P8 - Chương 6
Điểm báo Nữu Ước (VTX):
Tờ Nữu Ước thời báo hôm thứ Tư đã viết:
“Vị đệ nhất phu nhân” của Việt Nam đã đến rồi thì không lẽ người Hoa Kỳ có tiếng là hay nói thẳng, lại còn dè dặt không chịu nói thẳng trong khi bà Ngô Đình Nhu đã thẳng thắn trong những lời nói của bà... Khi bà từ giã chúng ta, bà sẽ biết được thái độ của người Mỹ về vấn đề Việt Nam.”
Đoạn tóm tắt thái độ ấy, tờ Nữu Uớc thời báo viết: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh có tính chất chính trị nhiều hơn quân sự: chỉ có một Chính phủ được lòng dân mới có thể dẹp tan bọn phiến loạn Cộng sản.
Mặc dù nếu có thể làm việc ấy, người phương Tây cũng có thể tự mình chọn lựa Chính phủ, hoặc chính mình đảm đương cuộc nội chiến trong một nước châu Á.”
Tờ Nữu Uớc thời báo viết tiếp:
“Chính nhân dân Việt Nam phải tự giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước của họ. Vai trò của Hoa Kỳ là làm cho họ hiểu rằng cuộc viện trợ và sự ủng hộ của Hoa Kỳ là không thể kéo dài vô thời hạn. Chúng tôi hi vọng rằng “quan điểm ấy của người Mỹ” sẽ được trình bày rõ ràng với bà Nhu, và nếu bà trở về Sài Gòn với ý niệm rõ ràng đó, thì cuộc viếng thăm của bà tại Hoa Kỳ không phải là không hữu ích.”
*
Tin của Helen Fanfani (Financil Affairs):
Ngày 26-10 - một ngày thứ Bảy - trôi qua, không có một xáo trộn nhỏ nào. Nhưng, lần đầu tiên từ khi ông Ngô Đình Diệm giành được quyền bính, đây là lễ Quốc khánh tẻ nhạt nhất. Chế độ cố sức thổi phồng quang cảnh tưng bừng, thế mà cả thành phố nín thở chờ đợi một cái gì ghê gớm bùng nổ.
Diễn từ chiếm các trang nhất mọi tờ báo, đài phát thanh ra rả đọc mãi cái điệp khúc do Bộ Thông tin chỉ huy. Nguyễn Đình Thuần, thay mặt các bộ, phát một diễn từ ca ngợi Tổng thống hết lời. Đại tướng Lê Văn Tỵ, nhân danh quân đội, tuyên thệ trung thành với Tổng thống, hẳn bài viết của ông đóng hai chữ FM(1) đỏ chót. Tỉnh trưởng từ Quảng Trị đến An Xuyên điện về tới tấp. Ngoại giao đoàn đến chào Tổng thống tại Dinh Gia Long. Nguyên thủ nhiều quốc gia chúc mừng Việt Nam Cộng hòa. Điện của Tổng thống Kennedy hết sức thắm thiết: “Tôi xin đảm bảo với Ngài, Chính phủ Hoa Kỳ và cá nhân tôi, chúng tôi xem sự hợp lực với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Ngài đừng đầu là một trong những sứ mệnh cao cả của Chúa giao phó. Chín năm trước Nam Việt đứng trên bờ vực sụp đổ, ngày nay Việt Nam Cộng hòa trở thành tiền đồn chống Cộng hữu hiệu ở Đông Nam Á.”
(1) Franchise Militaire (Trung thực quân sự), dấu hiệu thời Pháp ghi trên phong bì thư từ quân nhân để khỏi dán tem.
Buổi chiều, Ngô Đình Diệm mở tiệc chiêu đãi ngoại giao đoàn. Đại sứ Cabot Lodge cụng li với Diệm. Phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc cũng có mặt - từ trưởng phái đoàn đến đoàn viên không che giấu vẻ hả hê. Sau tiệc, quan khách xem phim tư liệu: “Việt Nam Cộng hòa - miền tự do dược chinh phục.”
Tuy nhiên, sự giả tạo vẫn là biểu trưng của ngày Quốc khánh. Ông Diệm ý thức rõ thực tế đó - nụ cười của ông chợt tắt và chốc chốc, ông như rơi và trạng thái lơ đãng ngay cả trước những cử chỉ xã giao vồ vập của một số đại sứ.
*
Điểm báo Tây Đức:
Born (VTX)
Báo chí tại Cộng hòa Liên bang Đức đã bình luận rất nhiều về bản phúc trình của hai ông
Mac Namara và Taylor về tình hình Việt Nam.
Tờ “Franxfurter Allgemeine Zeitung” cho rằng quyết định của Hoa Kỳ muốn ngưng toàn thể viện trợ cho Việt Nam kể từ năm 1965 không làm cho báo ấy ngạc nhiên, và theo báo đó, thì Hoa Kỳ không thể bỏ rơi Việt Nam, ít cũng trong tình thế hiện tại.
Nhưng Hoa Kỳ rất muốn làm như vậy. Ngoài ra, báo này còn nhận xét rằng tướng Taylor không muốn tập trung nhiều binh sĩ Hoa Kỳ tại một căn cứ hoạt động mà muốn sử dụng những phương tiện chuyên chở tối tân để di chuyển quân đội một cách linh động hơn tới một vùng bị đe dọa.
Ông Mac Namara xưa nay vẫn theo đuổi chính sách tiết kiệm tài chính trong vấn đề quốc phòng, cũng đã chấp nhận lí thuyết này.
Chính phủ Mỹ đã chịu ảnh hưởng của báo chí Mỹ về vấn đề Việt Nam. Tại Hoa Thịnh Đốn, người ta không thích đọc những tin tức về “sự thối nát của tình hình miền Nam Việt Nam.”
Hơn nữa, các báo cáo của những nhà ngoại giao và những kí giả nhiều khi không phù hợp với những tin tức của quân đội và mật vụ.
Vị tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cố ý làm giảm sút mối giao hảo với Chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông Bộ trưởng Mac Namara và đại tướng Taylor đã phải củng cố mối bang giao đó.
Ông Bộ trưởng quốc phòng Mỹ có cảm tưởng rằng các nước đồng minh sẽ không chiến thắng nếu họ không được sự ủng hộ của nhân dân. Sau khi tiếp xúc với các nhà quân sự, ông Bộ trưởng nhận thức rằng các kí giả đã phác họa tình hình thành một bức tranh quá đen ám... Theo ông thì Tổng thống Ngô Đình Diệm “rất vững.”
*
Luân đánh giá toàn cảnh buổi chiêu đãi ở Dinh Gia Long – một hiện tượng tranh tối tranh sáng diễn ra trước mắt anh. Tôn Thất Đính xun xoe đến chào Diệm và hàng tướng lĩnh đều làm như vậy, song hình như tất cả, kể luôn Diệm đều hiểu sâu sắc rằng họ đang đóng kịch. Nhu tuy lánh mặt, qua máy thu hình truyền bằng dây vào phòng riêng, anh ta xác định: không thể không ra tay. Anh ta đã bảo Luân như vậy, sau đó.
Paul Harkins, nhân khoảng giữa bữa tiệc và buổi chiếu phim, đi bách bộ với Luân ngoài tiền sảnh.
- Đại tá nghĩ gì về tương lai? – Paul Harkins hỏi.
- Thưa tướng quân, tôi nghĩ về tương lai thông qua nghĩ về hiện tại. Bất cứ tương lai nào cũng định đoạt ngay từ hiện tại...
- Đúng! – Harkins vui vẻ. – Đại tá, một quân nhân lại có khiếu về chính trị, về triết học...
- Cám ơn tướng quân quá khen...
- Hiện tại không mấy tốt, tôi đồng ý, nhưng làm sao chuyển tình thế tốt hơn?
- Mọi người đang chơi ván bài chính trị, xử lí mọi xung khắc bằng điển từ, âm mưu, dàn cảnh... trong khi chúng ta thích nghiên cứu bản đồ. Tình thế sẽ tốt hơn nếu mọi người cùng đứng trước bản đồ.
- Tôi quan tâm số phận của quân lính Mỹ. Còn hai tháng nữa, một số cố vấn và binh sĩ Mỹ sẽ về nước dự lễ Noel như tướng Taylor và Bộ trưởng Mac Namara long trọng hứa với dân chúng và Tổng thống Mỹ... Liệu tôi có thể thực hiện điều đó không?
- Thưa tướng quân, tôi không nghĩ đại tướng và Ngài Bộ trưởng tin vào cái họ hứa! E rằng, chúng ta sẽ chứng kiến nhứng đáp số trái ngược.
- Đại tá hơi bi quan chăng?
- Thưa tướng quân, rất hạnh phúc nếu nhận xét của tôi sẽ thực tế là bi quan. Tôi không nói về nội tình và những bất đồng giữa Chính phủ hai nước mà tướng quân và tôi đều trung thành. Tôi nói về chuyện khác, chuyện nước Mỹ tách xa ý định ban đầu khi mở rộng ảnh hưởng đến khu vực này. Tôi nhớ một ý kiến rất sắc sảo của tiến sĩ Kissinger: “Ở Nam Việt, Việt Cộng sẽ thắng nếu không thua, còn Mỹ sẽ thua nếu không thắng...” Cao Ly kết thúc bằng “Match nul”(2). Nam Việt khe khắt hơn: không có hòa. Hai chục nghìn quân Mỹ, con số đẻ con số, lúc đầu dưới dạng toán cộng nhưng ai dám quyết đoán là nước Mỹ sẽ không buộc phải dùng phép toán nhân? Bởi vậy, tôi cho rằng tướng quân sửa soạn bài toán trừ là hơi sớm!
(2) Tỷ số hòa
Harkins không phản ứng trước lời nói – theo phong cách quân sự - khá vô lễ giữa một đại tá với một đại tướng. Ông ta, một lúc sau, thở dài:
- Cánh quân nhân chúng ta chỉ là bức màn khói. Họ - các nhà chính trị ấy – cần chúng ta như cần một dữ kiện để dẫn chứng, để ví dụ, thế thôi...
Các nhân viên lễ tân đã mời quan khách vào phòng lớn xem phim. Harkins siết tay Luân:
- Đại tá có thể trở thành nhà chính trị! Đại tá thích không?
Luân cười, tránh trả lời - anh quyết định giữ thái độ lửng lơ như vậy.
*
Buổi sáng nay, Ngô Đình Nhu dàn dựng một kịch mới: Phu nhân của Đại tá Huỳnh Hữu Hiền, tư lệnh không quân, viếng hải quân tại bến Bạch Đằng, nhận làm “mẹ đỡ đầu Hỏa vận hạm 471.” Có mặt trên chiến hạm Đại tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh hải quân và Trung tướng Trần Văn Đôn, quyền Tổng tham mưu trưởng, đại úy hạm trưởng, phu nhân của Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm và Đại tá Nguyễn Thành Luân, thay mặt cố vấn Ngô Đình Nhu. Phu nhân Đại tá Huỳnh Hữu Hiền, dong dỏng cao, mặc chiếc áo dài lụa trắng đẹp lộng lẫy. Bà ta rất trẻ, toát lên