P9 - Chương 18
Trong lúc Nguyễn Khánh ở Buôn Mê Thuột thì Sài Gòn lại lên cơn sốt, lần này mang tính chất đặc biệt: công nhân, lao động toàn thành phố bắt đầu cuộc tổng đình công lớn nhất từ sáu giờ sáng ngày 21-9 và kéo dài đến 23-9. Chủ xướng cuộc tổng đình công là Tổng liên đoàn Lao công Thiên Chúa giáo, tổ chức nghiệp đoàn hàng đầu ở Việt Nam Cộng hòa, với người lãnh đạo khét tiếng Trần Quốc Bửu, được đánh giá là “Cần lao gộc.” Các tổ chức nghiệp đoàn khác cũng phối hợp với Tổng liên đoàn Lao công như Tổng liên đoàn Lao động mà lãnh tụ Lê Văn Thốt bị công an cho vào sổ “liên quan tới Việt Cộng.” Liên hiệp các nghiệp đoàn tự do mà lãnh tụ là Bùi Lượng được thợ thuyền xem như có dính líu với Đảng Đại Việt, lực lượng thợ thuyền mà lãnh tụ Nguyễn Khánh Văn ít nhiều nhờ vả Pháp...
Lí do của cuộc tổng đình công: Hãng dệt Vimytex vô cớ sa thải công nhân.
Tổng nha cảnh sát quốc gia biết tin sẽ có cuộc Tổng đình công từ ba hôm trước, khi đại diện nghiệp đoàn không đi đến thỏa thuận với ban giám đốc hãng dệt – hãng dệt loại lớn, trang thiết bị tối tân và riêng cái tên cho thấy bề thế của nó: Việt – Mỹ. Nhưng, Tổng nha không nghĩ rằng cuộc tổng đình công sẽ được hưởng ứng rộng. Bởi vậy, chiều 20-9, đại tá tổng giám đốc không ra một chỉ thị gì đột xuất.
Dung bị dựng dậy vào năm giờ rưỡi sáng. Cô thiếu úy Hằng trực đêm gọi điện cho Dung:
- Thưa thiếu tá! Đại tá triệu tập các sĩ quan chỉ huy có mặt ở Tổng nha trước sáu giờ!
- Tại sao?
- Cuộc tổng đình công sắp bắt đầu...
- Chúng ta đã biết việc đó rồi...
- Nhưng tình hình nghiêm trọng hơn...
- Nghiêm trọng như thế nào?
- Thưa, em chỉ được lệnh như thế...
- Chị sẽ có mặt.
Dung hôn nhẹ lên má con, căn dặn chị Sáu rồi lái xe đến Tổng nha. Cô đến vừa kịp lúc Đại tá Nguyễn Quang Sanh bắt đầu nói, bên ngoài trời chưa sáng hẳn, những giọt mưa đêm còn đọng trên lá cây thỉnh thoảng buông xuống thềm một tiếng lách tách buồn bã.
- Cuộc tổng đình công sắp bắt đầu... - Đại tá vén xem đồng hồ - Còn năm phút nữa... Trừ bệnh viện, còn toàn thành phố sẽ không có điện và nước. Từ tám giờ trở đi, sẽ có những cuộc biểu tình và tuần hành lớn. Ít có khả năng cuộc tổng đình công chỉ chĩa vào vụ sa thải công nhân Vimytex. Thật ra, đêm qua, giữa lúc các ông bà ngủ yên, – Đại tá hơi cười - Tôi đã phải thức để gặp trực tiếp chủ hãng Vimytex và vụ sa thải coi như kết thúc êm đẹp: không ai bị đuổi cả. Nhưng thông báo của Bộ Lao động và cả của tôi cho các nghiệp đoàn không được hưởng ứng. Thủ tướng hiện không có mặt ở thủ đô, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh bảo ông không được ủy quyền xử lí các tình huống tương tự. Phó Thủ tướng Đỗ Mậu bảo đó là việc của Bộ Lao động và của Tổng nha. Đại tướng Trần Thiện Khiêm hỏi vặn tôi: Đại tá muốn chúng tôi nã đại bác vào người biểu tình? Trung tướng Dương Văn Minh yêu cầu tôi hãy làm việc đúng người có trách nhiệm...
Dung thấy rõ đôi mắt đỏ chạch của đại tá Tổng giám đốc...
- Tôi gọi điện cho đoàn cố vấn Mỹ. Họ bảo: Chuyện của các ông!... Các bạn nghe chưa? Tôi gõ hết các cửa dù giữa đêm và dù bây giờ cũng nhận tiếng quở trách, thậm chí, tiếng chửi kèm theo tiếng ngáp. Và bây giờ, tôi làm phiền các bạn, những cộng sự của tôi. Tôi vừa chỉ thị...
Đèn vụt tắt. Nhưng ánh sáng ban mai đã dần dần tràn vào phòng.
- Nhà đèn đình công rồi! Họ không dọa suông đâu.
Cả phòng nghe tiếng thở dài của đại tá Tổng giám đốc.
- Tôi nói đến đâu rồi? À, tôi vừa chỉ thị cho Nha cảnh sát đô thành, Nha cảnh sát Nam phần tung lực lượng bảo vệ các cơ quan quan trọng, các sứ quán và tôi sẽ gặp ông Trần Quốc Bửu. Tôi hi vọng cuộc tổng đình công chấm dứt nội nửa ngày hôm nay. Lực lượng dã chiến của Tổng nha phải sẵn sàng, hễ nơi nào gọi bộ đàm báo cáo có biến động thì lập tức can thiệp. Giải tán tất cả các cuộc tập họp dù mang màu sắc nào – tôi nhấn mạnh: sư sãi, linh mục... cũng không được biểu tình khi mà cả nước đang sống trong lệnh giới nghiêm. Các ông bà chỉ huy phải trực tại chỗ. Quá mười hai giờ trưa, căn cứ vào tình hình diễn biến, tôi sẽ gặp lại tất cả tại đây...
Đại tá ngập ngừng một lúc, nói tiếp:
– Giải tán mọi cuộc biểu tình nhưng không được gây thương tích cho bất kì ai! Không bắt ai!
Mọi người lặng lẽ rời phòng với gương mặt nặng trình trịch: Làm sao giải tán biểu tình mà không va chạm và nhất là không bắt ai? Lệnh của đại tá Tổng giám đốc tự nó đã vô hiệu hóa ngay từ đầu.
- Bà thiếu tá Thùy Dung, tôi nói chuyện với bà!
Tổng giám đốc gọi Dung.
- Tôi hẹn bảy giờ gặp ông Trần Quốc Bửu và các ông lãnh đạo nghiệp đoàn tại Nhà Kiếng. Bà cùng đi với tôi!
Dung đứng nghiêm, dấu hiệu tuân lệnh và rời phòng, về Nha công vụ.
Trên bàn viết của Dung đã có sẵn một số tờ báo, phần lớn là báo của Chính phủ, quân đội và vài tờ “độc lập” vẫn phát hành dù tổng đình công. Liếc qua các tít to, Dung nắm được ý nghĩa sâu xa của cuộc tổng đình công, hoặc, nói cách khác, biết được lực lượng nào nhảy vào vòng chiến với ý đồ riêng. Công nhân lao động tham gia bởi lẽ đơn giản: quyền lợi của họ bị xâm phạm, hôm nay chủ sa thải công nhân Vimytex, ngày mai Vinatexco, ngày mốt Caric, Nhà Đèn, rồi BRJ – RMK, Caltex v.v... Nhưng, cũng không chỉ bấy nhiêu lí do. Khi Dung vào Nam một thời gian thì nổ ra cuộc tổng đình công nhân ngày 20-7 – đó là cuộc tổng đình công chính trị đòi hai miền Nam Bắc hiệp thương, lập lại quan hệ bình thường, tiến tới tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, chỉ diễn ra vài giờ. Một ít lần “tổng đình công” do Trần Quốc Bửu xướng xuất để chống Cộng, chống Bình Xuyên, chống Nguyễn Chánh Thi, ủng hộ “Ngô Chí Sĩ” ... là trò đùa vô duyên. Lần này tổng đình công thật sự. Hàng chục vạn công nhân lao động nghỉ việc hẳn hoi. Đằng sau yêu sách chống sa thải, cả một sức bật mạnh mẽ: biểu thị sự bất mãn đối với chế độ và biểu thị luôn nguyện vọng ngăn ngừa Việt Nam thành một Triều Tiên thứ hai với hàng trăm nghìn quân viễn chinh Mỹ, với tàn phá và chết chóc khó lường, với nguy cơ đe dọa nền luân lí dân tộc... Na ná như phong trào lật đổ Ngô Đình Diệm năm trước những người lao động bình thường nhân một cái cớ để tỏ thái độ. Bởi vậy, cuộc đình công đầu tiên giương cao khẩu hiệu kinh tế lại chính là đợt tiến công chính trị. Theo Dung, chưa đủ sức phát khởi cuộc tổng đình công, chủ yếu là lợi dụng các thế lực tranh chấp, nhưng nó cũng giới thiệu nước mức tiến bộ của cách mạng trong vòng mười tháng qua, kể từ chính biến 1-11-1963. Chưa thể đòi hỏi cách mạng cao hơn...
Còn Mỹ? Mỹ muốn thêm có một cú cảnh cáo Nguyễn Khánh? Hãy đóng cho thật tốt vai trò lót đường, hãy tỏ ra một tướng lãnh thật sự “bàn tay sắt” – lần thử thách có thể là cuối cùng.
Còn các thế lực khác? Các phe phái chính trị sau thắng lợi xé bỏ Hiến chương Vũng Tàu, vẫn chưa hạ được Khánh, kể cả cuộc “biểu dương lực lương” của tướng Đức. Cuộc chạy đua để trở thành con ngựa độc quyền kéo cỗ xe của Mỹ kích thích dữ dội ham muốn điên dại các chính khách và cả các tướng lãnh. Quân đội chống Nguyễn Khánh, người Thượng chống Nguyễn Khánh, sinh viên học sinh chống Nguyễn Khánh, bây giờ, thợ thuyền chống Nguyễn Khánh. Thế là đủ, quá đủ. Cho nên, họ gặp nhau và dù “đồng sàng dị mộng,” họ đều chống, chống thật, chống giả, lợi dụng sức chống đối của kẻ khác...
Thái độ của Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia cho thấy điều đó: lệnh của ông cực kì bí hiểm. Thật ra ông đã thổ lộ: gõ cửa ông Nguyễn Xuân Oánh, Đại tướng Trần Thiện Khiêm, Trung tướng Dương Văn Minh, phái đoàn Mỹ. Đại tá Nguyễn Quang Sanh không dại gì đưa đầu gánh chịu hậu quả, nếu các cuộc biểu tình rùm beng đến mức nguy kịch thì cả Mỹ lẫn tướng Khiêm sẽ phải hành động, nhiều nhất ông bị khiển trách “không làm tròn nhiệm vụ” hơn là các lời cáo buộc các cực kì dữ dội.
Bảy giờ kém mười, Thùy Dung có mặt ở văn phòng Tổng giám đốc.
- Tôi vừa điện cho ông Nguyễn Khánh, ông còn ngủ. Ta sẽ nói chuyện với ông ấy khi đến Nhà Kiếng.
Hai xe con và một xe hộ tống rời Tổng nha. Tại trụ sở Tổng liên đoàn lao công đường Lê Văn Duyệt, thợ thuyền tập trung đông đặc, chờ giờ xuất phát. Qua bộ đàm trên xe, đại tá Sanh và Dung biết nhiều trung tâm đang sửa soạn xuống đường, có cả học sinh sinh viên tháp tùng.
Trần Quốc Bửu và một số người cầm đầu Tổng liên đoàn Lao công đón các nhân viên cấp cao của ngành cảnh sát khá hờ hững. Không ai ra cổng chờ họ, không