu:
“Quà sinh nhật đây.”
Kỳ lạ là Bùi đại gia không giận mà chỉ nhíu mày, hỏi: “Cậu tự gắp được?”
“Tất nhiên, giỏi không?”
“Hơi xấu.”
“Ê ê…”
“Thôi, nể tình gu thẩm mỹ có vấn đề của cậu, tiểu gia miễn cưỡng nhận vậy.”
… Sao cơ? Mấy con cá nhồi bông đó nhỏ xíu, thiết kế cũng rất đơn giản, cầm mười mấy tệ đi vào siêu thị là mua được, Thi Âm lại chơi trò chơi để gắp, chỉ tốn sáu tệ. Vì vậy, khi thấy đối phương quá dễ tính, cô cực kỳ khiếp đảm.
“Mấy con cá voi đó… chỉ là đùa thôi, không tính.”
Cô bất lực thở dài.
Thi Âm nghĩ dẫu Bùi Thời Khởi bỗng nhiên dễ tính thì cũng không có nghĩa là cô có thể tặng cậu mấy con cá nhồi bông mang tính chất lấy lệ ấy, vì vậy sau đó cô đã nghiêm túc chuẩn bị quà cho cậu. Hơn nữa, đó lại là sách.
Đại đa số người cho rằng sách là món quà sinh nhật dễ tặng nhất vì không cần phải suy nghĩ quá nhiều nhưng cũng không quá sơ sài hay quá low. Từ cấp hai tới bây giờ, Thi Âm đã nhận không dưới hai mươi bộ sách trong dịp sinh nhật. Nhưng cô rất hiếm tặng sách cho ai đó vì cô cảm thấy tặng sách là chuyện cực kỳ trịnh trọng, đặc biệt là tặng cho người quen ở ngoài đời.
“Tớ muốn chia sẻ quyển sách này với cậu” và “Tớ nghĩ chắc hẳn cậu sẽ thích cuốn sách này” quá đỗi riêng tư. Quyển “Câu chuyện Sahara” tặng cậu hôm trước là cuốn sách thứ ba mà Thi Âm tặng trong đời, hai quyển trước thì một quyển tặng cho cô bạn thân, một quyển tặng cho em trai.
Bùi Thời Khởi rất vinh hạnh trở thành người duy nhất được Thi Âm tặng sách hai lần, hơn nữa không phải là tác phẩm văn học nổi tiếng mà là một bộ du ký về nhiếp ảnh.
Bộ sách có tổng cộng sáu quyển, mỗi quyển là một quốc gia, tất cả hình ảnh đều là cảnh vật và không hề có người, cho dù là đường phố thì cũng trống trải. Năm xuất bản trùng hợp là năm Bùi Thời Khởi ra đời, có thể nói đây là bộ sách lâu năm và được bảo quản rất tốt.
“Nhiếp ảnh gia này bị mù màu đỏ xanh.” Nữ sinh nói với cậu, “Nên khi chụp những tấm ảnh này, cảnh vật trong mắt ông ấy không giống như bức ảnh.”
Nhưng những bức ảnh vẫn ẩn chứ rất nhiều cảm xúc, màu sắc hài hòa khiến người ta rất khó để tin người chụp những bức ảnh này lại không biệt được màu đỏ và xanh.
“Đây là bộ sách cuối cùng của ông ấy được xuất bản, vốn dĩ ban đầu chỉ phát hành không tới hai nghìn bản, sau đó nhà xuất bản dùng chứng bệnh của ông ấy để tuyên truyền hòng kiếm thêm lợi nhuận.
Có điều họ chưa kịp in thêm thì nhiếp ảnh gia đã đệ đơn kiện nhà xuất bản tội xâm phạm quyền riêng tư, cũng đồng thời tuyên bố hủy hợp đồng. Ông ấy nói hy vọng người ta thưởng thức ảnh của ông chỉ đơn thuần vì tác phẩm chứ không phải vì con người của ông ấy ra sao.
Vì vậy, bộ sách này không ra thêm ấn bản nào nữa.”
Cô nhoẻn môi cười:
“Bộ sách này là do bố tớ tặng tớ, hồi nhỏ có lần tớ bị bệnh nhưng không chịu uống thuốc, bố tớ đã tặng nó cho tớ để làm điều kiện trao đổi là tớ phải uống thuốc.
Tuy sau đó tớ vẫn lén vứt thuốc đi nhưng rất kỳ lạ là mỗi khi phiền não hoặc không vui, chỉ cần xem bộ sách này, tâm trạng sẽ tốt hơn.
Tớ biết đó là tác dụng tâm lý đối với riêng tớ chứ sẽ vô ích với người khác nhưng từ hôm cậu tặng tớ quyển “Thép đã tôi thế đấy”, bỗng nhiên tớ rất muốn chia sẻ bộ sách này với cậu.”
…
Một hôm nọ.
Một ngày sau khi Thi Âm tặng “Câu chuyện Sahara” cho Bùi Thời Khởi, cậu đã kiên quyết nhét cho cô quyển “Thép đã tôi thế đấy”, là một cuốn sách rất phổ biến, tất cả học sinh tiểu học trong nước đều được được dạy trích đoạn của tác phẩm này.
Thời đại này ai cũng theo đuổi sự “hàn lâm”, bạn tặng quyển sách “Thép đã tôi thế đấy” cũng giống như bạn nói bạn thích Lý Bạch, Đỗ Phủ, khiến người ta không hề cảm thấy có gì đặc biệt, nhưng thiếu niên lại vừa ngượng ngùng vừa chân thành:
“Đây là cuốn sách tiểu gia thích nhất, nè, tặng cậu.”
Thi Âm chớp chớp mắt, nghiêm túc nhận lấy.
Sau đó trong một lần trò chuyện, cô mới biết quyển sách này đúng là ánh trăng sáng trong lòng Bùi Thời Khởi, thiếu niên xưa nay không đọc tác phẩm văn học lại thuộc vanh vách từng tên nhân vật và địa danh khó nhằn trong sách.
“Cậu đọc quyển sách đó trên dưới tám mươi lần thì tớ cũng xem bộ sách ảnh này trên dưới tám trăm lần. Tớ tặng nó cho cậu, nhưng nếu cậu thấy nó quá bình thường thì tớ vẫn còn một cái mũ mới mua rất hợp với cậu, cậu có thể trả bộ sách ảnh lại cho tớ, sau đó tớ sẽ đổi quà thành mũ.”
Tầm mắt thiếu niên rơi xuống tên tác giả được in trên bìa sách: Thi Giác Trí.
Cái họ vô cùng quen thuộc.
Cậu im lặng chốc lát mới nói: “Tớ muốn đổi thành cái mũ.”
Hàng mi của nữ sinh thoáng rung lên. Có một chi tiết nhỏ có thể tìm hiểu sâu hơn, đáng để nghi vấn nhưng cậu không hỏi gì cả mà đã thẳng thừng từ chối món quà. Quả thật người thông minh như cậu thì không cần hỏi vẫn có thể đoán ra những sự việc nhỏ xíu không đáng kể ấy.
Đúng vậy, tác giả của bộ sách ảnh này là bố ruột của Thi Âm. Hồi trẻ, bố cô từng là người cuồng nhiệt yêu thích chụp ảnh, sau đó vì gia đình, ông đã từ bỏ ước