P7 - Chương 6
Luân có trong tay một tập sách mỏng in ronéo do một Quốc Tân nào đó biên soạn, dĩ nhiên là lưu hành bí mật. Tổng nha Cảnh sát quốc gia tịch thu được tập sách, chuyển lên báo cáo với Ngô Đình Nhu và Nhu trao lại cho Luân để nghiên cứu. Tập sách gồm một số chương và một số tiết mà chương đầu tập trung nói về Ngô Đình Diệm và mối liên quan giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo.
Trong viết: “Hoàn cảnh nào đã tạo ra Thủ tướng Ngô Đình Diệm?” Tác giả bắt đầu từ 1954 và nhận định rằng, do quyết định tối hậu của các đại cường, Việt Nam đã chia làm hai miền: Bắc bị Cộng sản thống trị, Nam dưới quyền Chính phủ Quốc gia. Lúc đầu, Chính phủ Quốc gia vẫn tiếp tục dựa vào Pháp nhưng không lâu thì Hoa Kỳ cảm thấy Pháp không đủ sức bảo vệ miền Nam tự do nên quyết định gánh vác sứ mệnh đẩy lùi sự đe dọa của Cộng sản. Do môi giới của Trần Văn Chương, đại sứ của Việt Nam ở Mỹ, Tổng thống Mỹ đã đi đến giải pháp Ngô Đình Diệm, Ngô - Trần là thông gia với nhau và ý kiến của ông được Hồng y Spellman ủng hộ, rất ăn khớp với dự định của Tổng thống Mỹ.
Tập sách nói đến con người Ngô Đình Diệm như sau: Nhờ người cha, Ngô Đình Khả, là quan đại thần triều Khải Định, Ngô Đình Diệm được học trường Hậu bổ, ra làm Tri huyện, sau thăng Tuần vũ. Sống trong buổi giao thời, với bản tính chấp nhất, quan liêu, tự mãn với địa vị của mình, ông Diệm chỉ là một người thuộc lớp “Cổ vô đạt, kim bất thông.”
Năm 1932, Bảo Đại từ Pháp về nước lập Chính phủ Nam triều, ông Diệm được gọi từ Phan Thiết ra Huế giữ chức Lại bộ Thượng thư. Sau vì ghen tài với Phạm Quỳnh và thấy cái kém của mình trước một người tài hoa được nhà vua trọng dụng hơn, nên Diệm xin từ chức.
Suốt trong mười hai năm, từ 1934 đến 1946 là lúc dân tộc chuyển mình trong phong trào đấu tranh giành độc lập, cả nghìn vạn chiến sĩ bị tù đày hoặc ngã gục trước mũi súng của thực dân. Vậy mà, từ Bắc chí Nam không thấy bóng dáng và tiếng nói của ông Diệm.
Thế rồi, đầu năm 1948, người ta lại thấy ông Diệm xuất hiện ở Đà Lạt để Bảo Đại ban cho chức Thủ tướng Chính phủ thuộc địa. Nhưng do thế lực của Trung tướng Nguyễn Văn Xuân khi đó quá mạnh khiến ông Diệm bị thất vọng rồi ôm hận qua La Mã ở với anh ruột là Ngô Đình Thục.
Năm sau, ông Diệm qua Balê. Ở đây, ông sống trong một căn nhà trọ nghèo nàn, sinh hoạt như một chàng sinh viên kiết xác.
Khi ấy “Hoàng thượng Bảo Đại” du hành qua Pháp. Có người kể tình cảnh ba đào của ông Diệm hiện tại cho “hoàng thượng” nghe, “hoàng thượng” bèn nghĩ đến thể thống quốc gia, chẳng gì cũng đường đường một vị “cựu Lại bộ Thượng thư,” sao nỡ để cho đày đọa trần ai thế!
Bởi vậy “hoàng thượng” thương tình nên giúp ột số tiền, để người bầy tôi cũ của mình có thể thuê khách sạn mà ở cho đỡ tủi thân.
Tình trạng ông Diệm như vậy, ta đủ hiểu gia đình họ Ngô lúc đó bỉ cực đến thế nào?
Ông Diệm ở khách sạn của Hoàng đế Việt Nam thuê cho tại Balê được ít lâu thì anh ông, Giám mục Ngô Đình Thục, từ La Mã ghé qua đón ông sang Mỹ.
Ở đây, ông Diệm mặc áo dòng, hầu hạ Hồng y Spellman trong bốn năm và giữa lúc đang sửa soạn thành linh mục, thì một cơ hội nghìn năm một thuở đến với ông.
Hồng y Spellman thương tình người đồ đệ của mình, ông nhắm thời cơ và nhận thấy tình trạng đất nước Việt Nam lúc đó là một cơ hội tốt, có thể giúp Ngô Đình Diệm làm được nhiều việc có lợi hơn là nằm trong khuôn khổ một linh mục.
Bởi vậy, Hồng y Spellman đã sử dụng mọi uy tín và thế lực của mình để vận động với Chính phủ Mỹ, đưa Ngô Đình Diệm về Việt Nam.
Trước việc làm của Spellman và lời đề nghị của Trần Văn Chương, Chính phủ Mỹ vội vã cứu xét và chấp nhận ngay, vì thấy có hai điều lợi ích căn bản:
1. Dùng Diệm chắc chắn sẽ tạo được một Chính phủ chống Cộng triệt để.
2. Qua Spellman, Chính phủ Mỹ biết được bản tính của Diệm: thuần phục, dễ bảo. Điều đó cho biết một Chính phủ do Diệm lãnh đạo sẽ không bao giờ hành động vượt ra ngoài chủ trương và sách lược của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Thế rồi, ông Diệm được sửa sang mày mặt, cởi bỏ áo dòng khổ hạnh để về Sài Gòn ngồi ghế Thủ tướng.
Và, việc gì đến đã đến!
“Giải pháp Bảo Đại không ổn thì Bảo Đại phải đi!”
Khi hoàng thượng bị truất phế, người những hai lần tuyên thệ làm bầy tôi trung thành của hoàng thượng và đã để hoàng thượng phải thương xót trong cơn ba đào tại hải ngoại, đã không ngần ngại phỉ nhổ và quét mực vào mặt hoàng thượng in trên giấy, rồi đem bêu xấu khắp các phố phường, thôn xóm.
Trong tiết “Chế độ Ngô Đình Diệm” tài liệu viết:
Khi đã truất phế xong Bảo Đại, ông Diệm bèn nghĩ đến việc chia bùi sẻ ngọt với anh em, bà con, tương tự như các bậc đế vương đời Xuân Thu - Chiến Quốc thường làm.
Với Ngô Đình Nhu, con người nuôi tham vọng trở thành “vua học thuyết và chính trị tại Việt Nam,” khi đã đóng vai cố vấn, nấp sau hậu trường, Nhu không từ một chước thần mưu quỷ nào để thu gom quyền hành về cho gia đình họ Ngô.
Ngô Đình Nhu đã âm mưu với Diệm thủ tiêu Hồ Hán Sơn và Trịnh Minh Thế, hai người có công đầu trong việc kiện toàn tổ chức, thu hồi quyền lực về cho Chính phủ trung ương. Sau đó, các giáo phái, nhân sĩ, trí thức, đảng phái đối lập lần lượt bị anh em Ngô Đình Diệm hãm hại và làm cho tan rã.
Đã độc tài về chính trị, làm ọi người mất hết tự do, nhân dân sống trong cảnh nghẹt thở; gia đình họ Ngô còn độc tài về kinh tế. Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn thi nhau lợi dụng uy thế của gia đình mình, lũng đoạn nền kinh tế quốc gia, khiến cả triệu người lâm vào cảnh đói khổ.
Những cảnh muôn vạn người nghèo khổ, mọi thứ tự do bị chà đạp, Việt Cộng đánh phá khắp nơi đều có tội của gia đình họ Ngô gây ra cả.
Đó là những nguyên nhân sâu sa tạo ra phản ứng của quần chúng. Nhưng nguyên nhân tối hậu thúc đẩy sức phản ứng quyết liệt của quần chúng lại là vấn đề Phật giáo.
Vậy tại sao có phong trào đấu tranh của Phật giáo đồ?
Đầu năm 1963, báo HongKong Tiger Standard tiết lộ: Giám mục Ngô Đình Thục đã không ngần ngại đọc diễn văn nói về sự phát triển Thiên Chúa giáo tại Việt Nam đã đến giai đoạn cực thịnh. Ông nhấn mạnh: Phật giáo Việt Nam đã tự hủy diệt lần mòn và tới nay không còn dấu hiệu gì chứng tỏ đó là một tôn giáo đang còn sinh hoạt...
... Một mục sư Tin lành đã hoạt động tại Việt Nam trong mười hai năm qua cho biết: “Ông Thục lợi dụng uy thế của người em làm Tổng thống để âm mưu cùng mọi người trong gia đình đặt kế hoạch biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo trong vòng vài năm...”
Báo HongKong Tiger Standard đặt vấn đề:
“Ông Thục muốn dâng công với Tòa Thánh Vatican để chiếm chức Hồng y hay nuôi tham vọng trở thành giáo chủ Việt Nam giáo, tương tự như Anh giáo?”
Phù hợp với tiết lộ trên, thực trạng tại Việt Nam cũng cho ta thấy:
- Riêng tại miền Trung đã có mấy nghìn gia đình bị cưỡng bức tòng giáo.
- Ai không chịu theo Thiên Chúa giáo thì bị tù đày, giết chóc.
- Phật giáo đồ bị ngược đãi, nhiều địa phương, chính quyền công khai xúc phạm và khinh bỉ Phật giáo.
- Công chức, quân nhân theo Thiên Chúa giáo được ưu đãi hơn mọi người theo tôn giáo khác.
Ngoài ra, mặc dù Phật giáo đồ bất bình, ta thán về đạo dụ số 10, nhưng đạo dụ đó vẫn tồn tại suốt chín năm cầm quyền của ông Diệm.
Đạo dụ số 10 có phương hại gì đến tinh thần tín ngưỡng cùng truyền thống của dân tộc ta?
Thoát thai từ chế độ thực dân, đạo dụ số 10 ban hành năm 1950 mang nặng tính chất bất công, kì thị tôn giáo.
Đạo dụ này hạ thấp tôn giáo xuống ngang hàng với các hội đua ngựa, đá banh. Nhưng đặc biệt, lại đặt các hội truyền giáo Thiên Chúa ra ngoài phạm vị đạo dụ đó.
Như vậy, rõ ràng thực dân muốn miệt thị dân tộc ta, nên coi tôn giáo của đại đa số nhân dân Việt Nam không có giá trị gì.
Ông Diệm lên nắm chính quyền, không những không sửa đổi đạo dụ đó, mà lại còn kí thêm một nghị định vào ngày 23-9-1960 nói về việc mua bán các bất động sản của các tôn giáo - dĩ nhiên, trừ Thiên Chúa giáo - dù bé nhỏ tới đâu cũng phải được sự cho phép của Tổng thống.
Trên danh nghĩa, mọi tôn giáo đều chịu sự kiểm soát của Phủ Tổng thống một khi tiếp nhận bất động sản do tư nhân tiến cúng. Nhưng mặt trái của sự việc này ra sao? Ông Diệm liệu có tránh khỏi thiên vị khi chính nghị định này không phải là sáng kiến của ông, mà do sự yêu cầu của người anh ruột đầy quyền hành và đầy tham vọng trần tục!
Sự kiện đó làm cho người ta hiểu rằng, dù ông Diệm không dám mong ý tưởng hủy diệt Phật giáo, nhưng ít nhất ông cũng bị chi phối, khiến không thể công bình trong việc đối xử với các tôn giáo khác.
Đã thiếu minh chính, thiếu vô tư xuyên qua đạo dụ số 10 và nghị định kí ngày 23-9-1960, ông Diệm còn phó mặc mọi công việc thuộc phạm vi quyền hành của ông cho những kẻ thân tín trong gia đình. Mà những kẻ này là ai? Là những kẻ chẳng có cương vị, chẳng có trách nhiệm gì đối với lịch sử và dân tộc, nhưng trong lòng lại chứa đầy những tham vọng cuồng dại. Mỗi người một vẻ, mỗi người đều muốn trở thành “vua” trong lĩnh vực riêng: kinh tế, chính trị và tôn giáo.
Vì vậy người dân chỉ khổ trong phạm vị độc tài kinh tế, chính trị, nhưng Phật giáo đồ còn khổ cả về mặt tinh thần, tức vấn đề tín ngưỡng bị đe dọa.
Quan điểm của tập sách thật hết sức rõ ràng. Nó đáp ứng trước hết là khẩu vị của nước Mỹ và không loại trừ bàn tay của CIA nhúng vào và khai thác, chủ yếu sự thù địch tôn giáo. Mục tiêu chống Cộng vẫn là hàng đầu của người viết sách. Dĩ nhiên, những sự kiện mà tập sách nêu ra đều đúng 100%, nhưng cách phân tích những sự kiện thì lại xuất phát từ những ý định có sẵn, làm thế nào để giải thích công cuộc chống Cộng kém hiệu quả ở Nam Việt Nam bằng một luận điểm và chỉ một luận điểm mà thôi: do Ngô Đình Diệm, biểu trưng tập trung nhất là đàn áp Phật giáo.
Tập sách minh họa nhận định của lãnh đạo mà Luân nhận được ở Nam Vang từ tay Sa. Trò khua động dư luận để tạo cớ “thay ngựa giữa dòng” bắt đầu một cách rộn ràng.
Chẳng có gì khó hiểu khi Thượng tọa Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo bỗng dưng ra một lời đính chính