Phần 8 - Chương 1
Vòng hoa trước mộ
Giữa tháng chín, Chính phủ Ngô Đình Diệm tung ra một đòn ngoạn mục: chấm dứt tình trạng giới nghiêm trên toàn quốc kể từ mười hai giờ trưa ngày 14. Thoạt nhìn, người ta có thể ngỡ rằng nội tình Việt Nam Cộng hòa đã được ổn định. Tổng thống Ngô Đình Diệm có vẻ lờ mờ về một hiện thực như vậy, trong khi cố vấn Ngô Đình Nhu có một cái nhìn khác hẳn.
Nhu không rời bỏ chủ trương cho nổ ra một cuộc đảo chính giả để quét mọi thế lực chống đối theo kế hoạch mà anh ta đã trao đổi với Luân. Sở dĩ Nhu chưa bật đèn xanh cho Tôn Thất Đính là vì anh ta muốn Tổng ủy tình báo đánh giá thật chặt chẽ khả năng lợi dụng của Việt Cộng một khi Hội đồng cứu quốc do Nhu điều khiển thay cho Chính phủ. Nhu cũng muốn chờ tin tức của Trần Lệ Xuân trong chuyến đi “giải độc,” nhất là tại Mỹ. Theo Nhu, biện pháp cứng rắn của Việt Nam Cộng hòa phải được sự đồng tình của một bộ phận dư luận Mỹ, đặc biệt là thượng nghị viện. Ngày 20-9, khối Á – Phi, với lời lẽ ôn hoà, yêu cầu Việt Nam Cộng hòa trình bày trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vấn đề Phật giáo. Như vậy, bản thân khối Á – Phi cũng không hoàn toàn đồng nhất với kiến nghị do Afghanistan, Nepal và Cambodia đề xuất. Trên tất cả, một vài nguồn tin phần nào khích lệ Nhu: Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn phân hóa, một bộ phận chống Ngô Đình Diệm, một bộ phận ủng hộ. Trước khi rời Việt Nam sang Arabie Seoudite, giáo sư Fishell đã gặp Nhu. Hơn hai tiếng đồng hồ, Nhu và Fishell trao đổi như hai người bạn chí thân, thông cảm và chia sẻ với nhau mọi phấn khởi và lo lắng. Fishell không giấu giếm về sức ép ngày một tăng trong giới cầm quyền Mỹ ột sự thay đổi căn bản ở Nam Việt Nam mà Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu là mục tiêu hàng đầu. Nhưng tay trùm CIA nhấn mạnh rằng Tổng thống Kennedy đủ sáng suốt để thấy Ngô Đình Diệm là nhân vật không thể thay thế được trong sự nghiệp chiến thắng Cộng sản trên bán đảo Đông Dương và là tối cần thiết đối với sự có mặt của mặt tại khu vực Đông Nam Á. Tất nhiên, vấn đề Phật giáo đang gây rầy rà cho Diệm, nếu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa xử lí thật gọn vấn đề này thì quả bong bóng chống Diệm sẽ lập tức xẹp xuống – Fishell khuyên nhủ Nhu như vậy. “Xử lí bằng cách nào, tùy các Ngài, miễn là nó không đẻ số. Cách nào cũng phải thật gọn.” Fishell nói thêm. Nhu không hé môi với Fishell về kế hoạch “Bravo” nhưng rõ ràng quan điểm của Fishell phù hợp với quan điểm của Nhu.
Nhu nhận được một điện tín của Trần Lệ Xuân gửi từ Belgrade:
“Hội nghị liên hiệp nghị sĩ thế giới vừa bế mạc. Đại biểu Việt Nam Cộng hòa đã trình bày đầy đủ, với nhiều tài liệu và hình ảnh, về chính sách của Việt Nam Cộng hòa đối với Phật giáo cũng như đối với tín ngưỡng và nhân quyền nói chung. Trừ các phái đoàn Cộng sản và một số nước không Cộng sản bị thông tin xuyên tạc, hầu hết các phái đoàn đại biểu hoan nghênh chính sách của chúng ta cũng như cám ơn đoàn đại biểu chúng ta đã cung cấp cho họ những sự thật không thể chối cãi. Khác với nhận định khi chúng tôi còn ở nhà, vị thế của Việt Nam Cộng hòa không vì vấn đề Phật giáo mà lung lay. Qua hội nghị này, chúng tôi thấy rõ sự cần thiết phải gấp rút “giải độc” dư luận chung trên thế giới. Đề nghị Chính phủ cử thêm nhiều đoàn công cán nước ngoài, nếu được một số nhà sư có tên tuổi trong các đoàn công cán ấy thì rất có lợi...”
Điện tín bổ sung cho cuộc nói chuyện bằng điện thoại giữa Nhu và Lệ Xuân:
- Anh đó hả? Em đây...
- Em khỏe không?
- Khỏe. Rất khỏe! Anh thế nào? Nên nghỉ ngơi, anh nhé. Tình hình sẽ bình thường thôi. Các con thế nào? Anh Tổng thống khỏe không? Gia đình có việc gì mới không?
- Bình thường... Em nhớ tranh thủ thêm nhiều bạn, cân nhắc lời lẽ. Anh mừng thấy việc làm của em thu kết quả tốt. Anh Tổng thống cũng mừng.
- Cân nhắc lời lẽ là thế nào? Không đánh động dư luận một cách mạnh mẽ thì không bịt mồm được bọn nói láo và không tỉnh ngộ được bạn bè. Anh tin là em làm bất cứ việc gì cũng đều suy xét cẩn thận. Ra ngoài em mới thấy lối nhượng bộ của chúng ta là vô cùng tai hại. Em đã điện cho Giáo sư Bửu Hội phải phát hành một kháng thư phản đối việc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mang nội tình của Việt Nam Cộng hòa ra thảo luận... Em sắp bay sang Balê. Có thể gặp Đức cha ở đó, trước khi Đức cha triều kiến Giáo hoàng. Nếu Đức cha đồng ý em sẽ sang La Mã...
- Có nên không?
- Nên. Rất nên! Em và Lệ Thủy sẽ thăm Hy Lạp... Mẹ con em thanh thản như người du lịch.
- Chúc em mạnh, vui... Hôn Lệ Thủy.
- Nếu em chưa về, anh có định sang Pháp không? Em muốn gặp anh, rất nhớ anh. Lệ Thủy nhớ ba lắm.
- Anh chưa định... công việc còn bề bộn quá...
- Vụ “Triangle.”
- ... Anh định nhờ anh Luân lo.
- Được lắm... Thôi, hôn anh nhiều, hôn các con. Kính chào Tổng thống. Thăm gia đình. Anh nói giùm với Thùy Dung: Cô ấy đừng quên điều em dặn tại sân bay... Lệ Thủy đi chơi, nó sẽ tiếc không được nói chuyện với ba...
*
- Tôi bàn với anh một việc tuyệt mật và thượng khẩn... – Nhu bảo Luân vào buổi sáng đầu tháng mười.
Mở đầu trịnh trọng như vậy nhưng Nhu lại không vào đề ngay. Anh ta hớp từng hớp cà phê, mắt dò xét Luân. “Việc gì?” Luân chưa đoán ra. Kế hoạch “Bravo?” Thì Nhu đã lật sấp lật ngửa, thậm chí đã đưa cho Luân đọc bản thông cáo viết sẵn một khi “cuộc đảo chính” do Nhu đạo diễn nổ ra. Hay Nhu định phái anh vào chiến khu gặp “phía bên kia?” Không chắc. Gần đây. Nhu ít trở lại đề tài này, có vẻ anh ta cho rằng con đường thỏa hiệp với Mặt trận Dân tộc Giải phóng mất hết các cơ sở hiện thực. Thế thì việc gì?
Tách cà phê đã cạn, Nhu ngả người rít thuốc.
Đến mười phút trôi qua.
- Tôi suy tính kĩ rồi, chỉ có anh gánh vác nổi việc này. Anh đừng băn khoăn tại sao tôi rào đón và ngập ngừng trước khi nói với anh. Anh còn nhớ một lần, sau vụ Nguyễn Chánh Thi, lúc Nolting mới sang, tôi có trao đổi với anh về tài chính của ta.
Luân nhớ, bấy giờ để trả lời lo lắng của Luân về khả năng dùng áp lực tài chính để bóp cổ chế độ Nam Việt của Tổng thống Diệm, Nhu bảo rằng anh ta “có cách.” “Cách” của Nhu không phải là một khẩu hiệu chính trị. Lúc đó, Luân mơ hồ.
Nhu hỏi Luân, rất nghiêm chỉnh:
- Có khi nào anh nghe nhắc một người thuộc dân đảo Corse, tên Francisci hay không?
- Có, ông ta là trùm buôn nha phiến...
- Đúng rồi... Thế, có khi nào anh nghe nói đến “Tam giác Vàng” không?
- Báo chí thế giới nhắc đến khu vực này không chỉ một lần...
- Công việc mà tôi sắp bàn với anh liên quan đến tên người và tên địa phương đó.
Luân bị bất ngờ. Cái mà Nhu gọi là “tuyệt mật” và “thượng khẩn” lại liên quan đến một tên buôn lậu nha phiến sừng sỏ và khu vực sản xuất khối lượng lớn nhất thứ hàng hóa giết người này.
- Chắc anh phân vân. Chẳng lẽ anh lại xếp tôi vào hạng buôn lậu nha phiến? – Nhu cười.
Luân cố kiềm chế để không nhìn đôi môi bắt đầu thâm của Nhu. Những người chống Nhu rêu rao Nhu nghiện á phiện từ nhiều chục năm, Luân biết không phải như vậy: Nhu mới đánh bạn với á phù dung vài tháng nay, có thể từ sau biến cố Phật giáo ở Huế. Anh ta cần “ngoại viện” cho bộ não thêm hưng phấn trước bao nhiêu là sự cố dồn đập, toàn là sự cố thách thức sự tồn vong của chế độ Nam Việt. Chẳng rõ Trần Lệ Xuân phản ứng cái tật nguy hiểm này ra sao, riêng Luân, đôi lần theo lối thông cảm bạn bè, khuyên Nhu nên tránh hoặc nên bớt hút. Mỗi lần như vậy, Nhu chỉ thở dài. Anh ta thừa hiểu tác hại của mỗi liều á phiện. Nhưng, - Luân đoán – anh ta quá mệt mỏi.
Dù sao, việc mà Nhu sắp giao cho Luân không phải do nhu cầu riêng của Nhu – nó chẳng là bao; vài cân thuốc phiện dự trữ là quá thừa...
- Chính phủ Mỹ giảm viện trợ kinh tế cho chúng ta. Không loại trừ khả năng, đến một lúc nào đó, họ dùng viện trợ để đánh chúng ta một cú quyết định. Tôi không muốn ngã quỵ như một tên ăn xin, khi kẻ cho tiền khóa tủ sắt, chúng ta chỉ còn nước đầu hàng. Những chuyến buôn nha phiến đã giúp chúng ta chống đỡ, từ năm 1962 đến nay. Chúng ta đang cần rất nhiều tiền. Nhưng những cơ sở chế biến heroine đặt ở Bắc Lào nay không còn an toàn vì Pathét Lào mở rộng vùng kiểm soát của họ, tình hình ở Kontum cũng xáo trộn vì bọn Fulro lẫn lực lượng Mặt trận Giải phóng. Cơ sở chính của chúng ta đặt trong khu tam giác Lào – Trung Quốc – Miến Điện. Cần thêm vài đường băng áy bay sử dụng, cần thêm một số máy móc cho xưởng chế biến mở rộng. Anh cũng biết, “Tam giác Vàng” luôn luôn rất an ninh bởi nó là vùng biên giới, thường hứng chịu các cuộc hành quân của nước này hay nước kia – kì thật, lực lượng biên phòng của mỗi nước không nhượng cho ai giữ độc quyền sản xuất heroine. Còn tàn quân của Tưởng Giới Thạch, còn các nhóm li khai và nhất là còn sự can thiệp ráo tiết của tổ chức buôn lậu nha phiến quốc tế mà tổng hành dinh đặt tại Bangkok. Anh cần đến đó một lần để đánh giá khả năng phòng thủ và anh cho tôi biết kế hoạch tăng cường lực lượng vũ trang của chúng ta. Tôi đặt Thiếu tá Nguyễn Thuần dưới quyền anh. Thiếu tá Thuần khá thành thạo vì trước đây anh ta thực hiện chỉ thị của Trần Kim Tuyến. Thuần là người có thể tin cậy được, nhưng cần phải giấu kín với Nguyễn Cao Kỳ... Tôi nói trước với anh: chuyến đi khá nguy hiểm và, tôi chỉ yêu cầu anh mỗi việc nghiên cứu cách bố phòng.
Do đó, thời gian cũng eo hẹp – anh chỉ được tối đa là mười ngày để lập một tờ trình, kể cả ngày đi và ngày về. Mọi chi tiết, thiếu tá Thuần sẽ báo cáo với anh...
“Nguyễn Thuần? À, gã sĩ quan không quân gặp Dung ở biệt điện Buôn Mê Thuột, trước vụ ám sát hụt Ngô Đình Diệm...” - Luân nhớ lại. - “Hình như anh ta gọi điện thoại xin lỗi Dung, nói rằng anh ta ‘làm quen’ sỗ sàng với Dung không do ý riêng mà do ‘một mệnh lệnh’ từ đâu đó...
Thôi được, bây giờ là việc thi hành ý kiến của Nhu... Ta sẽ có lợi gì? Chẳng lẽ chuyển nghề thành ‘nhân viên kinh tài’ cho Diệm – Nhu? Và ‘cách’ Nhu giãy giụa khỏi thòng lọng tài chính của Mỹ là đây!
Còn gã Trần Kim Tuyến nữa, trong các